Tham gia nhóm Cọng Rơm từ lâu, tôi đã từ nhiều góc nhìn khác nhau quan sát:
- Bắt đầu là thành phần kiểu “a-dua” – từ cách đây 5 năm khi còn đi làm văn phòng và sống ở đô thị, tôi theo dõi những người kiểu “cọng rơm” vì sự tò mò xem có lựa chọn nào “dễ chịu” hơn là “nông nghiệp hữu cơ” không?
- 3 năm trước tôi thành kẻ “HÓNG” ở nhóm kiểu muốn ‘dời phố về quê’ – khi đã rõ ràng hơn về việc phải thoát khỏi đời sống thành phố vì “ngộp thở” mỗi ngày nhưng không rõ mình sẽ về quê “sống kiểu gì?”
- 2 năm trước tôi HỌC – bắt đầu dời khỏi phố thị về dựng nếp nhà ở khu vườn bỏ trống của bố ở quê.
Năm nay (2020) tôi thấy mình trên hành trình…
Trở thành ‘cọng rơm’ như là LỰA CHỌN LỐI SỐNG chứ không phải một NGHỀ NGHIỆP
1. Thực sự mong đợi gì?
Không ít người trẻ sinh ra lớn lên ở thành phố như kiểu tôi:
- 3 đời ông bà bố mẹ không bao giờ tự trồng rau.
- Luôn hoang mang rằng nếu “về quê” thì sống làm sao, bắt đầu khu vườn của mình như nào,
- Và ĐẦY TỰ TI về khả năng của mình khi tới mấy buổi kiểu “off Cọng rơm” (cuộc gặp của những độc giả quyển sách Cuộc cách mạng một cọng rơm).
Nhưng gặp nhiều anh chị “rơm” mới thấy, mọi người sống trong khu vườn có đầy lòng bao dung và hòa hợp, mỗi người có một câu chuyện và mang tới san sẻ cùng nhau để có thêm động lực và lựa chọn sáng suốt hơn.


Là tôi 2 năm trước, không biết bắt đầu từ đâu, sợ làm sẽ sai. Các anh chị bảo “cứ làm đi, trồng cây dễ mà”. Nếu cây có chẳng may chết thì cũng “chả sao cả”, cũng thành sinh khối cho đất, làm nền cho những cây khác lớn lên.
Là bạn T. năm nay tới nhà tôi, mang nặng trong lòng chuyện bố mẹ phản đối sau khi đi học Ngoại thương, rồi lại từng du học, với công việc ổn định ở thành phố, để về quê sống và muốn bắt đầu 1 khu vườn.
Thế là cũng lại nghe chuyện bạn T. khác từ Đài Loan về với một cửa hàng kinh doanh tốt, một ngày bán hết cửa hàng để đi trồng rừng nhờ được cảm hoá bởi cô Hương, bố bạn đành bảo: “thôi nếu về vườn thì bố cho 2 con bò, người ta ăn cơm thì mình ăn cháo cũng được”.
Chuyện bạn D từng đi Nhật, cách đây vài năm về quê ở vườn bố mẹ, suốt nhiều ngày tháng phụ huynh buồn và càm ràm. Năm nay sang thăm hai bác hào hứng đón tiếp bọn rơm và bảo: “hồi xưa bác cứ phản đối nó, nhưng không gì bằng sống ở quê! Rau cỏ đầy đủ, cá thì bắt nhoáng cái là xong, không khí trong lành chả bệnh tật gì, các bác lại được có con cái ở cùng vui lắm!”. D kể, lúc đầu cứ phải tranh luận với bố mẹ cũng căng thẳng, nhưng về sau thấy làm vậy thật mệt, nên việc mình mình cứ làm, dần dần bố mẹ sẽ hiểu ra. Bản thân mình sống tốt, và trưởng thành hơn từ trong sự thay đổi ấy, thì người khác mới chấp nhận.


Có rất nhiều bạn T và tôi kiểu như thế, từ bỏ những lựa chọn nghề nghiệp ở thành phố chỉ vì một mong muốn “được sống” trong một khu vườn nhỏ. Về vườn không có kĩ năng và kinh nghiệm gì, cũng chẳng “lót dạ” một bụng kiến thức như khi mình từ trường học bước ra đời.
Chúng tôi cũng được các anh chị lớn hơn chia sẻ, để không chấp vào tính sở hữu. Với số vốn không nhiều, việc đi mượn một mảnh vườn bỏ hoang hoặc ở nhờ trên đất của người khác, cũng là lựa chọn hợp lí để bắt đầu đời sống này.
Giống như bầy cá hồi Đại Tây Dương, chẳng có ai giúp sức nhưng chúng bơi ngược dòng được, vì nhờ một “luật hấp dẫn” nào đó, khiến chúng lựa chọn hành trình ấy. Và cứ thế lớn dần, phát triển dần các kĩ năng bơi, nhảy vượt thác trên hành trình của mình.
Ở những buổi “off rơm”, không có câu trả lời cụ thể nào cho những băn khoăn của mỗi người. Mọi người chia sẻ với nhau về những “lựa chọn” rất đời như ăn chay hay ăn mặn, cái cây nó bệnh thì mình xem nó sinh tồn để học hỏi hay “truyền dinh dưỡng cấp tốc” hoặc cứu cây bằng “một liều thuốc cấp cứu”. Lựa chọn và lí giải của mỗi người giúp bạn đi sâu vào câu hỏi của chính mình: “thực sự mong đợi gì” trong hành trình này.
2. Là NÔNG DÂN hay là MẤY ĐỨA DẬT DỜ?
Về vườn sống chỉ có một nghề duy nhất là làm vườn, làm nông thôi sao? Tôi đã từng tự hỏi mình câu ấy. Và nếu trồng rau, trồng lúa, chăn nuôi là lựa chọn duy nhất, thì tôi là người tự dìm chết chính mình. Không phải làm nông dân KHÓ, mà với tôi thì đó không phải công việc bản thân có thể say mê, chấp nhận vất vả và kiên trì để học hỏi sao cho trở nên thành thạo được.


Chúng tôi yêu thích công việc của mình đang có, tự tin và vui khi phát triển những bộ kĩ năng nghề nghiệp hiện tại. Từ làm nghiên cứu xã hội, viết bài tạp chí, làm admin của cơ quan tới điều phối dự án cộng đồng, kinh doanh hay làm thiết kế, kiến trúc. Tôi đã tự hỏi và biết mình không hề muốn bỏ nghề nghiệp ấy. Điều tôi muốn là một đời sống có-lao-động và có-thong-thả, được cảm nhận khí trời và nắng gió, hít thở đủ sâu, có sự kết nối với thiên nhiên và không-ngừng-trưởng-thành thêm mỗi ngày.
Cuộc sống ở thành phố, ít nhất những phen tắc đường sáng tối không đủ thời gian cho tôi được thong thả, cũng không dám hít sâu một lần khi đi giữa trời heo may tuyệt đẹp. Đổi lấy cuộc sống ở nông thôn thì có thể vẫn làm một công việc gì đó mình hợp và dễ thở, tôi có thể nhẩn nha bất cứ lúc nào tôi muốn.
Thấu rõ lòng mình rồi, tôi chọn việc về quê, mỗi ngày vẫn làm việc 4-6h trên chiếc laptop thân quen tùy theo giai đoạn. Chỉ khác là công việc làm từ xa, tôi cần tự nạp thêm những kĩ năng để mình làm hiệu quả hơn. Và đặc biệt là rất điều độ. Rồi tôi lại có khoảng 4h mỗi ngày cho việc học làm vườn, tập tành với những luống đất nhỏ, hoặc chạy ra suối chơi, hoặc đi lên đồi nhặt củi, hoặc chơi với tụi trẻ con – đó là thời gian mà bạn bè và đồng nghiệp tôi đang vất vả trên những chặng đường tắc.
Tôi chỉ có vài tiếng mỗi ngày cho khu vườn 2000m2 của mình. Vậy nên không đặt kỳ vọng nhiều về nguồn thu từ nó, thay vào đó tôi đặt kỳ vọng “Mình học được gì từ khu vườn?” trong mỗi mùa Xuân Hạ Thu Đông tiết trời thanh đổi. (*)
(*) Có một cách nữa, để tiến độ học hỏi được nhanh hơn với sức nhỏ bé của mình, thì tôi cần thêm nhiều người thích học vườn như mình cùng thử nghiệm và chia sẻ. Vậy là tôi mở vườn để đón những bạn tình nguyện viên như vậy – không có ai là chuyên gia, chỉ toàn những đứa thích thử làm vườn mà chưa có đất. Chúng tôi trao đổi với nhau các cách làm và thử làm. Khu vườn trở thành một nơi thử nghiệm cho nhiều phương thức. Điểm chung của các phương thức đều dựa trên nguyên tắc: Sử dụng tối ưu nguồn-lực-TẠI-CHỖ và tất nhiên không hóa chất tổng hợp. Sau chưa đầy 1 năm, khu vườn được thành hình, và tôi được QUAN SÁT, được hiểu hơn về cây cối, đất đai trên mảnh vườn mình.
Các ông bà trong làng gọi bọn tôi là “làm DẬT DỜ”. Vì thấy bọn tôi về quê, làm vườn mà mỗi ngày chỉ ra vườn chút ít, lại hay lang thang lên núi ra suối chơi hoặc sang các vườn hỏi những điều “ngu ngơ” – mà các ông bà nghĩ đó là điều cơ bản ai cũng biết.
Cách đây 2 năm khi tôi quyết định về quê, không ai nói rằng tôi có một lựa chọn “làm mấy đứa DẬT DỜ” kiểu như thế. Suy nghĩ mặc nhiên là: Về quê —> làm NÔNG DÂN. Vì thế tôi đã từng rất băn khoăn trước quyết định của mình.
Tôi có lựa chọn vừa làm nông, vừa làm nghề cũ mà mình yêu thích, lẫn đủ tự tin để kiếm sống.
Hôm vừa rồi T kể bạn ấy đang đọc 1 cuốn sách tựa đề “Half farmer, Half X”. Thế là tôi mới biết có thêm “thuật ngữ” để gọi định dạng kiểu ở vườn như tôi, như anh S. dạy thiền và nuôi ong, như em B. sửa chữa đồ điện tử và trồng cây, như chị Hằng dịch sách và làm vườn,….Những mong ước về quê khác chắc chắn cũng sẽ thêm phần tự tin, khi biết rằng mình có thêm một lựa chọn về vườn là ‘làm-nông-nửa-ngày’, và vẫn duy trì nghề nghiệp khác mà bạn yêu thích.
Khu vườn và thiên nhiên rất bao dung với chúng ta, con người không làm gì, rừng cây vẫn cứ lớn. Nên mọi người bảo nhau thế này: “Nếu phải cân nhắc việc gì mình làm có nhiều giá trị mà vẫn có thể gây hại, thì cách TỐT NHẤT có thể làm được chính là KHÔNG-LÀM-GÌ-CẢ!”…
3. NUÔI CÂY hay DƯỠNG ĐẤT?
Thực ra sau hơn 1 năm thì các ông bà trong làng đang bảo tôi là “làm chơi ăn thật”, vì thấy tôi có dư thừa rau trái ngoài tự cung tự cấp cho mình, ngoài gửi tặng hàng xóm thân quen và bạn bè, thì vẫn đi bán được. Những cây bưởi không bón lân đạm của chúng tôi trộm vía lại sai quả hơn những cây bưởi cùng giống cùng tuổi y chang bên vườn liền kề. Có lẽ phần nhiều là do may mắn, còn một chút nỗ lực thì do sự ngờ nghệch của tôi. Hôm trước có anh hỏi: ‘Cây tới mùa bói quả mà đất cằn không đủ chất dinh dưỡng, mình làm sao có thể mặc kệ nó được chứ? Thế là anh nông dân từ rừng về nói với chúng tôi chuyện ta chọn làm việc ‘NUÔI CÂY hay DƯỠNG ĐẤT’


- Nuôi cây: có nghĩa là ta chăm bẵm cho từng cái cây. Trông đợi cây cần gì và thiếu gì thì ta bổ sung cho nó. Ta cho cây ăn “trực tiếp” các nguyên tố vi lượng vô cơ như N-P-K như uống một loại vitamin. Ta trông coi cái cây nếu bị bệnh thì cần chữa.
- Dưỡng đất: nghĩa là ta tạo nên lớp mùn, độ ẩm và khoáng chất. Việc ‘nuôi đất’ nghĩa là tạo một nền tảng, như chúng ta tạo ra một môi trường khỏe mạnh, cây trên đất tự “ăn” và chuyển hóa các chất hữu cơ để trưởng thành theo nhu cầu của chúng. Những đứa trẻ khỏe mạnh sẽ tự thân có sức đề kháng tốt hơn.
Việc tập trung vào nuôi cây, thì có thể giúp chúng ta ‘kiểm soát’ được khả năng tăng trưởng của chúng, đạt tới năng suất cao hoặc thấp tùy vào việc ta cho cây ăn có đủ thiếu ra sao. Chưa bàn đến việc mất cân bằng sinh thái, có hại môi trường hay không, việc này ít nhất khiến những người làm vườn cần tiêu tốn nhiều nguồn lực, đặc biệt là tiền để mua sắm các vật tư nông nghiệp bên ngoài.
Việc dưỡng đất cần ta quan sát và học hỏi mỗi ngày, cần “chờ đợi” sự chuyển hóa từ những vật chất hữu cơ để thấy được “biểu hiện” trên cây trồng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ta chấp nhận con người là một phần trong tổng hòa mối quan hệ với tự nhiên, và tôn trọng các quy luật chuyển hóa của hệ sinh thái với cây trồng.
Lựa chọn làm gì ở thời điểm nào là quyết định của mỗi người làm vườn.


Quay lại với câu chuyện của mình, quả thật tôi là “làm như chơi”. Ngày nào các ông bà hàng xóm cũng hỏi “chúng mày ra vườn làm gì?” Ngày nào chúng tôi cũng trả lời “Cháu ra làm đất” – trong suốt gần 1 năm liền. Nhưng họ quan sát thấy chúng tôi không cày xới, không cuốc đất, không nhổ cỏ. Từ Hè sang Đông, bọn thanh niên phố “dật dờ” này đi xin rơm về phủ đất. Cỏ trong vườn cứ cắt khoảnh này chưa xong khoảnh khác đã lên rậm rạp.
Cái may mắn của tôi là vì tin rằng mình ngu ngốc, nên quyết tâm không làm gì to lớn. Cắt cỏ và kết hợp với rơm để che phủ mặt đất, giữ được độ ẩm cho khỏi phải tưới nhiều. Những khoảnh đất được che phủ tốt, cỏ cũng khó mọc lên. Ông 3T bảo nên trồng nhiều chuối, tôi tin vào ông ấy, nên cũng đi trồng thêm rất nhiều trong vườn. Đơn giản vì cây chuối không hề đỏng đảnh, chẳng phải lo lắng việc chăm bẵm cho cây, cứ thả đấy thôi. Kể cả chúng không có quả, thì vườn cũng xanh mát chứ không “trơ trơ” như cảnh tượng ban đầu.
Vậy là mảnh vườn đã may mắn được dưỡng đất nhờ sự khờ khạo và lười biếng của tôi, được bồi đắp rất nhiều chất mùn hữu cơ từ những sự hồn nhiên yêu thương tự nhiên của các bạn bè đến giúp. Tôi có cơ hội quan sát và học hỏi vạn vật trong vườn mà ít âu lo và ít áp lực.
Diệu Anh
Thông tin nhà:
- Chủ nhà: Gia đình Diệu Anh và Vũ Lợi.
- Tên nhà: Hành trình Trở về – Dream Up.
- Địa điểm: Gia Hòa, Gia Viễn, Ninh Bình.
- Fanpage: https://www.facebook.com/dream.up.journey/