Trong những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ, Xanh nghe được tâm sự của các bạn có dự định về vườn, thì mọi người chất chứa nhiều “nỗi sợ”, nhiều băn khoăn, nên Xanh ghi chép lại đây những trăn trở ấy, biết đâu bạn cũng thấy bản thân trong bản ghi chép này, rồi nhìn ra ngã rẽ nào đó phù hợp với con đường muốn bước đi.
Có ba “nỗi sợ” lớn trước khi về vườn:
- Kỹ thuật canh tác: cần biết nhiều kĩ năng, kiến thức về đủ thể loại: thiết kế vườn, làm nhà, làm ao, ủ phân, nuôi con gì, trồng cây gì, cây nào trồng với nhau thì hợp ….
- Kỹ năng sống ở vườn: làm sao để thích nghi được với vườn, làm sao để tiện nghi như ở phố, làm sao tránh được côn trùng sâu bọ…
- Thu nhập ở đâu ra để duy trì cuộc sống và tích lũy.
1. Kỹ thuật canh tác bao nhiêu là đủ?
Lúc xuất bản quyển Cọng rơm, thì dù chưa đọc nhưng em cũng khá là hóng hớt nhiều anh chị, thấy họ chia sẻ các kĩ thuật canh tác hay lắm. Kiểu như các cách thức để thiết kế vườn, làm sao cho cây này cây kia mọc ổn định mà không xài hóa chất tổng hợp, vườn nên trồng cây gì, trồng ra sao …. rất nhiều kĩ thuật, cần sức, cần tiền, cần quá nhiều hiểu biết về mặt lý thuyết. Lúc ấy, em hoang mang, lo lắng, tự hỏi:
Kĩ thuật canh tác được sinh ra nương theo thực trạng của khu vườn.
- Sao ba mẹ ông bà mình ngày xưa nào nông đơn giản thế nhỉ, chắc vì đơn giản, không có thu, nên mới ngày càng xài nhiều hóa chất tổng hợp chăng?
- Ôi cần biết nhiều kĩ thuật và kiến thức như vầy rồi làm sao bản thân về vườn an ổn được, học bao giờ mới xong, mới rành rẽ. Mà nói thật khả năng tự học lý thuyết của em nó kém lắm.
Em còn tự ép mình soạn một tệp thông tin, thấy ai chia sẻ hay là ghi chú lại. Gom gom tư liệu vậy, và thấy khá oải. Thế rồi vì nghề nghiệp em đi thăm nhiều vườn, cùng lúc đó Bác Ông Bác Bà về ở hẳn Vườn Mai, nên có những câu chuyện “làm nông tự nhiên” thực tế hơn. Và em nhận ra:
- Chẳng có kĩ thuật, giải pháp chung cho bất kì khu vườn nào. Mỗi khu vườn như mỗi con người vậy, rất khác biệt, nên phải hiểu vườn trước khi hành động, nếu không trật lất, đầy hậu quả.
- Không biết một chút kĩ thuật gì cũng chẳng sao, điều quan trọng nhất khi làm vườn là tư tưởng, niềm tin. Nếu tin vào sức mạnh của tự nhiên, kiểu gì em cũng từ từ nhận ra cách thức vận hành cùng khu vườn mà không phạm vào vườn.
- Xác định được tư tưởng rồi, em sẽ biết vị trí của mình là ở đâu trong khu vườn, để từ tốn quan sát và làm theo những gì vườn hướng dẫn. Khi đã hiểu rõ vườn cần em làm gì, đây mới là lúc có thể học thêm về các kĩ thuật từ hàng xóm xung quanh, từ đâu đó trên mạng, để tác động của bản thân có hiệu quả hơn.
Với em, kĩ thuật canh tác được sinh ra nương theo thực trạng của khu vườn. Học một rổ kĩ năng mà trong đầu không có hình dung tổng thể về vườn rừng, thì em cũng không biết nên đặt nhát cuốc vào đâu cho có lợi lạc. Từ đó em hết bị ám ảnh rằng: bản thân chẳng biết chút kĩ thuật canh tác nương tựa tự nhiên nào. Cứ xác định cái gì chi phí thấp, nông dân tự do, tự chủ, thì cái ấy là kĩ thuật hay. Nhưng em đã làm nông từ bé cô bác nha, em chỉ không biết các kĩ thuật “ghê gớm” thôi, chứ làm nông cơ bản kiếm sống, hay chuyện sống ở vườn thì nằm trong lòng bàn tay ạ


2. Kỹ năng sống ở vườn bao nhiêu là đủ?
Thực ra ở Thành phố khiến việc “tồn tại” của chúng ta trở nên dễ dàng, nên thoát khỏi phố rồi đặt mình vào một mảnh vườn, một làng quê sẽ là hàng loạt câu hỏi:
- Nỗi sợ đến từ động vật trong vườn. Có quá nhiều côn trùng để có thể quen được. Ngày xưa mở mắt ra là thấy người thấy xe, bây giờ là những con vật sống lại còn biết “tấn công”.
- Nỗi sợ đến từ sự vắng vẻ, yên tĩnh và xa tiện nghi, xa bệnh viện, siêu thị, quán xá ….
- Nỗi sợ đến tự việc phải tự mình “nữ công gia chánh”: nấu ăn bếp củi, thu hái nông sản cho bữa ăn, giặt quần áo, tự làm 1000 loại thực phẩm cho gia đình. Phải làm mọi thứ bằng tay chứ không có các máy móc hỗ trợ, hoặc chỉ có máy móc lớn nếu mà quá cần thiết. Nói chung trong đầu không thể tưởng tượng ra được bản thân sẽ làm nội trợ như thế nào, ra làm sao trong căn nhà quê.
Nhưng nỗi hoang mang về chuyện sống ở vườn có thể gói gọn rằng: ở vườn làm sao tiện nghi được như thành phố.
“Kỹ năng sinh tồn” căn bản dù ở đâu cũng cần. Lo cho mình chu đáo, vẹn toàn thì sẽ thích nghi được ở mọi nơi.
Thật ra “kỹ năng sinh tồn” thì nó gần như vốn sống nền tảng, cho dù sống ở bất kì đâu cũng cần: cần biết nấu một bữa ăn, giặt quần áo, dọn căn nhà chỉn chu, nhìn thấy ai làm nội trợ cũng giúp được, nói chung là biết tự lo cho mình ổn thỏa no bụng, thơm tho, khỏe mạnh. Từ kiến thức nền ấy mà ta học thêm một chút khác biệt “nguyên liệu”. Kiểu như sống ở phố thì biết xài bếp gas bếp điện, sống quê thì học xài bếp củi, ở phố thì biết xài bồn cầu nước ở quê thì bồn cầu khô…. Nói chung chỉ có một vốn sống nền tảng duy nhất cho dù ở bất kì không gian nào, bạn biết rồi thì mọi chuyện sẽ ổn.
Còn những nỗi sợ về côn trùng, hay không gian vườn, bạn yên tâm rằng chỉ cần đủ tự tin quán xuyến căn bếp, nếp nhà, thì những nỗi sợ còn lại sẽ dần biến tan. Cứ ăn no, ngủ ấm được thì mọi thứ rồi sẽ quen một cách từ từ và thoải mái.
Nếu vẫn chưa thuyết phục, và bạn đã là một người có khả năng tự lo cho bản thân mình ở phố rồi, hãy xin đi làm tại nhiều trang trại, để trải nghiệm cuộc sống ở vườn, vừa tích lũy kĩ năng, vừa để xem mình có hợp với vườn không, có thích ứng được với lựa chọn ấy không. Thay vì ngồi sợ và lo lắng, đặt mình vào không gian ấy nhiều nhất có thể trước khi quyết định. Nỗi sợ chẳng giải quyết được gì cả, thực làm, thực hành động mới có câu trả lời.
3. Thu nhập:
Câu hỏi về tiền, về tài chính có lẽ là câu “đau đáu” nhất trong mọi quyết định về vườn, đúng không ạ. Quá dễ hiểu, ta đang sống trong nhịp mà mỗi cử động đều cần tiền, thì không lo chuyện tiền khi thay đổi nơi sống, nghề nghiệp sao cho được 😀 . Gom góp cuộc sống thực của nhiều nông dân, Xanh thấy có các cách kiếm thu nhập như sau:


- Sống ở vườn thôi, còn vẫn làm nghề khác để kiếm tiền. Tức chọn ở vườn là chọn không gian sống, còn lại vẫn giữ mọi nếp sống, làm việc như phố.
- Bán nông dân, bán “văn phòng”: đây là những bạn muốn trở thành nông dân, nhưng chưa đủ sức, chưa đủ tự tin hoặc vẫn còn yêu nghề cũ. Nên chia thời gian ra thật hợp lý để vừa có tiền với nghề cũ, vừa được làm nông dân “tạm thời”.
- Nông dân tập sự: đây là những bạn đã quyết tâm quăng “nguyên con” vào vườn, thay đổi lối sống để thích nghi với vườn, tuy nhiên kỹ năng, vốn sống cũng ở dạng tập sự, họ có khoản tiết kiệm tài chính, hay có nghề để nếu thiếu tiền thì đi làm lấp vào khoảng trống ấy. Nói chung là những người có tính toán chu toàn về vốn xã hội, vốn kỹ năng, vốn tài chính để có thể sống được ở vườn. Đa số họ chọn lối sống đơn giản, mục tiêu đầu tiên là hướng đến việc tự cấp tự túc thực phẩm với mảnh vườn.
- Nông dân lành nghề: có rất nhiều bạn trẻ xuất thân là nông dân, rồi họ trở về quê để mong thay đổi lối sống, lối cánh tác của bản thân và gia đình. Cũng có nhiều anh chị đang là nông dân và cảm thấy có vấn đề với lối sống hiện đại, nên thay đổi. Thì những “đối tượng” này để kiếm đủ thu nhập trên vườn, hay trong cộng đồng địa phương “rất dễ”. Nói chung khi đủ giỏi dù bất kì nghề nào, con người cũng dễ sống.
Và khoảng thời gian ở Vườn Mai, Xanh cũng có một trải nghiệp thế này: em lẽo đẽo đi chợ theo “phụ huynh”, mua chút đồ quê và hết 350k. Đồ ăn chắc được 4 ngày cho gia đình 3 người. 1800 năm gia đình mới đi chợ, còn lại đa số là: rau trái trong vườn, đồ ăn mặn + ngũ cốc thì có “mối” hàng xóm hoặc quanh vùng gần gần. Tiền mặt kiếm được từ: nông sản của vườn (chuối, chôm chôm….), hoặc khi cần thì chủ vườn có nghề riêng để kiếm đủ chi phí. Trong đối thoại rơm, các bạn Vườn Mơ kể hiện tại mỗi người tiêu tầm 500k/tháng cho thực phẩm, và đa số cũng là ăn trong vườn, ăn tối đa từ vườn. Tiền mặt đến từ hoạt động bán buôn nông sản vườn và các vườn lân cận. Em nghe Anh Sơn – Nhà trên núi, nói đại ý rằng: ơ có bao nhiêu tiêu cũng đủ cả, mình tiêu vừa vặn trong số mình có thể, thế là vui thôi. Tiền mặt đến từ hoạt động nuôi ong mật trong vườn. Ba vườn kể trên (họ là những nông dân tập sự, người phố chọn về quê) thứ tiêu nhiều tiền nhất mỗi tháng là thực phẩm, còn lại gần như không tiêu gì, không “lo ra” cho khoản nào nữa cả. Nên với họ tính số tiền cần có để sống ở vườn rất đơn giản, tính cái ra ngay. Nhưng liệu nhu cầu của bạn có như vậy không? Bạn có thể có con cái, có cha mẹ, rồi phải đầu tư vào vườn, rất nhiều khoản cần chi. Nhưng bạn ạ, cách sử dụng tiền trong một nhu cầu nào đó, là cách ta sử dụng tiền trong mọi hoạt động. Không quan trọng là bao nhiêu tiền, quan trọng là chúng ta có chịu hiểu rằng: chỉ tiêu xài trong khả năng của bản thân, trong giới hạn của mảnh vườn (mảnh vườn “đại diện” cho tự nhiên). Ta liệu có kiễng chân trong việc “tiêu xài” này. |
Bao nhiêu tiền để sống ở vườn? Cậu trả lời này phụ thuộc vào chính bạn. Số tiền bạn phải xài tỉ lệ nghịch với vốn kĩ năng, vốn xã hội mà bạn có.
Ta cần bao nhiêu vốn kĩ năng, vốn xã hội để đủ sống ở vườn?
- Vốn kĩ năng thì dễ hiểu phải không ạ. Thay vì thuê thợ lắp điện bạn biết lắp, thuê sửa nhà, bạn biết sửa …
- Vốn xã hội là (khái niệm bạn tìm google cho chính xác), hiểu một cách đơn giản là những giá trị cộng đồng. Vần công, trao đổi thực phẩm, được hàng xóm thương quý, là công dân có ích cho cả làng … đó là những thứ thuộc về vốn xã hội.
Bên cạnh vấn đề thu nhập thì sẽ có những lo lắng cho việc tích lũy nữa, tại vì chúng ta cần có một khoản dự trữ để phòng sự cố bất ngờ đến với gia đình, hoặc mục đích nào đó, nói chung là cần có tích lũy, vậy khoản này được giải quyết ra sao khi về vườn.
Xanh nhận được một vài câu trả lời trong các buổi Đối thoại rơm như sau:
a. Xác định tư tưởng: Về vườn để kiếm nhiều tiền thì chắc chắn không nên, nếu để kiếm tiền hãy ở thành phố. Tích lũy ở vườn là một rừng cây, một bầu không khí, một mạch nước sạch, một mảnh đất màu mỡ, những quan hệ xóm giềng thân thiết chất lượng. Nếu có sự cố, trong vườn sẽ có đôi ba cây lớn, nếu thật sự cần thì có thể bán chúng đi. Tuy nhiên, cần phải rõ ràng sự chi tiêu ấy phù hợp với lối sống nương tựa tự nhiên.
b. Bạn tích lũy tài chính cho những mục đích gì?


- Phòng khi ốm đau: Nếu như bạn sống vui (chân thành, thiện lành), sống khỏe (ăn uống theo vườn, ăn uống lành mạnh, tập thể dục thể thao) vậy thì đã có một cuộc đời đẹp rồi đúng không, còn gì để nuối tiếc. Nhưng tất nhiên trong vườn cũng có trồng và tìm hiểu về các bài thuốc dân gian để có thể tự chữa được các bệnh thông thường, hay các sự cố đơn giản của côn trùng. Bạn có công nhận rằng, nhiều bệnh tật thông dụng ngày nay đều đến từ lối sống, vậy chỉnh lối sống ấy cho “cân bằng” thì vấn đề sức khỏe có giải quyết được tận gốc chăng?
- Con cái đi học: có nhiều cha mẹ từ trường làng mà lớn lên, bây giờ chẳng phải cũng rất thành công về nhiều mặt đấy sao. Nên học ít tiền cũng không phải vấn đề lớn.
- Tích lũy cho con cái. Trên mạng có một clip rất nổi tiếng về việc xin lỗi thế hệ sau vì chúng ta đã để lại một trái đất kiệt quệ, nên là có lẽ cần nghĩ đến “giá trị sống” là quà thừa kế.
- Phòng rủi ro bất chợt nào đó: đây là một nỗi lo lắng giả tưởng, chúng ta lo cho một tương lai chưa xảy đến rồi hoang mang, vật vã ở hiện tại, liệu có đáng không.
Chúng ta đang tích lũy vì nỗi sợ nhiều hơn nhu cầu thực, đúng không?
Sau khi đã liệt kê ra hết những mục đích của việc tích lũy, để thấy có các giải pháp khác mà không cần nhiều tiền, ta sẽ định được: mức đủ của gia đình. Bao nhiêu là đủ – câu trả lời rất quan trọng, để việc tích lũy nhẹ nhàng mà ta cũng thanh thản.
c. Liệu cơm gắp mắm:
Mình thường xác định: cần tiền để làm gì, cần bao nhiêu, rồi sau đó mới tích lũy hoặc khó quá thì có thể nghĩ về các phương án tận dụng nguồn lực khác. Ví như việc mình có thể tích lũy làm một căn nhà nhỏ, nhưng để sở hữu một miếng vườn lớn thì quá khả năng nếu muốn trở về sớm, nên mình chuyển sang đi mượn đất dài hạn. Quỹ đất nông nghiệp nhàn rỗi hiện rất nhiều, cẩn thận đánh giá chọn lựa một chút, ta sẽ mượn được miếng vườn và chủ đất hợp lý. Tất nhiên, chuyện mượn đất sẽ có nhiều rủi ro, có nhiều bất đồng lối sống lối canh tác với chủ vườn, hay nguy cơ ta bị lấy lại đất trước hẹn ước …. Quyết định nào cũng có cái giá phải trả, nên khả năng lựa chọn của bạn tốt thì cái giá sẽ xứng đáng.
Chúng ta muốn tích lũy tài chính vì nỗi sợ nhiều hơn nhu cầu thực, đúng không?
Phải bước lên con đường đã, rồi lúc ấy muốn đi đâu thì đi, chưa bước lên thì dù chuẩn bị hàng ngàn câu hỏi cũng đâu giải quyết được gì. Biết chắc chắn lý do nội tại: vì sao bản thân muốn về vườn, rồi học các kĩ năng căn bản để có thể sống được ở vườn, xong xuôi là ra quyết định dứt khoát: về thôi.
Không chuẩn bị gì mà cứ thế về vườn thì đốt tiền, rồi quay lại thành phố với một kí ức “lệch lạc” về tự nhiên. Nhưng nhiều hoang mang, cứ xà quần với những lo toan giả định từ năm này qua năm khác, mà chưa hề có hành động nào để chuẩn bị cho ổn kĩ năng, thì khó thoát ra khỏi vùng an toàn. Đã đến lúc lo lắng, sợ hãi nhường chỗ cho những tính toán, những hành động cụ thể, thiết thực.
Mong rằng, mỗi bạn tìm được điểm cân bằng giữa sự liều lĩnh và bản lĩnh, để cú nhảy trải nghiệm ấy cho bạn những ngày vui