Khi biết bản thân muốn được sống ở vườn, thì câu hỏi đặt ra là “mình muốn làm nông kiểu gì? Thế rồi ngó nghiêng chỗ này chỗ kia, để cuối cùng xác định sẽ trồng đồ sạch nhưng lại lăn tăn câu hỏi: trồng theo cái mô hình nào?. Có quá nhiều cách thức canh tác nên chẳng biết đi lối nào cho phù hợp, thậm chí cũng không có nhiều kiến thức, kĩ năng làm nông, nghe trên mạng nhắc đến từ tấp tủ mà còn thắc mắc “tấp tủ là cái thể loại gì?”. Thời gian ấy đang rộ nông nghiệp công nghệ cao thì cũng tính theo mô hình này, tìm hiểu kĩ mới thấy cần phải đầu tư nhiều tiền quá, bản thân cáng đáng không nổi số vốn ấy. Giai đoạn này khá là hoang mang.
Nhưng rồi cũng quyết định đi làm tình nguyện viên ở các vườn, phần để học kĩ năng làm nông dân, phần để biết về canh tác không hóa chất tổng hợp sao cho ổn mà không cần dùng nhà lưới, nhà kính. Trong mấy tháng làm tình nguyện thì mình đã giải đáp được thắc mắc trên, đã tự tin “tay nghề” canh tác, tuy nhiên ở vườn này phải chi dùng rất nhiều tiền mặt để xây dựng và duy trì hệ thống. Lúc ấy cũng hỏi bản thân: nhiều tiền thế này rồi làm sao mình bắt đầu được, khó quá.
Kết thúc đợt làm tình nguyện, bọn mình lại tiếp tục rơi vào phân vân: không biết làm sao để có thể bắt đầu làm nông với ít tiền, sao sống được ở vườn với ít tiền, chẳng biết phải bắt đầu thế nào. Tình cờ, trong một chuyến đi thăm bạn, tại đây được gặp những người nông dân sống nương tựa vào mảnh vườn và cộng đồng địa phương, thì bọn mình vỡ òa nhận ra rằng: ít tiền vẫn có thể sống ở vườn được. Tụi mình đã hình dung ra bản thân trong khu vườn ra sao, và tự tin để bắt đầu. Ngẫm lại mới thấy, dù có bao hoang mang thì luôn có những nhân duyên tốt đẹp dẵn dắt tụi mình nhìn thấy con đường để đi tiếp.


Khi sống được ở vườn rồi, thì vì ít tiền nên cứ sức đến đâu làm vườn đến đấy, không cố công vay nợ, nên vô tình có nhiều thời gian quan sát dõi theo nhịp của mảnh vườn, để nhận ra nhiều bài học, để tụi mình không chỉ sống vui, sống đủ mà còn không vô tình tác động xấu lên vườn. Thật may mắn.
Vì ít tiền nên không đầu tư công trình xây dựng nào cả, muốn làm gì cũng cân nhắc tính toán và cuối cùng là biết cái gì cần thiết, cái gì có cũng được, không cũng chẳng sao. Bản thân loại bỏ được rất nhiều sự muốn thiếu chính đáng.
Vì ít tiền nên chịu khó nghĩ ra được nhiều cách thức để góp nhặt “thu nhập”, tăng sự sáng tạo chủ động của bản thân cũng như những mối quan hệ chất lượng, và trên hết là hiểu rõ được: giá trị sống mình chọn vững chắc chứ. Lúc tụi mình hết tiền tiết kiệm thì đã định là một đứa lên phố làm còn một đứa ở lại vườn. Nhưng suy nghĩ mãi: tại sao lại rời thành phố, chẳng phải vì muốn được sống toàn thời gian ở vườn hay sao. Thế là kiên quyết ở lại, để rồi nhìn ra cách thức kiếm tiền từ việc bán quà sáng ở chợ. Thật ra lúc đi bán là cũng đấu tranh tâm lý lắm, tại không quen việc đứng bán buôn nói chuyện này kia, thấy cứ sao sao ấy, nhưng làm mãi rồi cũng quen, để rồi yêu nó lúc nào chẳng hay. Sự bán buôn này đã tạo cơ hội cho Vườn Mơ làm quen làm thân với bà con địa phương, mọi người còn biết đến chuyện gói đồ bằng lá chuối để truyền tai nhau nên ai đến mua cũng thích, hay lâu lâu được cô bác cho túi giấy, cho quà bánh … có rất nhiều điều “chất lượng” đã được sinh ra.
Nhiều khi ít tiền cũng là một lợi thế, khiến tụi mình bồi đắp nhiều nguồn vốn khác, tạo cơ hội cho nhiều nguồn vốn khác đến với tụi mình.
Trên đây là góp nhặt những tâm sự của Vườn Mơ. Các bạn ấy đã bắt đầu trở về vì bản thân muốn được sống ở vườn, chẳng biết gì nhiều về mô hình hay cách thức làm nông, mọi thức được hình thành, được đắp đầy trên chặng đường bước đi. Biết rõ sự muốn, rồi dũng cảm nhảy lên “võ đài”
Câu chuyện về vườn chi tiết của các cô gái https://www.xanhshop.com/places/vuon-mo/