Phục vụ

Dạo nọ có một bạn trẻ nói với Xanh thế này: mấy người mà đi theo hướng Vườn Rừng chị kể thì họ vẫn phải đi làm ngoài để kiếm tiền, chứ không thể hoặc chưa thể sống đủ với mảnh vườn của mình đúng không? Nếu vậy thì đâu có ổn, chừng nào mảnh vườn phải nuôi sống, phải cung cấp đủ mọi thứ cho nông dân, như vậy mới bền vững, mới ổn định, đằng này phải nghĩ đủ cách để kiếm sống thì sao mà bền vững được.

Nông dân “Vườn rừng” phải đi làm thêm bên ngoài mới đủ sống, thì liệu lối làm vườn ấy có bền vững?

Câu “phản biện” này rất hay. Đúng, đã quyết định về vườn thì ít nhất mỗi nông dân phải sống được với mảnh vườn của mình. Chứ phải làm trăm nghề mới bám trụ được với vườn thì long đong quá. Lối sống ấy, lựa chọn ấy, có vẻ thiếu bền vững rồi.

Tuy nhiên, cũng cần xem lại một vài điểm sau:

1. Mục đích về vườn:

Bạn chọn về vườn, sống ở vườn để làm gì? Đây là một câu hỏi quan trọng, cần trả lời cẩn thận, rõ ràng.

Có rất nhiều bạn trẻ, chỉ đơn giản muốn được sống ở vườn, rồi từ từ học cách quan sát tự nhiên, nhằm có một lối sống hài hòa với mảnh vườn, hay tránh xa sự ồn ào phố thị. Bạn không đặt kì vọng kiếm tiền, hay mảnh vườn phải nuôi được mình ngay lập tức. Bạn chấp nhận kiếm tiền từ nơi khác để nuôi dưỡng ước mơ thấy được mảnh vườn đa tầng tán một ngày không xa nào đó.

Khi rõ mục đích về vườn, thì ta sẽ có cách ứng xử phù hợp.

2. Bạn có đủ kỹ năng không?

Không phải ai về vườn cũng đã là một nông dân giỏi. Làm gì cũng vậy, phải đủ giỏi mới kiếm sống được bằng chính nghề của mình. Xanh đã từng kể một cô nông dân một mình nuôi 3 con ăn học, có nhà có cửa, có đất đai màu mỡ. Bạn có đủ giỏi như vậy không? Nếu không, bạn dựa vào đâu để bắt mảnh vườn phải ngay lập tức nuôi được, nuôi đủ gia đình mình. Làm bất kì nghề gì, nếu bạn không đủ sống là do chính chúng ta chưa đủ giỏi. Chứ vấn đề không nằm ở nghề ấy, hay ở lối sống ấy.

3. Bạn định nghĩa như thế nào là “Đủ Sống”?

Tất cả những “ví dụ”, những câu chuyện về nông dân Vườn Rừng, Xanh đã đăng, thì họ đều chọn lối sống giản đơn. Mọi mong cầu trong cuộc sống ngày càng gói gọn trong khả năng cung ứng của mảnh vườn.

Một mảnh vườn đa tầng tán, phong phú các loại động thực vật là đủ với chúng ta chăng ?

Họ muốn tích lũy nhiều Vốn kĩ năng, Vốn xã hội, giảm tối đa sự lệ thuộc vào vốn Tài Chính. Có thể bạn nhìn thấy họ đi làm vì “thiếu tiền”, nhưng là họ đang cố gắng làm giàu các nguồn vốn khác đấy thôi.

Và câu hỏi quan trọng: Bao nhiêu là đủ với bạn? Nhiều khi sự đủ này vượt quá giới hạn của mảnh vườn, thì bạn phải đi làm thêm là đúng rồi.

4. Bạn có thực sự hiểu định nghĩa về “nông dân” không?

Nếu lớn lên từ làng quê, bạn có thấy người nông dân nào mà chỉ biết mỗi việc ra đồng, lên nương lên rẫy thôi không. Không đâu ạ. Nông dân ở quê như một siêu thị kỹ năng. Họ biết làm ruộng, làm vườn, sửa điện, sửa nước, đan lát, thêu thùa, làm bánh làm trái, làm đủ thứ nghề, để có thể:

  • Tự làm ra mọi vật dụng, nhu yếu phẩm gia đình cần. Thay vì kiếm tiền mua thì họ tự làm.
  • Ngày nông nhàn thì đi làm thuê cho người ta kiếm thêm thu nhập.

Mảnh vườn và con người ở thế nương tựa lẫn nhau, phải chăng thế mới bền vững.

Ngày xưa, hiếm có nông dân nào mà chỉ kiếm tiền trên mảnh vườn của mình (à “địa chủ” ?). Họ chắt góp tài chính từ rất nhiều nguồn. Bạn có thể thấy thế là vất vả, nhưng với nhiều nông dân điều này rất hợp lý: họ vừa được thay đổi công việc, vừa được đi ra ngoài gặp người này người kia, vừa tạo uy tín hay mối liên hệ tốt với hàng xóm xung quanh. Và quan trọng là thấy:

  • Có nhiều cơ hội kiếm thu nhập đó là giàu có,
  • Có sự tự tin vào kĩ năng sống (dù ở bất kì hoàn cảnh nào cũng sống được).

Xanh không phủ nhận, nếu mảnh vườn có thể nuôi được cả gia đình là điều bền vững, nhưng “đi làm thêm” cho hàng xóm láng giềng nhiều khi không phải vì thiếu tiền. Và cho dù có thiếu tiền, thì làm thêm một vài nghề bổ trợ cũng chẳng chứng minh Lối làm vườn ấy là kém bền vững. Thay vì quan niệm: Bắt mảnh vườn phải nuôi được mình, có thể nhìn góc khác: bản thân phải làm sao để “hỗ trợ” được mảnh vườn lấy lại sự cân bằng. Bởi đã bao lâu rồi ta “bòn rút” đất đai này. Ta đã “phục vụ” chưa mà cứ đòi hỏi cả thế giới phục vụ mong cầu của bản thân. Mảnh vườn và con người ở thế nương tựa lẫn nhau, phải chăng thế mới bền vững.

Ý kiến của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Scroll to Top