Khoảng giữa năm 2016 mình từ bỏ công việc cũ khi mà nó đang đi vào giai đoạn ổn định. Cả gia đình, làng xóm đều góp ý khuyên can, nhưng làm sao mình chọn một nơi chỉ cách nhà có 10km thôi, mà có lẽ mình về thăm ba mẹ còn ít hơn bất kì bạn trẻ nào đi làm xa quê, thậm chí thời gian tiêu tiền cũng không có. Làm ra bao nhiêu là còn y nguyên trong tài khoản 😀
Mình gần như đóng băng giai đoạn cuộc đời này vào công việc ấy, ngoài ra chẳng biết một kiến thức hay điều gì đó mới mẻ. Nên làm mấy năm là thấy đủ rồi, dừng thôi. Mang một cục tiền nhỏ nhỏ về quê khởi nghiệp . Một cách ngẫu nhiên mình biết đến ngành nấm, từ đó tự tìm hiểu, học hỏi mày mò qua nhiều giai đoạn, nhiều biến cố thì ngày hôm nay trại nấm nhỏ cũng ổn. Một vài biến cố mình trải qua có thể kể đến:
Đầu tiên, chọn làm nấm rơm, mà nấm này khó tính lắm, hư lên hư xuống cuối cùng đổ bể hết cả. Chẳng biết tại sao mình vẫn cứ là yêu thích nấm nên lại mày mò tìm hiểu về nấm bào ngư, qua đôi lần trồi sụt thì hiện tại gần như mình tự tin làm ra được cây nấm bào ngư tử tế. Lúc đầu có tham vọng muốn nhiều người dân địa phương được ăn cây nấm sạch, nên tạo cho bản thân cái áp lực phải mở rộng sản xuất, phải quảng bá, nói chung âm mưu bành trướng đấy. Và rồi nhiều chuyện xảy đến khiến mình nhận ra: khi mà nội lực chưa đủ thì làm gì cũng không bền, thậm chí có thể kéo cái tôi đi xa theo những hào nhoáng không cần thiết. Nói ít thôi để thời gian mà làm việc, làm thì không cần phải nói. Hiện tại sản xuất nấm đủ cung cấp cho các chợ nhỏ trong khu vực, gửi ra các cửa hàng bán thực phẩm trong Nha Trang nữa, nói chung chỉ sợ không có nấm chứ mình bán ổn với giá ở chợ.
Có một đợt bão lớn khiến trại nấm bị sụp, lúc ấy mình cũng hết tiền để xây dựng lại, đồng thời gia đình nói vào nói ra quá, nên mình đã bỏ quê để theo phụ việc cho anh ở Đà Nẵng Làm mấy tháng thì thấy nhất định phải về quê gầy lại trại nấm, không sống như vầy được, thế là vay tiền về làm thôi. Kể từ đó gia đình cũng hiểu hơn chuyện: không thể can ngăn thằng này làm nấm .
Trước năm 2020 tức là trước dịch, mình chuẩn bị để mở rộng mảng chế biến nấm, rồi mọi thứ thay đổi hết cả, mọi kế hoạch đổ bể vì dịch, nhưng mình vẫn cầm cự, vẫn sống đủ với lượng tiền ít đang có, thì mình nhận ra: bao nhiêu cũng đủ chủ yếu bản thân mong cầu điều gì.
Trong quá trình làm nấm, lâu lâu cũng coi cái này cái kia để mở mang kiến thức, tình cờ ngày nọ của năm 2019 mình xem được video giới thiệu về việc phục hồi mảnh đất khô cằn thành vườn rừng của một bác ở Brazil. Lúc đó, bất giác mình nghĩ: “nhà có mảnh đất bỏ hoang sắp thành sa mạc rồi, sao ta không thử làm trên mảnh đất ấy nhỉ”. Thế là dành ra một năm tìm hiểu về vườn rừng và cuối 2019 thì bắt đầu làm với tâm nguyện: có đất sẵn, công sẵn tại sao không phục hồi lại nó, chứ cũng không kì vọng gì nhiều.
Hiện trạng miếng đất:
Mảnh đất của năm 2019
Diện tích: tầm 3.5 sào.
Đây là khu vực đất ruộng, ngày xưa trồng lúa, hoa màu, từ khi người ta làm ao dẫn nước mặn về nuôi tôm cá, làm đồng muối thì đất nhiễm mặn hơn, nên nhiều năm trở lại đây vùng đất này mùa khô gần như hoang mạc, phải gọi là sa mạc vì không cây gì lên nổi, mùa gió là cát bay tung trời, gió lào thổi cháy da.
Khu đất của mình thì có một cái ao nước ngọt khá sâu (nhưng cuối mùa khô cũng cạn), đã được đào từ xưa, vì nhìn thấy sẵn nguồn nước tưới nên mình càng tự tin hơn trong việc miếng đất rồi sẽ hồi phục.
Mảnh đất vài nghìn m2 đối với sức một người thì không quá lớn. Nhưng nguồn lực ít ỏi, thêm nguồn nước tưới chắc chắn không đủ cho cả vườn, mình chọn phương án trồng 2/3 diện tích, số còn lại cứ để tự nhiên, cỏ mọc cao quá thì cắt trả lại đất.
Những cây đầu tiên xuống giống là keo và chuối. Mục đích ban đầu là để tạo sinh khối và đỡ công chăm sóc. Khi trồng lại nhận một loạt dèm pha của mấy ông hàng xóm , rằng trồng keo nó phá đất nên mấy cây khác không sống được, trồng chi mấy cây này thì lấy gì ăn…
Mình chỉ cười khì và trả lời rằng: cứ trồng cho mát đất trước đã, chứ đất này thì trông đợi kiếm ăn được gì. Đất tốt rồi thì kiếm ăn sau. Đối với mình, keo là cây dễ sống, đất xấu đến mấy cây cũng sống và phát triển được, giống lại dễ kiếm.
Không có đất xấu, chỉ là chưa đủ nhẫn nại để chăm cho đất tốt thôi.
Với niềm tin ấy, cứ sáng sớm mình vào vườn trồng cây, bật nắng lên về trại làm nấm, chiều mát lại vào trồng tiếp. Đã tự tay đào lỗ trồng từng cây, không thuê công nào, vì vốn không có, mà chi phí thì rất nhiều. Cố gắng là thế, tuy nhiên đỉnh điểm mùa khô đất bị nhiễm mặn nặng, đã có lúc dùng tiền mua nước ngọt cứu cây, nhìn cái cây chết thật không cam tâm nên cứ có tiền là mua nước. Nhưng dù làm cách nào đi chăng nữa, một năm đầu chúng cứ chết dần chết mòn. Mùa mưa tươi một chút đến mùa khô lụi đi.
Lúc ấy có bao nhiêu tiền làm ra từ nấm là mình nuôi vườn nhưng cũng chỉ chút chút chứ không nhiều, làm vừa sức thôi tuyệt đối không vay nợ. Và tất nhiên được cả gia đình cả làng xóm nói ra nói vào, nói điên nói khùng đủ kiểu. Hồi bỏ việc về làm nấm bị la một, thì lần này la đến mười. Cả làng cứ thấy mình xách xe ra vườn là lại bàn tán xôn xao . Thậm chí nhà mình còn tuyên bố: “Mày mà đòi làm nông, mấy anh bỏ hết rồi, giờ mày lại theo, mày lại đi đốt tiền nữa thì có, trồng được gì thì đem lên lưng tao mà nấu…”
Sau 1 năm như vậy, thì mình từ từ nhận ra:
Thổ nhưỡng thời tiết mỗi nơi một khác nên không thể nhất nhất làm theo những gì người khác chia sẻ, họ đâu có mùa gió lào để biết nó khắc nghiệt, hay cây nào thì phù hợp….
Nền đất mặt vườn mình cũng đang còn nghèo lắm mà có lẽ không có chút đất mặt nào, vì đã nhiều năm đất trơ ra cho trâu bò dẫm, cho gió thổi bay hết cả, thêm nữa nền đất sét nên mùa mưa thì úng nước mùa khô lại cứng như đá, nên chắc phải có cách để nó màu mỡ hơn cái đã, rồi mới lao vào trồng cây sau. Không có đất xấu, chỉ là chưa đủ nhẫn nại để chăm cho đất tốt thôi.
Nói chung cứ hàng ngày đi vào vườn, nhìn cái cây đang khỏe bỗng héo dần, sáng thấy cây xanh lá tối nghe rào rào sâu ăn thì ngày mai đã trụi lủi, hay vườn có chút cây là các loài côn trùng, gặm nhấm từ đầu kéo tới. Nhưng cũng phải thôi, vào mùa khô, quanh đây đâu còn mảnh vườn nào, phóng tầm mắt toàn là nền đất cát trơ ra thôi. Lặng lẽ nhấn thân này vào nhịp của khu vườn, mình nhận ra nhiều điều rồi chậm rãi điều chỉnh tác động:
Làm giàu đất: cây cỏ không thể mọc thì mình tìm cách bù sinh khối, từ trại nấm loại ra nhiều giá thể, mình ủ chúng lên thành phân bón vườn. Rồi vớt thêm bèo, trồng thêm cỏ…
Đào thêm các mương thoát nước, lên liếp để trồng cây, chứ mùa mưa thì đất ruộng dễ ngập úng mà.
Cây nào sống thì dưỡng, còn lại không đổ nhiều tiền để trồng cây giai đoạn này nữa, cứ từng chút dưỡng cây dưỡng cỏ có sẵn. Nói chung thấy bản thân chậm lại, sức đến đâu làm đến đấy, không tạo áp lực phải đạt được điều gì cả.
Và hôm nay đã 3 năm, mảnh vườn thật sự hồi phục, nó như một ốc đảo giữa sa mạc. Cả một vùng đồng ruộng rộng lớn khô cằn tự nhiên có một khu vườn xanh um. Sau 3 năm gắn bó với vườn thì mình hiểu rằng:
Chỉ cần cây lớn lên, là tôi có những nhịp thở chất lượng
Nếu không đủ nguồn lực để khu vườn hồi phục ngay thì cứ làm từ từ tùy theo tài lực, vật lực và sức khỏe của mảnh đất. Những nơi chưa đủ nguồn lực để bổ sung sinh khối thì hãy cứ để tự nhiên, tự bản thân đất sẽ có cách phục hồi. Ta chỉ cần kiên nhẫn, chấp nhận thời gian dài hơn. Qua quá trình ấy hãy quan sát từng loài để biết được khả năng thích nghi của chúng. Từ đó giúp mình hiểu hơn về đất và có kinh nghiệm trong việc chọn loại cây trồng ở những giai đoạn tiếp theo.
Đặt mục tiêu những năm đầu tiên làm vườn là để đất hồi phục, gìn giữ hệ sinh thái đa dạng, có như vậy thì mới đủ động lực để làm vườn rừng lâu dài.
Luôn tôn trọng các giống loài bản địa, vì mỗi loại cây xuất hiện sẽ có một chức năng trong khu vườn, khi quan sát đủ lâu mình nhận ra điều đó – đây cũng là niềm vui cho việc làm vườn vì mỗi ngày mình đều có những bài học mới.
Bây giờ cả làng gọi khu vườn này là kì tích, gọi người nông dân Lộc là giỏi giang và có đôi sự nể phục: thật không ngờ mảnh đất như thế mà giờ nó trồng được cây. Nghe đồn cả làng bảo thằng ấy khùng nhưng giỏi lắm, nể lắm.
Sau 3 năm, mảnh đất tốt tươi đã có chuối, có cỏ, có keo, có một vài cây ăn trái, cây gỗ trồng trước đó may mắn sống sót. Nhìn mảnh đất đầy sinh khí hôm nay, Lộc mới bắt đầu có dự tính sẽ trồng thêm cây trái hay các cây dưới tán để có thực phẩm hoặc có thêm nguồn thu. Bởi một lúc nào đó bạn sẽ dừng nghề nấm, chuyên tâm hoàn toàn vào vườn, nương tựa vào vừơn. Nhưng bạn cũng không hề vội vã, chỉ là thấy mảnh đất sống rồi nên bây giờ muốn trồng gì cũng được 😀
Đất đã hồi sinh như lòng mình vậy …
Khi hỏi Lộc: khoảng thời gian làm vườn có khiến bạn thay đổi nhiều ở bên trong không?
Lộc bảo: làm vườn giúp mình nhận ra nhiều tật xấu và cải thiện nó. Mình từng rất nóng vội, hấp tấp nhưng làm vườn này đâu thể như vậy được, nên cứ nhìn vườn sống mà sửa được tính. Hay mình cũng có những sự tiêu cực, nóng giận, nhiều khi nói những lời gây tổn thương. Khoảng thời gian tiêu tiền, rồi trồng cây cứ chết dần, cả nhà thì nói ra nói vào, cái sự tức giận nó lớn lắm, nhưng cứ vào làm vườn mình như được trút hết bầu tâm sự, được thấy bản thân thả lỏng nguôi ngoai đi, chấp nhận nhiều hơn những khó khăn, những sự bất như ý. Khu vườn như thể nuôi dưỡng được cái tâm hồn nhiều khi quá hỗn loạn này, cho mình không gian lẫn thời gian sắp xếp lại cá tính, thái độ lẫn những giá trị sống. Giờ với mình khu vườn là nơi An trú.
Gia đình hiện tại đã đồng ý với việc bạn làm vườn chưa?
Mẹ đã chờ hỏi chuối cho những dịp đám, lễ
Nói là đồng ý hoàn toàn thì chưa đâu, nhưng không cản nữa thậm chí cũng thích vườn rồi. Mẹ mình bây giờ mỗi lúc rằm hay đám đều bảo: cắt cho mẹ quầy chuối về cúng nha. Đã vui với việc con trai có thể làm ra được món này món kia (giờ đất vườn đã có thể nuôi lớn được rất nhiều loại rau “đương đại”), đã có đôi chút “mong chờ” nông sản từ vườn. Nói chung bản thân mình cứ thay đổi thái độ với cha mẹ, thì kiểu gì một ngày nào đó họ cũng nhẹ nhàng chấp nhận chúng ta thôi.
Điều gì khiến bạn có đủ động lực để gắn bó với mảnh vườn :
Nhìn thấy một khu vườn xanh mát, cây cối tốt tươi đã là hạnh phúc và động lưc rồi, chẳng cần gì hơn nữa. Đôi lúc cũng phải chấp nhận những sự thay thế khi không phù hợp, hay những “cái chết” chẳng báo trước, cứ cặm cụi học được cách bớt kỳ vọng và mong cầu, thì lại thấy niềm vui ngay thôi.
Bạn có một trải nghiệm nào muốn “rút kinh nghiệm” không?
Một trong những sơ sót của mình khi làm vườn là thiếu quy hoạch chỗ ở, cảnh quan ngay từ đầu. Lúc mới làm cứ trồng cây theo cảm tính, ưng cây nào trồng cây đó, trồng đại chỗ nào cũng được và dựng đại cái chòi để tránh mưa nắng. Nhưng rồi đến giai đoạn muốn làm cho khu vườn trở nên đẹp đẽ hơn, có chỗ ở đàng hoàng, thì vướng mắc những cái cây đã lớn, trồng không theo hệ thống nào :D. Xây dựng xong phải di dời cây, chúng lại bị mất sức, phát triển chậm mà mình cũng tốn công di dời. Vậy nên trước khi phát triển khu vườn cần thiết phải có một mường tượng thiết kế ngay từ đầu, từ khu trồng cây, nơi ở và cảnh quan xung quanh. Xác định hình dung về khu vườn trong lòng mình thật rõ rồi làm gì thì làm. Tổng quan rồi mới đến chi tiết.
Dự định sắp tới của bạn là gì?
Năm tới mình sẽ dựng nhà và chuyển vào vườn ở, mình sẽ cưới cả vợ nữa nếu em ấy đồng ý sống ở vườn, còn nếu em chưa sẵn sàng thì cứ từ từ thôi. Giờ em đang ở phố, mỗi tuần tới thăm, mình cũng đều mang các loại rau, cây để trồng trên ban công, mong muốn em tiếp xúc dần cho đỡ bỡ ngỡ. Rồi lâu lâu chở vào vườn để em quen với nhịp sinh hoạt, nói chung cứ khi nào em sẵn sàng thì tụi mình ổn định.
Khu vườn của bây giờ
Câu chuyện còn rất dài nữa nhưng tựu lại trong tôi 2 điều về anh nông dân này:
Bạn luôn rất từ tốn trong mọi chuyện, cách bạn làm một việc là cách bạn làm mọi việc, từ chuyện làm vườn, đến chuyện tình cảm. Bạn chẳng đặt áp lực của mình lên đối tượng nào, cho mình cho người, cho vật cơ hội để thích nghi với nhau. Nới rộng vòng tay cho mọi thứ xung quanh luôn có không gian để là chính nó.
Bạn nói khi bắt đầu làm vườn thì chỉ đơn giản nhà có sẵn đất nên muốn miếng đất này sống lại, nhưng qua quá trình làm thì nhận ra: sâu thẳm bên trong tâm hồn, cái khoảnh khắc nhìn thấy mảnh vườn trên Video, Lộc đã nhớ về tuổi thơ. Hồi bé bạn hay đi rẫy với ba, ba cứ làm còn con thì chạy chơi tứ phía, trong vườn cây gì cũng sẵn, đói là có đồ ăn, nắng thì có bóng mát, chơi ở vườn bên cạnh ba thật sự là một kí ức đẹp – Lộc muốn bản thân lại được sống trong khu vườn như thế. Và vậy đấy, cho dù có bao nhiêu khó khăn với mảnh đất cằn, bạn vẫn tin rồi mình sẽ được sống cùng với khu vườn tuổi thơ. Niềm tin này cứ ở đâu đó động viên Lộc, để rồi đến tận hôm nay bạn mới thật sự nhận ra nó. Niềm tin luôn ở đó với đầy sức mạnh, cho dù ta có thấy hay không.
Câu chuyện trên là viết về Lộc – một anh nông dân ở Ninh Diêm, Ninh Hòa, Khánh Hòa – trong chuyến Xanhshop đi Miền Trung tháng 11/2022. Một câu chuyện đẹp, một người nông dân điềm đạm, có lẽ Lộc là một trong số rất ít nhân vật Xanh đã gặp, dù mới đi những bước chân đầu tiên trên con đường vườn rừng, nhưng lại có được sự an ổn, chậm rãi và điềm tĩnh đến thế.
Chúc Lộc cùng mảnh vườn rừng nhỏ ngày càng thân thiết, gắn kết và trù phú hơn nhé, hẹn gặp lại <3