Chuyện của cha mẹ

Tập 1: Con đặt đâu cha mẹ ngồi đấy.

Trên chặng đường thay đổi lối sống của bản thân mà ta hay gọi là “về vườn”, có rất nhiều anh chị phải đối mặt với sự phản đối của cha mẹ, có khi sự đối mặt lên đến đỉnh điểm là không nhìn mặt nhau, là những trận cãi vã tưởng chừng như không có hồi kết. Anh, chị luôn tự hỏi lòng: tại sao con không thể sống theo ý của bản thân, tại sao con biết điều gì làm con hạnh phúc mà ba mẹ không cho phép, tại sao ba mẹ lại dồn con đến đường cùng như vậy….
Nhưng có khi nào chúng ta ngồi xuống thật bình tĩnh, nghe câu chuyện, nghe tâm sự của cha mẹ. Tại sao họ lại phản đối bạn về vườn?
Góp nhặt lại đây một vài câu chuyện của cha, của mẹ mà Xanhhop đã vô tình nghe thấy:

Một ngày đẹp trời, đứa con gái duy nhất của ba mẹ về quê và nói: con muốn về làm vườn.

Hai cụ nhìn nhau: nó gầy yếu thế kia rồi làm kiểu gì, có việc làm nhẹ nhàng ở phố không muốn, sao lại về quê.

Con vẫn quyết tâm đến cùng. Ừ thì về đi con, rồi đến đâu hay đến đấy.

Con về đề nghị cha mẹ canh tác không hóa chất tổng hợp. Cha mẹ băn khoăn lo lắng: con bé này nó ảo tưởng hay bị gì rồi. Nhưng sức khỏe của mẹ ngày một đi xuống, con về ngay đoạn thời gian ấy. Con quyết tâm thay đổi cả nếp ăn, cả lối sống, cả lối canh tác. Ba mẹ phần đã quá mệt vì bệnh, phần vì có mỗi một đứa con gái không muốn khiến nó buồn, nên mỗi ngày cố gắng thích nghi và làm theo những gì con bé muốn.

Một ví dụ của việc “thích nghi” với con đó là chuyện nấu bếp củi. Nhà cửa đang sáng choang sạch sẽ, nó để cái bếp ngay phía trước sân nhà, mỗi lần nấu nướng là khói bay mù mịt khắp nơi, cứ ngửi mùi khói là thấy bực, mẹ ngày nào cũng càm ràm, khó chịu. Xong nồi niêu thì đen ngòm, sàn rửa toàn lọ nghẹ, chao ôi là bực.

Đây là phiên bản bếp lần thứ n rất hoàn hảo của ba.

Thế rồi ba lên mạng tìm hiểu về bếp không khói, và cụ tự làm cho con gái hẳn một chiếc “hầm hố”. Nhưng làm xong khi nấu sẽ bất tiện chỗ này, chỗ kia, thế là trong quá trình sử dụng cụ từ từ cải tiến, cụ làm cái thứ 2, thứ 3… để cuối cùng ra một phiên bản hoàn hảo, tiện dùng vô cùng. Nhưng Xanh nghĩ hoàn hảo nhất đó là tình thương trong chiếc bếp ấy.

Xanh thấy rằng, chú luôn như “trọng tài” của gia đình vậy. Mỗi khi thấy con buồn hay lo nghĩ điều gì chú sẽ tìm giải pháp. Mỗi khi thấy vợ bực mình con gái chú cũng tìm giải pháp. Xanh nhớ không lầm đã nghe chú nói rằng: “nhà có mỗi vợ với con mà họ không thuận nhau, thì mình sao sống vui cho nổi, nên cố gắng làm được gì thì làm, để trong nhà luôn hòa thuận”. Ai nói người đàn ông trong gia đình thì không gắn liền với sự dịu dàng, để tâm nào.

Từ trước khi có phiên bản bếp hoàn hảo rất lâu, căn bếp trong nhà gần như mất dấu, cả gia đình chuyển bàn ăn, mọi hoạt động bếp núc ra trước sân, sum vầy quanh bếp củi. Ba đi làm về ngồi cạnh bếp sưởi ấm, mẹ sớm mai đốt bếp để ngửi mùi khói, nấu bình nước pha trà trò chuyện với ba, và con hí hoáy nấu nướng bưng món nóng hổi cho những bữa ăn trong sự dõi theo của ba mẹ.

Và hình như đã gần 4 năm trôi qua, ngày hôm nay (cuối năm 2020) Xanhshop gặp họ – cô chú bảo: rất biết ơn vì con nó chịu về, để đến hôm nay chất lượng cuộc sống từ sức khỏe đến tình cảm của gia đình đều trở nên tốt đẹp hơn bao giờ hết. Cô chú bây giờ rất trân trọng cơ hội trở về mà con đã tạo ra.
Những thay đổi lớn nhất mà cô chú đã:

Ba rất thảnh thơi và “tận hưởng” mỗi lần ra vườn, không còn nhìn thấy sự lam lũ ngày nào nữa rồi.
  • Có lịch ăn uống, ngủ nghỉ, thể dục thể thao đều đặn. Không tất bật bận rộn đi làm nữa, làm vừa phải, làm khi còn sức khi còn vui, còn lại là về nhà nói chuyện, tâm sự, nấu ăn, rồi chú lên mạng học cái này, cái kia để làm vườn cho ưng ý.
  • Sức khỏe là điều quý giá nhất cô chú nhận được khi thay đổi canh tác lẫn lối sống.
  • Làm vườn tạo ra được nhiều lợi nhuận (nguyên văn của chú). Tiền có thể ít hơn nhưng vào vườn dám hít thở thật sâu, dám thả chân đất trên nền cỏ mát rượi, dám ăn sống mọi thứ tại vườn. Hoàn toàn hòa mình vào vườn không chút e ngại.
  • Khi sức khỏe có, tự nhiên đầu óc nó sáng rõ hơn, thấy người bớt tham.
    Tiền có bao nhiêu thì tiêu bấy nhiêu không cố gắng đánh đổi nữa, cứ như ngày xưa tiền nhiều đấy nhưng loay hoay, lo nghĩ rất mệt mỏi.
    Rồi trồng cái cây là nghĩ đến con, đến cháu, đến cái thực phẩm ngon để ăn, chứ không nghĩ đến chuyện sẽ thu được bao nhiêu, bán được bao nhiêu.
    Rồi làm gì cũng mong cái cây cái con trong vườn nó được sống, được lớn lên.
  • Tâm tính cũng thay đổi, bình tĩnh hơn, kiên nhẫn hơn, và thấy yêu con, thương con, thương gia đình hơn.

(Câu chuyện của La – Làng Lười)

Chắc hẳn mỗi bạn trẻ về vườn đều gặp nhiều khó khăn bước đầu, nhưng sẽ rất may mắn nếu cha mẹ nhanh chóng hiểu và thương cho con đường bạn chọn. Mong bạn vững vàng.

Ý kiến của độc giả

  1. Em cũng đã về nông thôn sống từ năm 2019 đầu năm 2020. Cũng có ý định đun củi và không được ai trong gia đình ủng hộ. Rồi tự học trên mạng học, mua ống khói bằng sành về xây xây 1 cái bếp đun củi. Mỗi lần đun khói mù mịt bay khắp nhà thế là đành chấp nhận nhìn bếp bị đập đi. Nhìn thấy củi vẫn thèm xây được cái bếp đun củi lắm mà chưa dám xây lại lần 2.

Ý kiến của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Scroll to Top