Có lẽ một trong những yếu tố rất quan trọng để mỗi bạn chọn địa điểm khi về vườn là cộng đồng. Chúng ta thường muốn chọn nơi mà nhiều người cùng lối sống, lối canh tác để có thể nói chuyện, hay an tâm vui vẻ lao động (kiểu như không sợ đang hít gió trời mà ai đó xịt thuốc trước mặt vậy
Một cộng đồng mà thấy an ủi, nâng đỡ, tiếp bước khi ở bên. Nên thường là bạn bè tứ xứ gom nhau về, hay trên đường đi thấy ai hợp thì gom nhau lại. Nên Xanh kể một vài câu chuyện về khía cạnh này nhé:
1. Bản địa:
Bác ông Vườn Mai từng nói: Bác thích ở nơi mà cộng đồng là dân địa phương lâu năm. Những người mà đã ở vùng đất ấy lâu đời rồi, đồng bào dân tộc ít người thì càng hay, “tính bản địa” càng nhiều. Tại vì, nơi ấy đã hình thành được:


– Nét văn hóa đời sống đặc trưng: Có thể là một cộng đồng đông dân thật nhưng họ thường chung một lối ứng xử, phong tục, tập quán, có những ngày lễ ngày hội riêng mang tính đặc thù, hay nhiều nét văn hóa khác nữa. Cộng đồng lâu đời đâu đó ẩn chứa sự nhất quán về hành vi, lẫn suy nghĩ. Dễ hiểu thì là họ cùng dùng một thứ “ngôn ngữ” đời sống không lẫn vào đâu được, từ đó sẽ tạo nên những quy chuẩn hay nền tảng ứng xử, đạo đức xã hội rất vững. Bác thích tính “văn hóa bản địa” ấy, văn hóa luôn có sự đẹp.
– Kiến thức mang tính địa phương: Bây giờ tới vùng nào có phải chúng ta sẽ thường tìm người già nhất trong làng để hỏi chuyện không. Hỏi về đất đai, khí hậu, cây cối, thậm chí những giai thoại ngày xưa của vùng đất …. Chỉ có sự gắn bó đủ lâu, thực tiễn đời sống đủ dài, thì kinh nghiệm mới tích lũy đủ để cho những người già nhớ về mà kể.
Cộng đồng lâu đời cũng giống như một khu rừng già vậy. Có cội, có nguồn, có gốc, có rễ, có nhiều tri thức đặc trưng mỗi vùng miền. Bác học làm nông dân mà, nên luôn tò mò về “lịch sử” thổ nhưỡng, cây cối, khí hậu … nơi vùng đất bác đặt chân đến.
Xanh thấy lựa chọn của Bác Ông có nhiều điểm rất hay, đáng ngẫm. Mỗi bước đi là một bước học, và bác thích chọn học những điều thật cũ, bởi chúng có bản sắc riêng chăng. Và tất nhiên, đặt mình vào nơi đã có bản sắc là một thử thách không hề dễ dàng.
2. Ta là ai?
Câu chuyện dưới đây là Xanh được nghe anh Đạt kể: trong chuyến đi “định mệnh” tới rừng Amazon, anh chị đã xác định là về tới Việt Nam nhất định sẽ chọn sống ở vườn, chọn một lối sống khác, và có một băn khoăn dấy lên, có nên tìm kiếm một cộng đồng cùng giá trị sống không, tìm những người hàng xóm đồng tư tưởng?
Sống trong cộng đồng, ta chọn mình là một cây thân gỗ cứ thế vươn lên, hay một dây leo cần được dựa dẫm.
Đem câu hỏi này tới tộc người thổ dân sống ở Amazon, một cụ ông đã dắt anh ra rừng và chỉ: mày quan sát rừng nhé, mày muốn sống như những cây dây leo luôn cần được dựa dẫm để lớn lên, hay muốn là những cây thân gỗ.
Kiểu ý: cứ nhìn vào rừng đi, rồi tự mình quyết định, bản thân muốn mình là gì, có nội lực như thế nào, thì chọn sống như thế ấy.
Bất chợt, lúc nghe anh Đạt kể đến đây cảm thấy bội phục vô cùng. Cảm giác như đâu đó trong tự nhiên luôn có câu trả lời cho cuộc sống này, chỉ là ta có đủ rõ ràng, đủ thân thiết với tự nhiên để mà nhận ra. Người thổ dân có thể nhìn vào rừng, và thấy rõ ràng cuộc đời họ nên và không nên làm gì, chọn sống ra sao. Làm như đời họ đúng ngay từ đầu và thế là mọi thứ thật đơn giản.
Rừng cũng như người vậy, có cây thân gỗ có cây dây leo, có nhiều dạng sống, mà muôn loài nương tựa vào nhau để sinh tồn, nhưng sẽ có những loài sinh ra đã là chỗ dựa cho những loài khác. Bạn cần tự đánh giá năng lực, nội lực của chính mình để biết ta nên chọn vị trí nào trong cuộc sống. Yếu thì không ra gió. Mạnh thì chịu khó đứng trước dông bão. Nhưng mạnh yếu cũng tùy hoàn cảnh, trên hết là hiểu rõ mình để biết điều gì nên làm.
3. Vị thế?
Vào một buổi trưa nắng, em xuống vườn Mai, được “cả làng” đón, tại vì hôm ấy nhà bác nông dân sửa kho nên hàng xóm qua phụ. Lúc nhìn Bác Ông tay bắt mặt mừng, ôm vai bá cổ, cười đùa vui vẻ chia tay hàng xóm, em bất giác ý thức, hay nói đúng hơn thấy rõ được cái gì gọi là bạn bè, là hàng xóm, là hòa nhập hoàn toàn vào cộng đồng.


Gia đình bác có thể được coi là tri thức vô cùng thành công ở thành phố, theo đúng nhịp thường thấy, nếu họ về quê thì sẽ thuê mướn lao động vào những việc cần sức. Khi đó hình thành mối quan hệ của người trả tiền và người làm công, hình ảnh trước mắt nó sẽ kiểu một người là chủ có thân thiện đến mấy vẫn phảng phất dáng dấp bề trên, và bên kia là sự khúm núm, dè chừng. Có cố gắng thoải mái thế nào đi chăng nữa, thì vẫn thấy khoảng cách giữa họ, khoảng cách vô hình lắm.
Nhưng hôm nay, trong cái nắng vàng rực ấy, em đã nhìn thấy hình ảnh mà bản thân cố gắng tìm kiếm bấy lâu: sự “bằng cấp” (bình đẳng) hoàn toàn giữa những con người, giữa những người nông dân. Sự hòa nhập hoàn toàn không giới hạn của một người thành phố vào cộng đồng làng quê. Sự khiêm nhường, tôn trọng trong mắt nhau.
Em thích hình ảnh “bằng vai phải lứa” ấy. Không có hằn ranh biên giới của trí thức, của tiền bạc, hay bất cứ điều gì. Có thể đó chỉ là cảm nhận của riêng bản thân em. Nhưng một cách thành thật, với hơn 6 năm đi, gặp không biết bao nhiêu gia đình lẫn cộng đồng nông dân, thì đây là lần đầu tiên em thấy được sự hòa nhịp chân thật đến vậy. Bác – một người phố, khi trở về vườn ông ấy đã sống như một người nông dân được cả cộng đồng này đón nhận, và trong mắt ông cả làng này thân thuộc, đáng kính trọng.
Và bác ông đã gần 50 tuổi, đây là lần đầu tiên ông tháo vát “việc nhà” đến vậy. Việc nhà ở đây là “kỹ năng sinh tồn” ấy ạ, các công việc tay chân để có thể tự làm, tự sửa mọi thứ trong một căn nhà. Để bác bà chỉ cần đưa ra mong muốn: một cái ao, một cái nhà kho, một bộ bàn ghế, một khoảnh đất trồng rau …. là bác ông có thể tự tin trình diễn “kỹ nghệ” rồi có tác phẩm rất nhiều thẩm mỹ vườn tược sau đó vài ngày. Sự tháo vát ấy hoàn toàn được học từ hàng xóm trong suốt 4 năm qua.
Tôi có thể làm gì có ích cho cộng đồng mình đang sống.
Đến hôm nay (2021), mọi người ở nơi ấy vẫn canh tác lối thông thường, vẫn phân thuốc, vẫn sống lối tiêu thụ, nhưng mỗi năm có thêm gia đình bỏ dùng thuốc cỏ, có gia đình đã chia chút nông sản cho cả làng thay vì bán hết. Mỗi năm, làng quê nhỏ ấy thay đổi từng chút theo hình theo dáng của mỗi người nông dân – và bác ông là một trong số họ
Bạn ạ, chẳng có một cộng đồng cùng giá trị sống ở sẵn đó cho ta gia nhập, chỉ là không cần biết cộng đồng ấy ra sao, bác ông đã tự nguyện muốn bản thân có ích với mọi người. Bác có thể là ai đó ở ngoài kia, nhưng ở đây bác là một nông dân học việc, khiêm nhường, nương tựa vào cộng đồng. Hình ảnh đấy rất đẹp.
Bác định hình khu vườn, gia đình này là một nông hộ biết điều, biết đủ, biết bản thân thiếu sót và mong muốn được hướng dẫn (cực kì bản năng, chứ không gắng gồng). Vậy nên, được cả cộng đồng ôm đỡ.
Hi vọng rằng mỗi bạn khi về vườn, thì sẽ bắt đầu với câu hỏi: tôi có thể làm gì có ích cho cộng đồng mình đang sống.
Một vài quan sát của Xanh cho băn khoăn về cộng đồng, và trên tất cả Xanh thấy rằng: mỗi người hiểu rõ được chính mình, thì sẽ đưa ra lựa chọn càng khớp với nội lực và điều bản thân thật sự muốn.