Bạn hỏi: bạn thấy một vài hộ nông dân đi theo hướng “thuận tự nhiên” đã không cầm cự nổi, kiểu làm ra sản phẩm thì khó, mà bán không được nên đã từ bỏ hoặc phải rẽ sang hướng khác. Có lẽ nào việc canh tác, chăn nuôi tử tế là không thể sống được, là sẽ thất bại?
Với câu hỏi này, chắc mỗi chúng ta cần ngồi xuống tự trả lời:
- Định nghĩa như thế nào là sự thất bại trong cuộc sống nói chung và nghề nghiệp mà ở đây cụ thể là nghề nông nói riêng?
- Vai trò then chốt nhất của “nông nghiệp” là gì?
- Các yếu tố tiên quyết để mỗi chúng ta tồn tại được giữa cuộc đời này.
- Giá trị sống của bạn là gì, điều mà chẳng gì có thể thay đổi được bất kể bạn ở hoàn cảnh nào, điều mà có muốn bạn cũng không thể “từ bỏ”.
1. Đôi dòng về sự “thất bại”:
Chúng ta với đầy nhiệt huyết, đầy hi vọng quyết trở về để làm nông đàng hoàng tử tế, tạo ra những nông sản ngon, lành sạch cho cả người dùng lẫn người canh tác, thế rồi canh tác khó khăn sản lượng thấp mà giá thành thì bấp bênh, thậm chí không ai mua. Một lẽ tất yếu, nguồn tiền ngày càng cạn kiệt, không còn gì để đảm bảo cuộc sống, hệ quả là buộc phải từ bỏ nghề nông hoặc chuyển sang làm nông theo một cách khác. Tóm lại, không bán được nông sản có giá cao như ta muốn để bù đắp hết mọi chi phí, nhu cầu cuộc sống, chúng ta gọi đó là thất bại của lựa chọn làm nông dân. Nhưng bạn cần dừng lại đôi nhịp trước khi đưa ra kết luận này, bởi vì vấn đề của bạn là bài toán kinh doanh không phải bài toán của một nông dân, bởi rõ ràng bán hay không bán được một món hàng đó là chuyện của “con buôn” . Bạn thất bại là vì không biết kinh doanh:
- Không biết khách hàng muốn gì: bạn trồng một nhà cove trong khi khách họ muốn ăn khổ qua, dưa leo, bí đỏ và chỉ một chút cove thôi. Bạn nghĩ rằng chỉ cần canh tác tốt dù sản phẩm có xấu cỡ nào thì khách hàng nên chấp nhận bởi nó “thuận tự nhiên”, không bạn ạ, ngoài kia có cả ngàn nông dân rất giỏi, nông sản rất ngon với lối canh tác thuần nông. Dù chọn cách thức canh tác nào, bạn cần tôn trọng “tiêu chuẩn chất lượng chung” và mẫu mã hợp lý là một trong số đó.
- Không làm cho khách hàng “cần” sản phẩm. Bạn có hiểu: tại sao ngành quảng cáo ngày càng sinh ra nhiều lợi nhuận, một điều quan trọng là họ khiến cho người tiêu dùng muốn mua hàng. Hiểu được tâm lý này không phải để làm theo mà là tập trung vào năng lực sản phẩm lẫn chính mình, để có cách thức chứng minh được sản phẩm đủ đặc biệt nên lựa chọn.
- Đầu tư sai chỗ: Bán 1kg rau độ 20 ngàn nhưng đầu tư đủ các loại máy cày, máy kéo, máy vắt nước …..
- Kiểm soát chi phí không hợp lý, thu chi rối loạn.
- Sản xuất thừa so với cầu…, bạn trồng 2ha ớt cay trong lần đầu làm nông, Xanh không đoán được cần bao nhiêu gia đình để ăn hết số ớt này.
- Và rất nhiều vấn đề khác mà bất kì người kinh doanh nào cũng gặp phải.
Bạn hỏi lại bản thân đi, nếu bạn là một người nông dân đủ giỏi, có thể làm ra được thực phẩm tử tế, thì cứ “sản xuất” vừa sức mình, vừa nguồn lực có sẵn thôi, liệu bạn có thất bại không. Nếu bạn xác định muốn kiếm nhiều tiền, tạo nhiều ảnh hưởng từ việc canh tác tử tế, thì ngoài chuyện biết làm nông cho đàng hoàng, bạn phải là một nhà kinh doanh tài ba. Chúng ta không bán hàng bằng lòng thương, bằng sự nể phục, bằng tình cảm. Chúng ta phải bán hàng bằng chất lượng, bằng sự hợp lý của rất nhiều yếu tố thị trường. Bạn hiểu không? Tại chúng ta tham vọng khi không đủ kỹ năng nên chúng ta thất bại.


Người ngư dân này sáng sáng đi ra biển đánh một mẻ cá gần bờ, đó chính là thực phẩm trong một ngày của gia đình. Phần để nấu, phần để bán đổi gạo và vài nhu yếu phẩm. Mỗi sáng thức dậy chỉ nghĩ trong đầu duy nhất: chuẩn bị đi kiếm ăn, cuộc đời không có gì quan trọng và phải suy nghĩ hơn thế
Sẽ có người thấy rằng: người ngư dân này có một cuộc đời thất bại. Bởi sự nghèo tiền, lo ăn từng bữa, chật vật, vất vả. Sống chỉ biết quanh quẩn làng quê, không chút chí tiền thủ. Nhưng cũng sẽ có người thấy rằng:
– Thứ gì ngon, tươi nhất là chú được ăn.
– Môi trường sống còn đâu đẹp hơn, lành hơn.
– Đời chú không lo nghĩ, chỉ cần vậy thôi. Kiếm ăn từng bữa đã sao, đó chẳng phải chỉ lấy của thiên nhiên đủ phần ăn mình cần, không tích trữ.
Thành công là gì, chẳng phải là có thể sống hạnh phúc, biết đủ đầy với tối thiếu nguồn vốn của tự nhiên.
2. Lối sống và lối canh tác:
Với Xanhshop, những yếu tố tiên quyết cho sự tồn tại của một con người:
- Không khí.
- Nguồn nước.
- Thực phẩm.
Thiếu một trong ba điều này, thì con người, và nhiều con khác không thể tồn tại được đúng không bạn, mà làm nông nương tựa tự nhiên thì tự cái vườn hoàn toàn cung cấp đủ những nguồn sống ấy: ăn thực phẩm của vườn, uống nước ngầm từ vườn, không khí trong lành ở vườn. Vậy nên cái nhận định “không có tiền” không thể sống được thì Xanhshop phản đối và cũng không muốn giải thích. Xanhshop đi theo quan điểm xây dựng một cuộc sống không phụ thuộc hoàn toàn vào sự chi phối của đồng tiền, mà chọn lựa những giá trị, chỉ số khác, và chỉ số quan trọng bậc nhất là “thiên nhiên”.
Làm nông nương tựa tự nhiên nó không chỉ đơn giản là một cách thức, phương án sản xuất. Nó là một combo “đồng điệu” của các yếu tố:
– Con người “tự nhiên”. Đọc quyển “Cuộc cách mạng một cọng rơm” sẽ hiểu rõ cụm từ này
– Lối sống giản đơn, biết đủ.
– Canh tác thuần nông, hay hiện tại Xanhshop đang thấy lối làm vườn học theo sự mô phỏng của rừng – “vườn rừng” là hợp lý. Chúng ta đan được những cây tạo sinh kế vào một mảnh rừng.
Mà thực ra “Con người tự nhiên” đã bao trùm hai yếu tố bên dưới. Vì chẳng có “con người tự nhiên” nào lại sống tiêu thụ, nhiều mong cầu hay canh tác hại môi sinh. Liệt kê ra để ta dễ hình dung, ở một cái vườn “tự nhiên” thì con người, lối sống, lối canh tác đều phải nhất quán một tư tưởng. Mà một kẻ muốn nương tựa tự nhiên thì có lẽ cần học được chữ “biết đủ”. Nông dân chỉ đơn giản là người làm ra thực phẩm đủ cho nhu cầu gia đình và dư dả kiếm chút tiền mặt cho các nhu cầu khác. Bạn biết ngưỡng đủ của gia đình mình là gì, để không “sa đà” vay mượn, đầu tư hay có những tham vọng lớn hơn.
Làm gì có khái niệm thất bại hay thành công cho hành trình sống của một con người. Chỉ khi bạn lấy tiền, lấy danh vọng, lợi ích (lợi ích có thể là cá nhân hoặc tập thể) ra làm thước đo, bạn mới thấy cái gọi là thất bại hay thành công.
Không khí, Nguồn nước, Thực phẩm, những yếu tố sống còn với sự tồn tại con người.
Làm nông nương tựa tự nhiên là có thể sống tốt, vui, khỏe, và hạnh phúc vô cùng, nếu như đó là một lối sống nhất quán. Bạn không tin có thể đọc về họ
– https://tuoitre.vn/gioi-tre-va-chon-lua-loi-song-moi-tu…
– https://tuoitre.vn/trong-cay-va-nuong-tua-tu-nhien…
3. Chẳng lẽ tôi không thể kiếm tiền từ nghề nông?
Mục đích chính của nghề nông không phải là kiếm tiền. Mục đích chính là gì thì cô bác cứ đọc sách Cuộc cách mạng một cọng rơm (Có sách giấy có cả free ebook, cô bác tùy nghi lựa chọn), Xanhshop đồng ý với quan điểm này. Lúc này sẽ có một câu hỏi to đùng: “Vậy nghề nông không phải là nghề để Nông dân lo cho gia đình, không phải là nghề để Nông dân tìm kiếm những điều tốt đẹp cho cuộc sống? Ta lặp lại câu hỏi: Lo cho gia đình, tìm kiếm những điều tốt đẹp trong cuộc sống không lẽ chỉ có tiền mới thực thi được? Từ khi nào ta chỉ tin vào tiền thôi vậy. Tiền là đại diện cao nhất cho lối sống vật chất và tiêu thụ – một lối sống phi tự nhiên. Trong khi đó, bạn muốn trở thành một nông dân canh tác nương tựa tự nhiên kia mà, tại sao cũng chọn tiền làm thước đo cuộc sống đủ đầy. Bạn cần ngẫm lại thật kĩ cái thước đo này nhé. Tuy nhiên làm nông nương tựa tự nhiên và muốn có “dư” tài chính là hoàn toàn khả thi, nhưng bạn bắt buộc phải giỏi kĩ năng:
- Một nhà kinh doanh giỏi để biết phán đoán kế hoạch sản xuất, bán hàng ra sao, biết vun vén mọi đàng.
- Một người làm nông giỏi để biết trồng ra được thực phẩm tử tế, có năng suất, có hiệu quả về mặt sản lượng lẫn lợi lạc môi sinh.
- Và có giá trị sống vững vàng, để cho dù có tình huống gì xảy đến vai trò của người làm nông luôn được quyền ưu tiên. Bởi nếu giá trị sống của bạn không vững thì lối sống nào, nghề nghiệp nào cũng chỉ là một bài thi thử, chỉ là ướm vào người xem ta có sống ổn không, có thỏa mãn mong cầu không, chứ không phải: nếu không sống lối ấy, nếu không làm việc ấy tôi không còn là chính mình như thể da tôi không phải màu vàng, tóc không phải màu đen.


Đây là một góc vườn của Lão Đồng – Gia Lai. Bác luôn nói: tui đang dưỡng rừng. Và quá trình ấy đã là 17 năm. Dù là vào lúc giá tiêu lên đến 200k/kg, dù là lúc người người nhà nhà sốt đất, bác cũng kiên định “dưỡng rừng”. Bác có trồng thêm chuối, hạt điều và một vài loại cây công nghiệp khác để tạo thu nhập nhưng những cây này chỉ là đan vào mảnh rừng một cách hợp lý. Mục đích chính của mảnh vườn ấy vẫn là “biến thành rừng”.
Sau 17 năm, nếu nói riêng về kinh tế theo đánh giá của xã hội, gia đình bác là gia đình nông dân có của ăn của để.
Khi chúng ta đủ giỏi nghề, đủ tầm nhìn, không gì là không thể 😀
Và lời nhắn cuối cùng: khi có bất kì “vấp váp” nào xảy đến, đều là lời nhắc “ê ngươi chưa đủ giỏi đâu”. Ta quay lại trong ta, rèn giũa kĩ hơn, để tái xuất sáng hơn hoặc thực sự hiểu điều bản thân muốn là gì. Khi ấy chẳng phải là tiền đề để có một ta hoàn thiện, trưởng thành hơn sao