Greening Ninh Thuận: Từ ước mơ tới hành trình

Ước mơ:

Từ thời còn đi học chứng kiến những lúc hạn nặng đồng khô nứt nẻ, trâu bò giơ xương, người người nhà nhà đi chở nước, cho tới những năm tháng đi làm rong ruổi ở miền Tây, chứng kiến hậu quả ghê gớm của hạn mặn, trong tôi thường trực một nỗi ám ảnh: thiếu nước ngọt.

Xứ mình Phan Rang (Ninh Thuận), là một trong những nơi nắng nóng, khô hạn nhất cả nước. Những ai đã trải qua cái nóng như thiêu như đốt mới hiểu bóng mát cây xanh đáng quý biết nhường nào. Vậy nên từ rất lâu, mình đã ôm ước mơ trồng thật nhiều cây xanh, luôn suy nghĩ về cách thức nào để hiện thực hóa nó.

Hành trình:

Lăn ra trồng cây hay góp sức tìm lại màu xanh trên một vùng khô cằn khi mình chưa đủ lực thì chắc chắn không khả thi, mình sẽ thành con khô trước tiên.

Qua những chuyến đi thiện nguyện với nhóm Thắp Sáng Buôn Làng (một nhóm chuyên tặng bộ thắp sáng bằng năng lượng mặt trời cho bà con khó khăn ở những nơi chưa có điện lưới), mình nhận thấy nhiều trường học được xây dựng khang trang, nhưng thiếu bóng mát cây xanh, thậm chí sân trường được bê tông hóa toàn bộ, không hề chừa chỗ để trồng cây. Cảnh các em học sinh phải học dưới cái nóng hầm hập của mái tôn và sân bê tông, cứ làm mình suy nghĩ mãi.

Hai chị em mình vui sướng bên cây giống được tài trợ

Thời điểm đó, mình mới khởi nghiệp với xưởng chế biến thực phẩm Ông Thắng được 2 năm, còn đang ngày đêm suy nghĩ làm sao để “sống sót” với việc “buôn thúng, bán mẹt” này đây. Bởi băn khoăn là vậy chứ chắc mình vẫn chưa thể làm gì được nếu không có sự đồng hành của cô em họ.

Cô Huyền, vừa là em họ, vừa là bạn, là đồng đội trên “mọi nẻo đường”. Cổ cũng có cùng mong ước góp sức trồng thiệt nhiều cây xanh.

Thế là hai đứa cùng đồng ý là: dù đang còn khó khăn, nhưng nếu không bắt đầu thì không biết khi nào, thôi cứ làm từ từ, sức tới đâu làm tới đó.

Và rồi tháng 6 năm 2019, kế hoạch PHỦ XANH SÂN TRƯỜNG ra đời, bắt đầu bước chân đầu tiên bằng việc trồng cây trong những trường học thiếu bóng mát.

Xưởng Ông Thắng chịu trách nhiệm tổ chức và kinh phí, việc trồng cây được sự giúp sức của anh chị em tình nguyện viên và lực lượng tại chỗ. Trách nhiệm chăm sóc cây thuộc về nhà trường.

Để vận hành kế hoạch này thì sẽ có các bước công việc cụ thể:

  • Nhận thông tin về địa điểm đề nghị trồng cây. Mình chỉ tập trung cho trường học đầu tiên.
  • Khảo sát thực trạng “hiện trường”để đảm bảo tính khả thi, cũng như tìm hiểu về con người ở nơi ấy, để chắc chắn rằng: Cây trồng rồi sẽ được coi sóc.
  • Đặt mua cây giống, và sắp xếp nhân sự tình nguyện cho buổi trồng cây.
  • Trồng cây rồi, sau đó sẽ phân bổ thời gian đi thăm lại để theo dõi định kì, cập nhật tình trạng của cây đã được trồng. Tụi mình đi thăm vừa để chắc chắn mỗi chúng ta có trách nhiệm coi sóc cây, cũng là động lực để mình tiếp tục. Nhìn sân trường có bóng cây xanh là phần thưởng tinh thần rất lớn cho tụi mình.
Có những nơi trường đồng ý cho chọc bê tông để trồng cây (riêng hố này thì là có nền đất sẵn)

Sau 2 đợt trồng cây, hai chị em ngồi lại suy nghĩ làm sao để hoạt động được duy trì trong khi các điểm trường đăng kí trồng cây thì tăng lên mà nguồn lực tài chính của xưởng thì còn quá hạn hẹp. Để đi đường xa, cần phải có thêm đồng đội, có thêm sự trợ giúp từ bên ngoài. Vì vậy chị em mình quyết định thành lập nhóm ‘Greening Ninh Thuận’ với mục tiêu là trồng thật nhiều cây xanh ở Ninh Thuận.

Tới nay nhóm đã có 9 thành viên. Các thành viên phân chia nhau công việc, hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện: truyền thông, kết nối với các điểm cần trồng cây, khảo sát điểm trồng cây, tổ chức và điều phối các buổi trồng cây, vận động gây quỹ…

Về tài chính, xưởng Ông vẫn góp một phần nhỏ kinh phí hàng tháng vào quỹ trồng cây, tuy nhiên sự đóng góp chính yếu đến từ thành viên nhóm, anh chị em bạn bè, người thân, khách hàng, hàng xóm, những người yêu cây xanh gần xa…

Các bạn tình nguyện trong một ngày trồng cây. Các bạn thấy đấy, nơi đây toàn đá và bê tông.

Người tặng dụng cụ, người tặng cây giống, người tặng tiền…rất nhiều hình thức trợ giúp. Tài khoản của nhóm do bạn thủ quỹ quản lí, mọi đóng góp và chi tiêu đều được ghi chép đầy đủ và công khai.

Ngoài chương trình “Phủ Xanh Sân Trường” ban đầu, nhóm đã mở rộng ra các địa điểm khác, với điều kiện tiên quyết là tại chỗ có người chăm sóc cây: đài liệt sỹ, ban quản lí thôn/xã, đường thôn làng, sân bóng, nhà sinh hoạt cộng đồng, doanh trại, cơ quan, xí nghiệp công hoặc tư… Gần đây nhất nhóm trao tặng hạt giống và cây giống cho cả các cá nhân có vườn/trang trại có nhu cầu trồng cây.

Tính đến nay, nhóm đã trồng được tổng cộng 1.961 cây, tại 72 điểm. Tỉ lệ cây sống: 90.5%

Ngoài ra, mùa hè vừa rồi nhóm đã nhận và trao tặng 765 cây lâm nghiệp (sưa, long não, gõ đỏ, gõ gụ) cho các cá nhân, tổ chức, xí nghiệp, trang trại trong tỉnh Ninh Thuận.

Trồng cây tốn kém cả về tài chính, nhân lực và chăm sóc, chỉ phù hợp cho một số trường hợp nhất định. Lý tưởng nhất là chúng ta chung tay để thiên nhiên có thể làm việc của mình.

Trong tương lai, nhóm vẫn sẽ tiếp tục các hoạt động hiện tại. Tuy nhiên, việc trồng cây tốn kém nhiều cả về tài chính, nhân lực trồng và chăm sóc, chỉ phù hợp cho một số trường hợp nhất định, mà tụi mình xác định ở đây là những đơn vị hành chính, trường học, các công sở, xí nghiệp… nơi mà đang ưu tiên bê tông hóa. Tụi mình mong rằng, có thể góp chút sức  vào một Phan Rang nóng cháy trong quá trình đô thị hóa, thì cũng được xanh hóa đồng thời.  Mục tiêu dài hạn hơn, nhóm dự định sẽ phát triển một quỹ hạt giống dành tặng hạt/ươm cây để trao cho những tổ chức/ cá nhân có nhu cầu. Tự mỗi người ươm, trồng cây trên chính mảnh đất của mình vẫn là tối ưu hơn cả.

Và ở tương lai nào đó, nếu có một mảnh đất, thì việc đầu tiên tụi mình làm là phủ xanh nơi ấy bằng hàng loạt các cây tiên phong dễ mọc, dễ sống, không cần chăm sóc mà sinh trưởng nhanh (mất tầm 1-2 năm) ngay tại địa phương như: chuối, cây neem… Mình gọi đó là “góp sức tạo nền xanh đầu tiên để che phủ đất”. Đất trống trơ trọi được phủ xanh càng nhanh thì càng khỏe cho cả đất lẫn người. Một khi đất được “bao bọc” rồi, thì sự tự tái sinh của hệ động thực vật cũng dễ dàng và mạnh mẽ. Lúc này, nếu có muốn trồng cây lâu năm “theo chủ ý” cũng dễ sống hơn. Tụi mình sẽ không phải trồng và chăm từng gốc cây một, thay vào đó thiên nhiên sẽ làm hết. Quan trọng là làm sao để đất được phủ xanh càng nhanh càng tốt, còn cây gì trên đất không quan trọng.

Nhóm chúng mình chọn làm việc nhỏ, vừa sức, thay vì đau buồn với những “điều to tát” mà mình chưa làm gì để thay đổi được.

Hiện tại, mỗi một cái cây phát triển xanh tốt, là một niềm vui không nhỏ với chúng mình. Vậy là đủ.

Tại một điểm trường côi cối đã xanh um, đó là niềm vui nhen nhóm trong tụi mình.

Hồ Thị Ánh

Thông tin chương trình :

Ý kiến của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Scroll to Top