Để lại gì cho con?

Năm 1995 anh cùng gia đình lên Tây Nguyên đi làm kinh tế mới, lúc ấy vùng đất này còn nhiều rừng nguyên sinh lắm, cả mảnh đất hai anh em đang ngồi nói chuyện đây cũng là rừng. Mọi thứ thời bấy giờ thiếu thốn lắm, từ ăn uống đến máy móc, cứ dùng sức người chặt cây làm nhà, làm vườn, cuộc sống dựa vào sức người hết mà hay ghê phá vẫn te tua 😀

Thời đó cũng đâu biết gì về tầm quan trọng của rừng, của khí trời, của nước ngầm, chỉ biết phải làm thì mới có ăn, phải chặt cây đi thì mới có đất trồng cà phê, điều, cây trái, rau màu. Một năm bận rộn lắm, tính toán dữ lắm mới đủ sống. Nhưng quả thật mảnh đất vô cùng màu mỡ, cứ thả hạt giống xuống là lên cây, ra trái, không phải chăm bón gì, chứ ngày ấy mà chăm chắc làm không xuể luôn, “tiêu đời” rồi. Anh cứ thế buổi đi học, buổi đi làm kiếm cơm kiếm tiền đóng học.

Cuộc đời xô đẩy làm đủ nghề rồi lại quay về làm vườn, năm 2013 anh quyết định làm vườn bên cạnh nghề chính là sửa xe honda, anh có cái tiệm ăn nên làm ra lắm.

Cuộc đời có 2 cục: cục tiền, cục sức khỏe. Anh chọn cục sức khỏe.

Thực ra để đi đến quyết định làm vườn là cũng có cơ duyên cả, anh chuyên nghề sửa xe vậy chứ rất thích vườn, rồi nghĩ đến thực phẩm cho con cái mà đau lòng nên ấp ủ dự định sẽ tiết kiệm tiền để mua rẫy. Khoảng 3 năm sau cái quyết định “tiết kiệm tiền” ấy, một hôm đi cùng các chú trong làng lên rẫy bạn chơi, người ta thì gánh đủ thứ còn anh chỉ đi tay không mà lết theo không nổi, trong khi cách đấy vài năm thôi ba cái chuyện này với anh chẳng nhằm nhò gì. Bất giác nhận ra sức khỏe của mình từ khi nào lại yếu đến thế, mới có hơn 30 sao có thể xuống sức nhanh đến vậy. Trai Tây Nguyên sương gió mà đuối thế này là hỏng rồi :D. Sau ngày hôm đó, nhất định làm vườn với mục tiêu:

  • Tập thể dục: với anh lao động trên vườn là để hoạt động thể chất, chứ ngồi cả ngày với xăng sơn xe hít đủ thứ độc, người cũng chẳng hoạt động gì sẽ bị ù lì đi.
  • Có thực phẩm rõ nguồn gốc cho gia đình.
  • Mai mốt về già được sống trong khu vườn rợp lá. Anh ao ước cuộc sống mà có đủ thứ cây trái cạnh nhà, sáng sáng chiều chiều cần gì cứ ra vườn thôi, căn nhà nằm giữa những bóng mát, có khí trời, có sự yên tĩnh tận hưởng tuổi già :D. Giờ phải làm thì già mới có để hưởng được.
Bên con, bên vợ, bên nhau.

Khi làm vườn, anh cứ đau đáu những nỗi niềm rằng: sao giờ người ta dùng nhiều hóa chất vậy, đất đai bây giờ sao khô cằn quá vậy, rừng đi đâu mất rồi, sao con người ngày càng đối mặt với nhiều bệnh tật, mai mốt con cái mình rồi sẽ sống trong môi trường trong bối cảnh ra sao đây. Những ý nghĩ ấy cứ quanh quẩn trong đầu không dứt ra được. Phải làm, nhất định phải làm gì đó. Nên việc canh tác anh dùng chút ít phân hóa học, chứ tuyệt đối không xài thuốc phun xịt (có xài 1 lần lúc nhận vườn). Còn chuyện biến vườn thành rừng hay cái gì thì không nghĩ tới, cơm áo gạo tiền, và nhu cầu vật chất vẫn xoay quanh anh.

Cứ vậy anh làm vườn, lấy nghề honda nuôi vườn, rồi gặp một số bạn trẻ từ thành phố trở về quê, các bạn rủ rê vợ anh trồng rau sạch bán cho mọi người, chia nhau ăn trong cộng đồng địa phương. Cũng từ đó anh mới tiếp xúc nhiều hơn và biết đến nguyện vọng: làm vườn dựa vào thiên nhiên này thôi để ngày nào đó rừng lại về với mảnh đất. Anh từ từ nhận ra: chỉ cần có rừng là những băn khoăn, trăn trở về đất, về nước, về thời tiết, về môi sinh cho con cái được giải quyết. Hay quá.

Hướng tới cộng đồng:

Bây giờ chỉ cần có ai đó muốn gia nhập, muốn về vùng này làm vườn là anh sẵn sàng bỏ công bỏ việc để kể chuyện, để hỗ trợ, không ngần ngại gì hết. Anh muốn được sống giữa cộng đồng thật vững về “lối sống nương tựa tự nhiên”, anh chị em đùm bọc nương tựa vào nhau sao cho cộng đồng được mạnh mẽ hơn, rồi có lan toả đến ai thì lan toả. Nói thật, lối sống của anh hiện tại cũng chưa vững vàng, cũng còn nhiều thử thách, nhưng anh biết điều mình hướng đến là gì, và cố gắng kiên định với nó.

Anh Bình là một người có tinh thần cộng đồng rất đáng quý, đầy trách trách nhiệm. Trách nhiệm cho công việc chung, và cực kì tròn trịa bổn phận với gia đình, vợ con.

Anh nói với ánh mắt cương quyết rằng: Muốn cộng đồng gắn kết thì mình phải nhìn việc chung như việc riêng vậy, có trách nhiệm, có sự chu toàn. Người cũ giúp người mới, cứ thế chúng ta giúp nhau. Ai đến một vùng đất mới mà không lạ lẫm, người ta nhận được một cánh tay đưa ra nâng đỡ họ quý biết bao nhiêu, có vậy mới đủ tự tin để lập nghiệp chứ. Làm nông trong bối cảnh này đã vất vả lắm rồi, thì sự hỗ trợ hết mình của anh em bạn bè, của cộng đồng địa phương sẽ tạo động lực lắm. Cứ phải xây dựng lòng tin trong nhau bằng tình người như vậy cộng đồng mới mạnh được.

Mày mò youtube rồi tự làm đế trụ cho cột nhà, mai mốt ai nhờ là chỉ hoặc làm giùm người ta luôn, chứ nếu mua 180k/đế lận, mỗi cái nhà có khi cần 20-30 đế.

Tuy nhiên, làm cộng đồng cũng nhiều chuyện vui buồn lắm em, nhiều khi ngồi nghĩ thấy tủi thân nhưng cứ nhìn vào giá trị mình muốn, và tương đồng với người, còn lại bỏ qua hết. Anh cứ chiếu theo những nguyên tắc:

  1. Bạn là người hiền lành tử tế, cộng đồng toàn những người này thì khỏi lo trộm cắp chi, cứ thả nhà cửa ruộng vườn đấy thôi.
  2. Sống, làm việc nghĩ tới môi trường, không bỏ hóa chất lên mảnh đất này.
  3. Rừng, nghĩ tới rừng.

Mọi cái nhỏ nhặt chút ta bao dung cho nhau hướng đến cộng đồng chung, cứ cho đi tình người rồi điều gì ta cần tới sẽ tới.

Trách nhiệm:

Giờ anh đã nhận ra mỗi sáng mở tiệm sửa xe là bản thân hít một đống hóa chất của nghề: từ sơn, xăng, dầu, hàn xì … dù có làm được nhiều tiền hơn nữa cũng sẽ nghỉ. Anh chỉ có 2 lựa chọn: cục tiền hoặc cục sức khỏe, anh là chọn cục sức khỏe rồi đấy. Nên định hướng lâu dài: làm vườn lo mọi thực phẩm cho gia đình, kiếm chút tiền chi dùng vậy là đủ. Cố gắng cho con cái nó thừa kế một môi trường sống tốt, khỏe mạnh. Tuy nhiên, sẽ làm nghề thêm 1-2 năm nữa, đủ tiền dựng cái nhà gỗ cũ cho vợ con yên ấm an tâm, gỗ cũ đã gom hết rồi, kiếm ít tiền công thợ nữa là nghỉ hẳn, về làm vườn. Cứ từng bước nhích tới điều mình muốn thôi em, chứ để vợ con nheo nhóc đâu có được, phải có trách nhiệm.

Lúc đầu tính làm nhà xây, làm căn nhà cho kiên cố, kín gió. Chứ ở nhà ván đó giờ rồi, căn nhà nhìn nó cứ khó khăn thế nào ấy, cảm giác không đẹp, không lo được cho vợ con toàn vẹn. Thêm nữa gió cứ thông thốc vào nhà, mùa lạnh Tây Nguyên ớn lắm.

Thế rồi có vài lấn cấn xảy ra:

  • Nói thật là bước vào nhà xây mùa nóng nhiều khi thấy ngột ngạt, giống mình ở trong cái hộp ấy, sống giữa trời giữa gió quen rồi 😀
  • Có bạn hàng xóm dựng căn nhà từ gỗ cũ nhìn ưng mắt lắm, anh có tình cờ ngủ lại thì thật sự nếu làm cẩn thận căn nhà gỗ cũng ấm áp, chắn gió ổn thỏa cả.
  • Thêm nữa, hiện tại khu vực anh người ta đang ồ ạt dỡ nhà gỗ để xây nhà tường nhà gạch. Gỗ nói là cũ chứ đều từ những loại gỗ tốt mà mấy chục năm trước từ rừng bước ra. Nếu như mình bây giờ không tận dụng nguồn nguyên liệu này, thì có lẽ ít năm nữa sẽ chẳng còn mảnh gỗ “xa xưa” nào. Nói thật, nhà gỗ với anh nó như điều gì đó thân thương thuộc về ký ức, đa số là nhà của người đồng bào có kiến trúc đặc thù, là điểm đặc trưng của Tây Nguyên, mất đi rồi cứ như mất cái hồn cốt của vùng đất vậy, nên anh cũng muốn giữ lại những nếp nhà gỗ xưa. Rừng cũng đã mất rồi, nên giữ được chút tàn tích nào ta cứ muốn giữ thôi. Cứ thế anh quyết định tìm nhà gỗ cũ, cùng với số gỗ, lồ ô đã gom góp 13 năm nay (dự định là để làm cửa, làm giường tủ …trong căn nhà xây), quyết chí tự mình dựng căn nhà mới.

Hậu phương sáng ngời:

Sau lưng một người đàn ông bao đồng chắc chắn sẽ là một người vợ quán xuyến, chứ nếu không làm sao giữ được nếp nhà, làm sao anh an tâm xoay vòng với xã hội. Nên tất nhiên sau lưng anh Bình là một người vợ mềm mỏng, dịu dàng nhưng cực kì vững vàng lại nhiều phần đảm đang.

Bằng lao động, ta gắn kết với nhau.

Em từng hỏi chị: khi anh quyết định làm vườn mà không có dùng hóa chất nông nghiệp thì chị thấy sao?

Rồi hồi đầu năm 2021, có bạn đề nghị trồng rau sạch để bán trong nhóm, thì cũng lưỡng lự nhưng đang rảnh nên coi như kiếm thêm thu nhập vậy :D. Trồng rau nhiều bi hài lắm, có khi sâu nhiều hơn rau nữa nhưng vui cực kì, vợ chồng con cái rồi nhiều bạn trẻ lại vườn ríu rít “mua bán”, thu hái, đóng gói, nhộn nhịp hẳn, không khí lúc nào cũng tưng bừng. Lúc đầu chị chỉ trồng thôi chuyện bán đã có các bạn lo, lâu dần thì để chị tự bán chủ động có thu nhập, trao khách hàng cho chị luôn 🙂

Chị thấy phi lí lắm em, chị con nhà nông mà nên hiểu rất rõ việc phải xài phân xài thuốc mới có thu, nhưng chị tin anh, anh là người rất có trách nhiệm, chắc chắn không để gia đình lao đao nên xưa nay muốn làm gì anh cứ làm, chị ủng hộ. Anh biết nhóm các bạn trẻ về vườn canh tác sạch lâu rồi, kể chuyện chị nghe hoài, chị cũng nghe để đó thôi, mặc kệ ổng.

Cứ cho đi tình người, điều gì cần tới sẽ tới.

Nói chung bây giờ chị đang rất vui với việc rồng rau, buôn bán này, ngoài chuyện có đồng ra đồng vào thì thực phẩm mình ăn mỗi ngày đều đảm bảo, biết rõ con sẽ ăn gì, biết rõ bên cạnh mình là những người bạn ra sao, vui lắm, ý nghĩa lắm.

Sự thật là anh biết ‘nhóm các bạn trẻ’ trước, nhưng người thân với các bạn lại là chị, người bắc cầu đưa anh vào cộng đồng ấy là chị, bởi anh nhoi quá nên lúc đầu đâu ai tin tưởng cho chơi chung :D. Từ hồi chị trồng rau, thương quý chị thì mọi người mới bắt đầu thân nhau, lây lan tư tưởng và lối sống vào nhau. Bên cạnh một người chồng rất nhoi là người vợ chỉ cười và ánh mắt dõi theo anh.

Nếu được chọn một cuộc sống “trong mơ”, thì đâu là tưởng tượng của anh?

Để lại cho con sự khỏe mạnh …

Hiện tại anh làm vườn, sửa xe honda, chị trồng rau tử tế phần thì bán lẻ, phần thì chia người này người kia, phần thì bán sỉ ra thành phố, à còn bán thêm một vài món đặc sản: mắm, bánh tráng ở quê do người nhà làm nữa, mình ăn gì bán nấy, ai thấy ngon thì mua ủng hộ hoài, coi như cung cấp thực phẩm biết rõ nguồn gốc cho anh em bạn bè quen biết gần xa. Anh chị cứ bước đi những bước đầu như thế, cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, nên cứ nhích chút một chứ cũng không áp lực xem mình phải đạt được điều gì. Bây giờ còn vui với việc trồng rau thì trồng, ngày mai ai biết mình thích gì nên không nói trước, chỉ mong rằng ngày nào đó sẽ thấy được rừng bạt ngàn khắp nơi, chỉ mong ngày nào đó có một căn nhà giữa mảnh vườn rợp bóng cây cung cấp đầy đủ thực phẩm cho gia đình, muốn gì là cứ ra vườn thôi, vậy là khoái rồi 😀

Ai trong chúng ta, bất kể nghề nghiệp hoàn cảnh sống ra sao, có thể vẫn gặp nhau ở cùng những trăn trở về rừng, về giá trị sống. Ai nhận ra trước thì hành động trước, để rồi là chỗ dựa cho những người sau. Trên những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ của mình, Xanh gặp nhiều cư dân thành thị trở về quê tìm lại lối sống đơn giản, gặp nhiều bạn trẻ băn khoăn về môi trường, gặp nhiều anh chị trở về vườn vì con, gặp những người nông dân muốn gầy dựng tình yêu gia đình, gặp anh sửa xe lo lắng cho mảnh rừng …. Cho dù “trở về” vì bất kì mục đích gì, thì họ có chung một cách thức để hiện thực hóa nó, đó là: THAY ĐỔI LỐI SỐNG. Lối mà quan sát tự nhiên để đặt bản thân đúng vị trí và có hành động đồng điệu.

Câu chuyện trên là về gia đình anh Bình, chị Huy ở Tây Nguyên, Xanh rất tiếc không thể công khai địa chỉ hay liên hệ của anh chị, vì hiện tại nơi này đang sốt đất quá, nhiều người biết hơn nữa sẽ khiến vùng đất thêm phần rối ren, nên mong cả nhà hoan hỉ thông cảm nha <3

Cảm ơn anh chị, và tất cả các bạn đã đón tiếp, nuôi nấng và mở lòng để Xanh viết được câu chuyện này. Mong rằng những tâm sự trên sẽ tiếp sức cho nhiều bạn trên con đường về vườn của bản thân, của gia đình.

Tây Nguyên, một ngày tháng 02/2022.

Ý kiến của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Scroll to Top