Vườn Đạt Nga

Chuyến Đi Định Mệnh: Cuộc sống của chúng tôi có lẽ sẽ cứ tiếp tục như vậy nếu không có chuyến đi định mệnh đến rừng mưa Amazon. Những ngày sống trong rừng, được gần gũi với Mẹ Đất, được tiếp xúc với những thổ dân đã làm chúng tôi nhận ra rằng mình đang sống không đúng với Mẹ Thiên Nhiên mất rồi. Những thể nghiệm ở đó bắt đầu làm tôi hoang mang về cái gọi là “cuộc sống hiện đại” và có lẽ chỉ “con người hiện đại” như chúng tôi lúc bấy giờ mới chọn “vùng đất chết” để sống. Chúng tôi gọi là “VÙNG ĐẤT CHẾT” vì:

  • Bê tông đã ngăn con người với đất mẹ, cây cối không có đất để sống, nước ngầm rất khó để bốc hơi lên, nước mưa cũng rất khó để ngấm xuống đất.
  • Ở vùng đất đó, có rất ít lương thực, thực phẩm, có rất ít nước sạch. Tất cả những thứ đó đều được vận chuyển từ xa tới.
  • Ở vùng đất ấy có rất ít chim thú.

Những người thổ dân gọi thành phố là “Vùng đất chết”, họ sẽ rời khỏi đó ngay lập tức.

Với những thổ dân, toàn bộ những điều kể trên là dấu hiệu của một “vùng đất chết” và họ phải nhanh chóng chuyển khỏi nơi đó.

Điều tôi thường tự hào về một đời sống hiện đại ở thành phố là đời sống tinh thần phong phú và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt. Nhưng khi được những người thổ dân chia sẻ và nhìn vào đời sống tinh thần, đời sống tâm linh lẫn sức khỏe thể chất của những người sống nương tựa vào rừng này, thì chúng tôi thấy bản thân cần nhìn lại điều mà mình từng tự hào.

Những trải nghiệm quý báu đó đã giúp chúng tôi nhanh chóng đưa ra quyết định là phải rời khỏi thành phố và thể nghiệm đời sống nương tựa vào tự nhiên. Tất nhiên là không ai ủng hộ quyết định này; gia đình, bạn bè, tất cả đều khuyên nên suy nghĩ lại vì về vườn là con đường thất bại. Họ chỉ cho chúng tôi rằng chỉ có người ở nông thôn mới tìm cách ra thành phố và bằng mọi cách trụ lại, chứ không ai bơi ngược dòng như vậy cả. Tuy nhiên, thật may mắn vì những thể nghiệm và những điều chúng tôi cảm nhận được khi ở rừng mưa Amazon mạnh mẽ hơn những lời khuyên ấy.

1.Hành Trình Về Vườn Rừng và Rừng:

1.1 Thực hành vườn rừng:

Tái dùng rào B40 cũ

Rất nhanh chóng chúng tôi tìm được một mảnh vườn 5500m2, cách Sài Gòn 100km và ngay lập tức chuyển về đó. May mắn là chúng tôi đã tích lũy cho mình được một số kỹ năng như xây dựng, làm mộc, làm điện, làm nước, hàn… trong nhịp sống trước đó, bằng những kỹ năng này chúng tôi có thể tự làm hầu hết những thứ cần thiết cho một cuộc sống ở vườn, không tốn chi phí thuê mướn.

Năm đầu xem như chúng tôi chỉ tập trung vào xây sửa nhà, làm điện nước, đóng bàn ghế, tủ giường …rồi xây chuồng gà, bếp củi không khói… Lọ mọ vợ chồng tôi tự làm nên mất gần cả năm mới xong. Sau đó chúng tôi mới thực sự bắt tay vào “vườn rừng” như dự định. Lúc mới về thì đất ở đây thực sự là đất chết, đến cỏ cũng chê không thèm mọc. Trên đất chỉ có ít cây xoài mà chủ cho người ta thuê để khai thác trong nhiều năm. Họ sử dụng tất cả các loại hoá chất và kích thích để xoài có thể cho kinh tế nhất. Mặt đất liên tục được phun thuốc diệt cỏ nên không có cây nào mọc được. Lúc nhận đất thì thực sự là chỉ có mấy cây xoài già cỗi với đầy tầm gửi. Cái già không phải của một ông già mà là của một cô gái mới khoảng 28 tuổi mà chồng bắt đẻ 10 lứa nên những cây còn sót lại thực sự phải gọi là bạc.

Công việc đầu tiên là phải đi thu gom tất cả những chai lọ, túi nilong đựng thuốc bảo vệ thực vật vất đầy trên đất. Chúng tôi mất ít nhất một tháng mới gom cơ bản những thứ này lại. Sau đó bắt tay vào làm. Cuốc là cái gì đó xa xỉ trong những ngày đầu ở đây vì đất cứng lắm. Chúng tôi chỉ có thể dùng búa chim hoặc xà beng để trồng cây. Và sau hơn 1 năm gắn bó với đất đai, cây cỏ thì một màu xanh đã bao phủ mà không cần đến hoá chất hay phân vi sinh gì. Mảnh đất 5500m2 này có thể cho gia đình gần như mọi rau, trái cây cần thiết, phần trái thì trồng, phần thì là rau dại, vô vàn thực phẩm.

1.2. Về Rừng:

Một góc vườn lúc bắt đầu.

Lúc còn ở thành phố trong căn nhà 50m2, chúng tôi chọn mảnh vườn đầu tiên 5500m2 và trong đầu nghĩ rằng chắc phải mất cả đời mình mới khôi phục xong mảnh vườn rộng gấp nhiều lần so với căn nhà ở phố. Thế nhưng sau gần 3 năm, chúng tôi đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Và rồi không thích ngồi yên tận hưởng thành quả ấy, lại đưa ra một quyết định lớn khác đó là chuyển từ Vườn Rừng lên Rừng. Mảnh đất thứ 2 này có diện tích gấp 10 lần mảnh trước.

Hầu hết các mảnh đất đều ở trong tình trạng suy kiệt về dinh dưỡng, nhiễm độc về hóa chất và mảnh đất mới này cũng không ngoại lệ. Đất đai cằn cỗi, khô cứng do quá trình lạm dụng thuốc diệt cỏ và các phân bón hóa học trong thời gian dài. Một phần của đồi đã được máy xúc đào xới để tạo thành một bình nguyên bằng phẳng, đổi lại toàn bộ lớp đất màu bị mang đi, trơ ra phần đế đồi toàn đá cứng. Một số ít cây trồng còn trụ lại được thì bị cỗi và nhiễm bệnh.

Bước đầu tiên trên hành trình khôi phục là bỏ mặc.

Bước đầu tiên trên hành trình khôi phục là bỏ mặc. Chúng tôi để kệ vườn như vậy trong thời gian đầu tiên, chấp nhận việc một số cây già cỗi và nhiễm bệnh sẽ chết đi. Những cây khác từ từ thích nghi được sẽ vươn lên mạnh mẽ. Rồi đến một ngày cỏ dại cuối cùng cũng tự mọc, chúng tôi dưỡng tất cả những cây cỏ mà không quan tâm đến nó là loại nào. Cỏ chỉ được cắt khi nó cao quá đầu gối và luôn để lại 20cm từ gốc lên. Bằng cách đó mặt đất khô cứng bắt đầu được che phủ và trở nên ẩm hơn, lớp mùn tự nhiên được hình thành trên bề mặt do sinh khối thu được từ những lá cây rụng, những cây cỏ bị cắt, và những cây già cỗi chết đi. Chim thú bắt đầu về nhiều hơn mang theo đủ loại hạt giống.

Nhiều ao nhỏ được đào kết hợp với hệ thống rãnh nhỏ kết nối các ao, giúp toàn bộ nước mưa tích lại và ngấm từ từ, bù đắp vào hệ thống nước ngầm đang ngày càng cạn kiệt. Nếu không có hệ thống ao này, toàn bộ nước mưa sẽ chảy tràn trên mặt đất rồi đổ ra đường.

Đất đã bắt đầu mát hơn, ẩm hơn và có mùn hơn. Những loại rau tự nhiên như lạc tiên, rau trai, lá bụp giấm, lá dâm bụt …bắt đầu xuất hiện trong bữa ăn hàng ngày. Để đa dạng thực phẩm, chúng tôi trồng thêm các loại rau dài ngày như chùm ngây, rau ngót, rau dền Nhật, mần tưới, bầu đất, sâm đất …  Những loại rau này chỉ cần trồng một lần và gần như ăn được mãi. Để không mất nhiều thời gian, chúng tôi chỉ trồng một số rất ít các loại rau ngắn ngày và các rau này được trồng ở những nơi tiện canh tác và tiện nguồn nước nhất.

Một góc rừng nhà tôi bây giờ.

2. Về Vườn Lấy Tiền Đâu Để Sống:

Nhiều bạn hỏi tôi là làm thế nào giải quyết bài toán lấy tiền đâu để sống và có thu nhập ổn định khi về vườn. Tôi không thích giải toán và thực sự cũng thấy không cần thiết phải có thu nhập “ổn định” khi ở vườn. Càng mong cầu điều đó thì chúng ta càng thất bại và càng thấy không khả thi. Ta làm sao “ổn định” thu nhập được? Năm trước 1 tấn điều bán được 34 triệu nhưng năm nay chỉ còn 26 triệu. Tháng trước buồng chuối bán được 150 ngàn nhưng tháng này 250 ngàn. Thu nhập tùy thuộc vào ông trời và tùy vào giá cả thị trường. Thế nên, thay vì tìm cách “ổn định thu nhập” thì tôi nghĩ tốt hơn là ta tập cho mình cách nương theo nó. Nếu sao cũng được thì bạn chả còn sợ gì nữa. Bên cạnh đó, về việc dùng tiền gia đình tôi có 2 nguyên tắc: Giảm chi và Không đầu tư.

2.1. Giảm chi:

Nguyên tắc đầu tiên chúng tôi đặt ra khi về mảnh vườn rừng này là chỉ dùng tiền vào những việc mình thật sự CẦN, không tiêu tiền vào những việc mình MUỐN. Và để thực hiện được nguyên tắc trên thì cách thiết thực nhất vẫn là GIẢM CHI. Hành trình giảm chi trong 4 năm qua giúp chúng nhận thấy một điều là "kỹ năng càng nhiều thì khả năng giảm chi càng lớn”. Lúc đầu chúng tôi nghĩ về vườn chỉ cần mỗi kỹ năng trồng cây là đủ, nhưng thực tế không phải thế. Bất cứ điều gì bạn "biết và hiểu đến mức áp dụng được" thì đều coi là kỹ năng. May thay, những kỹ năng này đa phần ta có thể học.
  • Bạn biết làm mộc là một kỹ năng. Bạn sẽ đóng giường tủ, bàn ghế… đơn giản, cái cửa hỏng, cái bàn gãy chân, bạn có thể sửa. Bạn có thể làm cái chuồng gà hoặc dựng giàn mướp. Những việc đó nếu phải thuê thợ thì tất nhiên phải chi tiền.
  • Bạn biết về điện, nước, hàn … Đều là những kỹ năng đáng đồng tiền bát gạo.
  • Bạn biết xây dựng, đó là một kỹ năng.
  • Bạn biết dùng internet hay biết dùng tiếng Anh, đó là một kỹ năng.
Nghề chuyên nghiệp: Thợ đụng 😀
  • Bạn học giỏi toán lý hoá, đó là một kỹ năng. Ít ra nếu biết toán thì bạn có thể tính được diện tích một khu đất có hình thù kỳ dị, ít ra bạn có thể đo được độ dốc, tính toán được dòng chảy của nước mưa trên bề mặt, bạn hoàn toàn có thể tính được trên một diện tích sẽ cần trồng bao nhiêu cái cây, còn lại bao nhiêu cây để cho chim nó trồng.

May thay, thiên nhiên rất dễ tính nên nếu bạn có ít kỹ năng thì vẫn có thể sống tốt. Nhưng rõ ràng nếu bạn trang bị cho mình càng nhiều kỹ năng thì bạn càng có cơ hội giảm chi khi về vườn.

Để giảm chi thì việc “tận dụng những gì có sẵn” cũng là một việc cần thiết. Bạn đi quanh mảnh đất mới mua và cố gắng ghi nhớ những gì đang là rác ở trên đó. Mấy viên gạch cũ, vài viên gạch men sứt mẻ, vài cột gỗ mục gãy, cái cuốc hỏng cán, vài tấm tôn, đống lưới B40 hỏng biến dạng … Tất cả sẽ đều hữu dụng khi ta đặt nó vào đúng vị trí mới. Tôi nhớ là bằng cách dọn dẹp hết rác trong vườn thì tôi có đủ vật liệu để làm nhà kho, làm nhà vệ sinh khô, làm hàng rào B40, làm bàn ghế …

Tự hái măng và sơ chế.

Sử dụng đúng kỹ năng” của người khác cũng là một cách để giảm chi. Chẳng hạn vợ tôi có năng khiếu đặc biệt trong quản lý tiền. Tiền đưa vào thì dễ, tiền lấy ra thì luôn phải trả lời một đống các câu hỏi. Mua làm gì? Cần thiết phải mua không? Có cách nào khác không?… Đôi khi vì phải trả lời quá nhiều nên thôi tự làm cho rồi. Vậy là lại giảm chi các bạn ạ.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xác định là trong vòng 1 năm gia đình sẽ có đủ cơ bản các loại rau trái từ vườn, sự ăn sẽ nương tựa vào vườn: Một cách tương đối, tôi thường sử dụng 70% rau tự nhiên. Đây là loài rau không cần trồng, nó tự mọc và tự sống. Việc của ta chỉ là làm sao học hỏi xem loại nào ăn được, và thay đổi khẩu vị của mình sang món ăn mới. Bạn có thể tìm thấy rau trai, lạc tiên, rau đắng, càng cua … trong vườn. Về đây tôi học được từ người dân địa phương món canh lá dâm bụt non và món chồi dương xỉ, mà dâm bụt với dương xỉ trong vườn của tôi có thể coi là bất tận. 25% rau ăn là rau lâu năm, nghĩa là trồng một lần và ăn mãi. Có thể kể đến rau dền Nhật, rau ngót, chùm ngây, hoa chuối …. Tôi thường chỉ dành 5% cho các loại rau khó tính cần phải chăm như cải, xà lách … những loại này nhất thiết phải trồng ở những nơi đất tốt và gần nguồn nước. Như vậy ta sẽ có đủ rau ăn sau 1 năm về vườn mà gần như rất ít tốn công cho nó. Chăn nuôi thêm một ít gia cầm nữa, là lại có nguồn thức ăn phong phú.

2.2. Không đầu tư:

Từ thực tế bản thân, chúng tôi luôn tuân theo nguyên tắc: bất kể nguồn chi nào cho dù ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn thì mình đều phải đảm bảo tiêu chí "không được lỗ". Nếu đảm bảo "không được lỗ" thì cơ hội để ta nương tựa được vào vườn rừng sẽ cao hơn. Muốn "không lỗ" thì tôi luôn giữ nguyên tắc "KHÔNG ĐẦU TƯ". Nghĩa là không chi tiền hoặc có chi thì chi rất ít, ít đến mức có mất đi khoản đó cũng không ảnh hưởng gì. Chúng tôi không mua cây giống, không mua phân bón cho dù là phân chuồng hay phân vi sinh, không mua các máy móc lớn để làm vườn. Vì không chi nên bất cứ cái gì nhận được từ vườn với tôi đều là "quà tặng" hay có thể coi là phần lãi. Vài bó rau, vài buồng chuối, vài bụt măng tre, vài ký hạt điều, vài cây gỗ ... tất cả chúng đều được coi là lợi nhuận hay phần lãi khi về vườn.
Có những ngày, những mùa “lợi nhuận” nhiều đến “tức bụng”.

Một thực trạng với người nông dân hiện nay là họ luôn phải đầu tư rất nhiều cho vườn. Đầu tư xong rồi ngồi phân tích trên lý thuyết là cuối mùa sẽ lãi bao nhiêu, nhưng đôi khi thực tế khác xa lý thuyết. Chỗ tôi đang ở, các đại lý phân bón cho bà con mặc sức mua nợ mọi vật tư nông nghiệp và đến cuối mùa thu hoạch mới phải trả tiền. Cái “bẫy tài chính”, này nhìn thì rất hợp lý nhưng thực ra tỷ lệ rủi ro của nó cực cao. Nếu được mùa và được giá thì người nông dân sẽ hân hoan lắm, kết quả sau đó là thêm nhiều ti vi mới, nhiều giàn Karaoke mới. Và vụ sau họ lại tiếp tục mua nợ. Nếu mất mùa hoặc mất giá thì người nông dân sẽ bị ôm một khoản nợ, kết quả thường là phải bán đất đi để thanh toán vì ngoài đất ra họ không còn gì cả.

Nguyên tắc dùng tiền của gia đình: giảm chi và không đầu tư. Thu nhập bao nhiêu với chúng tôi không quan trọng, bởi có sao sống vậy.

Khi tôi kể câu chuyện này cho bạn bè, những người đang ở bước đầu trên hành trình về vườn, thì hầu như họ đều thấy nó không liên quan, vì các bạn ấy tin rằng: người nông dân “mua nợ” nên mới chịu rủi ro, chứ họ có tiền họ trả ngay mà. Bạn ơi, bạn nhầm to lắm rồi đấy. Bản chất là không có gì thay đổi khi bạn nợ hay trả ngay. Nếu mất mùa hoặc mất giá thì túi tiền của bạn sẽ vơi đi nhanh chóng. Và khi đó bạn sẽ phải chịu càm ràm từ vợ hoặc chồng suốt ngày này qua ngày khác. Nếu vụ sau vẫn tiếp tục lỗ thì sự càm ràm sẽ chuyển thành những trận cãi vã, và cái kết thường vẫn là việc phải “bán tháo” mảnh vườn, là không đủ sống và quay lại thành phố sống với một ký ức sợ hãi khi ở vườn.

Nếu bạn về vườn mà dư ra vài trăm triệu. Thấy một bao phân chuồng có 40 ngàn, một bao xơ dừa có 40 ngàn, một cây giống sầu riêng có 50 ngàn, một cây chuối con có 10 ngàn. Bạn thường đập tay mua mỗi thứ vài trăm đến vài ngàn cây và rất nhanh vài trăm triệu ấy bay hơi rất nhanh. Tôi hay đùa bạn bè rằng, cách làm đó không khác mấy với việc sử dụng “margin” khi mua chứng khoán hoặc vay tiền ngân hàng đi kinh doanh bất động sản. Sử dụng các đòn bẩy tài chính nó giống như đánh bạc, hoặc là ví bạn dày lên nhanh chóng hoặc là nó sẽ xẹp lép. Vì vậy, tôi nghĩ “chậm mà chắc” vẫn phù hợp với người về vườn hơn. Suy cho cùng, nếu muốn “ôm nhiều tiền” thì chúng ta nên ở thành phố sẽ dễ dàng hơn.

Tôi tin là việc không đầu tư vào phân, vào cây giống thì cơ hội để chúng ta nương tựa vào vườn vẫn là cao nhất. Thay vì mua cây giống thì ta có thể đi xin hoặc đi nhặt hạt về ươm, rồi nhân giống từ từ. Phân chuồng và phân vi sinh có thể thay thế bằng chính sinh khối có sẵn trong vườn, ta có thể chăm chỉ trồng thêm các cây cho nhiều sinh khối như chuối, muồng…. các loại cây bản địa mà “lớn nhanh như thổi” bất chấp thời tiết.

Lợi nhuận mà chúng tôi không ngờ tới: trẻ con trong làng có chỗ vui chơi, còn chúng tôi được thấy được biết đến những tuổi thơ đẹp.

2.3. Thu nhập ở vườn:

Trong vòng 1 năm đầu tiên, chúng tôi gần như không có thu nhập gì nhiều từ vườn, nên mọi chi phí sẽ là chi từ tiền tiết kiệm, vậy nên triệt để hai nguyên tắc phía trên bao nhiêu, cơ hội “sống khỏe”ở vườn bấy nhiêu. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xác định các nguồn thu ở vườn như sau:

  • Chuối: được chọn gần như là loài tiên phong trong vườn. Tôi chọn chuối vì nó dễ xin, dễ trồng, dễ nhân, nhanh chóng che bóng, cho sinh khối lớn và là chất tấp ủ rất tốt. Chuối ăn được từ hoa, quả, thân và rễ. Nếu trồng nhiều thì việc bán chuối cũng là một nguồn thu thoải mái cho chúng ta ở vườn. Chỉ 1 năm là có buồng chuối đi bán rồi.
  • Điều: nhiều bạn cứ thấy điều là chặt và quy cho nó đủ thứ tội. Riêng tôi thấy điều nên là một loại cây trong vườn của những bạn làm vườn rừng. Và thật may mắn khu vườn của tôi có sẵn, thế là có một khoản thu nhập ngay. Tôi thích điều bởi nó rất dễ tính:
    • Bạn chỉ cần trồng thôi, còn khô hạn kiểu gì nó cũng sống được. Nếu tính về cây cho quả mà không cần tưới thì có lẽ điều là số 1.
    • Lá điều rụng rất nhiều, lá rụng nhiều có nghĩa là sinh khối lớn.
    • Cái tôi thích nhất ở điều có lẽ là khâu thu hoạch. Đơn giản vô cùng bởi nó tự rụng, bạn chỉ việc ra gốc cây nhặt trên mặt đất. Người già hay trẻ nhỏ đều có thể làm được, và thêm đó, cho dù nó rụng đấy cả tuần bạn ra nhặt vẫn được không hư hỏng, hiếm có loại nào “chín” mà không hề hối bạn thu ngay như vậy.
    • May là giờ người ta mới chỉ mua hạt điều còn trái điều hầu như bỏ. Nếu bạn có một đống lá khô, hoặc cỏ khô, hãy thử để nó quanh gốc chuối chẳng hạn, sau đó đổ phần quả điều vào, mọi thứ sẽ phân hủy rất nhanh.
    • Thời gian thu hoạch vào mùa khô. Các bạn làm nông tự nhiên đều biết mùa khô là mùa chả có gì làm, còn mùa mưa là mùa đi trồng cây. Vì vậy trong mùa khô cứ chiều mát hoặc sáng sớm đi nhặt điều bán kiếm tiền cũng là việc rất thú. Vì vậy các bạn đừng vội chặt điều đi nhé. Với 2 vợ chồng, nếu vườn có khoảng dưới 50 cây thì rất nhàn.
Nhà của muôn loài dưới tán tràm.
  • Tràm/ keo: giống như điều, nhiều bạn có mối thâm thù với tràm/ keo. Cứ nhìn thấy tụi này là các bạn chặt. Mà đen là hầu hết các vườn rộng khi mua lại toàn tràm và keo. Tôi về chỗ này cũng có một quả đồi toàn tràm. Tất nhiên là tôi không chặt đi rồi vì chặt đi sẽ nắng nóng lắm. Tôi chỉ tỉa cành và tỉa thưa những chỗ rất dày. Tự nhiên đất sẽ nhận được một lượng sinh khối lớn. Sau đó đến mùa mưa tôi sẽ bắt đầu trồng xen các cây khác vào giữa những cây tràm. Tràm lúc này vừa là cây che bóng, vừa là cây chắn gió. Sau khoảng 4 năm khi những cây trồng xen như gõ đỏ, lim, tếch, giáng hương, bời lời, dầu, de, dổi, sao, kơ nia… đã cứng cáp và cần vươn cao thì khi đó ta sẽ chặt tràm đi bán tất nhiên là nếu cần thiết. Vừa có thêm một khoản thu mà lại vừa trả lại được không gian cho các cây khác đang cần.
  • Một vài năm tới có thể chúng tôi sẽ có thêm thu nhập từ việc bán các loại hạt quý như dổi, ươi, … Những cây gỗ như gõ đỏ, lim, tếch, giáng hương, bời lời, dầu, de, dổi, sao, konia … và nhiều cây gỗ tự nhiên mà chúng tôi không biết tên khi đó đã lớn được coi như “của để dành” và là nguồn thu trong dài hạn. Tất nhiên chúng tôi mong là mình không bao giờ phải dùng đến “của để dành” đó.

3. Một vài sai lầm hay ho 😀 :

Thất bại từ việc chăn nuôi không kiểm soát.

Lúc về mảnh vườn đầu tiên, tôi hăm hở nuôi gà. Với tư duy giảm chi nên tôi chỉ mua 5 con gà mái và 2 con trống. Sau đó để nó tự đẻ và ấp trứng. Thời gian sau đàn gà tăng tới gần 300 con. Tôi bắt đầu hào hứng và hừng hực khí thế vì lúc nào cũng có gà và trứng ăn, thi thoảng còn bán được vài con để có đồng ra đồng vào. Và đó là thất bại vì đến một ngày lũ gà lăn ra chết hội đồng. Tự nhiên lúc đấy mới nhận ra:

  • Tôi đã bỏ một lượng kha khá tiền mặt để mua bắp, thóc cho gà ăn khi vườn nhà chưa thể cung cấp được.
  • Tôi đã lãng phí một lượng thời gian quá nhiều cho đàn gà mà thời gian đó nếu dành cho việc khác sẽ hiệu quả hơn.
  • Khi còn lại vài con thì thấy tốc độ hồi phục của vườn tăng đột biến. Côn trùng nhiều hơn, chim về nhiều hơn, cây tái sinh nhiều hơn. Chợt nhận ra rằng gà nó đã xơi sạch nguồn lực tự nhiên và không cho các dạng sống khác cơ hội tái sinh. Sau này nhiều bạn có trao đổi với mình là nuôi bao nhiêu gà trên một diện tích là đủ? Câu trả lời có lẽ là tùy. Tùy vào năng lực cung cấp của vườn. Vườn giàu có thể nuôi được nhiều gà hơn vườn nghèo. Nhưng có một kinh nghiệm mà mình rút ra: Bạn hãy trồng chuối trong vườn, nếu gà mổ thân chuối thì có nghĩa là lượng gà đang nhiều hơn năng lực của vườn. Khi đó hãy giảm đàn. Từ đó trở đi, chúng tôi luôn kiểm soát số lượng vật nuôi và luôn giữ số lượng đó phù hợp với khả năng của vườn.

Trên đây là câu chuyện về vườn của gia đình chúng tôi, hi vọng rằng bạn sẽ tìm thấy được điều gì đó phù hợp với mình. Chúc bạn sẽ có những bước chân thật vững vàng trên con đường của bản thân nhé. Về vườn thật sự là trải nghiệm của mỗi cá nhân, không ai giống ai, cũng không có lời giải chung nào cả, nhưng nếu các bạn cần gì, chắc chắn tôi luôn sẵn sàng chia sẻ.

Hoàng Đạt

Thông tin vườn:

Vườn Đạt Nga
Bảo Lộc, Lâm Đồng
Lâm Đồng Vietnam
Scroll to Top
Scroll to Top