Có lẽ nhiều bạn về vườn sẽ mang một nỗi sợ “côn trùng”, những con vật lạ xuất hiện bất thình lình một cách quá thường xuyên trong ngôi nhà. Chúng sẽ có thể: gây ngứa, gây sưng, gây đau thậm chí những dị ứng mạnh mẽ hơn đe dọa đến các cơ quan bên trong cơ thể. Và nỗi sợ này phần nào đó ngăn cản quyết tâm trở về của bạn, cũng như sự thoải mái sống, thoải mái tận hưởng khu vườn. Hệ quả tất yếu là nhiều bạn vẽ ra trong đầu 1000 cách thức để cách ly bản thân với sinh vật, hay tiêu diệt chúng luôn.
Hôm nay, Xanh xin được kể về một nhân vật có thể nói bị “dị ứng” khá nặng với các loại côn trùng.


Bác Ông Vườn Mai có hơn 20 năm làm việc với đồng bào các dân tộc thiểu số, nên bối cảnh sống cũng phần nào là rừng núi, vậy mà khi về vườn sống hẳn cơ thể của bác phản ứng khá mạnh mẽ với cây cối, cũng như côn trùng. Ông ấy giống như có phản ứng với mọi loại động thực vật, một kiểu “dị ứng” có số má luôn ấy ạ.
- Con kiến ăn đường nhỏ nhỏ đốt miệng ai đó, họ chỉ sưng tí xíu rồi thôi, còn bác là môi tều nguyên buổi.
- Mấy con ong nhỏ đốt mặt ai đó, họ chỉ đau hoặc sưng một chốc lát, còn bác là sưng vù đủ mặt, như tiêm dư silicon căng mọng, mà bị tới 2-3 ngày cơ. Dạo trước là đau nhức rên hừ hừ, rồi mất cả 4-5 ngày mới lành hẳn, hơn 4 năm ở vườn bị cắn nhiều thế là quen độc dần nên cũng bớt nghiêm trọng :D.
- Mấy cây cỏ gì có lông hơi “độc” lỡ đụng trúng da, người ta thì ngứa với nổi mẩn đỏ sơ sơ thôi, còn bác là nguyên một ề, nốt nào nốt nấy to đùng mất cả ngày mới tan hết
Nói chung, mọi triệu chứng của côn trùng, cây cỏ lên người bác đều vô cùng nghiêm trầm trọng. Và bác xử lý thế nào với chiếc cơ thể phản ứng quá nhạy với môi trường này:
1. Niềm tin: bác tin rằng con người là một phần của tự nhiên, nên chắc chắn cơ thể này sẽ thích nghi được, và mảnh vườn sẽ luôn dung chứa bác.
Nhưng sự thích nghi được hay không lại phụ thuộc vào lối sống, lối ăn uống và cả tinh thần. Chúng phải đồng điệu theo đúng lẽ tự nhiên. Khi đồng điệu rồi thì cần cho cơ thể và sinh vật xung quanh chút thời gian để “nhập thông tin”, để làm quen với nhau.
2. Bình tĩnh và kiên nhẫn:
Mỗi lần bị cắn, đốt bác đau lắm, ngán ngẩm lắm nhưng Xanh chưa hề cảm nhận thấy sự cay cú hay sợ hãi. Bác cứ ngồi mặt “đần” ra kiểu: lại bị cắn nữa rồi mọi người ơi. Vừa thương vừa buồn cười
Bác cũng không tìm kiếm các giải pháp cấp cứu tức thời, mà cho bản thân thời gian để thích ứng và quen dần. Bị cắn đốt mãi thì thể nào người này cũng sinh ra “kháng thể”, cơ thể cũng phải “cường tráng” lên thôi. Sống ở vườn mà lại còn muốn làm vườn rừng thì phải học sống chung với muôn loài, bản thân mình mà không sống được thì tự rút lui chứ không can thiệp kiểu “tiêu diệt” những trở ngại ấy.
Chúng ta cứ chậm lại để nghĩ một chút: ai cũng muốn về vườn để hòa mình vào thiên nhiên đúng không ạ? Vậy thì côn trùng nói riêng và nhiều loại động thực vật nói chung chính là một phần không thể thiếu của tự nhiên ấy. Một khi bản thân cách ly với “sinh vật”, chúng ta sẽ là một ngôi nhà phố, lối sống phố đặt trong vườn.
Xác định tư tưởng để đi đường dài chứ không mù quáng.
Tất nhiên bác không xúi mọi người để ong đốt cho quen, để bọ cạp, rắn rết cắn cho quen nha. Nhiều bạn dị ứng mạnh với một số loài, có khi còn phải cấp cứu, nên tự mình biết sức mình nhé. Bởi cái cần thay đổi là tư tưởng, ta đặt bản thân vào vị trí nào trong khu vườn: là người chủ chế ngự mọi thứ, hay chỉ là một sinh vật nương tựa như bao sinh vật khác. Thông tư tưởng rồi thì mỗi chúng ta có cách thức tiếp cận phù hợp với điều kiện cá nhân.
3. Giải pháp “sống”:
Và tất nhiên là trước khi có thể sống hài hoà được với vườn, bác cũng có những giải pháp nhỏ nhỏ để hạn chế bớt “đau thương”:
- Khu vực quanh nhà, lối đi luôn sáng sủa thoáng đãng. Mọi vật dụng đồ dùng cất cẩn thận, trước khi dùng là kiểm tra kĩ càng.
- Trồng các loại cây có khả năng hút độc giải độc.
- Mang đồ bảo hộ “tự chế” một cách cẩn thận khi đi ra vườn.
- Chủ động tiếp xúc nhiều hơn với cây cỏ, con này con kia. Không phải tự nhiên mà các bạn đồng bào có thể sống mạnh khỏe giữa rừng, sống đâu sẽ quen đấy.
Nói chung mọi giải pháp can thiệp để bảo vệ bản thân nhưng không làm hại sinh vật nào cả, và cũng không phát sinh rác khó phân hủy. Giải pháp mọc lên từ vườn.
Một hạt giống lôi từ vùng khác về, chúng ta cũng phải gieo trồng nhiều mùa vụ để giống ấy thích nghi được với vùng đất. Vậy thì một con người sống tách biệt quá lâu với tự nhiên cái nôi thật sự nuôi dưỡng loài người, chẳng phải chúng ta cũng cần thời gian để cơ thể mình nạp lại dữ liệu đúng về tự nhiên, phải không ạ?
Vậy thì, khi cơ thể mình phản ứng với cả thế giới, lỗi thuộc về ai? cần phải sửa ai?