Chào bạn, tôi là Đinh Quang Sơn, là cha của 3 con trai và chồng của một cô vợ 😀 , câu chuyện tôi sắp kể dưới đây là đôi nét về hành trình mà gia đình tôi đã đi qua, để mỗi ngày tiến đến cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc, vui vầy giữa thiên nhiên.
1.Nhận ra và hành động:
Tôi có một xuất thân không liên quan gì mấy đến vườn tược, mẹ là bác sĩ bố là kỹ sư nông nghiệp, chỉ nghe nói chứ không biết gì về thực tế nông nghiệp, hay làm nông. Sau này tôi học đại học chuyên ngành kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, cũng chỉ có chút xíu lý thuyết thôi, rồi đi làm. Trước khi về “rừng”, tôi là cán bộ khối trung ương, có một doanh nghiệp nhỏ nữa. Nói chung cuộc sống xét theo góc độ thông thường thì rất tốt, công việc tốt, công danh tốt, kinh tế tốt, gia đình tốt. Bạn vợ thì con nhà nông, cũng biết chút ít trồng cấy. Nhưng thật sự về rừng thì cả nhà phải túc tắc học công việc nhà nông, khá lâu mới quen dần, 5 năm rồi cũng chỉ là khá quen, chưa thể nói là thạo ạ.
Tôi bắt đầu nghỉ làm, ra ruộng, dựng lều và ở đó cách đây hơn năm năm. Quyết định đến với tôi sau một bước ngoặt quan trọng của cuộc đời. Tôi tìm thấy con đường của mình, tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi mà tôi đã mang theo từ khi còn nhỏ xíu: “Cuộc sống này thực sự là gì? Tôi là ai? Từ đâu đến? Rồi sẽ đi về đâu?… “. Từ sau bước ngoặt đó, cuộc sống của tôi thay đổi hoàn toàn, tôi hầu như dừng hết công việc cũ, dừng con đường công danh sự nghiệp, tôi muốn sống đơn giản, dành sự chú tâm cho việc phát triển bản thân.


Cách đây gần 5 năm, gia đình tôi chuyển hẳn từ Hà Nội về Thường Xuân, một huyện miền núi của Thanh Hóa sống cho đến nay, chúng tôi ở đó như một gia đình nông dân giữa bao la núi rừng. Tất nhiên lúc đầu vợ hoàn toàn không đồng ý, tôi đã dùng “chiêu”: chúng ta cứ xem như đây là một buổi đi chơi, dành 1-2 năm để đi chơi, nếu không ổn ta lại về mà. Và thế là đi. Đến bây giờ chưa ai muốn về thành phố 😀 .
Cuộc sống rất đơn giản và thong thả, làm vườn để tự cung cấp thêm thực phẩm, tự làm nhà và đồ dùng, tự làm một số thực phẩm, nhu yếu phẩm để sử dụng và cung cấp cho một số bạn bè ở thành phố. Cách đây một năm tôi bắt đầu nuôi ong như một công việc chính, nó cung cấp thêm một nguồn thực phẩm tốt cho gia đình và có thêm một nguồn thu từ mật ong. Ngoài ra tôi cũng có một nguồn thu khá nhỏ từ công việc cũ, gia đình có sao chi tiêu vậy, mà chưa bao giờ thiếu.
2. Lối sống tôi thuộc về:
Lối sống là gì, ta đang sống lối nào ?
Nhiều khi mỗi chúng ta không bao giờ hỏi bản thân những câu ấy, nên cứ thế sống trôi mỗi ngày. Chẳng biết, cũng không màng để ý đến những điểm tới hạn, hay nguyên tắc sống mình muốn, cứ thế phạm phải rồi tổn thương, và hồ nghi chính mình. Sống mà không biết “lối”, nó giống như ta bịt mắt bước đi. Tôi đã bắt đầu hỏi bản thân về lối sống ngay khi nhận ra “con đường” của mình.
Gia đình tôi không chọn sống đơn giản, mà đó là lối sống chúng tôi thuộc về. Chẳng có gì gọi là lựa chọn.
Để có một cuộc sống bình an, thong thả, điểm mấu chốt với tôi là cần có một “cái đầu” đơn giản, ít tham cầu, và nó biểu hiện ra bên ngoài bằng lối sống đơn giản, tối thiểu hóa nhu cầu. Gia đình tôi không chọn sống đơn giản, mà đó là lối sống chúng tôi thuộc về. Chi tiêu cơ bản của gia đình dần dần giảm xuống hàng chục lần so với trước, còn ít hơn hẳn so với những hộ nông dân ở vùng miền núi này. Từ đó áp lực kinh tế biến mất, chúng tôi chỉ còn chọn làm những việc mà mình yêu thích, đem lại niềm vui.
Với cuộc sống đơn giản đó, chúng tôi đã:
Kiếm củi để đun nấu, giảm chi phí nhiên liệu chỉ là hệ quả, giảm tác động đến môi trường mới là động cơ thực sự, ngoài ra kiếm củi cũng là một công việc rất thú vị, cả nhà có thể làm cùng nhau như một trò chơi vận động, một phần của lối sống khỏe mạnh và hạnh phúc.


Hầu như không mua quần áo mới mà dùng hết những quần áo cũ còn dùng tốt, có những cái mười lăm năm rồi vẫn “bền bỉ”. Chúng tôi cũng xin đồ không dùng nữa từ người nhà, bạn bè, đồ còn dùng tốt rất nhiều, thậm chí còn gần như mới hoàn toàn, đôi khi phải khá quyết liệt từ chối việc người nhà mua cho đồ mới. Một lần nữa, mục đích chính của việc dùng đồ đạc thật bền, dùng đồ cũ còn tốt không phải tiết kiệm chi phí mà là bớt tiêu tốn tài nguyên của Trái Đất, bớt rác thải ra môi trường. Chúng tôi luôn cố gắng hạn chế tối đa việc xả rác vào tương lai của con cháu mình.
Về chuyện ăn uống, trước đây tôi rất ham ăn, thường khá đòi hỏi và tốn kém trong việc ăn uống. Từ sau bước ngoặt nói ở trên, tôi chuyển sang ăn chay, các cuộc nhậu thưa thớt rồi ngừng hẳn, ăn uống dần dần đơn giản hơn, nhưng việc thưởng thức bữa ăn, sự ngon miệng lại tăng dần lên. Ăn thong thả hơn, bắt đầu cảm nhận được vị thơm ngọt của hạt cơm, ăn với tràn đầy lòng viết ơn, niềm hạnh phúc này tôi chưa từng có được trong những buổi tiệc rượu miên man bao năm tháng. Tôi nhận ra rằng, đồ ăn thì quan trọng, nhưng cách ăn còn quan trọng hơn.
Chúng tôi không dùng tivi, ngoài việc nó làm tốn nhiều thời gian vô ích thì nó cũng có nhiều tác hại, nhất là với trẻ nhỏ. Ba đứa trẻ (tám tuổi rưỡi, bảy tuổi và bốn tuổi) chỉ được dùng điện thoại, máy tính một cách giới hạn và hầu như cho một mục đích duy nhất là học ngoại ngữ. Vì thế chúng có rất nhiều thời gian để chơi đùa cùng nhau, cùng trẻ con hàng xóm, giữa thiên nhiên tươi đẹp và trong lành, có rừng, núi, cỏ, cây, động vật, sông, suối, đất, cát… cũng có cả bố mẹ luôn ở cạnh hoặc ở gần nữa. Chúng chơi đùa suốt cả ngày, rất vui vẻ. Chúng chính là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất, cấp bách nhất thôi thúc tôi phải nhanh chóng quay trở về với thiên nhiên.
Việc giảm tiêu dùng hay xài đồ cũ không phải chỉ vì muốn giảm chi phí, mà thực sự chúng tôi không có nhu cầu, và lý do quan trọng nhất vẫn là cố gắng hạn chế tối đa việc xả rác vào tương lai của con cháu mình.
Từ khi về với thiên nhiên, gia đình tôi không có ai phải đến bệnh viện hay dùng thuốc tây, đó là một may mắn. Đồng thời chúng tôi cũng có học cách tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân và người khác, khi suy nghĩ đúng, tinh thần tốt, ăn uống đúng, sống hài hòa với tự nhiên… thì mọi chuyện rồi sẽ ổn. Tôi nhận thấy, bệnh tật phần nhiều đến từ lối sống, nên chỉ cần nương theo tự nhiên, ta sẽ được ôm đỡ.


Về việc canh tác, chúng tôi chọn làm đa tầng tán, tin tưởng và nương tựa vào tự nhiên: ban đầu là chăm chút mấy mảnh đất gần nhà để có thể trồng thêm rau màu ngoài việc ăn rau dại, tự chủ thực phẩm. Sau khi thực phẩm ổn rồi chúng tôi trồng nhiều loại cây ăn trái khắp vườn, còn mảnh đất nào có sẵn cây keo thì cũng trồng xen thêm cây rừng, keo tạo bóng tốt nên cứ để nó đấy “che chở” những cây rừng khác. Cứ túc tắc làm thôi, bản thân là nông dân “nửa mùa” mà, phải từ từ mà học tự nhiên vậy.
3. Trở về là để học:
Có rất nhiều thắc mắc rằng: tôi có ba cậu con trai, việc về quê như vậy rồi làm sao để chúng học tập, hay tiếp xúc với nhưng phương pháp giảng dạy tiên tiến. Tôi thì có một lựa chọn khác cho sự học của chúng và chính gia đình mình.


Bọn trẻ nhà tôi không đến trường, đứa nào thích thì học trường làng, còn lại ở nhà học với bố mẹ, học thông qua việc kiếm củi, nấu cơm, làm vườn, học qua chơi đùa, học với thiên nhiên, hàng xóm hay những người bạn ghé chơi… Chúng hầu như không có áp lực học hành, mà học với niềm yêu thích và vui vẻ. Chúng cũng dạy lại nhiều bài học quan trọng mà tôi đã quên đi theo thời gian hoặc đã bị học sai trước đây. Thay vì đến trường, chúng tôi thường cùng nhau đi chơi khắp nơi. Con trai lớn cùng tôi đã đi phượt xuyên Việt bằng xe máy từ khi sáu tuổi, mang theo lều, võng, túi ngủ… chúng tôi đã cùng nhau đi qua nhiều nghìn cây số, hết Đông-Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, dọc suốt ven biển hay Đông-Tây Nam Bộ… Chúng tôi đi kiểu tực túc, tự xoay sở, hoặc đến nhà những bạn nông dân, những người cùng lối sống, nên chi phí không nhiều mà đa số còn có quà mang về. Với những rừng núi hùng vĩ, những cảnh đẹp thiên nhiên, những người bạn và những trải nghiệm tuyệt vời… “Ai” cũng có thể là thầy, và người thầy lớn nhất là thiên nhiên. Đó là cách chúng tôi học.
Trước đây, khi còn quen với tiện nghi ở thành phố, tôi không tưởng tượng được mình sẽ sống thế nào nếu thiếu cái máy lạnh vào mùa hè. Thế rồi dần dần, đến khi có thể hoàn toàn cảm thấy dễ chịu với cái nóng gay gắt nhất, kể cả sự ồn ào, khói bụi, hỗn loạn nơi thành phố cũng không ngăn cản được sự vui sướng, hạnh phúc trong tôi nữa, lúc đó cảm thấy mình vô cùng tự do, sẵn sàng cho những trải nghiệm tuyệt vời tiếp theo trong cuộc đời. Với tôi đó là một kì tích, nhưng nó lại là việc mà mọi đứa trẻ con (ít nhất là ở chỗ tôi đang sống) đều vẫn làm hàng ngày, tôi học được điều này từ chúng, và rất nhiều điều khác nữa.
Gần 5 năm ở vùng rừng núi này, những gì chúng tôi làm được còn khá ít và khá chậm so với tốc độ trung bình của những người khác. Còn nhiều thứ bừa bộn ngổn ngang, còn nhiều việc cần làm. Bởi vì khi mới đến, chúng tôi không có nhiều sức khỏe và thạo việc như những người nông dân thực thụ ở đây, nhiều việc nhỏ xíu cũng phải học dần. Nhưng lý do cơ bản nhất là chúng tôi chọn cách làm thong thả, vui vẻ, không áp lực, dành nhiều thời gian vui chơi, học hỏi cùng nhau. Chúng tôi quay về không phải để trở thành những người nông dân bên một mảnh vườn giàu có, hay phải chứng mình điều gì với ai cả, mà trong lối sống chúng tôi muốn thì mảnh vườn rừng là một phần cần có, nên cứ túc tắc làm, từ từ cả gia đình cùng học, nhận ra đến đâu lặng yên làm đến đấy.


Lời kết: Nhiều người nhìn vào cuộc sống hiện tại của chúng tôi như một sự nghèo khổ, thiếu thốn. Nhưng tôi nhận ra, khi còn sống ở thành phố với nhiều vật chất, tiện nghi tôi mới thực sự thiếu thốn. Nó thể hiện ở việc bản thân chẳng bao giờ thấy đủ cả, luôn muốn thêm nữa, thêm nữa, nhiều hơn, to hơn, đẹp hơn, tốt hơn… nhà, xe, tài sản, tiền bạc… Khi đầy đủ, người ta mới không cần thêm nữa. Bây giờ, cảm thấy mình rất đầy đủ, chúng tôi thỏa mãn vô cùng những thứ đang có: cuộc sống bình an không có áp lực, được sống trong thiên nhiên tuyệt đẹp, có không khí trong lành mà hít thở, có thực phẩm an toàn và rất chất lượng để ăn, trẻ con có chỗ thỏa sức chơi đùa và khám phá, có những người hàng xóm thực sự đúng nghĩa, thời gian luôn được ưu tiên dành cho nhau cho gia đình … Đó là một cuộc sống chất lượng.
Mọi người gọi lối sống này là tối giản, nhưng tôi biết, không phải là việc có nhiều hay có ít, dùng nhiều hay dùng ít, mà là bao nhiêu thì mình cảm thấy đủ. Ngược lại với cảm giác luôn thấy chưa đủ trước đây, tôi gọi lối sống bây giờ là biết đủ.
Đinh Quang Sơn
Và để rồi cuối cùng vợ mình, người đã “bị dụ dỗ’ về rừng có những dòng “tâm sự” sau: Công việc chính của tôi là làm mẹ của ba cậu nhóc, khi về rừng tôi thấy con có nhiều không gian chơi hơn, bọn trẻ được gần gũi với thiên nhiên nữa. Trước đây mỗi lần cho con về quê với ruộng vườn, gà vịt tôi thấy chúng lớn lên cả thể chất và nhận thức rất nhiều, bây giờ thì được ở quê luôn, chúng “vững vàng” lắm. Lúc đầu rời đi với tâm lý rằng cứ thử không ở được thì lại về phố. Thế nhưng, cuộc sống dần ổn định, tôi cũng học được nhiều điều, một nhịp sống thong thả hơn, có thời gian để tu dưỡng bản thân hơn. Cuộc sống là do mình lựa chọn và chịu trách nhiệm. |
Thông tin vườn:
- Chủ vườn: Gia đình anh Sơn chị Thoa.
- Địa điểm: Tân Thành, Thường Xuân, Thanh Hóa
- Facebook liên hệ: https://www.facebook.com/NTN222
Các bạn đã làm được những điều mà mình mơ ước nhưng chưa dàm làm. Đang mùa dịch, cho mình hỏi ở quê chỗ bạn có bảo đảm an ninh không? Ý mình là thỉnh thoảng có các vụ lừa đảo, trộm cướp không á?
Lối sống của gia đình bạn tôi – Đinh Quang Sơn – là một lối sống phong phú theo nghĩa luôn gần gũi thiên nhiên, luôn biết như thế là đủ!
Tôi được Sơn gửi lời kết bạn fb từ khoảng 6 năm trước, lúc đó tôi thắc mắc vì sao chàng trai dễ thương như thiên thần này lại để ý đến bà lão như tôi? Thời gian qua dõi theo từng bước cuộc sống của gia đình cậu ấy, tôi ngưỡng mộ và nể phục. Trong thâm tâm, tôi vẫn luôn ước ao ngày càng có nhiều người nhận thức về cuộc sống như cậu ấy, đồng thời tôi cũng hiểu rằng đó là điều rất hiếm xảy ra, cậu ấy là một trong những đứa con đã nhận được ánh sáng của thiêng liêng và biết mở cả cuộc đời để tắm gội trong ánh sáng đó. Để rồi cả một gia đình lớn lên trong niềm hạnh phúc thật !!!
Mình đã đến thăm gia đình này rồi, rất tuyệt vời ❤️❤️❤️
cảm ơn rất nhiều về bài viét của anh SƠN ,em hiểu những gì anh chia sẻ và cả cách mn chia sẻ về cs gđ mình;Đôi khi em tự hỏi kiếm nhiều tiền ,có đày đủ tiẹn nghi,có tài sản cũng chẳng để làm gì khi mình ko vui ko thoải mái,chỉ là chạy theo cái cảm xúc của số đông,và tâm lý bị sợ khi ai đó nói mình như này như kia,nhưng đó ko pải điều trái tim em muốn…và chính câu chuyện của anh và gđ mình là cái em tìm kiếm muốn mình và gđ mình sau này khi em lập gđ vậy; mối lối rẽ cho mình ,cho trái tim mình mong muốn <3
em thật sự ủng hộ lối sống này, nhưng để chọn được lối sống này anh đã có đủ ở trước đó , không biết vế này có tác động gì không. Với em thì là nữ , công việc chỉ gọi là kiếm sống qua ngày , có một cậu con trai và một gia đình chồng khác hẳn về lối sống. Đang chật vật để đấu tranh từng ngày, muốn bắt đầu mà không biết bắt đầu từ đâu và thế nào ?
Em có nhiều đồng cảm với anh Sơn lắm ạ. Tuy em vẫn chưa dứt áo về quê được như anh chị, nhưng em vẫn đang thực hành lối sống đơn giản hóa tâm trí và vật chất, chú tâm vào phát triển bên trong và cho con cái gần gũi thiên nhiên nhất có thể. Em đã biết đến facebook Nhà trên núi đã lâu, rất mong có ngày em có dịp đến thăm giang sơn này 🙂
thích bài viết của bạn quá, hôm nào có dịp qua Thanh Hóa muốn ghé qua nhà bạn chơi được không