Độc Canh hay Đa Canh

Có bạn Rơm mới mua mảnh đất đang trồng cao su, rộng hơn 1ha. Bạn dự định đốn hết cao su để trồng cây lại từ đầu. Bài này tổng hợp ý kiến của các Rơm khác góp ý gửi tới bạn:

I. Trước hết hãy cùng tìm hiểu vì sao cao su lại làm đất bạc màu:

  1. Đất mặt nơi trồng cao su thường bị rửa trôi và bạc màu vì thiếu chất tấp tủ hữu cơ NUÔI DƯỠNG ĐẤT, lại luôn làm sạch cỏ khiến đất không được che phủ bề mặt để chống rửa trôi, nên đất càng ngày càng bạc màu.
  2. Con người vắt mủ cao su thường xuyên. Mà mủ là gì? Nước và chất dinh dưỡng trong đất.

Mực nước ngầm tụt, dinh dưỡng cạn kiệt là do yếu tố cây hút nước, dinh dưỡng lên làm mủ và rồi con người vắt mủ này chở đi nơi khác.

Không nên chặt bỏ cao su vì chặt hết đi thì đất sẽ bị phơi nắng, rửa trôi và thoái hóa còn nhanh hơn cả khi cái “rừng” cao su đấy đang bị vắt mủ.

CHỈ CẦN DỪNG VIỆC VẮT MỦ thì sẽ thấy cây cao su không gây hại như ta nghĩ, mà có nhiều công dụng. Thực ra cây gì cũng nhiều tác dụng, chỉ là ta cần suy nghĩ cách sử dụng sao cho hiệu quả:

  • Cây cao su có tác dụng làm cây chắn gió, che phủ khi các cây trồng khác còn nhỏ.
  • Cao su có thể làm trụ sống cho các loại cây dây leo như : tiêu, trầu…
  • Làm trụ sống để bắc giàn cho: gấc, su su, bầu, bí, mướp, khổ qua, chanh dây…
  • Có thể làm nhà trên cây hoặc ngôi nhà sống với các trụ là cây cao su.
  • Gỗ cao su là nguồn nguyên liệu rất tốt để sản xuất mùn cưa làm giá thể trồng rất nhiều loại nấm ăn, dược liệu.
  • Cây cao su lớn có thể cho gỗ để đóng bàn ghế, nhà cửa…

II. Một vài cách để canh tác và phát triển trên đất đã trồng cây cao su:

  1. Trước khi có bản thiết kế thì đừng chặt bất cứ cái gì.
  2. Chỉ chặt bỏ phần diện tích làm nhà, làm chuồng nuôi và những vùng có thể kiểm soát được. Kiểm soát được đến đâu thì chặt đến đó. Vì nếu chặt ngay các tán che phủ thì sẽ được bãi đất hoang với cây mọc hỗn giao và hỗn loạn. Những cây người ta khó ưa như: cây xấu hổ… sẽ xuất hiện ngay. Nếu bỏ đó 1 tháng thì không thể dẹp nó bằng sức người được nữa.
  3. Tỉa thưa cao su. Cứ 2 hàng cao su thì chặt bỏ một hoặc 2 hàng kế tiếp. Tại sao lại chặt bỏ như thế? Vì ta cần hạn chế sự che sáng của cây cao su để phát triển các cây ở tầng trung và tầng thấp như: chuối, cây ăn trái lâu năm ưa sáng tạo ra diễn thế đa canh, đa loài… Khi mới bắt đầu thì chỉ nên chặt một hàng thôi.
  4. Trồng tiêu bám lên thân cao su để tạo ra nguồn thu nhập bền vững và ổn định, nếu không muốn có thể tỉa bớt cành và bắc giàn trồng bầu, bí, mướp, gấc, các loại cây dây leo…
  5. Dưới tán cao su có thể trồng gừng, sả, nghệ…

Hiện nay khi các bạn bắt đầu khởi sự làm nông sẽ cần một miếng đất. Sẽ không có sẵn một trang trại hoàn hảo để mua mà đa số các trường hợp bạn sẽ mua được một miếng vườn độc canh cây gì đó hoặc miếng đất trống trơn để phơi ra cùng mưa nắng, chưa có cây lớn. Trường hợp có cây độc canh thì thuận tiện để khởi sự hơn là miếng đất trống trơn. Trồng cây cho nó có tán mất nhiều thời gian, cái cây cần ít nhất 3 tới 8 năm để trưởng thành, không cần bú mớm nâng niu.

Có lẽ bài toán cho những người làm nông thuận tự nhiên không phải là xóa đi làm lại từ đầu, mà là chuyển thế từ Độc Canh sang Đa Canh như thế nào cho hiệu quả nhất, và tận dụng được tất cả các nguồn lực, kể cả nguồn lực mà Độc Canh đã tạo ra.

Bài viết có sử dụng comments của các bạn Rơm trong nhóm CUỘC CÁCH MẠNG MỘT-CỌNG-RƠM: Nguyễn Văn Mạnh, Duong Tuan, Giang Nguyen Long, hue Phandang.

Cám ơn các bạn đã chia sẻ ý kiến và kinh nghiệm của mình ♥

Ý kiến của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Scroll to Top