Chương 1: Dấn thân bán rau.
Năm đó 2014, nghề dạy kèm của hắn đang khá lắm, nhưng đã ngửi thấy “hơi chết”, hắn toan tính tìm nghề mới. Hắn thử duyên buôn bán, chọn buôn gà sạch. Buôn gà sạch lợi nhuận lắm, mỗi con gà thường lãi ròng ngoài 100 ngàn. Rất nhanh, khách ăn hết gà sạch, nguồn cung cấp bắt đầu đưa gà bẩn vào, hắn lập tức ngừng gà.
2015, nghề dạy kèm rơi tự do, phải quyết nhanh hai chuyện:
- Chuyện thứ nhất, phải ổn định chỗ ở, có miếng đất cắm dùi. Thế là hắn cùng vợ dốc toàn bộ tiền tích góp đặt cọc miếng đất, vay tiền làm một căn nhà nhỏ, lui về cố thủ, chấm dứt 20 năm thuê mướn. Căn nhà ngoại ô.
- Chuyện nữa: phải làm gì trước khi nghề dạy kèm chết hẳn ?


Một chuyến về quê, trên đường hắn dừng lại, mua 20kg rau bí, nhận được màu sắc rau ngon quá, bèn đem chia làm quà cho tất cả đồng nghiệp cùng phòng của vợ. Phản hồi hoan hỉ tíu tít, hắn nảy lên âm mưu: sao ta không đi buôn rau sạch. Buôn rau cũng lãi lắm, vừa làm vừa chơi, mỗi ngày một buổi đến vườn những anh chị thân hữu lấy rau đi giao bạn bè, lợi nhuận không dưới 500k/ngày. Một hôm, vì ca dạy kèm thay đổi, bèn tự mình giữa trưa đi lấy trước mấy món tại vườn, rồi mới gọi người chị thân thiết trồng rau cùng xóm: em đã lấy số lượng rau này rồi. Bên kia dây tá hỏa: chị vừa phun cái này… Hắn thì muốn xỉu. Gấp gáp bốc máy gọi từng khách, xin lỗi và yêu cầu hủy hết rau đi. Lại đăng lên Facebook xin lỗi hết cả. Hóa ra, dù đã rất cố gắng chịu chi, hắn lâu nay vẫn buôn rau bẩn bán giá sạch. Hắn nhận ra, phải nhìn người ta làm, đừng nghe người ta nói.
Hai tháng sau, hắn nghĩ đã chín: chỉ tự trồng rau mới có món sạch mà bán. Hắn đã bơi vào vườn như vậy. Làm nông, hắn không biết gì. Nhưng hắn yêu thiên nhiên, say cảnh tự nhiên từ nhỏ. Ừ thì cứ làm. Làm nông khó đủ ăn, phải làm món đặc biệt, ấy chính là món sạch, may ra nên cơm. Làm sao để sạch? Nếu dễ, thì đồ sạch có đầy cho hắn buôn rồi. Thế là lại hỏi bác Gu Gồ, thấy bác ấy chỉ là nhà lưới nhà kính thì sẽ tránh được sâu hại các hiểu. Vậy là quyết bàn với vợ cắm cái sổ đỏ để vay tiền đầu tư làm rau sạch, mới nợ tiền làm nhà, giờ lại nợ một cục nữa 😀 .
Bước đầu hắn đã làm như sau:
- Thuê đất của bà con, thuê đến 22 hộ vì đất ở đây mỗi nhà mỗi mảnh chút chút.
- Chi đến 580 triệu để làm 1500m2 nhà lưới.
- Còn hệ thống tưới hắn tự tay làm, lấy nước phù sa sông Đuống mà tưới.
Thế rồi cặm cụi cuốc xới, gieo hạt, thêm một chút phân lân nhưng nghiêm túc không đạm, không phun. Lứa cải canh đầu tay, gieo lúc tháng 8, chính vụ, lớn vù vù, không sâu bệnh, sướng nhá! . Thế rồi lao động quần quật được 2 tháng thì hắn nhận ra bản thân ốm yếu không thể kham nổi, hắn quyết định thuê khoán 10 triệu đồng/ tháng, nông dân ở đây nhận liền vì đố có ai làm ra được 6 triệu/ tháng từ đồng ruộng ấy chứ.


Tháng 11/2016, vườn được ba tháng, đã sướng vì trả thêm tiền nhân công, rau chỉ mới bán hai tháng mà vẫn lãi, phen này trả nợ đầu tư ban đầu khỏi lo rồi. Đùng một cái, mấy bạn rệp nhớt, cả bọ nhảy nữa, vào mùa của họ, họ bùng lên như cơn giận. Nay thấy rệp nhớt, hai hôm nữa thì cải gục xuống. Bọ nhảy đâu kém gì, gặm xu hào cải bắp chỉ còn xương. Không chỉ thế, lâu lâu người làm còn quên đóng cửa nhà màng, thế là vài em bướm bay vào mỗi em sẽ nhẹ nhàng quàng lên cổ hắn một chuỗi ngọc với ít nhất 500 quả tương ứng 500 baby màu xanh sẽ nũng nịu khó chiều lắm, thôi toang! Gấp lắm rồi. Việc đầu tiên hắn báo người làm: “cháu sẽ làm thuốc thảo dược, nghiêm cấm hóa dược, rau có thể chết nhưng cháu sẽ gửi đủ lương cho bà ít nhất đến hết hai năm hợp đồng, bà chịu khó kiên nhẫn giúp cháu, mỗi ngày nhặt sâu tranh thủ rồi hãy làm việc khác. Bắt đầu một chuỗi dài đeo đuổi thảo dược, những tháng ngày loay hoay chống đỡ.
Hắn than khóc trên khắp các diễn đàn, được bạn bè nơi nơi chỉ đủ các chiêu trò, công thức thuốc thảo dược, hắn cũng tự chế, rồi đưa cho người làm, và hôm sau đến vườn đã thấy sâu bọ những luống được phun đều ra đi cả. Vui quá, hắn bảo bà hướng dẫn hắn dùng bình phun, để lúc khoái thì tự mình diệt sâu bọ. Thấy cái bình đi mượn còn vương mùi hóa dược, hắn đi mua cái bình mới về dùng cho đảm bảo. Hơn tuần sau, hắn tự mình phun thuốc thảo dược, lại thấy bình mới mua thoang thoảng mùi hóa dược, lấy làm lạ, hắn hỏi người làm, được trả lời cho ông này ông nọ mượn bình. Đồng ý, phải biết giúp đỡ lân bang, vậy tốt, bà cứ thế nhé. Phun xong hôm sau kiểm tra: sao cháu phun mà rệp không chết nhỉ? Bọ nhảy thì nhởn nhơ?
Bà bảo: mày còn chưa thạo, phải nghiêng vòi phun kỹ mặt dưới lá….Làm đúng y hệt nhưng sau đó bọ vẫn sống nhăn, bà bảo do mày phun không quen tay, thôi để cô làm, còn cứ lo viết bài bán hàng đi. Đồng ý với bà, về lại tích cực hăng say bán buôn.
Rồi một ngày đẹp trời, hắn cầm bình tự phun lại thấy mùi thuốc hóa dược, thấy lạ, sao mọi người đều là nông dân mà cứ mượn bình hoài. Lân la sang hỏi chuyện ông hàng xóm thì vỡ lẽ ra: ông nào có mượn gì đâu. Và một trận tranh cãi nãy lửa với bà. Lời giải thích là: thì tao thương mày, rau sâu quá, mà đây gói thuốc chỉ cách ly có ba ngày, tao pha cùng tỏi ớt……
Thôi cháu từ nay sẽ tự lo, cháu sẽ chuyển sang công nhật, khi cháu cần thì cháu sẽ gọi cô, và nhận được một lời tuyên bố chắc nịch: mày thử gọi người khác xem, không hỏi tao có ai dám làm không. Và đúng như vậy thật, người thuê không ra, có thuê ra cũng có chuyện, người mới người cũ cãi qua cãi lại, một sự mệt mỏi cục bộ bắt đầu. Bây giờ bản thân thì yếu, chậm chạp, người làm thì không có, rau thì sâu bệnh, muôn đường rối rắm.
Hắn lại tiếp tục tự chế thảo dược, chế đủ đường đủ kiểu, thử lên thử xuống. Rồi dùng vợt bắt bướm, rồi tự nấu hồ bột dính sâu, ai chỉ gì làm nấy, nhưng cũng phải nói thật những “võ nghệ” hắn được chỉ là từ nhóm “nhà nông vườn thượng uyển”, và cũng từ đây hắn được nghe lý thuyết: đất tốt cây sẽ khỏe, sẽ kháng hết sâu bệnh, nhưng vẫn mù mờ và đang tối mặt bắt sâu.
Ba tối liền nghiền ngẫm quyển Cuộc cách mạng một cọng rơm, hắn nhận ra: tinh thần làm nông mà sách đề cập là con đường duy nhất hắn có thể đi.
Hắn vẫn tiếp tục bán rau, lượng ra nghèo nàn nên phải bán cho nhiều khách hơn, đi giao xa hơn, chứ đâu thể bắt khách quen ăn mãi một vài món, lắm lúc thấy cuộc đời thật sự nản. Rồi tiếp tục viết bài đăng, kể chuyện vườn, vừa cho khách biết hắn tự tay lao khổ mà chọn, vừa cầu phép làm nông phi hóa chất. Và rồi có chị Bình đã bình luận dưới bài đăng: em đọc cuốn Cuộc cách mạng một cọng rơm đi, gửi luôn cho hắn đường dẫn để đọc ebook. Trong ba tối, hắn vừa đọc say mê, vừa lục tìm mọi lý thuyết đã nghe, lục nốt mớ trí nhớ phai màu từ tuổi thơ cuốc đất trồng rau lợn… càng lúc càng thấy đây đúng. Tinh thần làm nông mà sách đề cập là con đường duy nhất hắn có thể đi.
Lập tức ngừng nốt phân lân, ngừng cả phân hữu cơ ủ từ bã mía (món hữu cơ gì đắt đến gần chục ngàn/kg, vậy mà tin dùng, hắn đúng là đồ điên 😀 ) . Ngừng phân đấy, nhưng cũng chưa biết bắt đầu thế nào để hồi mùn cho đất. Vì vườn rau thì gần như lấy đi hết cả, chẳng để lại cho đất được miếng gì. Lúc này, lục lọi đọc rơm thì cũng lần ra ổ rơm Việt Nam. Phải cái đã dốt lại còn kiêu, thấy nhóm rơm phần nhiều bài chỉ là đăng hỏi những gì hắn cũng hỏi, bèn không chú ý nữa, tự mình vừa làm vừa nghĩ kế là chính. Nhưng biết nhiều bạn rơm đã đi trước hắn, hắn vẫn vững tin nhóm rồi sẽ phát triển mạnh mẽ, hắn cứ vừa làm vừa đợi vậy. Còn lâu lắm hắn mới biết đến những Hằng Mai, những Lão Đồng… Hắn rất tin, đã có những cao tay rơm ở dải đất chữ S này, nhưng là ai? Phải vừa làm vừa đợi hóng thôi. Hắn lao vào con đường cầm liềm cắt cỏ, thu gom rác hữu cơ, rồi ì ạch chở về vườn, hắn và con bọ ngựa wave alpha đã già cứ thế tỉ mẩn, và có đôi lần đo đường, có đôi khi chân tay bị thương phải mò lên tận bệnh viện, nhưng hắn vẫn tin.


Rồi một ngày nọ của năm 2017, có đoàn khách từ Hải Dương lên thăm, trong đó có một cô bé kĩ sư nông nghiệp mà sau này gọi hắn bằng anh. Bẵng đi một lúc, vừa hay tháng đó hắn đã tập bài “rơm phong cách Úc” hai tháng, còn cô em gái kỹ sư nông nghiệp mới ra trường lại đến thăm lần nữa (ơ cái thằng ngốc cũng hấp dẫn phết, hay cái vườn hoang tàn của hắn hấp dẫn?). Bị hắn rủ rê lôi kéo, kẻ nhẹ dạ kia buông hết những gì đã học, góp một đôi tay cùng hắn chăm vườn. Như giọt nước ngầm ri rỉ, ra đến cái rãnh nhỏ, rồi hòa vào lạch lớn, sẽ bắt đầu gặp những thác ghềnh… Nhưng đó là chuyện hồi sau mọi người sẽ rõ, còn bây giờ hắn cùng đồng minh hăng say lao động lắm.


Lúc ấy giữa hè, cỏ trong vườn đã đè rau, cô em gái kia chạy quanh cắt cỏ, ép cỏ không xuể, vườn mỗi ngày mỗi hoang. Nhưng hắn tin yêu rơm, vẫn vừa chạy bán rau, vừa tranh thủ xin rác, cắt cỏ… kha khá mùn rác, giun đất cũng sinh sôi và cả di cư đến, lớp đất mùn đã dày lên, rau đã tốt hơn, vị ngon hơn. Mẹ Đất thương anh em hắn, bà rõ ràng gấp gáp trở mình để cứu hắn, Tuy thế, cỏ ngập ngụa mãi lên, không đủ công lót cỏ, kiểm soát cỏ, và rau cứ thế nghèo dần. Rõ ràng rác mùn rất tốt, bài rơm đầy đủ cơ sở lý luận, nhưng hai anh em vẫn trăn trở công lao không bù năng suất. Giữa lúc có đôi phần rối ren ấy, lại có chuyện nhiêu khê xảy ra:
- Khi cô em gái kỹ sư trẻ đến vườn, hắn không nói cho người cũ nghỉ việc, nhưng cũng không có gọi đến làm. Thế là người ta chạy vòng quanh làng, sáng tác ra một câu chuyện bi hài giữa hai kẻ khốn khổ hắn và cô em 😀 . Chưa hết, bà ấy còn đến vườn, nhiếc mắng cô bé. Có nhiều lần thấy mắt em đỏ hoe, gặng hỏi hắn mới biết chuyện. Hắn phải đến tận nhà với nhiều tranh cãi nữa để dẹp yên. Nghĩ thấy thương con bé mảnh khảnh kia, chỉ vì xót những cánh đồng ngập ngụa hơi độc, xót tương lai, buông bỏ công việc mà cùng hắn lao vào chỗ khổ.
- Hắn kéo cô gái về nhà ăn trưa, để tiết kiệm và có chỗ nghỉ. Mẹ đẻ hắn lúc ấy giúp trông bé út mới hơn tuổi lẫm chẫm, bà nấu cho ăn. Nghĩ rằng mình thành thành thật thật tự nhiên thế, thì ai có thể nghĩ gì. Thế rồi, vợ hắn ghen thật, cũng trải qua một thời gian dài hai vợ chồng dằn vặt nhau.
- Cái nhà lưới đã được hắn cẩn thận gia cố, giằng chống với bê tông móng cột không trụ được bèn ụp xuống, không còn tiền để thuê người bóc gỡ, vậy là một đoạn dài vừa làm vườn, vừa từ từ bóc gỡ phế liệu. Suốt thời gian ấy đến cuối năm 2017, hai con người ngay thẳng làm việc trong kiểu “luồn cúi và chui rúc” dưới cái đống phế liệu: những gông thép, dây chằng và những nilon, lưới nhựa phất phơ. “Thảm kịch” nhà màng 😀 .
- Khi công việc cứ từ từ đi xuống, đi dần đến chỗ hắn không đủ tiền rau để gửi em gái kia ăn đường với đổ xăng. Thật khâm phục, cô ấy vẫn kiên trì, tối thì chạy vạy bán vài món hàng online, ngày vẫn quyết tâm đi vườn. Chỉ đến khi hắn nói sẽ không tài nào xoay được tiền thuê đất nữa, phải nói anh em ta bỏ cuộc thôi, thì lúc ấy mới dừng. Bạn biết không, lúc ấy mảnh vườn đang hồi phục với đầy sinh khí, chỉ là anh em hắn chưa kịp đón nhận kết quả phục hồi đất. Cô bé chia tay, không trách mắng, không đòi hỏi, không nhận nợ…chỉ mong ông anh gàn này không buông bỏ, không ngừng học hỏi để có một ngày nghệ tinh thân vinh mà quật khởi.


- Rau đi gặp khách xuyên hè, những hộp xốp không thể bảo vệ chúng. Trong ngày chạy bán rau, những đơn cuối bị khách phàn nàn rau ôi, dù hắn luôn hái rau xong là rời vườn chạy ngay. Là một quá trình mò mẫm, cải tiến phương pháp bảo quản và vận chuyển. Hắn được em Huỳnh Ngọc Châu mãi phương Nam chỉ vẽ hết ngón nghề đóng gói, ướp đá… nhưng vẫn không ổn. Mãi đến cuối hè năm đó, hắn nghĩ đến cái tủ lạnh, mới nảy ra phương pháp rất đơn giản: trùm một tấm chăn dày lên các thùng rau, phun ướt đẫm trước khi chạy, mỗi lần dừng xe một lần phun nước ướt chăn như thế. Hơi nóng thành phố hầm hập trên dưới 50 độ, lại gió thổi ngược chiều, tấm chăn bông cũng khô nhanh lắm. Lần chạy rau gần như cuối cùng ấy, hắn gặp mưa, treo áo mưa lên người, nên nhận tiền rau thì đút túi áo mưa ấy. Mưa tạnh, hắn cởi áo để lên bụng xe chạy tiếp, quên không lấy tiền ra. Lúc gặp khách, vội vàng đem rau lên căn chung cư, không ngờ quay xuống thì cái áo mưa không cánh bay mất. Nếu không mất hơn 5 triệu định bụng gửi người làm đã hai tháng chưa có đồng lương nào, thì cũng chưa chắc hắn chấp nhận buông súng. Vào một ngày vất vả, giống như tất cả nút thắt rơi trúng ngày ấy, mất gói tiền làm hắn xụi hẳn.
Sơ sơ vài cơn gió cơn bão xảy ra trong giai đoạn ấy thôi, chứ còn nhiều giai thoại lắm, kể ra chắc hết đêm 😀 . Sự nghiệp với vườn, với rau tạm gác lại, gã – một nông dân không còn vườn, thật lênh đênh và lang thang. Tạm kết Chương 1 😀 .