Loài sâu

4. Nhận diện sâu ong kiến:

Dù chung một nhóm, sâu kiến lại đơn giản hơn sâu ong rất nhiều. Điều này cũng dễ hiểu, bởi kiến sống thành xã hội, ấu trùng kiến được chăm sóc kỹ, không cần kỹ thuật sinh tồn như những loài sâu khác. Còn ong, bên cạnh loài sống xã hội, nhiều loài chỉ đơn độc.

Ở các loài kiến và ong xã hội, sâu thường màu trắng đục, cơ thể hình bầu dục dài, không chân, đầu rất nhỏ (khá giống sâu dòi, nhưng sâu ong-kiến thường có khoảng lõm giữa ngực và bụng, đầu hơi nghiêng về một bên thân). (Hình 32 & 33) . Đối với những loài này, cách nhận diện đơn giản nhất là quan sát tổ của chúng.

Hình 32. Sâu kiến. Những cá thể sâu này nhìn khá giống với dòi, tuy nhiên chúng ta có thể thấy chúng có phần eo phân biệt ngực và bụng.
Hình 33. Sâu ong.

Các loài ong sống đơn độc thường là ong ký sinh, ong cắn lá, tò vò và nhiều loại ong đất khác. Trong những loài này, có loài có chiếc tổ riêng biệt của mình, nhưng nhiều loài đẻ trứng ký sinh trên cơ thể loài vật khác. Chúng ta chỉ có thể đoán biết về hình dáng những loài sâu này mà không thể quan sát được, vì hầu hết chúng rất nhỏ, và thường nằm trong cơ thể vật chủ (kể cả loài tò vò, dù có tổ, nhưng những chiếc tổ của chúng có chức năng như kho dự trữ thức ăn, vì chúng sẽ đẻ trứng trực tiếp vào thức ăn-vật chủ, ấu trùng sẽ lớn lên trong những vật chủ này). (Hình 34)

Hình 34. Ong ký sinh trên sâu bướm. Ở những loài ong này kích thước rất nhỏ, đôi khi trưởng thành cũng chỉ 1cm, nên chúng ta không thể quan sát sâu của chúng, mà chỉ có thể đoán ra hình dạng của chúng.Những túi kén trắng bao quanh sâu bướm trong hình là kết quả sau khi chúng ăn thịt sâu rồi chui ra ngoài hóa nhộng.

Cùng là loại ong phi xã hội này, chúng ta nên lưu ý ong cắn lá. Vì có lẽ đây là loại ong duy nhất có sâu năng động, chúng không nằm yên trong tổ, hay cơ thể vật chủ mà có thể tự di chuyển lên mặt lá để nhai gặm. Loại sâu này khá giống sâu bướm-ngài, kích thước cũng có thể vài cm. Tuy nhiên chúng thường có nhiều chân bụng hơn sâu bướm-ngài, cấu tạo những cặp chân này đơn giản, không có móc bám. (Hình 35)

Hình 35. Sâu ong cắn lá.
Không giống những loài sâu ong-kiến khác thường rất thụ động, sâu ong cắn lá có thể di chuyển khác nơi để tìm thức ăn là những lá cây.Sâu ong cắn lá khá giống sâu bướm nhưng thường có nhiều chân hơn, các chân bụng rất đơn giản, đôi khi chỉ là những mộng thịt hình chân.

5. Sâu đa túc:

Sâu đa túc chủ yếu là các loài sâu cuốn chiếu, sâu bi. (Hình 36 & 37). Nhóm sâu này và những nhóm ở trên có quan hệ rất xa nhau. Ở đây chúng ta nhận diện chúng vì thông thường chúng ta cũng xem chúng như một loài sâu. Có thể thấy ngay sự khác biệt rất lớn giữa những nhóm sâu này. Những nhóm ở trên đều là ấu trùng côn trùng, và hình dạng trưởng thành hoàn toàn khác biệt, còn sâu đa túc không có sự thay đổi hình dạng giữa trưởng thành và con non.

Sâu cuốn chiếu thường rất dài (có thể là loài sâu dài nhất), cơ thể hình ống tròn, được bao bọc bởi lớp vỏ cứng gồm nhiều đốt, mỗi đốt có 2 cặp chân, tổng số chân có thể vài trăm. Một đặc tính thường thấy ở sâu cuốn chiếu là khả năng cuộn tròn của chúng khi gặp nguy hiểm. Thói quen này có ở tất cả loài sâu cuốn chiếu, kể cả sâu bi-ở loài này cơ thể khá ngắn nên khi cuộn lại chúng gần như một viên bi. Cuốn chiếu thường ăn các loại củ, quả thối rữa, đôi khi cả mầm non cây mới trồng.

Hình 36. Cuốn chiếu.
Hình 37. Sâu bi. Cũng là một loài cuốn chiếu, nhưng ở loài này thân thường ngắn hơn.
Sâu và nông nghiệp: Để kết thúc chủ đề này, chúng ta hãy nói về sâu và nông nghiệp, vì phần trình bày trên có thể làm mọi người lầm tưởng đang biện hộ cho sâu. Dù sao đi nữa sâu cũng là một vấn đề của nông nghiệp. Sức mạnh thật sự của sâu là khả năng thích nghi giỏi, vòng đời ngắn, tăng trưởng nhanh, và rất phàm ăn. Làm sao có thể “quản lý” được những điều này? Mình nghĩ rằng, sâu cũng giống như một chứng bệnh, nếu chúng ta khỏe thì bệnh không xâm phạm, vườn khỏe thì sâu không gây hại được. Nhưng cũng cần biết rằng đây là một loại bệnh dịch, mà vườn chúng ta thì không cách ly với thế giới, khi bệnh đến chúng ta thoát ra với thiệt hại nhỏ hơn mà thôi.

Kết: Người ta ước tính rằng có khoảng 1 triệu đến 10 triệu loài côn trùng trên quả đất này, thì chỉ riêng những nhóm sâu mà chúng ta nhắc đến ở đây cũng hơn 700k loài. Tất nhiên số loài này không bao giờ có thể tập trung hết tại một nơi duy nhất, và mỗi loài cũng không ai biết có thể có bao nhiêu triệu cá thể. Nhưng nếu chúng ta chỉ xem sâu là kẻ thù, e rằng chúng ta đã tự nhận lấy quá nhiều kẻ thù.

Tri Vô

Thông tin tác giả:

Họ tên: Vòng Chiến Phúc 
Facbook liên hệ: https://www.facebook.com/thanhdat.huynh.146
Tính đến năm 2021, Anh đã về làm vườn cùng gia đình được 5 năm. Anh có sở thích quan sát, tìm hiểu về côn trùng, nên toàn bộ những điều chia sẻ trên đây là thông qua góc nhìn cũng như quan sát mang tính cá nhân, bạn hãy chỉ xem nó như một tài liệu tham khảo, không có tính đúng sai nhé. 

Ý kiến của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Scroll to Top