Có nên chi tiền mua cây giống?

Khi về vườn, ai trong chúng ta cũng mang trong mình một mong muốn: trồng thật nhiều cây, nhanh chóng phủ xanh mảnh đất, nhanh chóng thấy tầng tán và cả khu vườn đầy sinh khí. Vậy nên, điều đầu tiên nghĩ đến thường là nhất định bỏ tiền mua cây giống cùng hệ thống tưới tiêu, thậm chí dự trù một khoản chi lớn, và còn đi làm thêm mỗi năm thật nhiều để có kinh phí mua cây giống, tạo ra một gánh nặng chi phí không hề nhỏ.

Hôm nay, Xanh kể một câu chuyện về việc hừng hực trồng cây nhé:

Tại Vườn Mai, chắc cả nhà đã biết người sống ở vườn là bác Châu và bác Hằng, hai cư dân thành phố kì cựu, trở về với tâm thế làm nông dân tập sự, họ cũng hừng hực mong muốn trồng cây lúc tiếp quản mảnh đất 5 năm về trước. Mảnh đất lúc ấy được phủ kín chôm chôm hàng chục năm tuổi, đã để hoang không tác động gần 2 năm, tức là đất được ôm đỡ nhé chứ không hề trơ trọi. Hai bác nghĩ chắc là sẽ bắt đầu trồng xen nhiều loại cây gỗ, cây rừng khác vào, nào chúng lớn xíu thì tỉa dần chôm chôm. Và rồi ra tiệm bán giống cây rừng, có bao nhiêu loại giống là xách mỗi loại 1-2 bầu ươm về trồng. Cũng trồng ít ít để thử thôi, chứ không đầu tư nhiều.

Năm đầu tiên trôi qua, gần như toàn bộ cây giống đi mua đều ngắc ngoải, cây chết, cây thì èo uột, chỉ còn lại một vài cây mít, cọ dầu mà tiệm bán giống cho thêm, kiểu tặng ấy ạ, thì chúng sống tốt đến ngày hôm nay ? . Sau kinh nghiệm đó, các bác rút ra một vài điều:

Cây giống mua về dễ chết có thể bởi vì:

  • Không hợp đất ở thời điểm này, hoặc không phải cây của vùng đất này.
  • Cây con, cây giống được chăm bẵm quá, về đến vườn không chăm bằng nên thích nghi không kịp.
  • Cây giống mua ngoài có thể yếu sẵn và nhiều khi hạt làm giống cũng không đủ tốt.
Một mảnh Vườn Mai, nơi mà 5 năm trước chỉ là đất trống. Lúc bắt đầu, người ở vườn chủ yếu trồng chuối và các cây họ đậu. Bây giờ cây cối tái sinh nhiều không đếm xuể, chim muôn cũng về rất đa dạng

Vì nhận ra điều trên, nên Bác Ông tự ươm giống, lâu lâu đi vào rừng quanh khu vực nhặt hạt hoặc bứng ít cây con, đi trên đường thấy thích cây nào cũng lượm hạt về làm giống. Vừa đỡ tốn chi phí, mà giống lại đảm bảo. Thôi thì tự túc là hạnh phúc.

Đến khoảng cuối mùa mưa năm thứ 3 ở vườn, cây tự tái sinh nhiều đến mức nhận dạng không xuể (các năm trước còn chăm chỉ đi đếm, đi định danh xem mùa này vườn mọc cây gì mới), dạng thân gỗ nha chứ không phải thân thảo. Lúc ấy nhận ra: mình hăm hở trồng cây làm gì, chỉ như trò đùa với mẹ thiên nhiên, nhìn vườn bây giờ xem, người đã sắp xếp cây nào nên mọc ở đâu, mọc ra sao, và chúng có sức sống mãnh liệt vô cùng. Lúc ấy chính thức hai bác mới cảm nhận hết được câu nói: không làm gì cả, công đức vô lượng ? . Cây tự tái sinh trong vườn có thể là hạt giống nằm sẵn trong đất, cũng có thể là do chim thú nhỏ ăn rồi nhả hạt, cứ tưởng tượng một con chim nhỏ thôi nhưng cả ngày nó ăn rồi thải ra số lượng hạt giống nhiều đếm không xuể, vườn vài trăm con chim thì có phải con người gieo hạt như trò đùa với chim không.

Cũng kể từ đó, hai bác chỉ “canh me” chỗ nào đất trống là phủ chuối, đậu săng, muồng hoa vàng … những cây tiên phong dễ mọc, lớn nhanh, phủ kín đất chỉ trong vòng 1 năm. Một khi đất được phủ xanh, được ôm đỡ thì người sẽ có “thời gian” để “tái cơ cấu” cây cối cho toàn vùng đất. Gây rừng là việc của tự nhiên. Bây giờ, việc trồng cây đối với hai bác là trồng cho thỏa chí hay những cây rừng mình thích hoặc các loại cây ăn trái, rau màu phù hợp với nhu cầu gia đình.

Vậy nên, hễ ai hỏi có nên chi tiền mua cây giống không, thì với kinh nghiệm của vườn Mai bạn có thể tham khảo “lộ trình” sau:

1. Xác định rõ bản thân là một cá thể thuộc vườn. nên làm cái gì cũng là để góp công góp sức chứ không phải cải tạo hay phục hồi gì cả. Chúng ta không cải tạo được đất, hay phục hồi được môi sinh, chúng ta chỉ là góp chút công tác động vào thôi. Xác định rõ điều này để không nóng vội, không cố tìm cách để làm mọi thứ tốt đẹp nhanh chóng, thay vào đó dành thời gian quan sát vườn và điều chỉnh tác động cho phù hợp.

Gây rừng là việc của tự nhiên, và cũng chỉ có tự nhiên mới làm được.

2. Trước khi biết trồng gì, thì trồng chuối, phủ kín chuối trên mọi tấc đất 😀 . Đây là cây cực kì dễ sống bất kể mùa nắng hay mưa, tốc độ tăng trưởng rất nhanh, sẽ tạo ra một lượng sinh khối lớn để tấp tủ cho đất. Mai mốt biết trồng cây gì rồi thì loại bỏ cây chuối cũng dễ dàng hơn nhiều cây khác.

3. Khi trời mưa xuống, kiếm hạt giống các loại cây thuộc họ đậu rải khắp vườn, cũng chỉ để tạo sinh khối. Họ đậu là cây dại, cây rừng rất nhiều nhé, đừng rải đậu xanh, đen, đỏ, đất xấu quá hắn không lên đâu. Em nhớ đợt ấy là Vườn Mai rải muồng vàng, muồng trâu đủ thể loại muồng, so đũa, đậu biếc, keo dậu ….

Vườn Mai xác định: việc tốt nhất con người ở vườn có thể làm là phủ kín mặt đất bằng cây xanh, phủ kín càng nhanh càng tốt nên chọn những giống cây dễ trồng dễ sống, sinh trưởng mạnh mẽ. Khi đã được ôm đỡ bảo bọc bằng bóng mát cây, đất sẽ đủ sức làm việc của mình theo đúng quy luật của tự nhiên. Đất sống là một yếu tố quan trọng bậc nhất cho mọi sự diễn biến sinh trưởng phát triển của hành tinh chúng ta.

Vườn của chị Hoàng Yến sau hơn 1 năm “thả hoang”. Thực vật tái sinh đến người ở vườn cũng không thể ngờ hết.

4. Nếu nền đất của bạn cũng giống vườn Mai – đất chân ruộng sét nhiều, mùa mưa thì sình mùa khô thì nứt toác: Đào hệ thống mương (ở miền Tây thì chắc bạn biết kiểu mương vườn). Mương này sẽ tháo nước trong đất mùa mưa, và có tác dụng tưới tiêu cân bằng độ ẩm cho vườn vào mùa khô.

5. Khi trồng 1 cây lâu năm thì trồng 1 cây chuối bên cạnh nếu như mảnh vườn chưa có tầng tán, chưa có bóng che. Chuối sinh trưởng nhanh nên chúng sẽ tạo bóng mát, giữ nước, giữ ẩm để cây lâu năm có điều kiện mà tồn tại tốt hơn. Khi cây lâu năm bén rễ, cứng cáp rồi thì xả chuối đi, thân lại tấp tủ nơi gốc cây này. Trên mảnh đất ấy, chỉ nơi nào trồng cây lâu năm thì xung quanh gốc được dọn, phát cẩn thận để cây có ánh sáng vươn lên, còn lại là “thả hoang”.

Bạn có thể chủ động trồng nhiều cây, có thể làm mọi thứ với mảnh vườn, nhưng quan sát để tác động đồng điệu và phù hợp với giới hạn của bản thân, của mảnh vườn.

Đây là cách Vườn Mai đã thực hiện, 5 năm sau vùng đấy ấy có lớp đất mặt, chân giẫm vào như một “tấm nệm”, còn vườn thì đa tầng tán, đa dạng cây cũng như con, sự sống vô cùng phong phú.

Làm nông cần kỹ năng, rất cần kỹ năng. Nhưng cái quan trọng nhất vẫn là định vị được bản thân trong khu vườn. Có như vậy chúng ta mới làm nông khác cha mẹ mình được. Nếu chỉ là thay đổi cách thức canh tác để kiếm tiền, thì đâu đó ta vẫn đi đúng con đường cũ. Làm nông là cả một quá trình thay đổi hành vi, lối sống, và cả nhận thức nữa. Chúc bạn vui với mỗi bước đi trên quá trình ấy.

Ý kiến của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Scroll to Top