Nếu hiện tại bạn đang đi trên con đường làm Vườn rừng, thì chắc hẳn việc dành nhiều thời gian để quan sát, cảm nhận khu vườn sẽ mang đến nhiều điều thú vị, lẫn mở ra một thế giới bí mật muôn màu. Có lẽ những trải nghiệm ấy, sẽ cho chúng ta cái nhìn khác về khu vườn, cũng như định nghĩa “làm vườn là làm gì?”. Dưới đây Xanhshop góp nhặt được những trải nghiệm của anh Tri Vô về các loài sâu bọ trong vườn nhà, đọc những dòng anh viết tự nhiên thấy: ồ làm vườn cũng có phần “thơ ca”, có phần như nhà “khảo cổ”, lại cũng là “nhà sinh vật học”. Khu vườn muôn màu, muôn vẻ, muôn điều kì thú, chứ không chỉ là nơi xách cuốc ra, trồng cái cây chờ ngày thu quả để bán 😀 . Là một người lười biếng (người đang viết những dòng này), sau khi đọc bài anh Tri Vô em không hề có áp lực sẽ bắt bản thân phải hiểu côn trùng trong vườn, phải biết định danh chúng, hay cố gắng tìm cho mình một “đam mê” nào đó với vườn, chỉ đơn giản là hoàn toàn đồng ý: khu vườn rất thú vị, hãy quan sát chúng, còn chuyện biết hay không, không quan trọng 😀 . Mỗi chúng ta, có một màu sắc khác nhau trong khu vườn.
1.Nhận diện một số loài sâu thường gặp:
Thông thường khi nhắc đến sâu, chúng ta sẽ nghĩ đến loài gây hại, may mắn hơn thì đấy là con mồi trong quan hệ “thiên địch-con mồi”, hoặc một “mắt xích sinh thái”, nhưng dù sao thì vẫn thuộc diện “quản lý tổng hợp”. Nhưng sâu có thể giá trị hơn nếu chúng ta nhìn bằng cách khác. Xác định được một loài sâu, có thể biết được hiện trạng khu vườn:
- Nơi nào có nhiều sâu bướm phấn thường là kết quả của việc trồng nhiều cây họ đậu và các loại rau, cải,
- Nơi nào xuất hiện sâu đục thân thường là những mảnh vườn già cỗi, bệnh, hoặc mất cân bằng.
Cùng quan hệ trên, đảo ngược lại, khi chúng ta trồng một loại cây sẽ biết phải gặp loài sâu nào. Trồng cây họ Cam quýt sẽ gặp sâu chanh, trồng cây na, mãng cầu sẽ gặp sâu bướm đuôi cụt, trồng cây bơ, điều sẽ gặp sâu bướm bà,…Chúng ta theo hướng vườn rừng, và cũng biết rằng nó sẽ là “rừng” khi có động vật rừng xuất hiện. Sâu là một trong những loài đầu tiên đó.
Rất nhiều loài sâu chỉ sống trong một sinh cảnh nhất định. Sinh cảnh rừng thường xanh, sinh cảnh rừng ven suối, sinh cảnh rừng tre nứa, rừng tái sinh, trảng cây bụi cỏ,…Biết loài sâu nào là biết dấu hiệu chỉ báo, mà cũng biết mức độ phục hồi của vườn-rừng chúng ta. Tất nhiên, có sâu thì có loài ăn sâu:
- Sâu bướm-ngài thường thu hút chim sâu, chim chích, chèo bẻo, chào mào,…
- Sâu róm là thức ăn ưa thích của cu cu, tìm vịt, chèo chẹo,…
- Sâu đục thân lại thường bị săn tìm bởi gõ kiến.
Đến lượt những loài chim này, mà phần nhiều cũng ăn cả thực vật, sẽ mang đến vườn chúng ta những giống loài thực vật mới. Như vậy, nói hơi viễn vông một chút, sâu là một trong những tác nhân sẽ định hình vườn rừng mà chúng ta đã gieo. Tuy nhiên, chúng ta cũng chẳng cần bàn nhiều về vấn đề này, vì nó vượt quá hiểu biết của ta. Thay vào đó, hãy quan tâm đến điều mà chúng ta có thể làm: nhận biết các loài sâu thường gặp, mà trước hết là nhận biết thế nào là sâu. Về cơ bản chúng ta có 2 cách hiểu về sâu.


- Sâu: như là sâu đo, sâu tơ, sâu cuốn lá,..nghĩa là những sinh vật có cơ thể hình ống, tròn, dài, có chân hoặc không có chân, thường là ấu trùng của côn trùng. (Hình 1)
- Sâu: như là sâu bọ, sâu rầy, sâu hại,…nghĩa là một cách gọi của côn trùng. Ở đây nên lưu ý thêm về chữ “sâu bọ”, thông thường chúng ta hiểu từ này nghĩa là “côn trùng”, nhưng như ở (1) cho thấy sâu còn có nghĩa là ấu trùng. Còn “bọ” vốn được dùng để chỉ trưởng thành của côn trùng: bọ rùa, bọ ngựa, bọ xít,…


“Sâu bọ” như vậy nên hiểu là “sâu”+“bọ”. Dĩ nhiên đây là cách hiểu của mình, vì đôi khi từ “bọ” mở rộng ra cả cho loài không phải trưởng thành côn trùng, như “bọ cạp”. Tương tự, chữ “sâu” cũng được dùng cho loài không hề là ấu trùng: sâu cuốn chiếu, sâu bi,…(thuộc động vật Nhiều chân-Đa túc). Dù sao sự mở rộng này cũng có giới hạn của nó, tất cả những loài này đều là động vật Chân khớp, những loài khác dù cũng có cơ thể hình ống, tròn, dài, nhưng không bao giờ được gọi là sâu: giun, rắn, sên trần,…Đến đây chúng ta gần như đã nhận diện được thế nào là sâu, trừ ngoại lệ cuối cùng này: sâu tai (bọ đuôi kìm) cũng là sâu? (Hình 2). Sở dĩ có tên này có lẽ bởi người ta dịch từ tên tiếng Anh của chúng: earwig, và ngoại hình với phần bụng kéo dài của chúng. Tuy nhiên bọ đuôi kìm là dạng trưởng thành của loài côn trùng này, như vậy gọi là “bọ” có vẻ chính xác hơn, mặt khác nếu chỉ lấy mỗi việc có thân bụng kéo dài để gọi là sâu thì lẽ ra mối chúa cũng là sâu, các loài châu chấu cũng là sâu? (Hình 3)


Có lẽ chỉ 2 nhóm có thể gọi là sâu : nhóm ấu trùng côn trùng & nhóm động vật Đa túc. Cũng cần biết rằng sâu là ấu trùng côn trùng, nhưng không phải ấu trùng côn trùng nào cũng là sâu, những loài như châu chấu, dế, ve sầu có ấu trùng tương tự trưởng thành, và chẳng hề giống sâu chút nào. Theo mình chỉ 4 nhóm côn trùng này có ấu trùng là sâu: Nhóm bọ cánh cứng, Nhóm bướm-ngài, Nhóm ong-kiến, Nhóm ruồi. 4 nhóm sâu/ấu trùng này & nhóm sâu Đa túc sẽ là nội dung chính mình sẽ trình bày dưới đây. Đặc điểm chung là tất cả đều có thân hình ống, tròn, dài, và tất cả đều là “Sâu” theo cách gọi của chúng ta. Tuy nhiên trước khi nhận diện chi tiết từng nhóm, chúng ta nên bắt đầu bằng một điểm nhận diện chung quan trọng, nhưng ít được quan tâm vì quá đơn giản: CHÂN CỦA SÂU. Mỗi loài sâu có kiểu di chuyển khác nhau, xác định được chân của sâu là chúng ta đã xác định được chúng thuộc nhóm loài nào, đôi khi đến một loài cụ thể nào:
- Sâu cuốn chiếu (nhóm Đa túc) có hàng trăm cặp chân, trụ và di chuyển hoàn toàn bằng những cặp chân này.
- Ngược lại, sâu dòi (nhóm Ruồi) chẳng có chân nào, chỉ có thể di chuyển bằng uốn lượn cơ thể để trườn đi.
- Sâu ong kiến tự là một thái cực, rất nhiều loài trong nhóm này chẳng hề có chân, mà cũng chẳng có nhu cầu di chuyển đi đâu cả.
- Sâu bọ cánh cứng thì ngược lại, hầu hết các loài đều có 3 cặp chân, chỉ ít loài không chân, hoặc tự tiêu biến đi chân trong vài giai đoạn cuộc đời.
- Nhóm cuối cùng, sâu bướm-ngài, có lẽ là nhóm tương đồng nhất, vì thường có 3 cặp chân ở thân và 2-5 cặp chân ở bụng. Số cặp chân ở bụng này nhiều ít tùy loài, riêng cặp chân ở đốt bụng cuối (đốt mông) luôn luôn có.