Vườn Mai

1. Người ở vườn:

Gia đình anh Châu và chị Hằng Mai.

Anh Châu có hơn 20 năm học hỏi và làm việc cùng nhiều tộc người thiểu số, các chuyên gia trong và ngoài nước về hệ thống quản trị tài nguyên rừng, hệ thống quy hoạch – canh tác nông lâm nghiệp và nhất là được học lối sống nương tựa tự nhiên từ đồng bào các dân tộc thiểu số.

Chị Hằng Mai có 10 năm làm quản lý chuỗi cung ứng và hệ thống quản lý chất lượng, trách nhiệm xã hội cho công ty nước ngoài. Sau đó sáng lập XanhShop (cửa hàng thực phẩm lành sạch trực tuyến) và vận hành cửa hàng 10 năm. XanhShop đã biên dịch và xuất bản 2 cuốn sách ‘Cuộc cách mạng một cọng rơm’ và ‘Gieo mầm trên sa mạc’ của lão nông Masanobu Fukuoka.

Từ năm 2017, hai anh chị đã về sống hẳn ở vườn.

Định vị / Định hướng: Hướng tới lối sống nương tựa tự nhiên và cộng đồng, trong khu vườn rừng đa loài, đa tầng.

2. Khu vườn:

2.1 Sơ lược:

Địa điểm: xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Diện tích 2ha. Đất dốc tụ (từ sản phẩm rửa trôi và bồi tụ), giàu mùn, thuộc nhóm đất phèn và sét nặng, có phản ứng chua. Lịch sử sử dụng đất trước đây là trồng và thâm canh lúa nước.

Mảnh vườn khi mới tiếp nhận:  

  • Khu 1: có hơn trăm cây chôm chôm, vài cây bơ, sầu riêng, xoài, măng cụt, một ít bụi chuối, một bụi tầm vông. Ngoài ra thì không có loài cây, cỏ nào khác (được) mọc.
  • Khu 2: đất trống, là bãi chăn thả bò của cả làng, cỏ cũng không mọc nổi.
  • Khu 3: là đầm lầy

Lợi thế của khu vườn là:

  • Có nguồn nước mạch tự nhiên dồi dào
  • Khu 1 có cây chôm chôm đang cho thu nhập. Một khu vườn có cây sẵn bao giờ cũng có nhiều lợi lạc hơn một mảnh đất trống: vừa thu được hoa lợi, vừa có bóng mát, lại có sẵn chất đốt.

Nhược điểm:

  • Khu vườn nhà mình nằm ở chỗ trũng nhất so với xung quanh, là sản phẩm rửa trôi và bồi tụ, thuộc nhóm đất phèn và sét nặng. Mưa thì sình lầy, nắng thì nứt nẻ nên việc trồng cây ngắn ngày như rau màu khá vất vả.
  • Vườn chôm chôm khi tiếp nhận, có những cây đã được hơn 20 năm tuổi, và cũng ngần ấy năm được sử dụng nhiều chất hóa học, thuốc diệt cỏ và  thuốc trừ sâu …

2.2 Làm vườn:

Trước khi sống ở vườn toàn thời gian, bọn mình dành gần 2 năm làm quen dần với vườn như sau:

  • Giai đoạn 1. Lúc nào rảnh thì về vườn
  • Giai đoạn 2. Cứ cuối tuần là về
  • Giai đoạn 3. Sáng đi tối về

Giai đoạn làm quen này rất cần thiết để “nhập liệu”, để hiểu khu vườn và làm quen với cộng đồng.

Sau khi đã ‘nhập liệu’ được những thông tin cơ bản của khu vườn, bọn mình từng bước làm các việc sau:

2.2.1. Quy hoạch vườn (cụ thể hóa tầm nhìn vườn rừng).

Bạn có thể xem hình ảnh dưới đây để có hình dung thực về cấu trúc vườn Mai mà nhà mình xây dựng. Mỗi năm, sẽ tùy điều kiện thời tiết để tập trung vào hợp phần nào, chứ không phải ngay từ khi bắt đầu mọi thứ đã thành hình như vầy.

Mô phỏng theo cấu trúc của rừng.

Cần nhìn nhận cấu trúc khu vườn theo cả trục tung và trục hoành, như mảnh vải có sợi dọc và sợi ngang vậy:

  • Liên kết theo trục tung là liên kết nương tựa đa tầng tán.
  • Liên kết theo trục hoành là sự kết ràng, nương tựa hữu cơ giữa: vùng lõi, vùng bờ rìa, vùng đồng cỏ, vùng ngập nước.  Nếu bạn quan tâm đến quy hoạch vườn rừng, bạn có thể đăng ký các sự kiện chia sẻ miễn phí của chúng tôi ở link này https://xanhshop.com/su-kien-theo-yeu-cau/

Hệ thống thủy lợi:

Đây là sơ đồ hệ thống nước trong vườn nhà mình. Có rất nhiều ao nhỏ, kết nối với nhau nhờ hệ thống mương. Nhờ hệ thống ao mương này mà nhà mình không cần phải tưới vì hệ thống điều hoà nhiệt độ, độ ẩm cho vườn cây, cả độ ẩm đất và độ ẩm không khí. Cũng nhờ hệ thống này mà cây tự tái sinh rất nhiều. Chỗ nào ẩm là chúng tự lên.

Mỗi năm lại thấy hệ thống ổn định hơn và hiệu quả hơn. Năm nay, những bạn đã ghé nhà mình mùa khô rồi đều ấn tượng về thảm thực vật xanh bất chấp mùa khô và nhiệt độ dễ chịu cho dù xung quanh nắng nóng.

Hệ thống thủy lợi, ngoài chức năng chứa nước, tưới tiêu cho khu vườn còn có những công năng đặc biệt mà chúng ta ít nói tới, đó là:

  • Làm chậm tốc độ nước chảy bề mặt.
  • Chuyển nước chảy bề mặt thành nước chảy ngầm.

Người Ấn Độ có câu: “Make the running water to walk, walking water to crawl, crawling water to stay and sink”.

Ý là: “nước đang chạy thì phải khiến nó đi bộ, nước đi bộ thì phải khiến nó bò, nước đang bò thì khiến nó đứng lại và ngấm xuống”

Khi nó NGẤM được thì sẽ nuôi dưỡng mạch nước ngầm.

Vào một ngày tháng 8/2021, sau cơn mưa như trút, thì anh Châu ra vườn và chứng kiến cảnh tượng mà các bạn có thể xem chi tiết trong clip bên cạnh:

  • Dòng nước bên trái là từ Vườn Mai đổ ra suối chung (nước trong).
  • Dòng bên phải là từ vườn hàng xóm (nước màu đỏ đục).

Hiện trạng Vườn Mai thì như đã kể với bạn, mặt đất được bao phủ hoàn toàn bởi cỏ, cây ăn trái, cây gỗ tái sinh…. Gần như không có một tấc đất nào bị phơi nắng, mưa.

Hiện trạng vườn hàng xóm là mặt đất được cạo sạch cỏ, trơ nền đất, chỉ để lại gốc cây ăn trái.

Lớp che phủ bề mặt giúp đất không bị rửa trôi nên màu nước trong hơn.

2.2.2. Tạo sinh khối tại chỗ và làm mát đất:

– Để cỏ phát triển tự nhiên. Mỗi năm cắt/phát 3 lần, gọi là « thu hoạch sinh khối ».

– Trồng chuối và cây họ đậu phủ đất (lựa chọn và ưu tiên cây họ đâu lưu niên). Chuối là cây giữ ẩm tốt, cho sinh khối nhiều, lại ăn được từ hoa tới trái, từ xanh tới chín, hữu ích từ thân tới lá.

– Trồng cây hàng rào (vùng phòng hộ – theo cấu trúc vườn rừng). Hàng rào là nơi dễ nhất để bắt đầu, nhất là khi chưa về ở hẳn trong vườn. Nếu chưa biết làm gì, cứ trồng cây hàng rào trước. Kiểu gì cũng cần hàng rào phòng hộ, khi hàng xóm xung quanh còn đang dùng hóa chất.

Khu vườn thay đổi không thể nhận ra chỉ trong vỏn vẹn 2 năm. Chúng tôi chỉ tác động đơn giản: thêm một ít chuối, và rải một vài loại hạt dễ lên như muồng vàng, một vài loại đậu. Chim thú về nhả hạt, cây tự tái sinh rất nhiều.

2.2.3. Trồng thêm tầm vông, cây lấy gỗ (vào vùng phòng hộ – theo cấu trúc vườn rừng) và cây ăn trái (vùng bờ rìa – theo cấu trúc vườn rừng) 

Sang năm thứ 5, kết quả thấy được là:

  • Đa loài tầng thấp (tầng thảm xanh, cây bụi, dây leo và cây có củ). Thống kê được cả trăm loài. Còn nhiều cây chưa biết tên. Cây nào đã định danh được thì đều là cây thuốc.
  • Cây thân gỗ lâu năm tái sinh tự nhiên rất nhiều như: trâm, xoan đào, bời lời, mít, bàng, bằng lăng, xà cừ, bình linh nghệ, săng mã, sung, ngái, lồng mức, đa, đùng đình, bông gòn, tràm bông vàng… và nhiều loại không biết tên.

2.3 Nhân lực:

Lao động thường xuyên chỉ có 2 vợ chồng mình. Người tham gia ngoài vườn chính là anh Châu, mình lo việc nội trợ và góp 1 tay khi cần 2 người. Mùa thu hoạch chôm chôm có thêm 2 lao động nữa – cũng là người trong gia đình. Gia đình chủ trương không thuê mướn nhân công.

Mùa mưa bọn mình lập đội vần công trồng cây với các vườn trong khu vực.  

Một buổi vần công thắm đượm tình anh em 😀 .

 3. Chi phí đầu tư:

Mọi hoạt động đều hướng tới nguyên tắc làm vườn ‘không đồng’ và ‘không tốn công’. Để làm được điều đó, cần phân biệt rõ nhu cầu và tham cầu. Càng tham thì càng tốn.

3.1 Vào nhà cửa:

Ngôi nhà ve chai, từ “ngàn” cánh cửa sổ cũ 😀 , nằm núp dưới những tán cây

Làm nhà hay làm cái gì cũng có cách làm tốn nhiều nguồn lực (bao gồm tiền, nhân lực và vật tư khác)  và tốn ít nguồn lực.

Ví dụ: để chống muỗi, bạn có lựa chọn làm cửa lưới cho cả căn nhà hoặc lựa chọn đi ngủ mắc mùng. Tùy nhu cầu và ngân sách mà mình lựa chọn cho phù hợp.

Với điều kiện khí hậu, vật liệu sẵn có tại chỗ và sự hỗ trợ của bạn bè, tụi mình làm nhà ve chai. Chi phí dưới 100 triệu/căn.

Tuy nhiên, nó hơi tốn công thu gom vật liệu, đòi hỏi người dựng nhà có nhiều kỹ năng và sẽ không phù hợp cho những vùng khí hậu lạnh hay thường có bão.

Lưu ý là để dựng 1 căn nhà chúng ta phải chi cả tiền vật liệu và nhân công. Đôi khi vật liệu sẵn có nhưng nhân công, nhất là nhân công có kỹ năng không có cũng không làm được hoặc chi phí sẽ rất cao.

3.2 Vào vườn tược:

Một trong những khoản chi lớn là cho thiết lập hệ thống thu gom, phân phối và thoát nước trong khu vườn. Mỗi năm chúng tôi làm một ít, phụ thuộc vào việc quan sát, hiểu về khu vườn để có tác động hợp lý và tùy ngân sách năm đó có bao nhiêu. Nhưng luôn theo nguyên tắc ‘nhỏ là đẹp’

Tạo sinh khối tại chỗ: trồng chuối, để cỏ, trồng cây họ đậu phủ đất … là cách tái lập độ phì của khu vườn (đầu tư rẻ nhất) và hiệu quả nhất . Không có loại phân nào nhiều, nhanh, tốt, rẻ như xác thực vật.

Làm nhà vệ sinh khô để tận dụng nguồn phân hữu cơ (phân được ủ 1 năm), đồng thời không lãng phí nước dội rửa.

Năm đầu tiên, chúng tôi tốn khá tiền mua cây giống nhưng không hiệu quả. Và rồi rút ra được bài học:  

  • Sự tái lập của tự nhiên hiệu quả hơn so với nỗ lực trồng cây của chúng ta nhiều nhiều lần, thể hiện ở số lượng câysố loài cây.
  • Nếu muốn trồng cây thì:
    • nên trồng cây tiên phong để tạo sinh khối tại chỗ và làm mát đất trước khi trồng cây lâu năm. Vì rất nhiều loại cây lâu năm cần được che bóng trong 1-2 năm đầu tiên. Bọn mình đã vội trồng một cơ số cây lâu năm khi tiền đề: bóng mát, độ ẩm chưa có nên nhiều cây chết.
    • nếu có thể thì hãy tự ươm cây. Cây tự ươm khỏe hơn cây mua ở vựa. 
    • nếu không thể tự ươm thì mua cây nhỏ tốt hơn là mua cây lớn vì bộ rễ ít bị tổn thương. 

4. Thu nhập:

Một khu vườn bền vững sẽ cho bạn cả thu nhập ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Bọn mình hiện nay sử dụng thực phẩm và có thu nhập ngắn hạn từ cây chuối (cả trái chuối và bắp chuối), nhiều loại cây có củ và các loại rau mọc tự nhiên để dùng/chi hàng ngày; thu nhập trung hạn từ chôm chôm (mỗi năm vụ thu hoạch kéo dài 2-3 tháng) để dành cho những khoản chi hàng năm; thu nhập dài hạn là cây lâm nghiệp, nhiều năm nữa mới có thu.

Là những bữa ăn đơn giản nhưng phong phú từ vạn vật tại vườn.

Số tiền chúng ta cần chi tiêu tỉ lệ nghịch với số kỹ năng chúng ta có. Vì gia đình mình đã xác định ưu tiên là GIẢM CHI chứ không phải tăng thu, nên bọn mình phải học thêm nhiều kỹ năng. Từ làm nông, thu hoạch, chế biến nông sản đến dựng nhà, sửa nhà và những việc khác như cắt cỏ, phụ hồ, hái tiêu…Đây không chỉ là hoạt động tạo thu nhập ngắn hạn, mà là cơ hội rèn thêm kỹ năng và giao tiếp – kết nối (kết thân) với cộng đồng.

Hơn nữa, khu vườn không cho bọn mình nhiều tiền nhưng đem lại rất nhiều thứ thiết yếu cho cuộc sống: không khí sạch, nước sạch, thực phẩm hàng ngày (rau củ quả, gà, cá, trứng, vài loại ngũ cốc), chất đốt, chất tẩy rửa (nước tro, enzyme trái cây), vật liệu xây dựng: gỗ, tre, lá dừa, lá đủng đỉnh, cỏ tranh …

Vì là dân từ phố về quê, nhiều kỹ năng sống trong/cùng vườn còn kém/chưa biết nên bọn mình hiểu rằng trông đợi có nhiều thu nhập (tiền mặt) từ vườn là không khả thi. Ngoài việc giảm chi và thích ứng với khu vườn, bọn mình xác định là phải làm nhiều việc khác nhau nếu cần thêm thu nhập tiền mặt. Ví dụ: nhận 1 số việc liên quan đến chuyên môn bọn mình có hoặc làm các việc lao động tay chân khác cho xóm giềng nếu cần thêm tiền mặt. Ở quê luôn có việc để làm nếu mình không kén chọn quá.

5. Hòa nhập cộng đồng:

Gặp nhau cười hỉ hả, ấy là bạn.

Sống ở vườn thì kết giao với láng giềng là việc quan trọng. Lao động cùng nhau là cách giao tiếp hiệu quả nhất.

“Bộ trưởng ngoại giao” nhà mình luôn tình nguyện giúp đỡ láng giềng.

Xóm nhà mình giờ có đội cắt cỏ vần công với nhau và cắt giúp các hộ neo đơn để mọi người không xịt cỏ nữa.

Ở quê lại có cái hay là cái gì vườn nhà mình không có thì vườn nhà hàng xóm có. Nên là kết thân với hàng xóm rồi cho tặng trao đổi nông sản với nhau vừa vui lại đủ đầy.

Gia đình mình đi vắng cả tháng có thể gửi hàng xóm coi nhà, cho gà vịt ăn …

6. Sức khỏe/Y tế:

Bọn mình tin rằng, khi chúng ta sống trong không gian lành mạnh thì ắt sức khỏe sẽ tốt. Trong trường hợp cần can thiệp về y tế, bọn mình ưu tiên sử dụng các biện pháp y tế truyền thống, cây thuốc trong vườn.

7. Học tập/Giáo dục:

Sống và làm vườn nương tựa vào tự nhiên giúp cho bọn mình có nhiều thời gian để học hỏi từ khu vườn, sự thay đổi tự nhiên trong khu vườn; hoàn thiện được nhiều kỹ năng; có thời gian đi học hỏi, trao đổi với nhiều anh/chị sống ở vườn những vùng khác; có thời gian đọc sách, v.v.  

Về vườn vui vẻ là:

  • Khu vườn mỗi ngày mỗi phong phú (giàu có)
  • Sống ít lệ thuộc tiền mặt
  • Những người láng giềng thân thiết

Hằng Mai

Thông tin vườn:

Vườn Mai
Xã Bình Ba, Huyện Châu Đức
Bà Rịa Vietnam
Scroll to Top
Scroll to Top