Vườn ươm “tùy” vườn

Chắc là mỗi bạn làm nông đâu đó nghĩ đến việc “tạo một cái vườn ươm con con” để ươm cây bài bản trồng trong vườn nhà, hay cho ai thì cho.

* Kinh nghiệm Vườn Mai: Vườn ươm sẽ khá là “quan trọng” vì cây ươm từ hạt, nảy mầm, bén rễ, cây cứng cáp trong bầu ươm mới trồng xuống đất, lúc này cây sẽ có tỉ lệ sống cao hơn là trồng hạt trực tiếp trên nền đất. Tất nhiên đây là đối với các loại “thân gỗ” lâu năm, hoặc những cây mà nông dân muốn chủ động trồng và trông ngóng vào tỉ lệ sống, chứ cây tiên phong, nhanh mọc dễ tồn tại, thì cứ thả hạt hàng loạt. Và chắc chắn, cây tự tái sinh từ hạt được bảo quản trong đất, thì vẫn là điều tuyệt vời nhất.

Khoảng 1 năm đầu tiên, con người Vườn Mai hoàn toàn dành thời gian quan sát, cũng như trồng cây phủ đất, ổn định nếp nhà cửa, sau khi cảm nhận khu vườn đã được che đỡ bởi màu xanh thì mới bắt đầu trồng xen kẽ những cây lâu lăm mà người ở vườn muốn. Nên việc làm vườn ươm này cũng là phát sinh sau đó, nói chung nhịp độ làm việc tới đâu thì công việc xuất hiện tới đấy, chứ cũng không có gì là kĩ thuật hay lộ trình phải tuân theo.

Bác Ông Vườn Mai đã có vài kiểu vườn ươm đa tác dụng vô cùng, xin được chia sẻ lại như sau:

1. Kiểu Raised bed quanh nhà:

Xung quanh nhà, cứ chỗ nào có cửa, bất chấp cửa chính hay cửa sổ thì sẽ làm một cái “Raised bed” (viết tiếng Anh cho mọi người dễ kiếm ra trên google thôi ạ) để: tiện tay ăn gì cũng có thể quăng ra, lúc này “Raised bed” vừa là thùng rác, vừa là “vườn ươm”, vừa là nơi “ủ phân”, cuối cùng là thành vườn rau sát nhà.

1.1. Tại sao là thùng rác:

Mọi người sẽ thắc mắc: ở vườn thì rác thực vật cứ quăng đại đi, tại sao phải “quy hoạch” chỗ để?

Dạ cho đẹp nhà đẹp cửa, cho đường đi lối lại nó gọn gàng. Thêm nữa quanh nhà luôn có một khoảng sân để tạo sự thoáng đãng, nên làm xen kẽ các “raised bed” quăng rác tiện hơn, chứ không lẽ quăng ra nền sân, đúng không ạ?

Trước sân chính có khá nhiều Raise bed nhỏ. Mỗi cái trồng mỗi loại cây, cái xa nhà nhất để là nơi giâm cành cho bén rễ các lại cây “cảnh”.


1.2. Tại sao là vườn ươm: 

Ở vườn đâu thể thiếu trái cây, nên ăn xong quăng hạt khí thế, đủ điều kiện là hạt nảy mầm thôi. Vì “raised bed” cạnh nhà, lại trên đường đi lối về rất dễ nhận ra có mầm cây mới (chứ cứ quăng ra bờ bụi khó phát hiện mầm cây lắm), thế là lâu lâu thấy nhiều mầm thì bứng vào bầu ươm, chờ cây cứng cáp, rồi đi trồng khắp vườn.

Thêm vào đó, những khoảnh đất sát nhà luôn là nơi dễ tận dụng được nước thải sinh hoạt, rác hữu cơ, nên cây con có tỷ lệ nảy mầm và sống rất cao.

1.3. Tại sao là nơi “ủ phân”:

Thực ra chức năng này phải kể đầu tiên, tại vì đối với Vườn Mai, nơi có “địa chất” đất sét chân ruộng, cực kì kén cây. Đất gần như nhão nhoét trời mưa, và cứng như đá trời nắng, với điều kiện này có thả hạt xuống cũng hiếm hoi lắm mới nảy mầm được. Nên Bác Ông gần như tạo “raised bed” rồi quăng rác liên tục trong 1 năm, lượng rác này cứ thế phân hủy, vi sinh vật đất làm việc nhiệt tình, nên 1 năm sau có lớp đất mặt vô cùng tơi xốp, và đây cũng là thời điểm quăng hạt gì ra cũng thấy nảy mầm, chứ trước đó toàn cây thân thảo lá kim.

Raise bed bố trí nhịp nhàng với đường đi, cũng như các công trình phụ để đảm bảo luôn thuận tiện chức năng “nhận rác”, làm đẹp quang cảnh, gần nguồn nước để cây con dễ nảy mầm.

1.4. Vườn rau, cây cảnh quanh nhà:

Khi đất mặt của “raised bed” đã tơi xốp rồi thì trồng rau dễ lên hẳn, nên cạnh bếp sẽ có vườn gia vị nhỏ, trước cửa chính là vườn hoa nhỏ.

Nếu như không làm “raised bed” để là nơi chứa rác sinh hoạt thường nhật, rồi “vô tình” có lớp đất mặt tơi xốp, thì có phải việc kì công xúc đất mặt ở đâu đó, ủ phân bài bản ở đâu đó để mong có khu vườn rau, hay một khuôn viên trang trí cạnh nhà, trở nên cần nhiều sức lao động hay không. Tình huống này có thể gọi là Bác Ông “dệt” thùng rác vào sinh hoạt hàng ngày, nên có nhiều tác dụng nhiều “thành quả” mà không cần cố gắng lên gân, làm mà như không làm là đây đó cô bác 😀

Raise bed ngay cửa sổ bàn bếp, đây là nơi có ớt, gừng, nghệ, vài loại lá linh tinh nêm nếm cho có mùi 😀


2. Kiểu “nhà kính” ve chai:

Bác Ông đã tái sử dụng rất nhiều đồ ve chai như: chậu hoa, can nhựa vỡ, khay nhựa…. cứ cái gì có bề mặt lớn xíu thì cho phân trùn quế trộn đất mặt vào, sau đó thả hạt muốn ươm, tưới nước, rồi đậy kín. Vài ngày sau là cây nảy mầm rồi bứng ra bầu ươm, chờ cây cứng cáp, mưa xuống là trồng trong vườn.

Tại sao lại có “nhà kính” thí nghiệm này? Tại vì:

– Đất vườn là đất sét, hạt khó nảy mầm. Trồng cây con dễ sống hơn, nên cứ ươm rồi mới trồng. Mà thực ra là do mấy năm nay rảnh, để tỏ ra quan trọng với vườn nên ươm cây, chứ trong vườn cây tự tái sinh nhiều lắm ạ :D.

– Làm từng thùng nhỏ thì dễ “quản lý”: tưới nước cũng dễ, kiếm đồ đậy kín giống nhà kính cũng dễ, mưa gió hay côn trùng cũng ít tác động hơn 😀

Thực ra đây là một mẹo nhỏ, để vừa sức Bác Ông, vừa cả chuyện ươm, gieo trồng lẫn cả sự tự mày mò khám phá. Để việc ươm cây không nhàm chán, nên Bác Ông nghĩ đủ cách thử nghiệm, tận hưởng cuộc sống ở vườn.

Hình dạng của một trong những “nhà kính”

3. Tự làm “đất” xịn.

Cô bác thấy em có đề cập đến phân trùn quế phía trên đúng không, Bác Ông cũng đua với đời tự làm một thùng nuôi trùn. Không biết nhặt ở đâu ra cái bồn tắm ve chai, rồi đi xin ít con trùn về, đặt thêm một thùng rác nhỏ chỗ rửa chén, xong dặn dò mọi người rác có thể quăng thêm vào sọt này, để lâu lâu bác đổ vào bồn trùn quế ấy. Chỉ thế thôi đấy ạ, có đủ phân trùn cho Bác Ông làm đất mấy cái “nhà kính”, đất cho bầu ươm, cho em trồng hoa, hay lâu lâu Bác Bà thích trồng thêm rau gì đó.

Bể trùn quế đây ạ 😀

Nhắc đến bầu ươm, thì cô bác có thể xem đọc ở đây để thấy Bác Ông đã sáng tạo ra vật dụng này rất thân thiện môi trường https://www.xanhshop.com/loi-canh-tac/cay-chuoi/

Trên đây là một vài sự bày việc của Bác Ông, chúng ta chẳng cần thiết làm giống ông ấy, em kể ra không phải để nói: đây là một phương pháp hay, mọi người hãy làm theo đi, chỉ đơn giản muốn bộc lộ 3 điều:

  • Bác Ông đang trên hành trình trở thành nông dân thứ thiệt, Bác thật sự đặt mình vào nhịp độ khu vườn, những hành động ấy thể hiện sự mong muốn được sống, được hoà mình, được là một phần có ích và đồng điệu với khu vườn.
  • Vui vì là nông dân, nhìn đâu cũng bày ra trò được. Biết tự làm mình vui là một đức tính quý báu 😀
  • Khu vườn bên ngoài là hình tướng của khu vườn bên trong mỗi chúng ta, mỗi vườn nên là một dáng dấp, một tính cách duy nhất, nếu không ta sẽ mất công chạy theo những điều mà bản thân thật sự chẳng hiểu bản chất chúng để làm gì.

Và lời gửi gắm cuối cùng: Vườn Mai đất sét nên mới cần làm mấy thao tác trên để sớm định hình dáng dấp căn nhà, và để cảm thấy hơi người nữa, nên những điều kể trên chỉ là một câu chuyện, một trải nghiệm, đọc để tham khảo thôi ạ.

Ý kiến của độc giả

Ý kiến của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Scroll to Top