Lang thang trong Nhóm cọng rơm trên Facebook, Xanhshop thấy bài viết về kiến của anh Tri Vô thực sự thú vị, nên lưu lại đây để nhiều bạn bè có thể dễ dàng tìm đọc. Bài viết là trích nguyên văn tác giả ạ 🙂 .
Nói thật, mình thấy mọi người cực ẹ về động vật luôn ấy ạ Trong khi theo mình động vật lại là 1/2 vấn đề của vườn. Tất cả việc xới đất, gieo hạt, ươm mầm, cắt cỏ, ủ phân, thụ phấn, thu hoạch, và cả tiêu thụ nữa, động vật đều làm phụ mình hết rồi, chỉ vì mình không nhận thôi.
Trong động vật, côn trùng lại là nhóm quan trọng nhất. Có thể xem côn trùng như loài tiên phong của giới động vật trong vườn. Hiện tại, rất nhiều loài động vật vĩnh viễn không thể xuất hiện lại, nhưng nhiều loài côn trùng vẫn đang gánh thay chúng vai trò sinh thái. Giả sử, chim thú và các loài đến ngày tận thế, chỉ riêng còn côn trùng, cũng dư sức duy trì sự sống này.
Côn trùng rất lợi: biết côn trùng có thể biết thời tiết, mùa màng, sâu hại. Trước mắt nó cho biết kiểu sinh cảnh chiếm ưu thế, chất lượng của đất, nước, không khí. Sau nữa nó chỉ ra hướng phát triển của vườn…Vậy mà chúng ta bỏ qua những thông tin này. Mình không nghĩ mình đã biết được bao nhiêu về côn trùng. Nhưng mình rất biết ơn chúng đã chia sẻ đôi chút thông tin, và để trả ơn ấy mình muốn mọi người cùng hiểu hơn, để phán xét công bằng hơn đối với côn trùng. Do vậy mình chia sẻ loạt bài này.
Sẵn đây mình cũng xin giúp mọi người giải đáp những thắc mắc về côn trùng trong khả năng của mình, vì vậy rất mong nhận được yêu cầu của mọi người . Nhưng xin được trừ 2 câu này ra:
1. Giải pháp kiểm soát/quản lý/phòng trừ/tiêu diệt loài abc này như thế nào? Vì mình chỉ có giải pháp 'Tiên trách kỷ hậu trách nhân', e không hợp với mọi người.
2. Làm sao khai thác/sử dụng/nhân nuôi/tăng thu nhập từ loài xyz này? Vì mình chủ trương 'thiểu dục tri túc' nên hoàn toàn không biết cách nào....
Để bắt đầu loạt bài này, mình xin nói về loài Kiến trước tiên.
1. Kiến nuôi rầy rệp, hay kiến ăn rầy rệp ?
Thật ra kiến làm luôn cả 2 việc này (tham ăn gớm).
Kiến và rệp trên một bông tàu bay
Rầy rệp mà kiến nuôi là những con có thể tiết dịch ngọt làm thức ăn nuôi lại kiến. Kể hết tên bọn này rất khó vì không may chúng lại rất nhiều, ít ra cũng chiếm 2/3 tổng số loài. Tuy nhiên, chúng ta cũng được an ủi chút là kiến rất chọn lọc rồi mới nuôi, chúng chỉ nuôi con non, con cái, và những con rầy rệp không cánh. Vì bọn này sống cố định một nơi, ít có khả năng tự vệ trước kẻ thù, nên phải nương nhờ kiến, đổi lại chúng cung cấp chất ngọt cho kiến.
Đối với những con rầy rệp có cánh, mối quan hệ với kiến phức tạp hơn, phần đông chúng cũng thân thiện với kiến, vì nhà kiến biết bọn ham bay nhảy này sẽ đẻ ra lứa bò sữa tiếp theo cho mình. Nhưng nhiều con có cánh sẽ bị kiến thịt ngay khi bắt gặp, đó là những con già yếu, bệnh hoạn, có khiếm khuyết.
Chúng ta chẳng nên mong chờ kiến sẽ tiêu diệt được rầy rệp, vì bọn này còn sống sẽ có lợi cho kiến hơn. Cũng như người nuôi bò sữa vậy, trước khi giết thịt phải vắt kiệt con bò. Nhưng chúng ta cũng đừng thất vọng khi kiến nuôi rầy rệp, vì không như chúng ta, kiến rất biết ‘vừa đủ’: chúng không cần nuôi thêm rầy rệp để xuất khẩu, tăng ngoại tệ, tạo sản phẩm chủ lực, cú đớp thép của nền kinh tế,… Nếu lũ rầy rệp nhiều quá nhu cầu, sẽ bị kiến thịt bớt.
Nói vậy, việc kiến nuôi rầy rệp cũng là cách chúng giúp ta quản lý rầy rệp.
2. Kiến, loài thiên địch:
Hình như điều mà mọi người quan tâm nhất về kiến là chúng có lợi hay hại . Nếu vậy mình có thể nói rằng kiến lợi nhiều hơn hại.
Như một loài thiên địch, kiến là thợ săn, dù ăn cả thực vật, nấm, nhưng trước hết kiến là loài ăn thịt. Con mồi của kiến là tất cả sinh vật sống. Nghe ghê vậy chứ mình thấy kiến là loài săn mồi rất ‘văn minh’ đi săn mồi mà đủ cả nhân nghĩa lễ trí tín :
Săn được con mồi, tha ngay về tổ để cùng ăn là có lòng nhân, yêu thương đồng loại
Khi đi săn, có đồng chí nào bị thương cũng đưa về là có nghĩa
Trên đường, lỡ gặp kiến khác quẹt quẹt râu chào hỏi là có lễ
Gặp con mồi, đứa lao vào trước, thằng vu hồi từ sau là có trí
Lỡ đánh thua, chạy ngay về hú đồng bọn ra đánh phụ là có tín. Làm gì cũng phải làm xong
Nhưng nghe nói kiến có ‘đạo’ vậy, chúng ta lại ngỡ kiến là loài thiên địch yếu kém, không hề, một con bọ ngựa chỉ kiểm soát khoảng không gian 1m, chuồn chuồn thì tầm 5-10m, lãnh thổ của kiến có thể trên 100m đến hơn 2km tùy đó là vương quốc hay liên bang. Kiến hùng mạnh vậy vì kiến có số đông, và chiến binh kiến cực tinh nhuệ. Dù chỉ toàn bộ binh, kiến không thiếu các đặc công để tiến công trên cao, dưới nước, trong hang động. Với kiến, mỗi người dân là một người lính, được vũ trang đến tận răng
Với sức mạnh thế lẽ ra kiến đã quét sạch vườn và cả chúng ta luôn rồi. Nhưng kiến lại rất ôn hòa, câu này nghe hơi vô lý nhưng rất thật – mình sẽ nói kỹ ở phần sau. Trước mắt, nhờ sự ôn hoà đó kiến để lại nhiều chỗ trống trong lãnh thổ của mình cho thiên địch khác cùng tồn tại, giữ lại một ít rầy rệp, một số đông con mồi… Vì vậy vườn chúng ta mới có sự đa dạng.