Cái muốn và Kiên định

Tây Nguyên mùa này nắng mưa bất chợt. Mưa tới, đám nông dân tụi tôi hay ngồi túm tụm ngắm mưa và “chém gió” đủ mọi chuyện trên đời. Hôm nay, một anh nông dân đưa ra chủ đề “Về vườn cần nhất là cái gì?”. Anh em tụi tôi lao vào chém gió: nào là cần sức khoẻ, nào là cần sự đồng thuận trong gia đình, nào là cần chút tiền dự trữ trong vài năm đầu, nào là cần đọc quyển “Cọng Rơm”, nào là phải có “Vốn làm vườn” và “Vốn xã hội”…. Còn tôi thì quả quyết, cái cần nhất là “Biết mình muốn gì và kiên định với điều mình muốn”. Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng tôi thì thấy ngược lại. Rất nhiều bạn không biết chính xác mình muốn gì. Đôi khi bạn cũng mông lung trong chính cái muốn của bản thân. Và rồi tất nhiên sự mông lung đó, làm cho bạn khó thực hiện được cái muốn. Hậu quả thường là mất thời gian, mất công sức, đôi khi tiêu tốn nhiều tiền bạc nữa.

1. Mông lung việc chọn đất:

Nhiều bạn khát khao về vườn, nên vội vã chọn và mua đất, trong khi bản thân chưa rõ hình dung về khu vườn mình muốn. Và bởi vì sự mông lung này, nên thường các bạn sẽ bán hoặc chuyển đi chỉ sau thời gian ngắn, kèm theo lời than phiền và sự mệt mỏi. Lý do thì có nhiều: hàng xóm phun xịt, hàng xóm nuôi heo, đất xấu quá, đất dốc quá, vùng khô hạn quá,… Những điều này thực sự có thể giải quyết được, nếu các bạn rõ ràng mình muốn gì ngay từ đầu. Nếu ban đầu bạn quyết tâm tránh xa hoá chất tổng hợp từ xung quanh, thì hoặc bạn phải chọn hàng xóm tin tưởng, hoặc phải tự mua đất đủ rộng đảm bảo có khoảng cách an toàn với các vườn lân cận. Câu chuyện tương tự với chuồng heo, với đất dốc…

Vì vậy bạn nên biết rõ mình muốn gì, rồi hãy đi chọn đất. Nhưng tất nhiên, cũng phải xếp hạng ưu tiên 1, 2, 3 trong những cái muốn, điều kiện nào là tiên quyết ta nhất định đảm bảo, chứ cái gì cũng muốn thì khó khăn lắm.

Ví dụ như bản thân mình, mục tiêu chọn miếng đất này là để:

  • Ngăn chặn việc người ta tiếp tục múc nguyên quả đồi (họ đã múc một phần rồi).
  • Sau đó, dưỡng rừng lại trên mảnh đất sỏi đá ấy.

Dọn đót và dương xỉ trên sườn đồi rất dốc

Thực ra, nhiều lúc dưỡng rừng cũng không hề dễ. Chẳng hạn chỗ này, đồi rất dốc, đi không cũng đã khó. Đót và dương xỉ mọc dày cả mét. Khu đất này mình chờ 2 năm rồi mà vẫn không có cây nào tái sinh lại được với đót và dương xỉ. Vậy nên mình đã :

  • Trước tiên phải kiếm hạt giống cây thân gỗ ươm vào bầu.
  • Sau đó lên đồi phát hết đót và dương xỉ, rồi mới vác bầu ươm lên trồng.
  • Xong xuôi thì chặt tre lên đóng cọc đánh dấu. Cọc phải dài 1 mét thì mới nhận ra được.
  • Trong 1, 2 năm đầu phải đi kiểm tra liên tục, cũng như cắt đót và dương sỉ thường xuyên, để chúng không át mất cây trồng.
  • Rồi cuối cùng là hy vọng cây sẽ bứt lên trong vài năm đầu.

Thế nên:

  • Tuỳ theo sức mà mua đất bằng hay dốc nhé.
  • Thấy cây nào tái sinh được thì ráng mà giữ.
  • Nói vậy nhưng dưỡng rừng vẫn rất sướng.

2. Mông lung trong việc kiếm gì từ vườn:

Hãy hỏi bản thân thật kỹ, và nghiêm túc trả lời: ta muốn kiếm gì từ vườn? Khi đó, bạn sẽ đỡ mất thời gian, công sức và tiền bạc.

Chẳng hạn, bạn muốn thu hoạch thật sớm và nhiều trái cây như: bơ, sầu riêng, … để bán, thì tất nhiên bạn phải mua nhiều giống cây bơ, sầu, … ghép về trồng. Cây ghép cho trái sớm hơn cây trồng từ hạt. Tuy nhiên, tụi này yếu nên nếu trồng thì bạn cần bỏ nhiều công sức: phải chăm tưới, phải bổ sung phân, phải quản lý sâu bệnh nữa. Thêm vào đó, giá cây giống những loại này khá cao. Đó là cái đánh đổi.

Nếu bạn không cần nhiều để bán, nhưng cần sớm có một ít trái để ăn. Câu chuyện sẽ đơn giản hơn. Lúc này, bạn phải trả lời được cái “một ít” là bao nhiêu. Khi đó bạn sẽ biết mua 1, 2 hay 5 cây ghép để trồng trước, còn lại thì trồng từ hạt (ăn trái gì ngon, thấy cây gì hay, lấy hạt, tự ươm, tự trồng). Nếu biết câu trả lời một cách nghiêm túc, chắc sẽ không có chuyện bạn mua 50 cây bơ, sầu, … ghép một lúc.

Khi chăm cây cũng vậy, nếu bạn biết bạn kỳ vọng gì vào nó, và rõ năng lực mình tới đâu, thì sẽ không phải băn khoăn những câu hỏi như: có đi mua phân bò không? Có đi xin sinh khối từ ngoài không? Có làm IMO để tưới không? Khi bạn thắc mắc những điều này, đa phần là do các bạn chưa biết đủ rõ mình muốn gì?

3. Tạo lập những cánh rừng:

Đầu mùa mưa, mình đi thăm vài vườn và được nghe những câu chuyện rất giống nhau. Các bạn thường mơ ước về những cánh rừng đa loài và đa tầng tán. Các bạn nói là năm ngoái đã bỏ ra rất nhiều tiền lẫn công sức, mua vài ngàn cây gỗ về trồng. Xong mình hỏi “giờ nó ra sao?”, thì câu trả lời là “chết gần hết”. Nguyên nhân bởi vì thuê người đến cắt cỏ và họ cắt luôn cây gỗ. Các bạn khá bực mình, vì đã dặn kỹ rồi mà mấy anh cắt cỏ vẫn cắt trúng cây. Mình hỏi “vì sao phải thuê cắt cỏ?”, thì đa phần câu trả lời “đất rộng quá không tự cắt được”. Nhưng cái hay nhất ở chỗ các bạn vẫn có ý định lặp lại cách thức trên trong năm nay, tức là vẫn mua vài ngàn cây về trồng và vẫn thuê người cắt cỏ.

Thực ra thế này bạn ạ. Đừng bao giờ hy vọng việc anh cắt cỏ bạn thuê có thể chừa lại các cây bạn trồng. Khó lắm. Thứ nhất, anh ấy không mê cây như bạn, mấy cây gỗ nhỏ xíu với các anh là đồ bỏ. Thứ hai, dù các anh ấy chú ý thì cũng khó để không cắt trúng, tốc độ cái máy quá nhanh, cỏ thì cao, cây thì thấp. Cơ hội sống của những cái cây bạn trồng sẽ thấp vô cùng.

Bạn muốn làm vườn đa loài, đa tầng tán cơ mà. Cứ một năm bạn thuê người cắt cỏ trụi lụi vài lần như vậy, thì cơ hội nào cho cái vườn đa loài. Cứ coi như bạn mướn được một anh cắt cỏ tuyệt vời, nghĩa là anh ấy tha cho các cây bạn trồng. Nhưng như vậy, bạn sẽ có một khu vườn có mấy loại cây bạn trồng, làm sao mà có đa loài khi cây tự mọc không có cơ hội sống.

Vì vậy, bạn phải biết mình muốn cái gì và cần kiên định với nó. Nếu bạn muốn một vườn đa loài, có lẽ việc đầu tiên là ngừng việc thuê người cắt cỏ.

Nếu bạn thực sự muốn một khu vườn đa loài. Đâu nhất thiết phải trồng mấy ngàn cây 1 năm khi vườn bạn nhỏ hơn 5ha. Theo mình thấy, chỉ cần cái câu liêm hoặc cái liềm, mỗi khi rảnh bạn cắt một khoảnh nhỏ. Cắt chậm để kịp nhận ra các cây tái sinh. Nếu không có khả năng nhận biết cây tốt, thì bạn cắm mấy que tre vào để đánh dấu. Nếu muốn các bạn có thể trồng một vài cây gỗ vào mỗi khoảnh 3000m2 nếu thấy cây tự mọc ít quá. Trong vài năm đầu, có thể bạn thi thoảng phải cắt cỏ bằng liềm hoặc câu liêm quanh những gốc cây đã trồng để nó vươn lên trên những bãi cỏ. Và bạn cũng cần nhớ, đa phần các cây gỗ sau 5 đến 10 năm là nó bắt đầu phát tán hạt và sẽ có nhiều cây khác mọc lên.

———————————

Còn nhiều câu chuyện lắm, nhưng về cơ bản đều liên quan đến việc các bạn chưa thực sự biết mình muốn gì. Vì vậy hãy dành thời gian để hỏi xem mình thực sự muốn gì. Đôi khi hỏi xong các bạn mới biết mình không biết mình muốn gì. Và có khi phải mất vài năm chúng ta mới trả lời được thực sự mình muốn gì.

Trong lúc chưa biết chắc chắn câu trả lời, tốt nhất bạn đừng tác động quá nhiều vào khu vườn. Hãy ráng kiên nhẫn chờ đợi và cho chính mình cơ hội.

Chúc các bạn biết được mình muốn gì và luôn kiên định với điều mình muốn.

Hoàng Đạt.

Thông tin vườn:
– Chủ Vườn: Gia đình anh Đạt chị Nga.
– Địa điểm: Cát Tiên, Lâm Đồng.
– Facebook anh Đạt https://www.facebook.com/sach.ga.520

Ý kiến của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Scroll to Top