Mình tên Thủy Tiên, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân lâu đời ở Đà Lạt.


18 tuổi, mình vào Sài Gòn học đại học với kỳ vọng thoát nghiệp làm nông của gia đình theo xu thế chung. Tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học Đại học Nông Lâm, mình trở về Đà Lạt làm việc cho văn phòng đại diện của một công ty hạt giống của Mỹ, phụ trách khảo nghiệm và phát triển giống rau tại Đà Lạt và hai huyện phụ cận, thông qua hợp tác trực tiếp với vườn ươm và nông dân tại chỗ. 2 năm làm việc thực địa là cơ hội quý giá giúp mình có cái nhìn tổng quát về tình trạng nông nghiệp quê nhà.
Sau đó, mình quay lại Sài Gòn và có non 2 năm làm giảng viên tập sự tại khoa Công nghệ sinh học của một trường đại học. Từ năm 2009 đến 2015, mình có học bổng làm nghiên cứu sinh ngành bệnh lý cây trồng tại Mỹ. Năm 2016, mình quyết định từ Mỹ về thẳng Đà Lạt sau mười mấy năm xa nhà và có đa dạng trải nghiệm với nông nghiệp. Lựa chọn sống gắn với vườn.
Mình về quê với số vốn nhỏ là 300 triệu (đã tính luôn tiền bảo hiểm xã hội rút một lần làm vốn), may mắn nhờ định hướng làm nông nghiệp quy mô hộ gia đình trên diện tích đất nhỏ mà con đường trở về thuận lợi và có nhiều ý nghĩa.
1. Bị hấp dẫn bởi nông nghiệp quy mô nhỏ, tự chủ:
Những năm ở Mỹ, dù tham gia các nghiên cứu liên quan ứng dụng công nghệ sinh học có lợi cho nông nghiệp độc canh quy mô lớn, nhưng việc là thành viên của một vườn CSA (Community Supported Agriculture – Nông nghiệp có sự chung tay của cộng đồng) tại địa phương, làm mình quan tâm và có niềm tin rằng: nông nghiệp quy mô nhỏ mới là hướng đi bền vững mang lại tối đa phúc lợi cho con người và tự nhiên.
Xã hội tiêu thụ Mỹ tạo điều kiện cho người dân dễ dàng mua gần như bất kỳ thứ thực phẩm nào mình muốn bất chấp mùa màng hay khoảng cách địa lý, mùi vị và mẫu mã chiều ý số đông, thức ăn công nghiệp giá rẻ vô cùng phong phú đáp ứng tốc độ sống nhanh. Khách hàng là thượng đế. Trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại đó tồn tại tương phản một tinh thần người tiêu dùng cùng đồng hành với nông dân địa phương rất đẹp đẽ ở các vườn CSA.
Trong mô hình CSA mà mình tham gia:
- Nông dân canh tác không sử dụng hóa chất tổng hợp độc hại và ưu tiên đa dạng giống rau củ quả bản địa. Họ biết rõ năng lực sản xuất, từ đó xác định được số lượng cụ thể khách hàng mà vườn có thể trực tiếp cung cấp rau định kỳ. Kết hợp với việc định giá bán hợp lý, việc tồn tại quay vòng sản xuất được đảm bảo.
- Khách hàng là thành viên chấp nhận trả trước cả năm và mỗi tuần được chia sẻ một phần rau củ quả tươi mới ngay tại vườn.
- Giỏ rau mỗi tuần không có khối lượng hay số loại rau cố định biết trước hay mẫu mã theo chuẩn, mà phụ thuộc vào vườn. Nếu mùa màng không thuận lợi thì phần rau ít đi, củ quả cũng đủ dạng; và ngược lại, những lúc được mùa, phần rau sẽ xông xênh, phong phú với mẫu mã mượt mà. Mùa đông dài sẽ chỉ có ít ỏi các loại củ quả trữ lại từ mùa thu trước đó.
Điểm nhấn của mô hình CSA là email hàng tuần từ nông dân vườn gởi tới các thành viên thông báo tình hình rau củ hay gợi ý các công thức nấu ăn phù hợp; và đa dạng các hoạt động gặp gỡ đối thoại trực tiếp tại vườn, có cả cơ hội cùng xuống giống hay thu hoạch cho thành viên để tăng sự đồng cảm. Vườn CSA tạo sinh khí và kết nối với nhịp điệu mùa màng cho những ai không có cơ hội làm vườn. Từ người sản xuất đến người mua đều thấy mình được là một phần của tự nhiên, của cộng đồng tại chỗ. Mình đã nghĩ đây là một mô hình nhân văn và phù hợp với quy mô nông nghiệp hộ gia đình phổ biến ở Việt Nam, không chỉ áp dụng cho rau mà còn có thể áp dụng cho các mặt hàng thiết yếu khác từ gạo, tới thịt, cá, mắm, tương, muối… Từ trải nghiệm đó mình quyết định khi kết thúc chương trình nghiên cứu sẽ thử nghiệm làm vườn CSA cùng gia đình tại Đà Lạt với vai trò là người sản xuất.
Trong quá trình tìm hiểu về nông nghiệp không hoá chất tổng hợp, để tiến hành làm vườn rau CSA, mình có cơ hội nhìn lại nông nghiệp Đà Lạt từ góc nhìn khác đi:
Đất, nước bị đầu độc, cấu trúc gia đình bị đứt gãy, sức khỏe bị xem nhẹ là mặt sau của những vườn hoa rực rỡ xen lẫn những đồng tiền.
- Tình trạng phổ biến là nhà kính nylon phủ khắp, chủ yếu trồng hoa cắt cành, rừng mỗi ngày ít đi thấy rõ, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc cỏ, thuốc khử trùng đất dễ dàng mua và sử dụng không phải chịu sự quản lý nào, nhất là nông dân mặc định hoa không để ăn nên thoải mái phun. Hồi mới về mình hỏi thử 2 vườn người quen gần nhà (diện tích 6000m2 và 8000m2 – đây là quy mô trung bình của vườn hoa ở Đà Lạt) canh tác hoa trong nhà kính, phải trả trung hình mỗi tháng 20 triệu/hộ tiền thuốc BVTV, thử nhân lên năm này qua tháng nọ và trên tổng số hộ canh tác hoa là sẽ sốc về lượng thuốc đổ xuống đất và nước.
- Mình cũng quan sát thấy ba mẹ và các gia đình hàng xóm, mùa cao điểm thường ăn cơm hộp và uống các loại nước ngọt/tăng lực công nghiệp. Nông dân nơi mình ở không còn mấy nhà tự làm ra thực phẩm phục vụ nhu cầu gia đình, việc nấu nướng nhiều nhà cũng giao lại cho hàng quán vì cho rằng có thêm chút thời gian sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Điều ít ai chịu thừa nhận là chúng ta đã đánh đổi chất lượng sức khỏe, đất, nước, không khí tại chỗ để lấy kinh tế. Hoa bán cho người ở xa hưởng thụ nhưng các thứ thiết yếu cho mình tại chỗ lại bị đầu độc. Sức khỏe chính mình bị thỏa hiệp, và quan hệ gia đình không còn gắn kết.


Đánh đổi nhiều là vậy nhưng ba mẹ và đông đảo bà con họ hàng làm vườn phải trả chi phí đầu vào như nhà kính, hệ thống tưới phun/nhỏ giọt, phân bón, giống, thuốc BVTV, nhân công ngày càng cao, trong khi giá hoa phụ thuộc thị trường trúng trật như đánh bạc.
Việc chỉ tập trung canh tác cây ngắn ngày bắt đầu có biểu hiện không bền vững trên mọi phương diện. Đi tìm giải pháp, mình tình cờ bắt gặp các bài viết về lối kinh doanh ‘nhỏ là đẹp’ của Xanhshop, biết về cuốn sách ‘Cuộc cách mạng một cọng rơm’, và lần đầu biết thêm về nông nghiệp tự nhiên với tầm nhìn vườn rừng. Từ đó mình lại ấp ủ thêm cây lâu năm, thêm khả năng tự chủ thực phẩm cho khu vườn sắp gầy dựng.
2. Thất bại đầu tiên đến từ ‘nỗi sợ sống khác số đông’:
2.1. Đôi nét về bối cảnh của vườn:


- Vườn gia đình mình ở Đà Lạt tính từ lúc khai khẩn thì gần bằng tuổi mình, rộng 5000m2 .
- Thời điểm 2016 khi mình mới về, vườn có 100% diện tích là nhà kính canh tác hoa cắt cành.
- Lao động chính lúc đó trong vườn gồm ba, mẹ, em trai. Ba mẹ mình thuộc nhóm nông dân chịu khó, căn cơ, giỏi tính toán và nhạy bén thị trường, kinh nghiệm gần 50 năm làm nông trải rộng từ canh tác rau tới hoa, vườn lại gần trung tâm nên có nhiều thuận lợi. Tuy có kinh tế ổn định nhưng ông bà chịu cùng tình cảnh như phần lớn nông dân Đà Lạt khác như đã kể ở trên.
- Phải ngày ngày phun thuốc BVTV cùng ba, em trai mình không mặn mà tiếp nối lối canh tác ba mẹ truyền lại, không khí gia đình nặng nề, không ai an ổn.
Nhận thấy những điều kiện này là cơ hội để mạnh dạn thay đổi, mình đề nghị được cùng làm với ba mẹ thử nghiệm chuyển đổi vườn sang hướng canh tác đa dạng rau không hoá chất tổng hợp và tự chủ việc bán sản phẩm trực tiếp tới người ăn (farm-to-table), chưa đá động gì tới CSA hay cây lâu năm. Nếu thành công sẽ không những tự chủ mà còn có thể nhân rộng, lợi cho mình, cho người ăn rau và cho cả môi sinh. Ba mẹ tất nhiên là không đồng ý. Các lý lẽ liên quan môi trường chung không đủ sức mạnh, các phúc lạc của đời sống tự chủ gần gũi thiên nhiên thì mới nói chứ chưa thấy, lại luôn cho nghề nông là nghề thấp kém không muốn con cái bước vào. Quán tính sống mạnh nhất là “người ta sao mình vậy” bất kể lối sống đó không giúp mình an ổn, và niềm tin (không có cơ sở) rằng ô nhiễm đất-nước-không khí sau này sẽ có nhà nước và các nhà khoa học lo.
Thế là giai đoạn đầu về vườn mình đã không có sự đồng hành về tinh thần từ gia đình. Mình đã chủ động thuê đất của ba mẹ và tự thử làm trên diện tích đất nhỏ là 300m2 , sau tăng dần lên 800m2 , rồi 1500m2 và nhiều nhất là 2000m2 . Việc bắt đầu nhỏ ít tạo áp lực cho mình và cho gia đình. Sẵn có kinh nghiệm với giống rau ôn đới, mình tìm học thêm chế độ phân hữu cơ và quy trình làm đất, tưới tắm, phòng bệnh từ anh chị tiền bối có kinh nghiệm làm hữu cơ tại địa phương.
2.2. Về cách canh tác và vận hành, có 6 thay đổi lớn so với cách làm thông thường:
- Dùng phân bò ủ hoai, phân hữu cơ viên nén đóng bao, chế phẩm neem-Bt-nấm ký sinh phòng trừ sâu bệnh sinh học khi cần, nhổ cỏ bằng tay; so với trước đó là dùng phân hoá học, thuốc BVTV, thuốc cỏ.
- Đa canh rau so với độc canh mỗi một hai loại hoa, vườn cao điểm có tới mấy chục giống rau củ và hoa dại trồng xen để tối ưu thu hoạch và giảm sâu bệnh.
- Tự chủ bộ hạt giống rau phù hợp với điều kiện của vườn, ưu tiên các giống bản địa để giống được; so với trước đây là phụ thuộc vào các giống thương mại mà thị trường ưa chuộng.
- Tự chủ khâu thu gói và vận chuyển-giao hàng, rau bán đơn vị nhỏ là thùng 5kg trực tiếp tới người mua hoặc số lượng uyển chuyển gián tiếp qua nhóm mua chung; thay vì bán hàng loạt một lần cho thương lái. Rau được giao tận nhà tại Đà Lạt và gởi xe khách qua đêm tới các vùng phụ cận, bạn đồng hành nhận rau ở bến xe gần nhà.
- Tự định giá rau so với trước đây là bán giá theo giá thị trường. Giá rau được tính toán cụ thể dựa trên tiền thuê đất, chi phí đầu vào, nhân công, dự phòng rủi ro để có thể tồn tại và quay vòng sản xuất. Việc tính toán chi phí và giá bán hợp lý cho cây ngắn ngày là không khó, đặc biệt trong điều kiện còn nhà kính thời tiết ‘được kiểm soát’ tốt. (*) Tiền thuê đất là 6 triệu/tháng khi diện tích đạt 2000m2 , do ba mẹ không tin con có thể về vườn thành công với ít vốn và không có đất, nên áp giá thuê đất thị trường cho nó đúng thực tế.


6. Tự làm Fanpage chủ động bán hàng; thay vì thụ động để thị trường quyết định. Cuốn sách ‘Farm marketing from heart’ – Charlotte Smith mình may mắn biết được tuy mỏng nhưng có hướng dẫn cặn kẽ cách thức định giá, làm thương hiệu, kỹ năng bán nông sản online hay ngay ‘farm store’ tại chỗ, … cho nông dân làm quy mô nhỏ, thủ công, tỉ mỉ và nương theo tự nhiên. Bối cảnh cuốn sách ở Mỹ nên có thể hơi khó hiểu cho phần lớn người đọc, nhưng nếu vừa làm vườn CSA vừa đọc, chắn sẽ sàng lọc được nhiều thông tin bổ ích. Việc truyền thông trên Page của mình chủ yếu tập trung vào 3 nội dung chính:
- Quan hệ win-win giữa nông dân và bạn đồng hành mua rau dựa trên niềm tin chung là việc: chuyển đổi sửa sai để trả lại môi trường sống trong lành là khả thi;
- Khách hàng mục tiêu: là người ý thức được đặc quyền trong việc tiêu tiền lên định hình môi trường tự nhiên và xã hội;
- Câu chuyện chuyển đổi của gia đình, được-mất của các cách canh tác khác nhau…để người tiêu dùng có thêm thông tin rồi ra quyết định có lợi cho môi sinh.
2.3. Về nhân lực:
Ban đầu chỉ có một mình, sau có thêm 1-2 bạn sinh viên làm bán thời gian, giai đoạn sản xuất ổn định thì có trung bình 2 bạn trẻ làm toàn thời gian, 1 bạn bán thời gian hoặc 1-2 tình nguyện viên phụ thêm tuỳ đợt. Mình và các cộng sự trẻ chỉ được xếp vào nhóm nông dân tập sự, nhưng điểm chung là kiên nhẫn vừa làm vừa học và tự chịu trách nhiệm toàn bộ.
Lương của mỗi bạn cộng sự là 5 triệu/tháng, làm việc 5 ngày rưỡi 1 tuần từ 7:30 tới 6:00 tối, 3 ngày thu rau trong tuần thì kết thúc công việc vào khoảng 8-9:00 tối. Chiều thứ 7 là hoạt động chung như xem phim tài liệu, chủ nhật nghỉ.
Mình cũng dành một phần doanh thu từ vườn vài tháng một lần tổ chức cho các bạn đi xa học hỏi. Lúc thì tới xưởng chế biến nhỏ, khi thì cửa hàng thực phẩm thực dưỡng, khi thì thăm vườn hướng tự nhiên. Quan sát cách họ ưu tiên thực phẩm hay thành phần nguyên liệu tại chỗ và cách họ kết nối với khách hàng địa phương.


2.4. “Thất bại” đầu tiên:
Khi tiếp nhận một mảnh vườn canh tác thông thường lâu năm để chuyển đổi, lợi thế lớn nhất là vườn đã có khung sẵn, không tốn các khoản chi phí lớn đầu tư ban đầu, điều này sau khi làm vườn thứ 2 và 3 mới thấy là đỡ lắm luôn. Điện, nước, máy móc, nông cụ làm vườn, nhà vườn,… có sẵn; đường đi nội bộ và đường xá vận chuyển hàng thuận lợi. Chi phí của vườn chỉ trực tiếp liên quan tới việc sản xuất rau và được tính vào giá bán.
Chi phí lớn nhất giai đoạn này của mình là nhà ở, không nằm trong dự liệu. Chi phí này mình sử dụng vào vốn. Tình huống xảy ra là về quê mình chỉ ở nhà ba mẹ được vài tháng thì phải dọn ra ở riêng, do quyết định về vườn của mình làm không khí gia đình căng thẳng, liên tục có bất đồng lớn tiếng. Tiền thuê nhà trung bình 5 triệu/tháng là một khoản lớn, bây giờ nhìn lại thì thấy thực tế có thể có nhiều giải pháp chỗ ở khác ít tốn kém hơn.
Trong thời gian thuê nhà có 1 bài học ngu nữa là thử làm homestay để tiết kiệm tiền thuê, tiết kiệm đâu chưa thấy thì đã phải mất khoản đầu tư thêm vài ba chục triệu để sửa chữa cho phù hợp, may thấy sai nên chuyển nhà cắt lỗ kịp thời sau 6 tháng.
Việc vườn dừng lại không hẳn là thất bại nếu xét về tính kinh tế hay sự khả thi cho lối canh tác nương tựa tự nhiên, mà đơn giản chỉ là ba mẹ không chấp nhận con cái quá khác số đông. Bên cạnh đó cũng có một chút nhận định sai lầm trong lối sống của bản thân.
Việc bán hàng giai đoạn đầu không mấy suôn sẻ do ý tưởng còn quá mới mẻ và cần thời gian để tiếp cận người mua. Về sau bạn đồng hành với vườn phần lớn là người có ý thức bảo tồn môi trường sống chung nên vui vẻ mua giỏ rau hàng tuần tinh thần CSA-ăn theo vườn, mùa nào thức nấy, giúp tụi mình an tâm canh tác thuận mùa và không hoá chất. Yếu tố mới lạ của cách bán giúp vườn có nhiều bạn đồng hành trung thành, tỷ lệ khách trả trước 2-4 tuần tăng dần. Số lượng trung bình bạn đồng hành mua rau mỗi tuần là 30. Doanh thu mỗi tháng tầm 30 triệu vừa đủ để quay vòng sản xuất. Phần tích lũy lớn nhất không phải tiền mà là sự tự tin của người làm ra nông sản lành sạch, tự chủ, biết đủ và nhiều mối quan hệ tương trợ tốt đẹp đến từ bạn đồng hướng và cả bạn đồng hành mua rau.
Sau 18 tháng, khi dự án đang ở giai đoạn bắt đầu ổn định thì mình buộc phải dừng. Dù đã ở riêng nhưng việc gặp nhau hàng ngày ở vườn cũng không làm ba mẹ thấy vui. Ông bà không muốn thay đổi, cũng không muốn thấy con làm vườn.
Đà Lạt Việt Nam