Phản hồi thư ngỏ của XanhShop
Thương gửi XanhShop, em Tuyến xin gửi nội dung chia sẻ về vườn của mình theo cấu trúc XanhShop gửi với nội dung như sau:
An Giang, ngày 22 tháng 05 năm 2021
1. Người ở vườn:


Mình tên Kim Tuyến sinh năm 1993, sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Nông Lâm năm 2015, ngành Nông học, chuyên ngành Cây trồng và giống cây trồng. Sau khi tốt nghiệp vừa làm vừa học chương trình sau Đại học, nhưng đã dừng học giữa chừng, chuyển sang trồng rau tại Tp.HCM, rồi ‘ngụp lặn” một thời gian với những thua lỗ, vui buồn có đủ, nhưng vẫn quyết chí sẽ phải làm vườn không thể làm gì khác. Sau đó quyết định về quê “dụ dỗ” cha mẹ làm vườn cùng 😀 . Cha mẹ đã nói rằng: ừ con thích làm thì vun vào cho nó, nó cũng làm đúng ngành đúng nghề học chứ có làm chi sai trái đâu, đỡ được đoạn nào, hỗ trợ được đoạn nào thì phụ nó đoạn ấy, thế là có mảnh vườn. Mình thật quá may mắn khi bạn đồng hành là cha mẹ trên con đường lập vườn này.
Cha mẹ hiện tại là giáo viên tiểu học, sẽ tham gia trồng cây ở vườn sau thời gian đứng lớp, vườn vừa là nơi thư giãn, vừa là nơi để dưỡng già lúc cha mẹ nghỉ hưu. Trước đây gia đình chưa từng lập vườn, chỉ có chút kinh nghiệm trồng cây ăn trái ở khu vườn nhỏ sau nhà, nên cả gia đình đều đang cùng nhau học làm những điều mới, một chặng đường mới đầy thú vị.
Nhà mình mong muốn mảnh đất nhỏ này sẽ được thanh lọc sau nhiều năm bị lạm dụng phân thuốc bảo vệ thực vật, là nơi cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình (và nhiều hơn là người thân, khách hàng), là mảnh vườn khác biệt cả về hình thức và tư duy so với những mảnh vườn chuyên canh trong xã. Nếu thành công, có thể ảnh hưởng tích cực đến những người xung quanh, những vườn lân cận, cùng nhau giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi sinh và sức khỏe tự nhiên (bao gồm đất, nước, không khí, động thực vật và con người) ở địa bàn mình sinh sống. Dĩ nhiên cả nhà không trông đợi nhiều, chỉ tâm niệm bản thân mình làm tốt trước đã.
2. Khu vườn:
2.1 Sơ lược về vườn:
Tên vườn: Nông trang Kiến Vàng – Ant Farm, tên Kiến Vàng được đặt ngẫu hứng khi mẹ nhắc đến con Kiến Vàng trên cây xoài lão của ông cố, câu chuyện của loài côn trùng này được kể quá thú vị, cách làm vườn của gia đình mình cũng như con kiến vậy, tỉ mẩn từ chút, có làm sai thì sửa sai rồi làm lại. Tuy diện tích không lớn nhưng mình gọi là “nông trang” vì nghe từ này thì nghĩ đến một nơi “an cư” cùng nông nghiệp của cả gia đình sau này hơn là một “nông trại” chuyên sản xuất


Địa chỉ: Vườn ở ấp Bình Thành II, Hòa An, Chợ Mới, An Giang.
Diện tích: 1ha.
Thời gian thành lập: tháng 2/2019.
Vườn hình chữ T, được thành lập trên nền đất ruộng sau khi múc đất tạo ao, phần đất múc lên được đắp xung quanh làm bờ bao, và đắp cao bờ giữa, hệ thống ao sâu chạy theo hình chữ T khu đất. Mình làm ao, mương sâu và rộng, do là để trữ nước, nuôi cá với mình thích bơi xuồng dạo dạo ngắm vườn, ngắm bình mình hoàng hôn đồ 😀 .
Vườn có lợi thế về nguồn nước tích trữ riêng do ao sâu, dài, rộng, địa hình bằng phẳng, vị trí khá gần nhà, hiện tại gia đình chưa ở vườn luôn mà vẫn có nhà ở ngoài khu đông dân cư. Hạn chế lớn nhất ở phần đất đai, do lỗi lúc múc đất nên lớp đất mặt bị vùi sâu, bề mặt vườn hiện tại toàn bộ là đất phèn yếm khí được múc từ dưới sâu, sa cấu sét nặng và pH rất thấp.
2.2 Quá trình canh tác:
Một chút sốc nổi thuở ban đầu:


Ngày nhận đất xong, gia đình xác định sẽ lên vườn mảnh đất ruộng này, nên bố trí múc đất tạo hệ thống ao, mương quanh vườn, nếu bạn ở miền Tây chắc không lạ lẫm với hoạt động này đúng không. Sau khi múc đất, vườn được xới tổng thể 1 lần, nhưng máy xới to làm việc không hiệu quả vì đất quá cứng khi khô và nhão khi ướt. Tuy nhiên lúc này gia đình cũng không để ý nhiều, hừng hực khí thế trồng cây, trồng rau và các loại cây ăn trái: na, xoài, mít, sapo, chanh, tắc, cóc, sầu riêng, chôm chôm, bưởi….một số tiền kha khá đổ vào cây giống. Lúc này đất chưa được rửa phèn, hệ vi sinh chưa phát triển, cỏ chưa mọc (chỉ có ít cỏ một lá mầm như cỏ chỉ)
Tầm 3 tháng sau, dưới cái nắng như thiêu như đốt kèm theo mảnh đất trơ trọi không một bóng mát, gia đình thì hì hục tưới tắm nhưng rồi cây ăn trái lẫn rau màu còi cọc rồi chết dần, chỉ khoảng 3-4 loại cây trồng hợp đất nên sống tốt đến nay: xoài, mít, ổi.
Đó là một cú sốc nhẹ nhẹ, mất tiền chỉ là một phần nhỏ nhưng cái công, cái tình cảm, cái hi vọng gia đình mình đặt lên mảnh đất khá nhiều. Lần đầu cả nhà làm vườn cùng nhau mà, ai cũng nghĩ một ngày mai xanh mướt. Thế rồi sự thật vẫn là màu xám đất sét ấy, có một chút hoang mang chứ: chúng ta đã làm sai ở đâu rồi, mảnh đất này không trồng cây được ư, hay là thật sự chúng ta không có khả năng trồng cây. Chỉ một phút “chênh vênh” ấy thôi, rồi cả nhà đã bình tĩnh hơn, bắt đầu chậm lại, hỏi han thêm hàng xóm là nông dân thực thụ, người này người kia chỉ thêm nhiều điều, quan sát, đào nhiều rãnh cắt bề mặt đất, chờ mùa mưa 2019 xuống để rửa phèn từ đất theo các rãnh xuống ao, sau đó khai thông ra ngoài kênh lớn, chờ thực vật tự mọc nhiều hơn, vi sinh hoạt động tốt hơn, chờ các động vật chui rúc trong đất sinh sôi nhiều hơn. Thật may là cô bác ở địa phương rất quý cha mẹ mình, nên cái gì cũng chỉ, tuy cô bác canh tác dùng hóa chất tổng hợp thật nhưng kinh nghiệm làm nông đều đáng quý, đều có những nguyên tắc gốc mà chúng ta áp dụng được.
Đến 2020 – 2021 quan sát đất đai, quan sát nước, cây cối, tìm hiểu loại nào thích hợp với đất phèn, cách trồng từng loại và “điền vào chỗ trống” một cách cẩn thận hơn sau khi bổ sung hữu cơ, vi sinh…. Kết quả: 100% cây sầu riêng trồng đợt 2 đều sống tốt. Thật vui 😀 .
Hiện tại gia đình vẫn đang vừa làm vườn vừa quan sát, bước chân thật chậm, nương theo vườn từ tốn thôi.


2.3 Nhân lực:
Vườn gồm 3 thành viên gia đình mình thôi, làm việc túc tắc từ từ. Khi khối lượng công việc nhiều hoặc quá sức có thể bổ sung thêm lao động bán thời gian, như lúc đào rãnh, làm cỏ (tần suất 1 tháng khoảng 4-5 ngày). Và như đã nhắc ở trên, gia đình mình được cô chú địa phương quý mến, chỉ dạy nhiều điều, đây là nguồn nhân lực “ẩn” nhưng vô cùng quý giá. Cứ chiều chiều cô chú đi làm ngang qua vườn, ai mà thấy nhà mình làm chi “sai sai” là tới chỉ, tất nhiên vẫn có những điều không hợp với lối canh tác nhà mình chọn, nhưng có rất nhiều kiến thức quý xen lẫn trong đó, cứ mở rộng cái đầu, rồi từ từ lọc, thể nào cũng ra được điều hay và ít phải trả học phí 😀 .


3. Chi phí đầu tư:
Nhà mình chỉ là muốn sống trong một mảng xanh, nên mọi khoản đầu tư xác định là: nhất định cần mới làm, hoặc cần cho sự sống của vườn mới chi, còn lại gia đình tự học hỏi để làm, lần mò từng chút một, không có gì vội vã, không có hình tướng nào định sẵn. Cứ thuận theo vườn, thuận theo sức để sống trên mảnh đất này.
Nội dung | Số tiền |
Đào ao lập vườn | 20 triệu |
Cây giống ăn trái các loại | Đợt 1: khoảng 30-35 triệu Đợt 2: (không nhớ vì mua lắt nhắt) |
Rơm rạ, phân hữu cơ | Rơm được cho, chỉ tốn phí thuê máy cuộn và kéo rơm tầm 2-3 triệu/vụ Cắt cỏ phủ tại chỗ |
Nhà trại, cầu qua lại ao | 7 triệu (chỉ mua tôn lợp, đinh ốc, phí thuê cưa cây…) Cây bạch đàn nhà có sẵn do được trồng 5 năm trước, công thợ không tốn vì nhà làm. |
Hệ thống điện năng lượng mặt trời kết hợp hệ thống tưới | Khoảng 26 triệu |


Sau khoảng thời gian hừng hực mua cây, trồng cây bây giờ mình bớt nhiều rồi 😀 . Mình chỉ trồng xen thêm những cây gia đình yêu thích, những trái muốn ăn, còn lại để vườn tự tái sinh, để chim thú muôn loài gieo hạt, ta chỉ ngồi chờ thôi. Và quả thật người trồng cây không được bao nhiêu, “tự nhiên” trồng vừa nhiều vừa đa dạng, trong vườn cây chi chít như ngàn điều bí mật vậy . Mình cũng chỉ cắt cỏ sạch sẽ ở khu vực trồng rau màu, gọi là “khu làm kinh tế” để dễ bề thu hoạch, những khu vực khác để cỏ cây dây leo mọc um tùm, được bao nhiêu sinh khối hay bấy nhiêu, mặt đất được che phủ càng kín càng tốt.
4. Thu nhập:
Lại một lần nữa phải nói câu này: mình rất may mắn, khi đằng sau luôn có cha mẹ hỗ trợ, mảnh vườn này cũng là niềm vui là tương lai của cha mẹ, mọi phần cứng đầu tư vào vườn là cha mẹ chi hết, mình như một đứa con đã “ăn chực” mấy chục năm nay.


Bên cạnh đó mình cũng định hướng mai mốt sẽ là một khu vườn nhỏ của bạn bè, của khách hàng thân thiết, sẽ bán nông phẩm trực tiếp từ nông trang đến bà con gần gũi xung quanh. Mọi người không làm nông được thì gia đình mình làm, mỗi gia đình mỗi việc vậy, ai giỏi gì, ai thích gì làm nấy. Vậy nên từ lúc lập vườn là mình đã trồng rau, trồng cây ăn trái, bây giờ rau đã có thu lai rai rồi, kết hợp với các mặt hàng đặc sản địa phương mà mình biết rõ cách thức sản xuất, rồi thỉnh thoảng mẹ làm đầu bếp chính với những món bánh mứt, giò chả, nhiều món thủ công lắm để bán kèm. Hiện mỗi tuần vẫn giao thực phẩm đi hơi xa, lên tận Sài Gòn (đây là lượng khách có sẵn từ hồi trồng rau ở Sài Gòn trước đó), tương lai sẽ muốn có một lượng khách hàng gần nhất thôi, đỡ nhiều công quản lý, vận chuyển lẫn tình cảm sẽ khắng khít hơn 😀 . Khoản thu nhập này là hoàn toàn đủ cho chi dùng của bản thân. Mình cũng chỉ định bán nông sản từ vườn nhà, kèm thêm các đặc sản từ gia đình khác, chứ không có nhu cầu mở rộng vườn, hay cố bán nhiều làm chi, nếu có thì là một chút “tham vọng” hình thành nhóm những nông hộ tại địa phương, cho đa dạng mặt hàng để cung cấp thực phẩm phong phú tới một tập khác hàng thân thiết thôi.
Mà khi nhắc đến chuyện thu nhập, câu hỏi đặt ra: bao nhiêu là đủ. Với mỗi người câu trả lời sẽ khác. Mình sinh ra và lớn lên ở quê thật nhưng được nuôi dưỡng như một đứa trẻ có đôi chút thành phố bởi ba mẹ đều là giáo viên mà. Mình không biết nhiều về vườn tược, không biết nhiều về cuộc sống tự chủ thực phẩm nên cái cảm giác làm gì cũng cần tạo ra được một chút tiền cho an tâm nó khá lớn, với gia đình mình có tiền mới có cái ăn mà. Đó là một cái trớn trong tiềm thức của bản thân. Nhưng mình không bị tiền hành, chỉ là cần tạo ra tiền để an tâm thôi. Còn các mong cầu vật chất của cá nhân cực kì đơn giản, tiền cần chi cũng rất ít, thêm vào đó thực phẩm gia đình gần như tự chủ, nên trước khi hỏi: thu nhập bao nhiêu là đủ, mình nghĩ phải hỏi: bạn có khả năng giảm chi đến mức nào. Mình muốn một cuộc sống đơn giản, nhẹ nhàng nên cái gì mà không như thế thì khỏi nghĩ đến cho đỡ nhọc 😀 . Mình muốn sống hài hòa với vườn, vườn ôm ấp mình lớn lên, và mình cũng thế, chứ đâu muốn kiếm nhiều tiền từ vườn, nên cái gì phạm vào vườn quá, mình sẽ không làm đâu.
5. Về vườn vui vẻ với anh chị là gì?
- Gần gũi gia đình sau giai đoạn học xa nhà (nói thẳng là được về ăn chực ấy mà).
- Được nhìn thấy mây trời trăng sao cây cối chim muông.
- Được ăn ngon ăn sạch ăn an tâm ăn món quê mình thèm nên rất thỏa mãn.
Đôi dòng tâm sự của Xanhshop: Xanh giữ gần như y nguyên bức thư Tuyến gửi, kể cả lời vào bài hết sức thân thương như là một lá thư tay ngày xưa ta thường viết cho nhau vậy, bởi đọc thư quá sức dễ mến 😀 . Bài viết của các bạn, có thể dựa vào “sự hiểu” mà Xanhshop cảm nhận được qua các cuộc gặp mặt, để Xanhshop thêm mắm dặm muối nhằm làm nổi bật lên những điều đặc biệt nhất ở mỗi vườn, mỗi con người, nhưng nói chung mọi thông tin hầu như nguyên bản. Có một điều khi gặp Tuyến cùng hai bác có lẽ ai cũng cảm nhận được: đó là gia đình nhà người ta mọi người ạ 😀 😀 . Nhẹ nhàng, thương yêu, ân cần trong từng hành động, cử chỉ dành cho nhau, và nó được bộc lộ rất tự nhiên, thật sự là hiếm có gia đình nào mà việc giao tiếp hay trao tình cảm cho nhau nó lại rõ ràng và thật đến vậy. Cảm giác như cả nhà luôn giao tiếp, tâm sự được với nhau, luôn biết người kia yêu thương mình thế nào, ôi đáng mến lắm ạ. Gặp rồi để thấy rằng: nếu có gia đình chúng ta cần học để giao tiếp thật như vậy. |
Thông tin vườn:
- Chủ vườn: gia đình Kim Tuyến.
- Địa điểm: ấp Bình Thành II, Hòa An, Chợ Mới, An Giang.
- Facebook Tuyến: https://www.facebook.com/truong.kimtuyen