Tuổi trẻ không quay đầu

Chào các bạn, mình là Đào Văn Khánh, sinh năm 1992. Khi còn trẻ dại mình đã nhận được rất nhiều sự hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm của nhiều anh chị đi trước về việc làm nông không sử dụng hóa chất nông nghiệp, đa phần là mình không nghe cứ làm theo ý của bản thân thôi. Nhưng rồi cuộc đời dập te tua, chợt nhiều lúc mình nhận ra: à cái này anh A đã nói, chị B đã từng nhắc. Có tuổi hơn một chút, trải đời hơn một chút, vấp ngã cũng nhiều, coi như bản thân có xíu trải nghiệm, mình cũng muốn kể lại câu chuyện mà chính mình đã trải qua, dẫu biết rằng các bạn chắc sẽ giống Khánh ngày trẻ, lắm lúc nghe xong để đó, hoặc phải dập mặt thật rồi mới tỉnh mới tin 😀 . Nhưng mình vẫn muốn nói cho hết lòng, lợi lạc được cho ai đó càng hay, không cũng chẳng sao cả, giống như các anh chị vẫn kiên trì tương hỗ Khánh đến tận ngày hôm nay. Xin được bắt đầu câu chuyện:

Mình đã được dạy rằng cuộc sống là một chuỗi dài của sự lựa chọn nên hãy tự tin nắm bắt lấy chính vận mệnh của bản thân. 9 năm trước, khi ấy còn là sinh viên năm 2 mình đã quyết định dừng việc học ở trường và chọn nông nghiệp là con đường sẽ đi, đó là cách nắm bắt vận mệnh theo đúng lời được răn dạy 😀

Mấy năm đầu, lúc mới trở về quê, thực sự là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với mình kể từ khi biết ánh mặt trời.

Công việc chính của gia đình là buôn bán vật tư nông sản và các mặt hàng nhu yếu phẩm, từ nhỏ mình đã quen sống trong các khu chợ ồn ào, náo nhiệt, sung túc nhẹ nhàng, nên khi xách ba lô trở về và nói “con muốn làm nông”, mẹ đã rất buồn và giận. Nhìn thằng con tuổi 20 thơ dại chắc mẹ đã rối bời lắm. Nó như là vừa thương vừa ghét, vừa thất vọng vừa ngạc nhiên… Ở cái vùng quê biên giới này, nuôi con ăn học, có công việc ổn định, gia đình nở mày nở mặt, là niềm ước ao của rất nhiều bậc làm cha làm mẹ. Cứ thế hai mẹ con giận nhau mất mấy tháng liền. Mẹ thì không muốn con nghỉ học, mình thì vốn được cưng chiều nên bướng từ nhỏ nhất quyết không nghe lời. Đôi khi vẫn bắt gặp mẹ ngồi khóc một mình. Bố mất sớm khiến mẹ rất kiên cường đối mặt với thế giới ngoài kia, nhưng khi đối diện với đứa con ngây dại thì dường như người không có gì để phòng thủ. Đó là thời kì khủng hoảng đối với mình, chẳng đứa con nào nhìn mẹ lầm lũi không nói không cười, lâu lâu lại khóc rấm rứt mà có thể thở cho nổi. Cảm giác tội lỗi cuối cùng đã giúp mình bỏ qua cái tôi để đến bên và thủ thỉ xin, mẹ không đồng ý nhưng có nói “cứ ở nhà một năm chơi cho thoải mái đi rồi quay lại trường học”. Mình đã ở nhà một năm như thế. Dành thời gian đọc các tài liệu về nông nghiệp, tham gia nhiều hội nhóm nông dân và rồi tình yêu nông nghiệp lại càng mãnh liệt hơn. Cùng thời gian ấy, làm như có con cái ở nhà mẹ thấy vui vẻ hơn, quây quần hơn, rồi xuôi lòng để mình bắt tay vào khởi nghiệp nông nghiệp. Cửa ải khó khăn nhất đã qua, nói thì ngắn gọn thế thôi, nghĩ lại khoảng thời gian ấy tim mình vẫn thấy đau, cảm giác tội lỗi, bứt rứt còn nguyên vẹn, cho dù mục đích có là gì đi chăng nữa thì vì hành động của mình mà mẹ lặng khóc quá nhiều, đó là sự thật không gì thay đổi được.

Khi mới bắt đầu, xin mẹ lên 2ha rẫy của gia đình vốn bỏ hoang để khởi nghiệp với lĩnh vực chăn nuôi, vì thấy xoay vòng vốn nhanh và nghĩ đơn giản chỉ là bắt con giống, cho vào chuồng, đổ thức ăn rồi nhàn nhã đợi ngày lấy tiền. Khi ấy còn trẻ lại háo thắng, đường đường cũng là sinh viên bỏ học về lập nghiệp (cứ tưởng giống Bill Gates :D) nên mình phải chơi lớn. Nịnh mãi được mẹ cấp cho một số vốn cộng 2 quyển sổ đỏ để cầm ở ngân hàng, mình bắt đầu triển khai công việc. Cầm mấy trăm triệu trong tay ta quẩy thôi: nào là san lấp mặt bằng, chuồng trại khang trang, thiết bị hiện đại, con giống bao chuẩn 5 sao, thức ăn chăn nuôi và xe chở vật liệu nhộn nhịp ra vào… chẳng mấy chốc mà tiêu sạch số tiền ấy. Thời gian đầu mọi thứ thuận lợi nên cứ tưởng sắp làm ông chủ đến nơi rồi, mấy công ty thức ăn chăn nuôi lại còn thi nhau đến gọi mời rót mật vào tai khiến mình sướng rơn. Cứ tưởng bản thân đã ghê gớm lắm rồi. 

Khi gia đình có tiền đó là một may mắn, nhưng cũng lắm lúc có nhiều chỉ mất nhiều mà thôi. Mình đã ước: giá như khởi nghiệp với thật ít tiền, thì chắc đã tự trau dồi nhiều kĩ năng hơn.

Mọi thứ đang thuận lợi thì dịch bệnh kéo đến, tất cả như sụp đổ: heo, gà chết liên tục phải đóng thành các bao tải mang đi tiêu hủy, rồi chúng bị xóa sổ hoàn toàn, bao nhiêu công sức bị dịch bệnh cuốn trôi. Choáng váng khi được cuộc sống tát cho một cái đầu đời quá mạnh, tuy nhiên mình đã nhanh tróng lấy lại tinh thần, ngã ở đâu thì phải đứng dậy ở đó, tiếp tục về mặt dày năn nỉ mẹ. Có lẽ vì thương con, mẹ lại cho mượn thêm 3 quyển sổ đỏ nữa mang đi “tiếp máu” cho sự nghiệp. Lần này có cẩn trọng hơn nên heo, gà lớn phà phà, nhưng chẳng ngờ được thị trường khi ấy rớt giá thê thảm, tính ra mình đã bán hết đàn vẫn âm tiền tiền thức ăn chăn nuôi đang công nợ ở nhà máy. Mọi thứ thực sự sụp đổ hoàn toàn, mình nghi ngờ vào chính bản thân, trước tự tin bao nhiêu thì giờ tự ti gấp bội. Anh em, bạn bè, làng xóm bắt đầu xì xào về một đứa kém cỏi, trong khi đó cũng là lúc chúng bạn cùng trang lứa ra trường, mấy anh, chị, em trong dòng họ thì đã ổn định công việc, còn mình bị đẩy lùi về con số âm.

Thời gian ấy, mình chỉ trốn trong vườn, không hội hè, không gặp gỡ hay tới các buổi tụ tập, sum họp. Né tránh hết tất cả các câu hỏi, bắt chuyện, mình không muốn tới đó để rồi nghe người khoe về con cái thế này thế kia, bạn bè dè bỉu, trêu trọc. Thấy họ hỏi xoáy vào mẹ để có thể hả hê. Mọi người nghĩ là vui nhưng khi ấy mỗi lời nói, mỗi ánh mắt cũng khiến mình cảm thấy ngại ngùng xấu hổ. Những con số lãi hằng tháng ngân hàng gửi về càng làm tâm trí đi vào ngõ cụt. Mình bắt đầu ước đừng nghỉ học, an phận học hành, ước đừng có nhiều tiền để khởi nghiệp, không có tiền có lẽ mọi chuyện đã khác chăng, ước chuyện này giá như mình đừng làm thế này, chuyện kia phải làm thế nọ… khi ấy chính là tuyệt vọng.

Mình bắt đầu mất phương hướng, chẳng muốn làm gì chỉ chăm chăm đến thư viện để mượn sách về đọc. Mọi thứ lại đè nặng lên vai mẹ, nhiều người cho rằng có người hỗ trợ thật sung sướng, nhưng bạn ạ cái cảm giác bất tài, vô dụng và là gánh nặng của mẹ nó không hề thoải mái chút nào đâu, không còn chút tự trọng để ngẩng được cái đầu lên nhìn ai. Chắc khoảng nửa năm như thế trôi qua, dần lấy lại được bình tĩnh mình quyết định xách ba lô đi tới Hà Nội, Sài Gòn, để một lần nữa thử thách sự kiên định của con đường đã chọn, để xem phố xá có phải là nơi mình thuộc về hay không? Lông bông như thế cũng hơn 1 năm, thử làm rất nhiều công việc vì những con số trong ngân hàng, sự kiêu hãnh không cho phép mình ỷ lại. Lạ là các công việc ở thành phố rất tốt, có những mối quan hệ mới đầy thú vị, nhưng sâu thẳm bên trong mỗi khi đêm về là sự trống rỗng. Mình không thuộc về nơi này, con đường đã lựa chọn trước kia là điều cần thiết đối với mình, thế nên lại một lần nữa chia tay bạn bè, bỏ lại phố thị để tìm về nơi bản thân thuộc về. Dù khi ấy cũng không biết về rồi sẽ lại làm gì, chỉ biết là nhất định phải về mà thôi.

Từ khi mình đi mảnh vườn lại bị bỏ hoang, về dọn dẹp lại ngôi nhà nhỏ và ở hẳn trên ấy một mình, không người làm, bốn bề hoang vắng. Mình muốn như thế để hiểu bản thân hơn hay sự trở về lần này cũng chỉ là sự cố chấp, tiếc nuối một thứ đang dang dở. Không còn tiền để mà “phá” gì nữa, đồng thời công việc kinh doanh của mẹ gặp nhiều khó khăn, nên bắt đầu mọi thứ một cách từ từ, chậm chạp:

Nhà cái gì cũng có thể thiếu, riêng chuối là luôn dư 😀
  • Cùng với em trai dỡ bỏ những công trình thừa thãi, phát cỏ dọn vườn và xác định muốn trồng cây.
  • Cầm chiếc xe máy sau đó là bán luôn để lấy tiền mua cây giống, mua đâu 2 vạn cây bời lời thì 4 tháng sau vào mùa đốt rẫy, lửa nhà người ta bén sang vườn mình thiêu rụi tất cả. Lần này đã có “kinh nghiệm mất trắng” nên mình không hoảng nữa.
  • Giờ không có tiền, thì phải làm sao vẫn trồng được cây nhỉ, thôi đi trồng chuối, giống ấy có sẵn. Hàng ngày hai anh em đội nắng mưa hì hục đẩy xe cút kít vào rừng, hoặc đi quanh xóm đào chuối. Một thời gian sau thì vườn cũng được lấp đầy chuối, trồng xen lẫn bầu bí và các loại rau củ linh tinh.
  • Ban đêm thì mình xin theo một anh trong xóm đi kéo cá để kiếm thêm thu nhập duy trì. Mọi người khi ấy nhìn chỉ lắc đầu và khẳng định: lại chẳng được trò trống gì 😀 . Ít nhất mình có làm nên một trò là đã lấy được vợ 😀

Bước ngoặt lớn thay đổi tâm tưởng của mình khi đón bé con chào đời. Vợ mình trước sống ở Sài Gòn, ông bà ngoại lên thăm thì thương con thương cháu nên đón về nhà lại cho đủ tiện nghi chăm sóc, rồi khuyên mình lên đó lập nghiệp. Dẫu biết nơi ấy bản thân như một con Zombi nhưng vì nhớ con nên cũng bỏ vườn bỏ nhà đi một lần nữa.

Mình đã nghĩ về thực phẩm sạch, về một môi trường trong lành khi có con. Có thể nói rằng, con ra đời là cơ duyên dẫn mình đến với lối sống này

Thời gian ở với bé mình bắt đầu quan tâm đến thực phẩm sạch, thuận tự nhiên, cố gắng làm một cái vườn nhỏ trồng một số loại rau củ chuẩn bị cho con sau này, vào các trang mạng và biết tới nhóm Cuộc cách mạng một cọng rơm trên Facebook. Nhìn đứa con bé bỏng, nhìn khu vườn nhỏ mình lại rạo rực. Thật sự muốn con sống giữa thiên nhiên, được sử dụng những thực phẩm tốt, an toàn, được tự do khám phá, phát triển và hơn hết là muốn con có một tương lai tốt đẹp. Đó là những suy nghĩ đầu tiên đặt mình lên con đường nuôi trồng thực phẩm tử tế, rồi quyết chí quay về quê, tạo một khu vườn thật tốt cho con. Và quyết định này cũng là mồi lửa cho việc vợ chồng mình ly hôn, hai tụi mình đã quá sai khác về cách nghĩ, về lối sống. Tuổi trẻ của mình nông nổi quá phải không.

Ban đầu mình thử nghiệm rất nhiều loại cây, nhiều cách trồng khác nhau nhưng rồi đều thất bại, cây không lớn, sâu hại phá, khó tìm nơi tiêu thụ… sai lần này đến lần khác cuối cùng cũng rút ra được một số kinh nghiệm:

  • Lựa chọn loại cây không thích hợp với thổ nhưỡng
  • Thời gian trồng không hợp lý, chưa có hiểu biết nhiều về mùa vụ
  • Phương thức canh tác rập khuôn không có chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện tại địa phương.

Theo mình, cứ vừa làm, vừa quan sát, nhận định rồi thử sai, lần mò từng chút một kiểu gì chúng ta cũng hiểu khu vườn thôi. Mỗi vườn sẽ có những đặc tính khác nhau mà chỉ bản thân người ở vườn ấy chịu quan sát mới hiểu được, nên nếu có đi ra ngoài đọc, học bao nhiêu hãy lấy làm tham khảo, sau đó tự mình lao động thực tế mới có đường đi phù hợp được. À riêng về việc “thiết kế vườn” có 2 cái “ngu” mình đã mắc phải và bây giờ muốn nói lại:

Khu vườn thể hiện nội hàm của chủ vườn và điều kiện tự nhiên của khu vực ấy. Nên “hình hài” mỗi khu vườn là duy nhất.

  • Việc định hình khu vườn tốt nhất chúng ta đừng hỏi ai hết, khu vườn là phản ánh thế giới nội tâm của chủ vườn. Việc đi sao chép các ý tưởng của vườn khác khiến ta sẽ thấy mau chán và nản lòng. Mỗi vườn, mỗi cảnh quan không chỉ thể hiện nội hàm riêng của chủ vườn mà còn điều kiện tự nhiên ở khu vực ấy. Nếu muốn vườn thành nồi lẩu thập cẩm các bạn cứ thử 😀 , mình đã thử hết và “ngồi khóc”, rồi giờ rút ra bài học kể cho các bạn. Nói thế không có nghĩa là không chịu học hỏi nha, vẫn phải lo tiếp thu kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm của người khác nhưng không chạy theo khi chưa thật sự hiểu bản chất.
  • Việc cải tạo, thay đổi hiện trạng địa hình khu đất là việc làm ngu nhất của mình, cứ tưởng cho máy móc vào cào, xới múc đổ, nên lấp hố là đẹp, là ngon, be bét hết các bạn ạ. Mình lấp hố nhìn đất cho đẹp chứ gì, đến mùa mưa không kè, không làm mương nó sụt lún, xẻ ngang, xẻ dọc nhìn không biết khóc sao cho thoả bao nhiêu tiền, mơ mộng cứ thế trôi theo đất.

Dù có thử sai nhiều chuyện, thì từ lúc bắt đầu xác định làm thực phẩm, mình luôn trồng được rau củ quả, và bán đi các nơi, cũng có lúc trồng nhiều quá bán không hết, lúc đầu thì hoảng sau rồi cảm thấy cho ai chẳng được, hay để lại vườn làm phân cũng chẳng sao. Có lúc sốt ruột muốn giải quyết đống nợ ngân hàng đã gây ra trước đó, nên lo ra làm thêm cái này cái kia, cuối cùng lại thấy chỉ vui khi ở nhà. Mình có 7 năm thử đủ mọi “mô hình” nông nghiệp mà đọc được đâu đó thấy hay, có tiền rồi lại đốt tiền, nhưng đến hôm nay vẫn chọn làm nông, vẫn thấy đây là con đường duy nhất muốn sống cùng. Hiện tại nguồn thu của gia đình tập trung vào bán: rau củ quả ngắn ngày và trứng gà trứng vịt. Định hướng tiếp theo là cố gắng quan sát để có thể thật sự vận hành khu vườn “thuận tự nhiên”, tại mình cảm nhận được từ trước tới nay chỉ là đang cố gắng trồng được rau sạch, nuôi được gia cầm tử tế, còn lại không quan tâm nhiều đến tổng thể khu vườn.

Cứ lầm lũi làm vườn nhiều năm, mình cũng nhận ra bản thân bắt đầu quan tâm đến cộng đồng hơn, muốn được cho đi chứ không chỉ ngồi nhìn chăm chăm vào vấn đề của bản thân rồi trách phận. Thế là hỗ trợ cây giống, con giống cho bạn bè xung quanh, tuy không nhiều nhưng chắc chắn đó là những món quà mình thực tâm dành tặng để biết ơn cuộc sống. Mình còn muốn vườn gia đình thành một nơi cho các bạn trẻ trải nghiệm nông nghiệp, biết đâu không phải đi một con đường dài như mình đã từng, muốn tạo ra sân chơi cho trẻ em trong khu vực thông qua đó nuôi dưỡng trong các em tình yêu thương thiên nhiên…. Mình gieo đi những duyên lành và mong rằng con, mẹ mình sau này cũng sẽ nhận được những thiện duyên ấy, để rồi tự hào khi có một ông bố, một đứa con là nông dân. Thú vị là mẹ mình đã dừng việc buôn bán xô bồ lại và trở thành nông dân để hưởng thụ sự bình yên đơn giản, thế là từ giờ gia đình mình đã là gia đình Thuần Nông rồi đó.

Cả gia đình mình cùng nhau lao động và thụ hưởng mảnh vườn

Một niềm vui nữa là, đã chẳng còn để tâm xem tiền kiếm được bao nhiêu và dường như cũng không còn chú ý đến ánh mắt mọi người nhìn mình như thế nào. Mình biết cho đi là bản thân đang giàu có lắm rồi, tất nhiên vẫn có nhiều phép thử lòng tham nhưng may quá đến giờ bản thân cuối cùng vẫn giữ được cái nếp. Để rồi mình hiểu ra rằng con đường nông nghiệp không phải là công việc tìm kiếm kế sinh nhai nữa, mà đó là lối sống của chính mình.

Đến tận hôm nay, sau 9 năm bỏ học, mình mới thật sự cảm thấy nhẹ nhõm, vững tin trên con đường đã chọn. Bây giờ, có thể tự tin nói rằng: Khánh đã thành nông dân thực thụ, không còn mơ tưởng về việc canh tác hiện đại hóa, tàn phá đất đai, hay tiền bạc mà áp dụng khoa học một cách có chọn lọc sao cho ít ảnh hưởng tới môi trường nhất, sống vui vầy, bình yên bên gia đình thôi.

Hi vọng rằng, mình còn kịp để lại một mảnh đất khỏe mạnh cho con

Cảm ơn tuổi trẻ đã bồng bột, đã làm mọi thứ theo cảm tính, nhưng đủ kiên nhẫn, ngoan cố để rồi hôm nay có thể “tự hào” mà viết lại những điều này chia sẻ với mọi người. Trải nghiệm nào cũng đáng giá, rất đáng giá.

Có nhiều người hỏi mình: nếu được làm lại, bạn có tạo nên một tuổi trẻ như đã từng không? . Thời gian đã qua không cách nào khiến nó quay trở lại, mỗi lần vấp ngã mình đều từng ước giá như. Bây giờ sau khi ngã đủ nhiều, đủ “chai mông” mình nghĩ: dám chịu trách nhiệm, đối mặt đến cùng, thế thôi.

Câu chuyện của mình đến đây xin kết thúc, mình vẫn đang trên con đường học hiểu, vẫn đang trả giá cho nhiều quyết định trước đây, vẫn đang vật lộn với các phép thử của lối sống của tham cầu, nhưng hi vọng câu chuyện này sẽ “đẩy” một ai đó ngã vào nghiệp làm nông 😀 .

Đào Văn Khánh

Ý kiến của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Scroll to Top