Xử lý mâu thuẫn với hàng xóm

Dù có công nhận hay không thì hiện nay lượng người từ phố về quê đang khá nhiều, và họ mang theo nếp sống phố thị len lỏi tới nhiều mảnh đất, hoặc nếp sống phố đã có sẵn ở quê chúng ta chỉ nhấn mạnh thêm chút nữa. Một dấu ấn lớn của nếp sống này là sự mất kết nối, sự dè chừng nhau giữa những người hàng xóm. Dễ dàng thấy ở nhiều vùng quê, hàng rào đã kiên cố hơn, cổng nhà đã khép chặt hơn, đúng không ạ. Điều đó rất dễ hiểu, khi ta càng bận rộn, nhịp sống càng vội vã rồi đâu đó sẽ quen với sự đóng kín, sự riêng tư không chỉ không gian, tài sản mà cả trong giao tiếp. Nên khi hòa nhập vào cộng đồng ở quê, nơi mà “giới hạn” không gian của mỗi gia đình khá mờ nhạt, chúng ta – người phố rất dễ bị sốc, bị cảm thấy thiếu riêng tư thiếu tôn trọng, nói chung là cảm giác mất an toàn. Thêm nữa, là những sự khác biệt về văn hóa đời sống trong ứng xử, trong suy nghĩ, nói chung ta cảm thấy khác cộng đồng xung quanh quá nhiều nên mâu thuẫn xảy ra.

Sống mà mâu thuẫn với hàng xóm, với những người gần mình thật sự chẳng thể vui, nên Xanh gom góp lại đây những câu chuyện, những chia sẻ của một vài gia đình đã và đang hòa nhập thuận lợi, trọn vẹn với làng quê.

1. Ta luôn là mình:

Anh Đạt (giới thiệu vườn gia đình anh Đạt, chị Nga tại đây https://www.xanhshop.com/places/vuon-dat-nga/ ) từng cảm thấy “khó hiểu” khi mà nhiều bạn về vườn cũng có vấn đề với hàng xóm, hay là khó bắt chuyện, thân mật với mọi người xung quanh, còn riêng anh là “khổ tâm” với sự nhiệt tình thân thiện của cô bác địa phương.

Cứ là mình, cứ làm việc của mình.

Thấy cỏ trong vườn nhà anh tốt là có chú sang nhắc, có khi còn định cầm bình xịt giúp cho luôn. Cây cối thấy héo hay có dấu hiệu nào đó bất thường là hết người này đến người khác sang chỉ, sang bảo ban, vì sợ anh không biết rồi gia đình lấy gì mà ăn. Tóm lại hàng xóm quá sức nhiệt tình, ngăn giúp đỡ không kịp, nên toàn phải nghĩ cách để nói làm sao đơn giản cụ thể cho mọi người hiểu được liền, thế là anh lấy vấn đề sức khỏe của bản thân (có hồ sơ bệnh án hẳn hoi) để giải thích việc: tại sao lại làm vườn “bỏ hoang”, tại sao không dùng hóa chất nông nghiệp. Chỉ thế là bà con thông cảm, “chấp nhận” trong vui vẻ, thấu hiểu 😀

Anh nhận ra rằng, bản thân nếu có giằng xé “nội tâm” về bất kì điều gì là do trước đó đã định hình nhiều tiêu chuẩn, nhiều điều kiện cho một mối liên hệ, hay một sự việc.

Mỗi khi nhận được phản hồi của bất kì ai về lời nói hay hành động, chúng ta thường dễ bị phản ứng lại theo đúng sự phản hồi ấy, mà không giữ được bản chất của chính mình. Nên làm gì cho ai, anh không quan tâm kết quả, cũng không có điều kiện gì đi kèm, thế là gần như chẳng có mâu thuẫn gì với hàng xóm hết. Họ có ra sao, vẫn giữ được “nội tâm” theo đúng giá trị mình muốn.

Ví như, chúng ta thường chỉ mâu thuẫn với hàng xóm, nếu họ làm những thứ vi phạm vào chuẩn mực của mình. Ta không xịt thuốc rồi ta mong ai cũng vậy, nếu họ xịt ta tức giận buồn rầu, rồi nhìn họ bằng con mắt khác. Ta cho hàng xóm thứ gì đó, thì cũng mong họ tốt lên, biết cho đi hay cũng cho lại mình cái gì đấy, chứ hôm sau mà họ ba trợn là ta bực.

Đưa ra điều kiện nên là thứ khiến mỗi người học để tốt hơn lên, chứ không phải mang tính quyết định bản chất con người và hướng đi của mình. Khi gặp bất kì vấn đề gì, mình không xem lại con đường đã chọn, mà:

  • Tìm về tự nhiên: đi vào quan sát vườn, hành xử của vạn vật đâu đó chứa câu trả lời.
  • Quay vào bên trong: ngồi xuống tự hỏi bản thân muốn gì, cần gì, nhìn lại nội tâm của chính mình.

Mọi vấn đề, cũng như câu trả lời luôn nằm ở chính bản thân mình, chỉ ở bản thân mình, mà thôi.

2. Mục đích về vườn?

Anh Lộc, chị Quỳnh Daknong thì lại có một câu chuyện với hàng xóm rất khác (bài giới thiệu chi tiết về vườn anh chị ở đây https://www.xanhshop.com/chan-dung-nong-dan/khu-vuon-bika-nha-cua-doi-ta/ ). Anh chị chủ động để tạo mối quan hệ với mọi người:

  • Thân thiện hòa nhã, và tìm mọi dịp để cho đi: đồ ăn, công sức lao động, các kĩ năng đặc biệt của bản thân … Mục đích: trở nên có ích cho cộng đồng.
  • Đón nhận và tôn trọng mọi khác biệt. Ví như không cố công thay đổi cách làm nông của người khác, cứ việc mình mình làm.
  • Có mối quan hệ tốt với chính quyền địa phương. Là một người lạ, nên nếu được sự hướng dẫn từ cô chú anh chị quản lý thì việc hòa nhập với cộng đồng sẽ dễ hơn.
Mọi ồn ã sẽ xếp lại bên đường, chỉ mang về nhà những niềm vui

Nhưng chia sẻ Xanh tâm đắc nhất là khi anh chị Quỳnh Lộc nói đến đoạn:

Khi xảy ra tranh chấp đất đai, người ta cứ mỗi ngày mỗi lấn, lấn nhiều quá hoặc quá đáng lắm thì có thể nhờ chính quyền can thiệp, nhưng trên hết bản thân đã xác định về vườn là để làm vườn, để có một lối sống nhất quán với tư tưởng nương tựa tự nhiên, chứ không phải cố tích cóp một khối tài sản, thêm bớt chút đất mình cũng không giàu hơn hay nghèo đi, nên nếu như những khúc mắc với hàng xóm lên đỉnh điểm, mình sẽ nghĩ về mục đích ban đầu ấy, không để cảm xúc kéo bản thân đi xa.

Sau đó cũng có một anh/chị chia sẻ rằng: hàng xóm lấn 500m2 đất, anh/chị vẫn bình thường, vẫn thuê mướn nhờ cậy hàng xóm chuyện này chuyện kia, tỉ tê tâm sự, thế rồi tự nhiên bác hàng xóm trả lại đất. Mọi chuyện diễn ra rất nhẹ nhàng.

Xanh rất thích cách “đối thoại” với sự thả lỏng việc sở hữu tài sản vật chất của các anh chị, trong mọi tình huống luôn đủ tỉnh táo để giữ được mục đích ban đầu: tại sao ta về vườn. Mọi thứ chẳng còn gì phải trái hơn thua, cứ thế mà diễn ra thôi.

3. “Tạo ra” hàng xóm:

Dưới đây là một vài chia sẻ của chị Hằng Vườn Mai (bài viết chi tiết giới thiệu Vườn Mai https://www.xanhshop.com/places/vuon-mai/):

Các bạn hay hỏi tôi “em không muốn hàng xóm sang nhà em cắt cỏ. anh chị có cách nào không?”

Thiệt tình là hồi đầu mới về vườn tôi chúng tôi cũng không muốn người ta qua nhà mình cắt cỏ đâu. Nhưng #sống_ở_vườn, ngoài việc làm giàu #vốn_sinh_thái, chúng ta cũng cần làm giàu #vốn_xã_hội nữa. Quan hệ xóm giềng là một dạng vốn xã hội. Muốn có vốn thì phải gầy dựng, tích cóp thôi ?

Cây cầu bên trái là chú A hàng xóm hay đi qua nhà tôi để cắt cỏ cho bò. Nó được bắc ở chỗ mà đất nhà tôi thấp hơn nhà chú A, chênh lệch độ cao khá lớn (coi mũi tên màu đỏ), nên mỗi lần chú sang cắt thì vác cỏ qua cầu khá vất vả. Vào mùa mưa thì từ cái cầu đi lên đất nhà chú dốc trơn trượt.

Trước Tết, có bác B cho cái khung sắt. Sáng nay mùng 2 Tết (2022), ông nông dân nhà tôi đã chọn chỗ mà đất hai nhà bằng nhau để đặt cầu. Từ nay, chú A có thể qua vườn nhà tôi cắt cỏ và đẩy xe rùa về cho khỏe, khỏi vác nặng, cũng khỏi lo trơn trượt.

Mời chú thím ra khánh thành cây cầu hữu nghị ? tôi sẵn dịp gởi thông điệp luôn “chồng con giúp chú thím việc gì con cũng vui hết, chỉ có vụ giúp uống bia rượu là con không vui xíu nào”.
Chú thích: ở quê mấy ngày Tết những hoạt động nhộn nhịp nhất là nhậu, đánh bài, đá gà …

Kết nối nối với người khác là việc quan trọng. Nhưng bỏ đi những kết nối nguy hiểm cũng là việc quan trọng.

Chúc các bạn bắc được những cây cầu nên bắc và bỏ được những cây cầu nên bỏ <3 

Xanh hi vọng rằng với ba mẩu tâm sự này thì mỗi chúng ta sẽ có góc nhìn nhẹ nhàng với hàng xóm, với những mâu thuẫn, để rồi cuối cùng gia đình sẽ hòa nhập được vào cộng đồng mới, môi trường mới, sống một cuộc đời vẹn toàn với nhiều niềm vui.

Ý kiến của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Scroll to Top