Vườn Thùy Lâm

3. “Thất bại” lần hai do lối nghĩ quán tính và mục tiêu mơ hồ:

Mình bắt đầu lại ở một khu vườn mới với số vốn:

  • 200 triệu còn lại,
  • Một bạn cộng sự chịu khó,
  • Bộ hạt giống rau có sức chống chịu tốt,
  • Và kha khá kinh nghiệm vận hành vườn.

Khởi động vườn thứ hai, giai đoạn đầu mình vừa làm nhà tái chế ở vườn mới vừa dọn dẹp trả vườn cũ lại đúng trạng thái ban đầu cho ba mẹ. Đó là giai đoạn mình thấy nhẹ nhõm nhất từ sau khi về vườn. Mình nhận ra là mỗi người chỉ cần làm tốt phần việc của mình, việc cố thay đổi người khác khi họ không muốn là việc không thể. Mình thấy tự do khi cuộc đời sang trang mới.

3.1. Bối cảnh của vườn mới:

Mảnh đất như tàn tích còn lại sau một trận “tai ương” nào đó.

Vườn có diện tích 2ha nhưng mình chỉ thuê 1 khoảnh nhỏ chỉ 2500m2 , tương đương dự án vườn thứ nhất. Giá thuê vườn trong 10 năm là 15 triệu/năm, để trải nghiệm thì đây là giá khá rẻ so với mua đất.

Tình trạng đất suy kiệt hơn vườn thứ nhất, điểm tương tự là cả vườn 2 ha chỉ có đôi ba cây lâu năm làm thực phẩm còn sót lại. Trải nghiệm tiếp vườn thứ hai thì rút ra là việc đi mua/thuê đất ở vùng chuyên canh cây ngắn ngày như Đà Lạt khó tránh khỏi đất ô nhiễm và nghèo cây lâu năm, mất thời gian dài cải tạo mới có thể có lại sự màu mỡ.

Vườn mình thuê có lợi thế là bạn chủ vườn ngang tuổi, cùng định hướng vườn rừng và cũng mới bắt đầu không lâu nên tạo điều kiện để tự do phát triển phần diện tích thuê. Một lợi thế khác là vườn giáp rừng, không có nhà kính, nhờ đó mình có điều kiện quan sát rừng bản địa và dễ tiếp cận hướng trồng cây lâu năm. Vị trí vườn này hoàn toàn thuận lợi cho hướng làm vườn rừng và sống tự cung tự cấp tối đa như mình từng ấp ủ.

Vậy mà, với nhận thức lúc đó, mình vẫn giữ quán tính phải trồng rau kiếm tiền trang trải ngắn hạn, ổn định rồi mới có thể sống ít phụ thuộc tiền. Thay vì việc nên làm là tích luỹ kỹ năng xoay sở để sống với ít tiền, vừa có trải nghiệm khác đi sớm hơn mà vốn cũng được bảo toàn. Mơ hồ và mâu thuẫn bắt đầu.

3.2. Canh tác và vận hành vườn:

Ở vườn mới, được tự do thử-sai, mình dành 30% diện tích đất trồng cây lâu năm, chủ yếu là các cây bản địa đã biết như chuối (có sẵn), mai anh đào, ban, phượng tím, mít, ổi, bơ…Rau trồng xen giữa các khoảng trống để có thu nhập. Khi tiếp cận vườn theo hướng này, mình gặp nhiều khó khăn lẽ ra có thể hạn chế:

  • Vận chuyển khó khăn: Đường đất vào vườn đá to đá nhỏ lởm chởm, dốc cao, mùa mưa lầy lội. Vườn chưa có chỗ ở lại mỗi ngày phải đi về. Thuê xe chuyển đồ nặng vào vườn thì phải đúng đợt nắng mạnh, và tài xế phải quen và cứng tay lái lắm họ mới nhận lời, mà chi phí thuê xe cũng không rẻ. Vận chuyển rau củ thu hoạch được từ vườn ra phố cũng vất vả không kém.
  • Cần khoản đầu tư lớn để thuê người và mua vật liệu làm nhà. Vườn ở xa thì thợ chuyên nghiệp chịu làm cũng khó kiếm.
  • Mình của lúc đó không có kinh nghiệm với hệ thống tưới phun tự động mà vườn có sẵn.
  • Vườn cỏ thì nhiều và cao, sau 2 năm bạn chủ để yên. Cố gắng kiểm soát cỏ trong trong khu vực trồng rau ngắn ngày bằng tay là ác mộng.
  • Thiếu vắng “tri thức bản địa”: khu vực thuê đất dân cư thưa thớt, vườn cách vườn khá xa. Người quen duy nhất tụi mình biết là chủ vườn mà bạn ấy cũng là người mới. Mình ít có cơ hội tìm hiểu về lịch sử canh tác và lợi thế nước nôi, đất đai, giống cây trồng của khu vực.
  • Kỹ năng sống với “rừng” là bằng 0: trong mình không hề có dữ liệu về cây sinh kế lâu năm và cây rừng bản địa. Là con nông dân nhưng từ khi có vườn ba mẹ mình đã chỉ canh tác rau hoa ngắn ngày. Trải nghiệm sống giữa tự nhiên đúng nghĩa chưa có. Không hiểu tập tính sống của bù mắt, sâu róm, rắn, ong … nên cũng khó tránh bị tấn công.

Mình đang ở cạnh một khu rừng thật sung sướng biết bao, lại cũng xa gia đình – nguồn áp lực tinh thần lớn nhất, vậy mà tại sao bản thân có nhiều nỗi lo, chông chênh thế này. Cứ thấy mỗi ngày trôi qua với quá nhiều điều không thể kiểm soát được, chồng chất khó khăn phải đối mặt, mình cũng tự hỏi bản thân: chẳng phải mảnh đất này, không gian này là thứ trong đầu luôn nghĩ đến đấy sao.

Trải nghiệm đáng nhớ có ảnh hưởng lớn tới lối sống từ đó về sau là làm nhà từ vật liệu tái chế.

Khoản đầu tư lớn nhất ở vườn thứ hai là chi phí làm nhà và mua máy cày, máy xay gỗ làm tấp tủ. Dù làm từ đồ tái chế nhưng chi phí cũng đáng kể, xong cơ bản hết tầm 80 triệu. Dù chú thợ cả nhận làm giúp và có bạn cộng sự quán xuyến, tiền công thợ còn lại cũng khá nhiều. Rồi thêm tiền mua chung máy móc là 70 triệu.

Tuy rằng làm nhà tái chế là một trải nghiệm tốn nhiều chi phí so với dự liệu của bản thân, nhưng một cách khách quan quá trình này đã tác động rất mạnh mẽ đến nhận thức của mình về lối sống. Con đường mình đi sau này rõ ràng hơn, kiên định và kỉ luật hơn, nên có thể nói chi phí này rất xứng đáng.

Sống nương tựa vào vườn thì tiền cần tiêu ít lắm, nhưng thời gian vườn phục hồi có lẽ cần nhiều.

Còn nếu muốn kiếm tiền trên nền đất cạn kiệt thì tiền đầu tư là con số không nhỏ.

Về thu nhập, các vụ rau mùa khô khá ổn, bán cho nhóm khách quen từ vườn thứ nhất cũng đủ trang trải tiền lương cho bạn cộng sự. Vấn đề xuất hiện khi mùa mưa đến, đường xá vận chuyển vật tư và rau củ thu hoạch được vô cùng khó khăn. Chưa kể mưa nhiều rau hư hết không có bán. Mỗi tháng chi phí bắt buộc với tụi mình là tầm 15 triệu, gồm lương cho bạn cộng sự, tiền thuê nhà của mình, chi phí ăn uống, chi phí vườn. Mỗi tháng qua rất nhanh. Và mình bắt buộc phải cắt chi phí sau 1 năm. Đầu tiên là cho bạn cộng sự nghỉ, sau là trả nhà thuê. Sau 1 năm ở vườn mới, vốn về vườn đã gần cạn mình mới nhận ra: sống ở vườn làm hướng tự nhiên, tiền để sống tối thiểu chờ vườn tự hồi phục thì cần ít, tiền đầu tư để kiếm tiền trên nền đất cạn kiệt mới cần nhiều.

Bài học lớn từ dự án vườn thứ hai là cố gắng trồng rau không hoá chất tổng hợp chở đi xa bán để trang trải ngắn hạn, khi đất đai còn cằn cỗi và chưa thật sự hiểu thế nào là canh tác bền vững. Từ quán tính làm cây ngắn ngày mà có nhiều can thiệp tốn công sức nhưng ít hiệu quả bao gồm: Kiểm soát cỏ, tưới nước thường xuyên, tìm nguồn tấp tủ hữu cơ từ ngoài vườn, và cứng nhắc thiết kế khu vườn theo ý mình.

Lần thất bại này đúng nghĩa là thất bại 😀 . Vừà không đủ kinh tế duy trì vườn, vừa thiếu kĩ năng, vừa bộc lộ hết sự “mẫu thuẫn” trong lối sống bản thân muốn và lối canh tác bản thân theo đuổi. Một kiểu của điều mình nghĩ, với điều mình làm nó chưa được đồng nhất, thông suốt. Nhưng có một điều may mắn là: bạn đồng hành mua rau luôn ở đó, luôn đồng hành, chỉ là vườn không có rau để bán.

Cuối cùng mình nhận ra: Nếu tiếp cận hướng tự cung tự cấp, các khó khăn khi sống gần rừng trở thành cơ hội học hỏi và trau dồi kỹ năng sống ở vườn. Khoảng cách giữa khó khăn và thuận lợi sao gần nhau đến thế. Nhiều khi cuộc đời ta gặp khó khăn là do năng lực của chính bản thân mình.
Vườn Thùy Lâm
Đà lạt
Đà Lạt Việt Nam
Scroll to Top
Scroll to Top