Sốc văn hóa

Chào cả nhà, đây là một bài tâm sự Xanh viết vào tầm tháng 07/2021, là khoảng 2 tháng từ khi Xanhshop bán buôn chính thức chấm dứt, em rời thành phố nhấn mình hoàn toàn vào nếp sống ở vườn, và “cú sốc văn hóa” lớn nhất em nhận ra: mọi việc ở quê ở vườn diễn ra chậm quá, công việc ì ạch quá, nhịp điệu của mọi thứ sao nó cứ lê thê thế nào ấy không nhanh gọn lẹ.

Ở thành phố mọi thứ một cách rất vô tình chạy theo KPI, dành rất nhiều thời gian làm việc, dành cho công việc gọi được tên, kiếm ra tiền. Nên lúc nào cũng thấy bản thân có lao động, có tích sự, có năng lực. Khi ở vườn không còn hoàn thành được lượng công việc tương đương nữa, làm những thứ tủn mủn không tên, nên thấy bứt rứt, khó chịu. Nhưng, cũng lúc ấy em nhận ra:

1. Nhịp sống công nghiệp, chuyên môn hóa:

Nhịp sống ở thành phố được thiết kế để em trở thành một cỗ máy làm việc chuyên biệt, và chỉ ghi nhận bản thân khi làm việc. Làm việc ở đây là hoạt động kiếm ra tiền, hoặc ra lợi ích nào đó.

Cuộc sống được thiết kế với rất nhiều tiện nghi, nhằm rút ngắn mọi thời gian sinh hoạt để tập trung “làm việc”. Ví dụ nhé:

  • Giặt đồ thì có máy giặt, các sản phẩm tẩy rửa “siêu sạch” khiến cho việc giặt giũ cũng nhanh chóng hơn, hoặc ra tiệm giặt ủi.
  • Nấu ăn thì có hệ thống nồi cơm điện, lò nướng, bếp điện, máy xay…Hoặc có thể 1 tuần nấu 1 lần, rồi cất hộp để tủ lạnh chia ngày ăn dần. Tốn rất ít thời gian để nấu ăn.
  • Nhà cửa thì có thể thuê người, hoặc có máy hụt bụi, dụng cụ lau nhà …
  • Nói chung tất cả các hoạt động không phải là nghề nghiệp chính của ta để kiếm tiền, thì ngày càng được đơn giản hóa, tiện nghi hóa, rút ngắn thời gian tối đa. Theo đúng “xu hướng” giải phóng con người khỏi các vướng bận về công việc gia đình, sinh hoạt.
Để có trái cây ăn là đi lùng tầm 1 tiếng trong vườn, kèm theo chút sức khỏe để chặt, chút kĩ leo trèo và nhiều thứ khác. Ăn chưa khi nào “mất sức” đến thế với cô gái phố 😀

Thêm vào đó là sự chuyên môn hóa sâu, hãy để một hệ thống chuyên biệt sản xuất mọi thức hàng loạt và nhanh chóng cho chúng ta thụ hưởng, bạn không cần phải biết quá nhiều kĩ năng. Mỗi người như một cái máy đã cài đặt chức năng nhất định.

Hồi còn ở Sài Gòn, 9h sáng là cái kho Xanhshop tươm tất, mọi thứ của “hệ thống” đã đâu vào đấy, sẵn sàng chạy. 9h sáng thôi là một lượng công việc khổng lồ ngoài thân đã xong.
Nhưng ở vườn, cũng dậy từ 5h30 đấy chứ, nhưng tới 9h có hôm mới kịp giặt xong quần áo, cứ có hàng ngàn việc lắt tắt li ti không tên khiến bản thân cần chuẩn bị để có thể tự hoàn thành một việc nhỏ xíu nào đó. Mà em là đứa nhanh nhẹn nha ?
Ở Sài Gòn chỉ mất 1-1h30p là bữa cơm tươm tất 2-3 món cho 8 người ăn.
Ở vườn mất tổng gần 2 tiếng đồng hồ cho 3 con người với bữa trưa nhỏ xinh.

Em đã từng dễ dàng, nhanh chóng đạt được kết quả cuối cùng của mọi hoạt động sống khi ở thành phố, nhưng về quê thì phải mất gấp 2-3 lần thời gian mới đạt được, kéo theo cái ngày dài lê thê mà không đâu ngọn ngành, nên vô tình chưa thích nghi kịp.

2. Quá nhiều thời gian cho sinh hoạt cá nhân?

Vì sao sống ở vườn lại tốn nhiều thời gian để “sinh hoạt” đến thế. Ở vườn hay nói đúng hơn là lối sống tự chủ, mỗi chúng ta đều phải tự mình làm mọi thứ, muốn gì cũng cần tự làm, tự nghĩ, tự vận não và chân tay. Dấn cái bản thân vào mọi việc thay vì cần cả một hệ thống hỗ trợ như ở phố, hay nói đúng hơn là lối sống tiêu thụ.

Bạn muốn có một bữa cơm thì phải tự:

  • Nấu nồi cơm bếp củi, à không trước đó là đi kiếm củi, “may là” gạo đi mua chứ chưa tự làm.
  • Ra vườn kiếm rau, lội mất 15p ấy chứ, mà nếu có ăn rau nhà trồng thì cũng phải tự ra vườn cắt, rồi vào nhặt nhạnh, làm gì có bó rau đẹp đẽ trong tủ để chỉ mất tí xíu sơ chế là xong.
  • Muốn kho nồi cá cũng đi vòng vòng vườn kiếm đủ gia vị, tự nấu được đường, tự biết làm mắm …..
Gạo mua trực tiếp từ nông dân, mỗi lần đặt phải nhiều một chút để người ta tiện bề xay xát giao hàng, nên về nhà cần cẩn thận bảo quản trong can kín tránh mọt. Đóng mấy can gạo vầy thôi, mất hết nửa buổi sáng 😀 Chưa kể công đi gom can nữa chứ.

Tương tự với một bữa cơm, chuẩn bị một ấm nước, giặt một bộ quần áo, lau dọn nhà cửa, người ở vườn, sống dựa vào vườn đều phải tự mình cáng đáng mọi khâu. Bạn có thể mường tượng rằng, mỗi chúng ta phải tham gia vào toàn bộ quá trình vận hành hệ thống, nếu muốn có một thành phẩm phục vụ trực tiếp cho nhu cầu sống. Tất nhiên không phải tất cả hoạt động sống đều vậy, nhưng hướng đến của việc sống nương tựa vào vườn là tự chủ, nên mỗi năm trôi qua đòi hỏi bản thân thạo nghề hơn, biết nhiều kĩ năng hơn, để độc lập và tự chủ hơn.

Cho dễ tưởng tượng, lối sống tiêu thụ nó mang tính ăn liền, ăn sẵn. Còn lối tự túc là “ăn chậm”, “ăn nóng”. Chúng ta dễ dàng có một bữa với thức ăn nhanh hay tự mình miệt mài chuẩn bị cơm rau, cá kho, thì hai lối sống ấy cũng vậy.

Em không muốn so sánh được mất của hai lối sống, hai lựa chọn này, nhưng là một người đã bán thực phẩm nhiều năm, em tin rằng bản thân hiểu rất rõ sự sai lệch về những định nghĩa thật sự của thực phẩm ở cư dân thành phố. Chúng ta, đã quá lâu rồi chỉ biết đến thành phẩm là trái ngọt, rau củ sẵn có, còn lại hoàn toàn không hiểu bức tranh tổng thể “làm thế nào để có thực phẩm”, xa rời vườn tược, canh tác ….. Vì không hiểu nên người ta bán gì chúng ta biết nấy, thị trường đâu đó quyết định thức ta ăn dựa vào “mong cầu”, thay vì bản chất của tự nhiên. Sự tồn tại của thực phẩm nằm trong tay người khác, thậm chí người khác ấy có khi không phải là nông dân, chúng ta không có quyền tự quyết cái ăn, đó là điều cần suy nghĩ.

Tương tự như thực phẩm, kịch bản diễn ra với các nhu yếu phẩm khác. Đáng lẽ, nhiều phần, chúng ta hiểu tại sao mọi thức ra đời thông qua việc tự mình dấn thân thực hiện, hoặc trong sinh hoạt, thì nay ta phải đọc sách báo, tạp chí, và nghĩ về nó như một thế giới bí mật, mạo hiểm. Ta trở nên yếu, thiếu nhiều kĩ năng lẫn trải nghiệm sinh tồn căn bản.

3. Sống chậm thật ư?

Và ta hay nói sống ở vườn ở quê là sống chậm, bởi sự tự mình cáng đáng mọi thức thay vì dễ dàng mua sẵn ngoài tiệm. Chúng ta dành nhiều thời gian để cảm nhận, trải nghiệm mọi hoạt động sống. Nhưng bản thân em cảm giác từ sống chậm dễ hiểu lầm thành người ở vườn chậm chạm lề mề.

Sống chậm đúng, nhưng không có nghĩa mọi hoạt động sống cứ xà quần, lãng đãng. Bạn đừng nghĩ nhịp sống ở thành phố quá nhanh mình không hợp phải về vườn để từ từ, để “chill chill”, bạn nhầm rồi đấy.

Khoảnh ao là nơi giặt đồ, chà rửa cả thế giới của người lớn, nhưng cũng là sân chơi đầy mê hoặc của xấp nhỏ 😀 Một nếp nhà ngăn ngắn thì ai rồi cũng tìm thấy góc vừa vặn với chính mình.

Bạn hãy trở về quê, nhìn các bà các cô tầm 60 tuổi trở lên, bạn sẽ thấy thế nào là sự tháo vát, đảm đang, quán xuyến, với em đấy mới là những người sống chậm đích thực. Họ từ bé đến lớn, tự tay làm nhuần nhuyễn mọi kĩ năng để tồn tại, khiến bản thân có phản xạ sắp xếp logic các hoạt động sống, để mọi thứ diễn ra nhịp nhàng và hiệu suất cao. Nhà cửa ngăn nắp, con cái ngoan ngoãn, đồng áng gọn gàng, tươm tất đâu ra đấy.

Chữ chậm ở đây không phải là một từ chỉ tốc độ, nó dường như là để miêu tả mong cầu của con người vậy, hoặc là tỷ trọng thời gian sống được kéo dài ra cho những hoạt động tự chủ. Nên em không thích từ sống chậm, nó gây hiểu lầm, nó làm hình ảnh người nông dân tri điền tháo vát đôi phần méo mó. Có lẽ phải gọi là sống toàn phần, sống thủ công, sống dấn thân, hay một từ nào đó rõ nghĩa hơn cho những người đã quăng nguyên con vào hệ thống, có kĩ năng tồn tại vững vàng, tự tin tự chủ mọi thứ phục vụ cuộc sống này.
Muốn “sống chậm” mà bản thân đủ yên đủ vui, đôi tay phải nhanh, cái đầu phải rõ ràng.

Đây là đôi dòng cảm nhận của em, một kẻ có lối sống quê ra phố, rồi lại về quê mà vẫn bị bỡ ngỡ bởi nhịp sống tự chủ ấy, thì chắc hẳn có nhiều bạn (em đoán thế) cũng gặp trường hợp tương tự mà đã không nhận ra để rồi khó chịu với bản thân. Nên em viết lại đây biết đâu đấy chúng ta có cảm nhận giống nhau, khi cảm xúc được gọi tên ta dễ dàng chấp nhận, rồi từ từ cho chính mình thời gian quen với nhịp điệu. Và những cảm nhận này là của riêng em, không có ý định công kích, hay phân bua đúng sai, em chọn sống ở vườn, lối giản đơn tự chủ, biết rõ bản thân muốn gì để hoàn thiện kĩ năng và vui vẻ với sự muốn ấy, các bạn cứ nghe theo sự muốn của bản thân nhé.

Ý kiến của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Scroll to Top