Chuyện của cha mẹ

Tập 3: Xung đột.

Xanhshop tin rằng 99.9% các bạn trẻ về nói với ba mẹ: “con muốn về làm vườn”, đều sẽ bị phản đối, chắc hiếm có phụ huynh nào mỉm cười.

  • Có cậu bé cha mẹ phản đối hắn bỏ đi lang thang vài tháng, cha mẹ sợ quá đồng ý cho hắn về quê làm vườn theo ý mình, nhưng chắc chắn luôn có xung đột ngầm trong gia đình.
  • Có cậu bé đi nghĩa vũ quân sự về rồi cậu làm vườn theo lối nương tựa tự nhiên, ăn uống đơn giản, cha mẹ đều “ngứa mắt” nhưng có lẽ cậu đã có một tuổi trẻ đủ “bất hảo” nên họ cũng không làm gắt, chỉ là luôn luôn tỏ ra không hài lòng, không an tâm. Cậu hiểu, thế rồi cậu đưa mẹ đi đến những nhóm bạn canh tác giống như cậu, mẹ chỉ nói: “ôi đi về nhà thôi, tui bay là một lũ điên”.
  • Có bà mẹ thấy con làm nông “buông thả” luôn cho trời thì bà lo, bà suốt ngày đi ra vườn rồi nói: “ôi cây kia vàng con phải làm thế này, ôi cây kia gầy héo con phải làm thế kia”. Bà để trong lòng mình một nỗi lo rất lớn, nhưng con trai đã kiên định hơn bà với câu nói chắc nịch: mẹ hãy tin con, cứ giao vườn cho con. Thế nhưng trong căn phòng vẫn là hai ý nghĩ đi hai hướng ngược nhau, ai cũng mệt mỏi, lạc lõng cần một chỗ dựa.

Cha mẹ và chúng ta sinh ra ở 2 thế hệ quá khác nhau, nên mỗi người có một nỗi lo là tất yếu. Chúng ta sinh ở cái thời mà mọi thứ vật chất đều có đủ, chỉ là môi sinh cạn kiệt, nên để giữ cái mạng này ta bắt buộc phải sống khác đi. Còn cha mẹ sinh ra ở cái thời “lo chết đói”, lo thiếu thốn, nên tiền mới làm các cụ cảm thấy an toàn là điều dễ hiểu. Họ muốn thoát khỏi cái nếp sống “tự cấp” mà bạn đang chọn nó làm đích đến. Hai thế hệ sinh ra ở hai hoàn cảnh gần như trái ngược, thì tư tưởng đối nghịch đâu có gì là lạ.

Và bạn biết không, Xanhshop cũng đã gặp được các bậc cha mẹ thuộc 0.1% còn lại, người nói: mở cửa cho con đi thì cũng nên mở cửa cho con về. Nó ăn nó học nó muốn vùng vẫy ở thành phố thì cứ thử, lúc nào muốn về làm vườn với cha mẹ thì về đây thôi, học lại từ đầu. Nên bạn ạ, sâu thẳm trong cha mẹ vẫn là thương bạn, chỉ cần họ cảm nhận được bạn đủ trưởng thành chín chắn với quyết định của mình, kiểu gì cha mẹ cũng sẽ hiểu rồi đồng tình, đồng hành trên con đường về vườn với bạn.

Một phút giây nào đó, bình tĩnh một xíu, bạn thử đặt cho bản thân câu hỏi: điều lo lắng nhất của ba mẹ khi mình về vườn là gì? Liệu mình có cách nào đó vẫn ở vườn, nhưng có thể giải quyết được phần nào đó nỗi lo này hay không?

Cố lên bạn nhé <3

Mẹ và con gái trong mảnh vườn giàu có 😀 (Mother & daughter farm).

Đây là Đông và mẹ.

Mẹ “để lại” cho Đông một mảnh “vườn rừng” rất đẹp. Vườn có đủ mọi loại cây trái, hay cây gỗ lâu năm, tầng tán, rợp bóng. Cụ quyết định canh tác theo lối này vừa là vì mảnh đất hiểm trở khó khăn để vận chuyển phân thuốc, bà căn cơ trồng mỗi cây mỗi chút để mùa nào cũng có thu, phần nữa trái dư chút để cho muôn loài.

Mảnh vườn gắn liền với cuộc đời bà từ những ngày cơ cực, từ những thuở sợ con thiếu ăn. Vậy nên đến tận bây giờ dù các con đã trưởng thành, bà vẫn có đôi chút lo lắng chuyện tiền nong, nông sản vẫn lo khó bán, vẫn chú ý cần kiệm, tích góp từng chút, thương lắm (dù ai xin nông sản cũng cho, rất hào phóng). Lo lắng cứ nằm lòng vậy, như một thói quen trở thành “tiềm thức” luôn rồi.

Và Đông được cho ăn học chán chê, bay nhảy “no nê”, Đông muốn về nhà, muốn học mẹ để tiếp nối mảnh vườn ấy. Bà hoàn toàn mở lối, nhưng trong lòng vẫn canh cánh nỗi lo “làm sao con đủ sống được với mảnh vườn”. Còn Đông không vội vã thuyết phục, mà lúc thì bán hàng, lắm khi dắt bạn bè lại nhà cùng ba mẹ trò chuyện về lối sống nương tựa vào vườn, chủ yếu để mẹ thấy: con sống rất ổn, và mảnh vườn gia đình mình thật sự giàu có. Mỗi ngày chút một, Đông gây dựng lòng tin với mẹ. Mẹ hãy an tâm, con sẽ sống rất tốt trong khu vườn của gia đình.

Kết thúc chuỗi câu chuyện của cha mẹ, Xanh mong rằng bạn tìm thấy sự đồng hành, an ủi ở câu chữ nào đó. Đồng thời cũng thấy hình ảnh của bản thân, câu chuyện của chính mình, để nhìn lại nó thật rõ, và rồi có một chút câu trả lời cho chặng đường tiếp theo. Cả vũ trụ luôn ở bên cạnh bạn, chỉ cần điều bạn muốn thật sự chân thành.

Ý kiến của độc giả

  1. Em cũng đã về nông thôn sống từ năm 2019 đầu năm 2020. Cũng có ý định đun củi và không được ai trong gia đình ủng hộ. Rồi tự học trên mạng học, mua ống khói bằng sành về xây xây 1 cái bếp đun củi. Mỗi lần đun khói mù mịt bay khắp nhà thế là đành chấp nhận nhìn bếp bị đập đi. Nhìn thấy củi vẫn thèm xây được cái bếp đun củi lắm mà chưa dám xây lại lần 2.

Ý kiến của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Scroll to Top