Khu Vườn BiKa: nhà của đôi ta

1 Người ở vườn:

Mình là Quỳnh, xuất thân từ quê lên Sài Gòn học và “bám trụ” cũng được 15 năm. Sài Gòn bạn biết đó, một thành phố không lúc nào ngơi nghỉ và con người ta gần như cũng vậy. Lắm lúc mình thấy mệt mỏi tới rã rời và nghĩ “sao không về quê sống mà phải ở lại Sài Gòn này ta?”. Như bao cái sự mong đợi và mặc định từ gia đình rằng Sài Gòn là nơi duy nhất mà người ta có thể dễ dàng tồn tại, khẳng định bản thân và phát triển sự nghiệp. Ờ cũng đúng nhỉ, nhưng ngẫm lại bao năm qua lao đầu ra đường, miệt mài nơi công sở và rồi được gì, đã bao giờ mình thực sự sống với niềm mong muốn của riêng bản thân chưa. Đang kiếm tiền để trang trải cho nhu cầu hay lao đầu ròng rã để gồng gánh cho những tham cầu mà thôi?

Còn ông xã mình sinh ra và lớn lên ở ngoại ô Sài Gòn, ổng hay kể “ngày xưa” đi tắm mưa, bắt cá, thả diều, lội kênh, tắm hồ… giờ thì chỉ còn đi bộ là thong thả thôi. Và ổng luôn muốn sống bình dị như những ngày xưa ấy. Ổng chính là người truyền động lực và quyết tâm về vườn cho mình. Người Sài Gòn mà thích về quê làm nông dân gắn bó với thiên nhiên đích thị là ổng nè 😀

Cùng chí hướng thích về vườn từ rất sớm, nhưng hai vợ chồng chưa có đủ khả năng tài chính mua một mảnh đất riêng cũng như gia đình không ủng hộ nên tụi mình tiếp tục làm việc cho các công ty trong khoảng thời gian khá dài. Rồi cũng tới lúc không còn phù hợp với khung thời gian cố định ở công ty nữa, tụi mình chuyển hướng sang kinh doanh riêng. Với tiêu chí hướng tới lối sống xanh, giảm thiểu rác thải, tiêu dùng những sản phẩm không sử dụng hoá chất, tụi mình đã mở một cửa hàng refill với các sản phẩm thân thiện môi trường và không bao bì. Lúc này, mình may mắn biết tới hai cuốn sách Cuộc cách mạng một cọng rơmGieo mầm trên sa mạc, nó giúp mình nhận ra con người có quá nhiều tham cầu trong khi mọi thứ bên ngoài chỉ là phương tiện và sự “buông bỏ” giúp cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Khi dịch covid bắt đầu bùng phát cũng là lúc tụi mình nhận thấy cuộc sống vô chừng, những điều bản thân biết thì quá ít, rủi ro bên ngoài thì rất nhiều, và tụi mình quyết định thực hiện ngay ấp ủ về vườn từ lâu (6 năm về trước).           

Định hướng khi về là có sức khoẻ tốt hơn nhờ không khí trong lành, thực phẩm an toàn hơn do tự cung tự cấp, gần gũi thiên nhiên hơn để đầu óc nhẹ nhàng, canh tác không hóa chất, trồng cây ngắn ngày (chuối, đu đủ, thơm,…) để nuôi cây ăn trái lâu năm (mít, xoài, nhãn…) rồi nuôi cây rừng, thay đổi một lối sống (từ sự đủ đầy vật chất, mua sắm tiêu dùng có phần dư thừa sang lối sống đơn giản, tiện đâu thích nghi đó, tự cung tự cấp) và biết đâu có thể tạo nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho những ai cũng có ấp ủ như mình để họ có quyết tâm thực hiện mà không quá nhiều đắn đo.

2. Khu vườn:

Khu vườn 1hecta, mình đặt tên là Khu vườn Bika, thuộc tỉnh Đăk Nông, cách thành phố Gia Nghĩa 10km, hiện trạng ban đầu là chuyên canh tiêu, cafe và có xen ít điều.

PS: Cái tên BiKa nó vô cùng “thâm cung bí sử” như sau: Mình ở nhà tên Katy, chồng thì Bin, thế là ghép thành Bika, nó vừa đủ trôi chảy ngắn gọn, dễ kêu, dễ nhớ 😀

Lợi thế của khu vườn:

  • Có sẵn nguồn thu (cafe, tiêu, điều)
  • Một số cọc tiêu là các cây sống (muồng, lồng mứt, gòn..) giúp lợi che bóng mát cho các cây con trồng xen thêm
Mùa hoa cà phê nở thơm và đẹp lắm các bạn ạ

Vấn đề hiện tại của vườn:

  • Vườn thiếu bóng mát nên đất “bị phơi” trơ trọi khá nhiều, đồng thời với lối canh tác hóa chất tổng hợp, ít tấp tủ nên đất chai cứng.
  • Gió: vườn có khoảng 3 tháng cuối năm gió nhiều lại thiếu cây chắn gió.
  • Miếng đất khá dốc nên tốn nhiều công sức cho việc thu hoạch.
  • Nguồn nước sinh hoạt còn tồn dư thuốc BVTV do phun xịt hoá chất từ trước và từ các khu vực xung quanh (đang kiểm chứng)
  • Ô nhiễm tiếng ồn từ xung quanh khi tới mùa tưới, sơ chế cafe, tiêu

2.2 Đôi điều về quá trình Làm vườn:

Tiếp nhận khu vườn từ tháng 11/2020, đầu tiên ưu tiên tự trồng rau ăn, chủ động được cái ăn đã rồi làm gì tính sau :D. Đồng thời, trúng ngay mùa thu hoạch cafe rồi đến tiêu, nên cũng “sấp mặt” với hai món này. Do mảnh đất mình mua không có sẵn máy ống để tưới, vườn lại đang chuyên canh không thể “bỏ mặc” ngay, nên trong vài năm đầu chờ cây cao lớn che bóng, thì vẫn muốn tưới cho cafe, tiêu, nên tụi mình có đầu tư mua máy nổ và lắp đường ống trong vườn.

Quy hoạch tổng thể vườn: chia vườn thành nhiều khu vực, mỗi khu vực sẽ bố trí trồng xen thêm cây gì, bao nhiêu cây để chuẩn bị cây trồng, cũng như dễ dàng quan sát và có tác động hợp lý khi cần thiết. Về cây giống thì sẽ ưu tiên tự ươm, đi xin hạt để rải, còn lại sức đến đâu mua đến đấy, chủ yếu các loại cây chắn gió, cây tiên phong phủ đất, một vài loại cây ăn trái cho gia đình, và các loại cây rừng mà tụi mình thích.

Tự chủ thực phẩm là mục tiêu đầu tiên khi tụi mình về vườn

Tụi mình làm vườn theo định hướng là không sử dụng hóa chất nông nghiệp, thay vào đó sẽ bù đắp sinh khối bằng cách:

  • Lên kế hoạch mỗi năm cắt cỏ 3-4 lần vào  mùa mưa, trước khi bắt đầu vào mùa khô thì không cắt nữa để cỏ phủ bề mặt đất giữ ẩm cho cây trong mùa khô.
  • Kết hợp với việc trồng thêm chuối (cây con sẵn có tại  vườn, xắn đem trồng ở những khu vực đang thiếu sinh khối) và gieo đu đủ để tạo sinh khối và che bóng cho cây con trong năm đầu tiên.
  • Phân hữu cơ thì cũng đang cân nhắc xem có nên bổ sung thêm phân chuồng hay không, nhưng cho đến hiện tại thì chưa sử dụng bất kỳ loại phân nào, vẫn muốn tự vườn tạo được sinh khối từ cây cỏ.

2.3 Nhân lực:

Gần như hai vợ chồng tự làm mọi thứ để hạn chế chi phí nhân công cũng như để ít tác động máy móc lớn, đó là cơ hội để tự mình khám phá từng ngóc ngách của khu vườn.

3. Chi phí đầu tư:

Thời gian mới về vườn cần xác định khoảng chi phí kha khá như sau:

  • Tiền mua đất
  • Sửa chữa nhà cửa (đất có sẵn nhà sẽ tiết kiệm được khá nhiều vì chỉ cần sửa sang lại là ở tốt)
  • Hệ thống tưới (bạn cần lưu ý khi mua đất, nếu có sẵn máy ống cũng sẽ tiết kiệm được nhiều lắm đó)
  • Cây giống: mình vừa xin hạt giống, vừa mua cây giống.
  • Nông cụ
  • Tiền ngu: khi mình chưa xác định được định hướng ban đầu, mình có cọc một miếng đất nhưng sau đó đổi ý thì bị mất cọc
  • Định hướng tiêu tiền: tăng xin giảm mua, nếu có mua thì ưu tiên mua đồ cũ, đồ tái chế, chọn ăn các loại thực vật vườn có sẵn như cỏ xuyến chi, tầm bóp, rau má,… 
Thợ đụng nhà mình, tự mày mò làm gần như mọi “công trình” trong nhà, đỡ tiền “đầu tư” nhiều món nhờ tài năng này 😀

4. Thu nhập:

Mình cũng chỉ mới về vườn được 8 tháng, mọi thứ còn mới, bỡ ngỡ, nên có thể tất cả những điều mình nói trên đây là bước thử sai đầu tiên của gia đình, qua thời gian có lẽ sẽ nhận ra nhiều bài học, trải nghiệm hơn, nhưng riêng về việc trả lời câu hỏi: về vườn tiền đâu để sống, thì với mình sống ở vườn rất đơn giản, vườn nuôi ta rất nhanh nếu bạn chọn lối sống giản dị, cái khiến ta tiêu tốn nhiều nhất là khoản đầu tư vào vườn, nên phải tỉnh táo ở khâu này. Hiện tại các nguồn thu của mình:

  • Giảm chi:
    • Chuyện ăn: bớt chi tiền thì bớt cần thu, nên gần như rau củ, trái mình ăn của vườn, ít đi chợ. Mình cũng chủ trương ăn thực vật nhiều, vườn có gì tận dụng ăn nấy, nên tiết kiệm được một khoản khá lớn đấy.
    • Mình vốn được dạy tính tiết kiệm ngay từ nhỏ nên tiết kiệm nó cũng như một phần tính cách rồi, từ cái vòi nước mở vừa phải để rửa cái chén, rót nửa cái ly nhỏ để đánh răng và rót đầy cái ly đó để rửa mặt, đèn chỉ mở ở nơi nào mình có mặt, còn lại thì tắt đi, ngày ở phố chắc mấy ông điện nước hờn mình lắm 😀 . Tính tiết kiệm có lẽ giúp mình dễ tiếp cận, khá thoải mái trong lối sống tối giản và “giác ngộ” biết đủ nhanh hơn chăng.
    • Về vườn lối sống của mình chuyển đổi rõ hơn trước, tập xài bếp củi vì đó giờ có biết nhúm củi đâu, nhờ ông xã chỉ cho mà giờ thích xài bếp củi lắm, tận dụng những thứ tưởng như bỏ đi lại thành chế phẩm hữu ích như lấy tro bếp làm nước tro giặt đồ, rửa chén, chà rửa nè.
Lúc đầu mới xài bếp củi, là cả ngày quần quật mới xong 3 bữa cơm. Giờ quen rồi, thích mê bạn ấy.
  • Gần như cắt hẳn và không có nhu cầu cho các hoạt động vui chơi giải trí, hay mua sắm. Chúng ta luôn nghĩ đặt chút đồ không đáng bao nhiêu, nhưng một tháng có 30 ngày, 30 chút ấy là rất nhiều, muốn đỡ công kiểm soát bản thân mua hàng thì quán triệt từ đầu.
  • Nguồn thu tiền mặt:
    • Nông sản: tiêu, cafe, bơ, điều.
    • Các khoản thu nhập không từ vườn: nhà cho thuê, các khoản đầu tư nhỏ, lãi tiết kiệm.
    • Thỉnh thoảng có một hai bạn thân ở Sài Gòn hỏi mua rau, nếu có dư ăn không kịp thì mình sẽ bán để có chút tiền mua gạo mắm muối, bán cho vui vậy thôi chứ cũng đắn đo vụ đóng gói lắm, nên đủ bao gạo rồi thì không bán nữa.
  • Không vay nợ: có bao nhiêu tiền thì làm bấy nhiêu, không cố gắng ngoài khả năng tự chủ, để gia đình không bị luẩn quẩn trong việc nợ nần, âm vốn, dẫn đến nhiều sự lãng phí mà bản thân không hay biết.

Thực ra với tụi mình, giảm chi, hay sống đơn giản không phải là “nhiệm vụ” hay cách thức để không phải tiêu tiền, đúng hơn đó là lối sống, lối sống ấy mình được thực hành từ bé. Lấy một ví dụ chuyện xài nước nhé:

  • Hồi còn nhỏ ở với cha mẹ, lúc nào rửa chén cha cũng nhắc nhẹ “mở vòi nước vừa phải thôi con, phải biết tiết kiệm nước sạch, chỗ mình dư dả chứ chỗ các bạn khác nơi xa xôi nghèo khó thì người ta không có nước sạch xài đâu, nên mình tiết kiệm cho các bạn khác xài nữa”, từ khi cha giải thích như vậy thì mình tự động tiết kiệm nước. Nước rửa rau và nước luộc rau để dành lại để tưới cây bên hông nhà, cha mẹ ở nhà cũng dùng cái ly nhỏ để đánh răng nữa…
“Bồn rửa” của nhà mình đấy
  • Rồi khi lấy chồng ở riêng trên Sài Gòn, hai tụi mình được cái có cùng quan điểm trong việc tiết kiệm nên cứ vậy mà áp dụng tiếp tục. Có một “sáng kiến” tiết kiệm nước khi đi “tiểu” của hai đứa là hay rủ nhau cùng xử, xong rồi mới dội nước hoặc cứ đi rồi một buổi chỉ dội nước một lần (cách này do nhà chỉ có hai người 😀 ). Thêm cái nữa là tụi mình đổ đầy 3 cái chai nước loại 500ml rồi cho vô cái bồn chứa nước của toilet để mỗi khi dội sẽ tiết kiệm nước hơn. Lúc còn đi làm thì tháng nào cũng xài 5 khối nước. Sau này nghỉ làm ở nhà nên có tăng lên 6 khối. Cả chung cư ai cũng “trầm trồ” vì không có hộ này xài tới hạn mức này :))
  • Giờ về quê còn dã man hơn, cũng để dành nước rửa rau tưới cây, nước vo gạo rửa rau, nước luộc rau cho mấy bạn chó uống (nó thích lắm), giờ giặt giũ xài nước tro nên chỉ xả một lần nước thôi, nước xả đồ thì để chà nhà tắm luôn. Mỗi tuần nhà bơm nước một lần lên cái bồn chắc cỡ 1000L trong khoảng 20-25p tuỳ tuần xài ít hay nhiều hơn.

5. Hoà nhập cộng đồng:

Làm mẻ chuối dẻo, ủ mưa chia cho hàng xóm “làm thân”. Ngon thì chia, dở chồng ăn 😀

Ban đầu lúc về vườn mình muốn xây dựng cộng đồng riêng gồm những người cùng tư tưởng, còn gọi là “làng”, mọi hoạt động chỉ giao lưu kết nối trong phạm vi làng. Sau này nhận ra tư tưởng đó chỉ là đem phố về quê mà thôi. Về quê thì phải sống như người ở quê, nên hoà nhập vào cộng đồng địa phương. Dù sống ở đâu thì mỗi cá nhân đều phải có trách nhiệm đóng góp cho khu vực nơi mình đang sinh sống, hướng tới cuộc sống tốt hơn và lan toả những điều tích cực, bản thân mình phải trở nên có ích cho cộng đồng cái đã, tính gì tính sau. Nếu mình hoà nhập được, thì sẽ có cơ hội để nói lên góc nhìn của bản thân về lối sống, lối canh tác, mới có cơ hội được cộng đồng coi trọng, lắng nghe ý kiến.

Để hòa nhập với cộng đồng hiện tại tụi mình luôn sống vui vẻ, luôn tươi cười, chào hỏi bà con xung quanh khi đi ra đường. Nhà trồng được gì nhiều thì chia sẻ với bà con, thường xuyên giao lưu cho tặng nông sản, các món ăn tự làm với phương châm cái gì mình tạo ra, tự làm cho tặng mới ý nghĩa 😀 . Đồng thời luôn sẵn sàng hỗ trợ hàng xóm khi họ cần tùy theo khả năng (làm điện, nấu ăn, phụ công cắt cỏ, ma chay giỗ quải,…) . Trong một gia đình mình chọn “tiếp cận” với phụ nữ, người già, trẻ em, rồi lâu lâu “lải nhải” về tác động xấu của hóa chất tổng hợp, về vấn đề môi trường này kia, trước là để mọi người hiểu, sau là họ trực tiếp tác động tới người chủ gia đình 🙂 .

6. Lời kết:

Tới thời điểm này, mình thấy cuộc sống ở vườn rất thú vị và quyết định của bản thân thật đúng đắn, đúng thời điểm nữa.  Sống một cuộc sống giản dị và làm điều mình cần làm – chỉ vậy thôi. Như cụ Fukuoka có nói “Đối với con người, cuộc sống giản dị như vậy là có thể nếu người ta làm việc chỉ để đáp ứng nhu cầu trực tiếp mỗi ngày của mình. Trong cuộc sống như thế, lao động chẳng phải là lao động như người ta thường nghĩ, mà đơn giản là chỉ làm những gì cần làm”.

Mình muốn nhắn nhủ các bạn đang ấp ủ về vườn: đừng nên cân nhắc quá nhiều về kinh tế, kinh nghiệm làm vườn vì mình cũng không biết nhưng có thể đúc kết từ sự quan sát, sách vở, mạng, diễn đàn… đôi khi làm sai cũng giúp ta trưởng thành và có thêm kinh nghiệm, nhưng không làm thì chúng ta sẽ mãi tiếc nuối giá mà… và không bao giờ vượt qua được vùng an toàn. Chúc các bạn sớm có quyết định dứt khoát nhé.

Katy Lê

Thông tin vườn:

Ý kiến của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Scroll to Top