Vườn Thùy Lâm

4. Chương mới cuộc đời:

Thiên nhiên không vội nhưng mọi sự đều thành.

Một ngày đẹp trời, những điều nhận ra quan trọng xảy đến với mình cũng là lúc các thay đổi lớn xuất hiện:

  • Một là, ba mẹ muốn thay đổi và các em muốn tham gia chuyển đổi vườn nhà theo hướng như mình đã làm trước đó. Thời gian làm mô hình CSA trên 1/2 vườn đã đối chứng với cách làm cũ, giúp nhà mình hình dung chi tiết mạch làm việc và nhìn thấy các ưu điểm của cách làm mới. Một động lực khác nữa, là khách hàng liên tục hỏi về giỏ rau hàng tuần trên Fanpage dù dự án đã ngừng nên nhà mình yên tâm là nhu cầu đồng hành để ăn rau không hoá chất theo mùa là có thật. Và mình đồng ý quay lại hỗ trợ.
  • Hai là, mình gặp được bạn đời cùng định hướng sống, là thợ đụng và thổ địa khu vực mình thuê đất vườn thứ 2. Anh thợ làm nhà cho mình từ những ngày đầu, xuyên suốt thời gian ở vườn cũng nhiệt tình giúp đỡ: từ hoàn thiện nhà tới bắt nước, bắt điện, sửa máy, cắt cỏ, trồng cây… Nhờ thời gian dài làm việc với nhau mà tụi mình hiểu được mong muốn của mỗi bên, từ đó lên kế hoạch cùng gầy dựng khu vườn anh thợ có sẵn, theo định hướng vườn rừng-tự chủ, ngay sau khi gia đình mình có thể tự vận hành vườn rau.

4.1. Thiết lập lại vườn CSA cho gia đình:

Mình có 6 tháng cùng làm để giúp gia đình thiết lập lại quy trình trồng rau, đóng gói, bán hàng, với nhân sự’ mới và lâu dài là người trong gia đình gồm ba mẹ, vợ chồng em trai và em rể.

Việc chuyển đổi cũng diễn ra từng ít một như hồi mình mới về, cho đến khi chuyển đổi hoàn toàn diện tích vườn 5000m2 sang đa canh rau không hoá chất tổng hợp, và 20% nhà kính được dỡ bỏ.

Nhờ kinh nghiệm làm nông lâu năm của ba mẹ, quá trình canh tác hiệu quả hơn thời mình vận hành: sản lượng rau cũng như số lượng bạn đồng hành tăng lên, doanh thu ổn định. Mình cũng “cố tình” sắp xếp một vài chuyến thăm vườn để mong ông bà xác định tầm nhìn dài hạn là cây lâu năm xem lẫn ngắn ngày. Quan trọng hơn hết là ông bà thực sự để tâm đến tính cần thiết phải truyền lại cho con cái các kỹ năng và kinh nghiệm sống tri điền tích lũy nhiều chục năm.

Dự án tồn tại tới bây giờ, hai năm covid kéo dài vườn không bị ảnh hưởng nhiều nhờ khách hàng là bạn đồng hành lâu dài. Từ ngày tự chủ phần lớn thực phẩm từ rau tới thịt cá, chi phí cuộc sống của gia đình giảm đi đáng kể, thu nhập từ bên ngoài có ít đi thì cuộc sống vẫn không bị xáo trộn. Khi khả năng tự chủ tăng lên, sức khỏe thể chất và tinh thần cũng được cải thiện rõ rệt mỗi ngày. Gia đình ban đầu là thấy rồi tin, sau tự làm là tin rồi thấy. Phần thưởng của thay đổi chính là sự thay đổi.

Dù hiện tại vườn đã hoạt hoạt động rất tốt, nhưng theo kinh nghiệm của mình, để có một vườn CSA đúng tinh thần, các bước còn dang dở gia đình mình (nếu muốn tiếp tục mô hình này) cần xây dựng tiếp bao gồm:

Lâu lắm rồi mình mới thấy mẹ có nụ cười thoải mái đến vậy.
  • Phấn đấu có 100% bạn đồng hành là người địa phương.
  • Xây dựng kế hoạch sản xuất và lộ trình áp dụng gói trả trước 1 năm cho số lượng bạn đồng hành ổn định.
  • Tổ chức buổi phân phát rau định kỳ mỗi tuần tại vườn để tăng tương tác thật cũng như tạo cơ hội chia sẻ thấu hiểu. Nghĩa là cần thiết kế lại không gian vườn phù hợp hơn cho các sự kiện này.
  • Thay đổi cơ cấu cây trồng: giảm cây rau ngắn ngày, tăng diện tích cây lâu năm, trước mắt còn chưa quen thì có thể giữ diện tích nhà kính cho các cây ngắn ngày nhạy cảm thời tiết khoảng 30%, lâu dài thì tiến đến không cần nữa. Kết cấu cây trồng phù hợp sẽ giúp vườn bền vững hơn, giảm tối đa chi phí đầu vào, giảm công chăm sóc thu hái tỉ mỉ, và tăng tính đa dạng cũng như hàm lượng dinh dưỡng cho giỏ rau.
  • Xây dựng Fanpage mới với các câu chuyện của riêng mình.
"Tuy nói không với hoá chất tổng hợp và tự chủ phân phối, mô hình CSA vẫn lấy con người làm trung tâm, phát triển kinh tế làm trọng tâm. CSA có thể là giải pháp chuyển đổi trung gian ngắn hạn cần thiết nhưng chưa phải là giải pháp tối ưu nếu nông dân cứ loay hoay với cây ngắn ngày và lối sống nặng tiêu thụ. Thu nhập an toàn vừa tốt vừa không tốt, điều dễ thấy là một khi quá an toàn thì sẽ thiếu thời gian ưu tiên cho phát triển bản thân, thay đổi kết cấu cây trồng sang hướng tăng cây lâu năm, hay cải thiện chất lượng-cách đóng gói nông sản theo chiều sâu thay vì chiều rộng. Dù gia đình mình không còn hoài nghi về hướng đi, nhưng các loay hoay theo quán tính là không tránh khỏi."

Nhưng, nói gì thì nói, việc gia đình mình tự nguyện thay đổi thực sự là một món quà bất ngờ cuộc đời dành tặng. Mình rất biết ơn.

5. Cứ đi rồi sẽ đến:

Mình may mắn khi trở về quê được cùng gia đình trải nghiệm những điều mới mẻ, từ gia đình lớn tới gia đình nhỏ, với hai hướng tiếp cận khác nhau. Hiện tại, vợ chồng mình cùng con gái nhỏ đang gầy dựng khu vườn mới, theo hướng xoay sở đảm bảo các thứ thiết yếu cho cuộc sống với nguồn tiền có sao dùng vậy, không áp lực. Lần này không vội nữa mà cho mình, cho vườn thời gian và cơ hội.

5.1. Bối cảnh của vườn:

Một mảnh khu vườn.

Vườn vẫn nhỏ, diện tích tầm 4000m2, nhiều chục năm trước canh tác cà phê lối cũ, nhờ bị bỏ bê mà hoá chất dùng cho cây không nhiều. Khi mình biết tới vườn là lúc đất đã bị múc ra chuẩn bị trồng cây ngắn ngày, đây là hạn chế lớn nhất của vườn vì lớp đất mặt màu mỡ không còn.

Về lợi thế:

  • Đây là mảnh vườn sát bên vườn thứ 2 mà mình thuê nên nó có toàn bộ những lợi thế trước đó đã liệt kê, còn những khó khăn mình đã nêu ở vườn 2 lại trở thành rất nhỏ khi tụi mình ở lại vườn và không phải vận chuyển rau đi bán mỗi ngày.
  • Tất cả cơ sở vật chất được chuyển từ vườn thuê sang nên các khoản đầu tư lớn cũng ít đi.
  • Việc bận rộn với con nhỏ giúp tụi mình có thời gian nhìn lại và ít can thiệp không cần thiết vào vườn. Một cách nào đó, vườn tự tái sinh mạnh mẽ.

5.2. Làm thế nào để sống đủ ở vườn:

Về tiền mặt, thu nhập của gia đình nhỏ đến từ các nguồn:

  • Thu nhập của mình giai đoạn dẫn dắt gia đình vào guồng,
  • Tiền quà cưới của 2 đứa,
  • Và từ các công việc làm thêm của anh thợ đụng như làm nhà, cắt cỏ… và rất nhiều kỹ năng làm việc tay chân của anh thợ.

Tụi mình thực sự vẫn loay hoay kiếm tiền, và cảm thấy phải làm ra một số tiền nhất định nào đó thì cuộc sống mới đủ an tâm. 2 năm qua cũng có vài lúc lung lay khi vốn tiền gần chạm đáy. Bài học vẫn y như cũ, càng xoay sở trồng gì đó để bán kiếm tiền, trên nền tảng đất đai cằn cỗi và người làm chưa hiểu các quy luật tự nhiên, thì càng tốn công và tốn tiền. Và rồi cơ duyên đến, sau một chuyến ‘du học kiểu cọng rơm’ và được tận mắt chứng kiến tính khả thi của lối sống dựa vào vườn ít phụ thuộc tiền, gia đình mình tự tin hơn, thấy mảnh vườn có nhiều vốn khác cho cuộc sống mà không cần tiền. Rồi từ đó lấy đà sắp xếp lại nhịp sống để nương tựa theo nhịp của vườn:

Được tận mắt chứng kiến tính khả thi của lối sống nương tựa vào vườn, đã giúp gia đình mình định hình rõ ràng hơn con đường phía trước, đã thôi loay hoay mà kiên định cùng nhau đi thẳng. Biết ơn những nhân duyên.

  • Tụi mình chính thức quyết tâm không trồng cây ngắn ngày kiếm tiền. Khi không còn loay hoay kiếm tiền từ vườn, tụi mình được ‘giải phóng’ về thời gian để chăm chút cho nhà cửa, cho nhau.
  • Tự chủ thực phẩm hoàn toàn: vườn rau ưu tiên các giống lưu niên trồng một lần ăn hoài bắt đầu cho cả nhà thực phẩm. Cá nuôi trong hồ đang lớn. Nấm rừng thông chuẩn bị vào mùa, không trồng mà có hái. Mình học cách xoay sở bếp núc từ các thứ trong và quanh vườn, thay vì từ thứ mình muốn nhưng phải đi mua. Nếu phải mua gì đó thì sẽ mua trực tiếp từ các vườn, xưởng nhỏ mà mình có kết nối như bạn bè, nơi mà ngoài quan hệ mua-bán mình luôn tìm thấy nhiều sự tương trợ tốt đẹp, tương tự tinh thần CSA.
  • Mọi thứ trở nên dễ dàng hơn trước, vườn thì ngày càng cho nhiều thứ hơn… Cây tiên phong phủ vườn là chuối Laba bắt đầu cho quả và tiền bán đôi ba triệu một tháng để trang trải thêm. Với cây lâu năm thì thời gian chăm chút cho cây không nhiều, chưa kể cây chuối còn tạo tiền đề cho rất nhiều cây lâu năm khác phát triển trên nền đất nghèo nàn, cho cả cây rừng tự tái sinh.
  • Giảm chi những mong cầu không thiết yếu: sống luôn ở vườn thì không tốn xăng cộ đi lại; điện, nước và chất đốt tụi mình cũng tự chủ được. Việc ăn uống hàng quán không còn, mua sắm thì rất hạn chế. Gần đây tụi mình có thể ở vườn cả tuần đến mười ngày mà không cần ra phố. Chi phí cuộc sống giảm đi nhiều hơn mình nghĩ. Tụi mình cũng đang nghĩ tới việc anh thợ đụng có thể vần công với các vườn khác để đổi lấy một số thứ thiết yếu sau khi ổn định.
Củi tự kiếm tự chẻ, lò tự đắp, khoai sắn rau đậu tự trồng, chồng tự có, con tự nuôi. Mình có một gia đình cùng nhau hướng đến tự túc 😀

Vậy đó, cuối cùng sau nhiều năm loay hoay, mình đã thực sự có thể sống hoà với nhịp thiên nhiên một cách trọn vẹn mà không còn sợ không thể làm nhiều tiền. À để khoe với các bạn bộ sưu tập nấm hái trong rừng nhé, cứ đến mùa nấm là ăn, sơ chế để cất trữ mệt nghỉ, anh thợ đụng nhà mình cực kì rành rọt về việc hái lượm trong rừng:

5.3. Một đôi điều nhắn gửi về vấn đề giáo dục, y tế nếu các bạn bận lòng:

Một đứa nhỏ lớn lên ở quê, học trường tỉnh lẻ, từ sau 18 tuổi có cơ hội đi học đi làm khắp nơi rồi quay về, mình may mắn ít gặp vấn đề hoà nhập lại với cộng đồng tại chỗ. Cả gia đình lớn nhỏ của mình cũng chưa từng lo lắng vì không được ở gần bệnh viện lớn, bây giờ có hiểu biết hơn thì còn ý thức được tầm quan trọng của việc tự chăm sóc sức khoẻ thân-tâm mỗi ngày qua ăn uống, lối sống, và các mối quan hệ chất lượng.

Mình từng là đứa rất tự hào vì có tuổi thơ ở quê sống động và được ảnh hưởng bởi ý chí và tất cả những tính cách tốt đẹp từ cả ba lẫn mẹ nông dân. Vì thế, vợ chồng mình nuôi con gái với tâm thế rất thoải mái, và hài lòng vì có thể cho con rất nhiều thời gian và không gian vườn trong trẻo. Chỉ mong mình đủ năng lực sống hạnh phúc ở vườn, rồi có thể để lại 1 khu rừng làm tài sản cho con. Còn gì quý giá hơn chính sự sống này, và rừng cho ta điều đó.

Cái cây, con chim, từng nắm đất và cả cánh rừng sẽ là người thầy cho gia đình mình.

Lời kết:

Bạn ạ, mình từ người nhận ra sai lầm “đánh đổi tất cả chất lượng cuộc sống, môi sinh để có tiền”, bằng hành động “kiếm tiền tử tế với việc canh tác có lợi cho môi sinh”, sang một người biết tiết chế mong cầu chỉ cần kiếm một số tiền vừa đủ, và cuối cùng mình nhận ra và đang thực hành lối sống: tiền không phải là nguồn vốn sống còn, không có nó ta vẫn sống đủ, nên là có bao nhiêu tiền ta xoay sở sống với bấy nhiêu. Mình vẫn đang tập để lòng an hơn khi không làm ra được một số tiền nhất định mỗi tháng, và mình tin bản thân sẽ thực hành được. Chúc bạn về vườn vững vàng.

Thủy Tiên.

Thông tin vườn:

Vườn Thùy Lâm
Đà lạt
Đà Lạt Việt Nam
Scroll to Top
Scroll to Top