Vườn Mơ

Phần 1: Tiền đâu để sống

Về vườn thì sống bằng gì? – Đó là câu hỏi mà tôi nhận được rất nhiều lần trong suốt gần hai năm kể từ khi về vườn.

Tôi và bạn mình quyết định về vườn sau bốn năm cùng làm việc trong một cơ quan nhà nước. Hai đứa nghỉ làm, đi học làm vườn, sau đó tìm mua đất. Chúng tôi không có nhiều tiền. Việc mua vườn có sẵn nhà cửa, điện nước, cây cối giúp chúng tôi không phải đầu tư gì quá nhiều ngoài tiền mua đất. Chúng tôi xác định rõ ràng ngay từ ban đầu là hai năm đầu tiên ở vườn sẽ chỉ có chi mà không có thu. Cho nên việc quan trọng là: Làm sao để ít phải tiêu tiền?

Ba cô gái trong khu vườn của mình.

Mua bất cứ thứ gì chúng tôi cũng suy nghĩ rất kỹ. Chỉ mua khi cần, chứ không mua vì thích. Vì vậy, mọi khoản chi tiêu đều hợp lý. Mỗi tháng chúng tôi cần 2 triệu đồng là đủ mọi khoản chi tiêu trong vườn, dư một chút để phòng khi có việc hoặc lâu lâu đi chơi đây đó. Việc hiểu rõ nhu cầu về tiền bạc của mình giúp ích rất nhiều cho việc lên kế hoạch, sắp xếp giữa làm vườn và kiếm tiền sau này. Chúng tôi mày mò tự làm mọi thứ có thể để không phải dùng đến tiền – những thứ mà tôi tin rằng chúng tôi làm được thì ai cũng làm được:

  • Ưu tiên số một là tự chủ lương thực. Vừa về vườn là chúng tôi trồng ngay các loại đậu hạt, các loại củ, các loại rau trồng-một-lần-ăn-nhiều-lần mà không mất nhiều công chăm sóc. Kết hợp với vài loại rau dại tự mọc theo mùa trong vườn là cũng tự túc được kha khá thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày. Là nông dân nên chúng tôi cần phải chủ động nguồn giống. Cứ kiếm được giống tốt nào là lại cố gắng trồng và giữ giống. 
  • Chúng tôi tự làm các loại gia vị (sa tế, muối ớt, muối tiêu…), đồ ăn lên men (cà pháo, dưa muối…), bánh, mứt, rượu trái cây, siro chế biến từ mấy thứ có trong vườn để dùng. Khu vực chúng tôi sống có mấy bạn cũng làm vườn rừng, nên chúng tôi trao đổi nông sản với nhau. Nhà nhiều chuối thì đem chuối đổi khoai với nhà nhiều khoai. Vậy là vừa được ăn đa dạng mà không mất công trồng nhiều, lại không bị dư thừa phải lo tìm cách giải quyết.

Thay vì dành thời gian và sự chú tâm để kiếm tiền mua nhu yếu phẩm, thì chúng tôi chọn học tự làm mọi thứ. Lựa chọn này mang đến rất nhiều niềm vui và sự tự tin vào bản thân.

  • Đi thăm bạn bè chúng tôi cũng chỉ tặng đồ mình trồng được, làm được. Trước khi đi đâu, chỉ cần dòm vào mấy cái hũ đựng đồ dự trữ, có gì thì mang đó như gói hạt tiêu, gói đậu đen, đậu đỏ… Tết đến, chúng tôi tự làm nhiều loại mứt, vài loại trà lá thu hái trong vườn (lạc tiên cho người hay mất ngủ, hoa cúc mui, trinh nữ, cỏ xước…) và cả bột ngũ cốc nữa, gói thành từng phần đem tặng cô dì chú bác trong nhà, kể thêm câu chuyện thì ai ai cũng thích. 
  • Chúng tôi mày mò học đóng bàn ghế, kệ để đồ, giá treo quần áo… từ những thanh gỗ cũ, cành cây nhặt nhạnh trong vườn, ngoài đường hay xin gỗ bỏ đi từ xưởng mộc gần nhà. Có những món đồ được bạn bè đến chơi rồi đóng cho làm kỷ niệm.
  • Lúc đầu, dụng cụ nhà bếp của bọn tôi có mỗi cái nồi cơm điện cũ và mấy cái chén. Sau đó, bạn bè cho mấy món đồ cũ. Rồi những món quà tặng “tân gia” theo yêu cầu để sự cho tặng trở nên ý nghĩa và hữu dụng. Không mua sắm gì nhiều mà cũng đủ đồ dùng.  
  • Chúng tôi ngâm enzyme từ vỏ trái cây trong vườn để giặt giũ, rửa chén bát, tẩy rửa nói chung. Bồ kết và mấy loại lá cây là quá tốt cho một mái tóc khỏe đẹp. Đánh răng thì dùng lá trầu không nghiền với chanh muối, hoặc bột than tre cho thêm lá bạc hà, một xíu muối là sạch bong. Đun nấu thì dùng bếp củi. Mùa mưa thì hứng nước mưa dùng. Mùa khô thì trữ nước giặt rửa để tưới rau. Do làm vườn rừng nên nhà tôi không phải tưới vườn nhiều trong mùa khô. 

Năm đầu tiên chúng tôi thực hành làm vườn và các kỹ năng cần thiết để ổn định cuộc sống. Chúng tôi chưa kiếm được tiền từ khu vườn, nhưng vườn đã cho chúng tôi rất nhiều niềm vui.  Sang năm thứ hai, tiền để dành cũng cạn, chúng tôi tìm cách có đồng ra đồng vào. Có lúc chúng tôi đã nghĩ đến việc một người về lại thành phố kiếm tiền, một người ở lại làm vườn. Nhưng thành phố không còn hợp với chúng tôi nữa, nên ý định đó sớm bị gạt bỏ. Có rất nhiều lời khuyên và ý tưởng về việc kiếm tiền, nhưng giờ làm gì chúng tôi cũng cân nhắc xem việc đó có xả rác không, có ảnh hưởng đến hệ sinh thái không. Sau khi xem xét mọi thứ, từ tình hình vườn đến lối sống mình chọn, chúng tôi quyết định bán nông sản sạch ở các phiên chợ do bạn bè tổ chức: một phiên ở Sài Gòn và một phiên ngay tại địa phương. Chúng tôi làm vườn rừng, vườn nhỏ mà trồng đa dạng mỗi thứ một ít, kết hợp cây ăn trái với cây rừng, cây ngắn hạn với cây dài hạn. Vì vậy, vườn nhiều loại cây trái nhưng mỗi loại ngoài đủ ăn thì chỉ dư rất ít nên không thể bán buôn hoặc cung cấp thường xuyên cho các cửa hàng thực phẩm sạch được. Phiên chợ kiểu này phù hợp với những khu vườn như của chúng tôi. Vườn có gì chúng tôi bán nấy, kèm thêm một số sản phẩm thủ công và chế biến tự làm.

Tuy nhiên, do là chợ phiên nên có khi cả mấy tháng mới tổ chức một lần. Chúng tôi tiếp tục kiếm nguồn thu nhập khác. Nhưng làm gì để không đi quá xa, quá khác so với lối sống mà chúng tôi lựa chọn: sống tối giản, giảm thiểu rác thải? Lúc này, cơ duyên đem đến cho chúng tôi một thành viên mới, một cô gái nhanh nhẹn, giỏi giang, tháo vát, thích nấu ăn. Sau một hồi cân nhắc tới lui, chúng tôi chọn “buôn thúng bán bưng”. Ba chị em quyết định gánh thúng xôi và tủ bánh quê nhỏ ra chợ địa phương bán. Để gói đồ cho khách, chúng tôi dùng lá chuối và túi giấy tái chế (dùng giấy bỏ đi mà tôi xin được từ cơ quan của bạn bè ở thành phố rồi tự gấp làm túi). 

Gánh hàng đã giúp chúng tôi trang trải cuộc sống hằng ngày và sử dụng được chuối, khoai mì ở vườn làm nguyên liệu làm bánh. Dần dần, khách ghé sạp nhỏ của chị em chúng tôi quen với việc không túi nilông, có vài khách mang hộp theo đựng. Một chị khách nói chị thích cách không dùng túi nilông lâu lắm rồi mà không ai làm cả, nên “có tụi em làm chị rất thích và sẽ mua dài dài”. Những khi ấy, chúng tôi vui lắm.

Gánh quà sáng với những món đồ tự đóng.

Bán hàng là lựa chọn ngắn hạn phù hợp đến khi chúng tôi có đủ thu nhập từ khu vườn. Tới đây, chúng tôi có câu trả lời cho câu hỏi đầu bài: chúng tôi sống nhờ vườn, nhờ cộng đồng địa phương, nhờ năng lực của chính mình! 

Theo báo cuoituan.tuoitre.vn

________________________________________

Phần 2: Nghe Mơ tâm sự

1. Đôi nét về vườn:

Tính đến năm 2021, Vườn Mơ của tụi mình đã được hơn 3 năm tuổi. Ban đầu vườn chỉ có hai người. Đến năm thứ hai, vườn có thêm một thành viên nữa. Vậy là một vườn một nhà có ba cô gái, nương tựa vào vườn, nương tựa vào nhau, sống vui mỗi ngày.

Vườn có một vài đặc điểm nổi trội như sau:

Mảnh vườn ngày ấy, và bây giờ đã thay đổi xanh hơn
  • Vườn Mơ rộng hơn 5000m2, nằm ở xã Núi Tượng, Tân Phú, Đồng Nai.
  • Khi tiếp nhận, vườn trồng chủ yếu là bưởi và cam, có một phần nhỏ diện tích trồng tiêu. Cam và phần lớn bưởi chưa cho thu hoạch, nhưng bù lại trong vườn có sẵn một số cây trái khác, mỗi loại một vài cây: chôm chôm, thanh long, cóc, mít, ổi, mãng cầu gai, măng cụt…
  • Đất ở vườn là đất đá, ưu điểm là thoát nước tốt, không bao giờ sợ úng, trong đá có khoáng chất nên nghe người dân nói trồng trái cây ngon hơn các vùng lân cận. Nhưng ưu điểm thoát nước ấy sớm biến thành nhược điểm vào mùa khô, khi ấy đất rất rất khô, cỏ cũng lụi hết cả, cộng thêm vườn nhiều cây lá rụng theo mùa nên trông thật xác xơ.

Mùa khô ở vườn mình rất khắc nghiệt, nhất là với các cây con mới trồng vào mùa mưa ngay trước đó. Nhưng bọn mình cứ kiên trì, mỗi năm trồng thêm một ít, trồng chuối nhiều hơn, để cây tự mọc tái sinh. Về sau mới phát hiện ra là nên chủ động trồng thêm các loại cây thường xanh quanh năm, để vào lúc khô hạn nhất, tán lá của những cây ấy, sẽ che chở cho đất và các cây con.

Trồng cây thường xanh quanh năm thật nhiều trong vườn, để cho dù là mùa khô hạn nhất, thì đất đai lẫn cây con đều được che đỡ để mà tồn tại.

Một vấn đề khác mà tụi mình phải đối mặt mỗi khi mùa khô đến, là thiếu nước. Cứ khoảng tầm tháng 3 là giếng nhà mình cạn khô. Hàng xóm xung quanh cứ qua mỗi năm lại khoan nhiều giếng hơn, năm sau khoan sâu hơn năm trước. Tụi mình thấy đó không phải giải pháp, nên có xây một bể chứa nước mưa, thể tích thực khoảng 7m3. Bể này vào mùa mưa thì luôn tràn đầy, còn vào mùa khô nếu chỉ để ăn uống thì dư sức cho 3 đứa tụi mình, nhưng dùng cho cả tắm rửa sẽ không đủ. Mình ước tính xây thêm một cái bể nữa bằng 2 lần cái bể cũ, là dù cả 6 tháng mùa khô không có giọt mưa nào, vẫn đủ nước dùng.

Nước sinh hoạt còn không đủ, nên vườn mình cũng không tưới tắm gì. Cây nào khỏe thì sống, cây yếu không vượt qua được thì phải chịu, đợi thêm mấy năm vườn nhiều cây hơn tụi mình sẽ thử trồng lại. Cây giống là tự ươm hết thôi, hoặc chúng tự tái sinh, hiếm khi mua lắm.

2. Nét đẹp sống và lao động:

Vườn nhỏ nên tụi mình tự làm hết mọi việc, chưa bao giờ thuê công bên ngoài, cứ túc tắc làm thôi. Làm không phải để cho xong, mà chỉ đơn giản thấy còn việc là còn muốn làm. Nhưng cũng có những việc khó, nặng quá thì nhờ bạn bè, rồi đổi công lại, sống luôn cần cộng đồng là vì vậy.

Tuy nhiên, hồi đầu mới về, tụi mình khá khó chịu khi có rất nhiều người vào vườn, cả hàng xóm và những người lạ không biết ở đâu đến. Họ vào vườn làm đủ thứ chuyện. Bắt bọ cạp, lấy tổ ong, bắt rắn, cắt cành keo dậu cho dê, cắt rau nhúc, câu cá… Rồi từ từ tụi mình tìm ra giải pháp:

  • Đối với những người lạ, sẽ chọn cách nhẹ nhàng nói với họ để lần sau không tới nữa, đồng thời củng cố hàng rào bằng cách trồng thêm cây cho rậm rạp hơn.
  • Đối với hàng xóm, tụi mình thẳng thắn nói cái gì có thể cho cái gì không, và họ nên vào vườn bằng cửa chính, để mình có thể chỉ cho nơi có thứ họ cần, tránh giẫm vào những cây con vốn được trồng chẳng có hàng lối gì.

Lâu dần, người lạ vào vườn ít đi hẳn, hàng xóm cũng không tự dưng thấy xuất hiện ở vườn nữa, tụi mình cũng hiểu hơn cách mọi người ở đây cư xử với nhau. Và rồi học cách chủ động cho đi, khi thì cốc nước sâm, lúc thì bát chè, nhờ vậy mà nhận lại được rất nhiều. Mình nhận ra hầu hết mọi người ở nông thôn đều chân chất, mình cứ chân thành và thẳng thắn với họ là được. Sống ở một nơi mà ta không thể xem hàng xóm là bạn, bà con xung quanh là bạn, thì nơi ấy sao thân thương được đúng không.

Bếp củi tự đắp để đun nấu ngoài trời

Từ ngày về vườn đến giờ, ngoài tiền mua đất đã có sẵn nhà ở, tụi mình không chi tiền nhiều lắm, tính đến tiền triệu thì chỉ có hai khoản:

  • Xây bếp: 15 triệu. Bếp nhà mình rộng khoảng 20m2, làm lại từ chuồng heo cũ, đã có sẵn một ít vách lửng cao chừng 80cm. Tụi mình thuê thợ dựng khung sắt và lợp mái, còn phần vách ốp phên tre, và nền thì nhờ bạn bè làm cho cả.
  • Xây bể chứa nước: 15 triệu. Bể này có hai ngăn rưỡi, ngoài chứa nước mưa còn có thể lọc phèn khi cần.  

Còn về chi dùng hàng ngày thì ở phần 1 tụi mình đã chia sẻ rất rõ ràng rồi phải không: mỗi ngày chỉ mong sao có thể tự thân tạo ra được thực phẩm đủ dùng bằng chính đôi tay này. Không mong kiếm nhiều tiền, chỉ mong tự cấp tự túc được.

3. Tâm sự mỏng:

Vì vườn toàn con gái nên mình sẽ chia sẻ kỹ hơn về vấn đề “tâm lý” khi ở vườn, cụ thể là cách tụi mình vượt qua những nỗi sợ ở vườn.

Vốn đang ở thành phố, tụi mình mang những nỗi sợ của người thành phố theo về. Hồi đầu ở vườn, tụi mình sợ đủ thứ:

  • Sợ từ đường cái sáng đèn thưa người, tới ngõ nhỏ tối thui không người.
  • Sợ lùm cây đen kịt, sợ ô cửa sổ buổi tối có 2 con mắt thò vào chòng chọc nhìn mình.
  • Sợ ma, sợ trộm, sợ rắn…

Tụi mình sớm nhận ra những nỗi sợ ấy hầu hết bị thổi phồng lên qua phim ảnh và cả truyền thông. Và cũng nhận ra rằng, thiếu hiểu biết cũng làm tăng nỗi sợ. Tụi mình học cách nhìn thẳng vào nỗi sợ và đối mặt với chúng. Rồi cũng lên phương án cho tình huống xấu xảy ra, để nếu gặp không hoảng loạn mà biết phải xử lý như thế nào, đồng thời lưu sẵn số điện thoại công an và hàng xóm, y tế xã, taxi. Nhưng qua mấy năm yên bình ở vườn, chưa hề “có dịp” áp dụng những sự chuẩn bị ấy, tụi mình dần không còn sợ nữa. Khi sống có cộng đồng, hàng xóm xung quanh, có kiến thức, …. không còn mấy thứ để mà lo sợ.

Vui hay không là ở nội tâm mỗi người. Để vui được đó là một dạng năng lực.

Rồi mới về vườn, mọi người hay hỏi mình rằng ở vườn có buồn có chán không? Thực ra, buồn chán hay không không phải bởi nơi chốn. Người ta vẫn hay nói cô đơn giữa chốn đông người đấy thôi. Để có thể lúc nào cũng vui vẻ, tích cực, cũng cần có năng lực. Tụi mình cố gắng học cách tìm thấy niềm vui từ những điều giản dị nhất, hay tìm ra những điểm thú vị trong các công việc có tính chất lặp đi lặp lại. Ở vườn, tuyệt nhất là sáng sớm, sau cả đêm dài ở trong nhà, mở cửa ra, hít một hơi đầy lồng ngực không khí trong lành buổi sớm, dạo vườn còn ướt sương tắm nắng ban mai, nghe tiếng gió lao xao trên cành. Có khi kiếm được mụt măng, hái được ít nấm mối, là cũng vui cả ngày. Những đêm trăng sáng, Hạnh ngồi đàn hát, hoặc có khi cao hứng mấy chị em ngồi thưởng trà ngắm trăng. Cũng có lúc tụi mình giải trí theo kiểu rất “thành phố” như xem phim, đi uống trà sữa… Ở vườn kể ra tụi mình có rất nhiều thứ để vui.

Đợt dịch này, tụi mình cảm thấy may mắn biết bao nhiêu khi ở vườn, yên bình và đầy đủ. Vậy nên, nếu có thể hãy về vườn thật sớm bạn nhé!

Vườn Mơ

Thông tin vườn:

Vườn Mơ
Nam Cát Tiên
Đồng Nai Vietnam
Scroll to Top
Scroll to Top