Mái ấm hoang dã

1. Người ở vườn:

Mình là Trần Hoàng Yến, tên vui vui gọi là Yến Yến 9 tuổi. Đọc quyển sách Cách Mạng Một Cọng Rơm vào năm 2016, như mở ra cho mình một con đường, rằng làm vườn thật đơn giản, con người chỉ cần bớt can thiệp vào tự nhiên, đâu đó mọi thứ tự thiết lập, tự cân bằng, sống bền vững, cái quy luật mà chúng ta đã cố tình quên mất từ rất lâu. Sau đó mình mò mẫm tìm hiểu trong Facebook nhóm Cách Mạng Một Cọng Rơm, ấp ủ 1 khu vườn tự do đa dạng.

Hai đứa mình đây các bạn ạ. Một ngày đẹp sau 8 năm kết hôn 😀

Trên con đường tìm lại chính mình, cố gắng tìm kiếm hạnh phúc, năm 2018 mình nhận ra: tôi ở ngay đây, hạnh phúc tự ở tôi, chẳng phải tìm nữa. Mình thay đổi bên trong cả bên ngoài rất nhiều, đây cũng là yếu tố quan trọng để hoà hợp 2 vợ chồng, và chồng mình đã đồng ý mua một mảnh đất để dưỡng thanh xuân vào cuối năm 2019.

Sau khi đi quan sát rừng nguyên sinh và xem Our Planet mình thấy 1 thành phố bị bỏ hoang do rò rỉ phóng xạ, cây cỏ tự phủ xanh đa dạng, động vật côn trùng các loài kéo về sinh sống. Mình lại tin hơn vào việc con người càng ít tác động, thiên nhiên càng được tự do, sinh trưởng quây quần bên nhau một cách phù hợp nhất với bản thể của chúng. Mình chọn cách sống nương tựa vào vườn hơn là làm chủ khu vườn, quan sát thiên nhiên như một vị thầy và từ đó nhìn lại bản thân. Đây là định hướng làm vườn của mình. Chồng mình hiểu điều này và thích khu vườn đẹp, có sự bố trí, gọn gàng hơn khu rừng một chút, có vài cây lớn sớm một chút, nên khu vực quanh nhà ở sẽ được chăm sóc tút tát trên tinh thần là cây cỏ mọc khá tự do, tận dụng những gì có sẵn, giảm thiểu mua. Khu vườn là sự hoà hợp của 2 vợ chồng.

20/11/2020, sau khi có chòi ở, điện nước cơ bản, mình được sự đồng ý của chồng về vườn ở toàn thời gian, chồng mình vẫn ở Sài Gòn và 7-10 ngày chạy về thăm vườn vài ngày. Mình rất biết ơn điều này.

2. Khu vườn:

2.1 Sơ lược về vườn:

Hoa trong vườn.
  • Địa điểm: Thôn Ku Kê, Xã Thuận Minh, Huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận
  • Diện tích: 15.000m2 tức là tầm 1.5hecta
  • Tình trạng khu vườn ban đầu: nhiều năm canh tác mì cao sản, mía, dùng nhiều hoá chất, cày xới, bịt nilon… vườn trơ trọi không có cỏ cây, côn trùng.
  • Thổ nhưỡng: đất cát pha, có khu nhiều cát ít cát, khu nhiều đá
  • Lợi thế vườn: đất bằng phẳng, độ nghiêng nhẹ, với mình không có gì cả cũng là một lợi thế. Có 1 hàng cây tự nhiên bên đường, vườn hưởng 1 số hạt giống từ đây. Gần núi nên đa dạng giống động thực vật từ núi bay xuống.
  • Điểm yếu của vườn: Nơi có lượng mưa ít nên cần giữ nước nhiều nhất có thể. Đất bạc màu, nghèo dinh dưỡng, nắng hạn, cây cỏ chậm phát triển.

2.2 Làm vườn

Cuối năm 2019 mình nhận đất, để yên đó.

07/2020: đào ao, mương, làm rào để trâu bò không vào. Sau đó mỗi tháng 2 vợ chồng ra vườn vài ngày. Trồng chuối, gieo hạt các cây tiên phong như: đậu săng, đậu đen, keo dậu, thảo quyết minh, sục sạc,…, trồng 1 vài cây được cho tặng.

Mỗi tháng 2 vợ chồng nhận thấy sự khác biệt rất lớn, nhiều loài cỏ cây mới xuất hiện xen kẽ nhau hoặc mọc theo khu tuỳ chất đất ở đó, côn trùng tăng đột biến số lượng và loài, chim về kiếm ăn làm tổ, lưỡng cư, bò sát sinh trưởng bất ngờ. Thi thoảng phát hiện vài cây bản địa lạ lạ tự mọc, và cây mình gieo. Mình yên tâm với sự phát triển mạnh mẽ không cần chăm này.

Tháng 20/11/2020, mình sống luôn ở vườn, bắt đầu vào mùa khô. Ngày làm vườn nhàn rỗi 1-2 tiếng: quan sát cỏ cây, thu/gieo ít hạt, trồng 1-2 cây, tưới vài cây, lượm “rác” về vườn (đồ bỏ đi như lá cành cây, xác mía, rác xanh, phân các loại, gạch ngói, gỗ tre…), tìm hạt/cây ở thôn, cuốc rảnh, lỗ, hố, mương, cứu những cây bị chèn thiếu sáng, ưu ái các loại cỏ ăn được…

Bạn nhìn vào ba bức hình trên có thấy đáng ngạc nhiên không, phi thường không. Gia đình mình gần như không can thiệp nhiều bạn ạ, thiên nhiên làm cả đấy, việc của mình chỉ là ngồi lặng yên, kiên nhẫn và khiêm nhường nhất có thể 😀 . Luôn có điều mới ở vườn, mình học hỏi liên tục: từng loại cỏ cây, tìm tên, xem ăn được không, dược tính cơ bản… . Mình chỉ là đi nhẹ nhàng, lần mò học mọi thứ từ vườn, thế thôi.

Giai đoạn đầu làm quen với vườn, mình bỏ bớt ý muốn cá nhân như thích cây hoa này thơm đẹp, cây gỗ kia tốt, cây ăn trái yêu thích, không trồng cây theo ý mình, mà nhìn đất cây nào thích nghi được mới gieo trồng. Có vài cây vú sữa, bưởi, chanh, vài cây cảnh không biết tên…được tặng, không chịu được cái nóng gay gắt khi đất chưa đủ độ che phủ, dù cố gắng tưới nước, cho tí phân cây vẫn chết. Còn có cái cây bản địa thân gỗ gieo từ hạt không biết tên, sừng sững suốt mùa hạn trên mô đất cằn cỗi đã cao hơn 1 mét, không mất chút công sức. Hoặc những cây cỏ dại ăn được mọc rất khỏe thay vì trồng những loại rau cải phải chăm bón kỹ. Mình nhận ra rõ hơn: khi cố gắng nuôi dưỡng một cái cây chưa thích hợp ở thời điểm này, mất nhiều công sức, cây không thích nghi được sẽ chết. Thay vì “ngoan cố” trồng những cây bản thân thích, thì dành thời gian để nuôi dưỡng đất bằng những loại cây địa phương chịu hạn, cố định đạm, tạo sinh khối, lớp mùn ẩm cho đất. Mình dần học cách mặc kệ cây, thích nghi sẽ sống.

Cây chuối luôn bên cạnh mọi “anh em” cây khác.

Với mình cỏ cây, đất, nước, thiên nhiên này chính là thầy. Việc nương tựa vào tự nhiên giúp mình không phải nhọc, không phải tốn kém, cây cỏ nào mọc lên mình đều quý và không vội vàng. Mình tôn trọng vị trí ngẫu hứng mà cái cây chọn để vươn lên, đó là nơi thích hợp, thời điểm thích hợp nhất cho chúng lớn lên đầy mạnh mẽ và hoang dã. Việc của mình là hỗ trợ gieo hạt cây, che phủ đất, đào hố mương, để giữ độ ẩm tối đa trong mùa khô ….những việc nhỏ nhỏ vậy, còn người làm vườn chính mãi là Tự nhiên. Bạn biết không, trong một khu vườn luôn có sự hòa quyện nương tựa lẫn nhau giữa các loài:

  • Một cụm 3 cây chuối gần nhau cùng một cây bản địa, cỏ, dây leo, phát triển nhanh hơn một cây đứng đơn độc.
  • Một cây keo tràm nương tựa bên cây chuối, dưới gốc là cỏ, cao 2m chưa đầy 1 năm, trong khi cây trồng đơn lẻ nhìn cứ lay lắt.
  • Các cây quanh ao khoẻ mạnh. Mình thấy rõ việc đào hố, mương dẫn nước, tấp tủ phân xanh, rất hiệu quả để lưu giữ nước lâu hơn trên bề mặt.

Mùa mưa thứ nhất cỏ mọc yếu ớt. Mùa khô trụi lủi, khô khốc cả vườn, quanh nhà tưới nước nên còn chút xanh. Mùa mưa thứ 2 rất nhiều bất ngờ, cây cỏ gieo hạt nảy mầm nhanh, lớn nhanh hơn năm trước. Lần nữa, mình lại tin tưởng vào sự hồi sinh tự nhiên của khu vườn khi ít can thiệp. Năm nay mình gieo nhiều hạt hơn, ươm vài cây, các loại chịu hạn mình tìm được như: trôm, lim, me, muồng đen, dầu, bồ hòn, bồ kết, muồng osaka, điệp, phượng, điều, dừa, trứng cá, xương rồng, thanh long, chùm ngây, so đũa, bạch đàn, các loại hạt cây lâu năm không biết tên… ăn quả gì thả hạt đó, cùng với thật nhiều cây tiên phong, nhất là chuối.

Đọc một quyển sách đã giúp mình biết về lối làm vườn khác. Rị mọ theo dõi nhiều anh chị đang thực hành lối ấy đã khiến mình mơ ước về một mảnh vườn nhỏ. Và hơn 1 năm nay, mình đã là cư dân của khu vườn, làm mọi thứ theo “chỉ dẫn” của khu vườn.

Mình cũng hoàn toàn không đầu tư vào phân, chỉ tận dụng nguồn sinh khối có sẵn, hoặc đi gom thêm đâu đó trong thôn. Việc tưới nước cũng gần như không có, trồng cây tập trung vào đầu mùa mưa, à có tưới chút đỉnh cho những cây xung quanh nhà, dù gì cái nhà cũng tưng bừng trước cho có khí thế 😀 .

May mắn trước khi về vườn, nhà mình được vợ chồng chị Hằng Mai hướng dẫn (tham gia offline cọng rơm đó các bạn), hiểu về rừng và cách gầy vườn rừng tự nhiên, tự vận hành không cần nhiều chi phí, cùng sự nhắc nhở: làm chậm, quan sát, nuôi dưỡng đất, những gì trong tự nhiên mình chưa biết còn rất rất nhiều. Kết quả: số lượng cây chết ít, cây nào trụ qua một mùa khô cây đó khoẻ mạnh, rồi những cây sau này nương tựa cây trước và lớn nhanh hơn, tự làm vườn đơn giản nhẹ nhàng.

2.3 Nhân lực:

Tự làm vườn. Khi nào vườn đủ đầy và có dư nhiều sẽ thuê thu hái, dự kiến 7-10 năm tới. Thời gian đầu để gia đình hàng xóm bạn bè ăn, còn lại trả lại đất nên không cần thuê mướn.

3. Chi phí đầu tư:

Mình chỉ chi tiền vào những gì CẦN, không có phương án thay thế:

  • Chọn đất vùng xa 55 triệu/1 sào (1000m2) có sổ đỏ (mua được 1.5 hecta ở xa chút thay vì chỉ 1.5 sào ở gần trung tâm). Khoản này vay gia đình và đã trả.
  • Xe xúc đào ao mương, cọc rào: 80 triệu
  • Dò mạch khoan giếng 60m đường ống, kéo điện, nhà ở 12m2 + hành lang 3 mặt 1,5m, bếp+ công trình phụ 9m2, 9 béc tưới quanh nhà, công thợ: 100 triệu (một số vật liệu mua đồ cũ, lượm)
  • Trồng hơn 200 cây chuối và nhân công: 4,5 triệu. Gần cuối mùa mưa mà mình gấp gáp trồng chuối nên cây không khoẻ, nay chuột gặm và chết phân nửa. Từ nay chỉ gieo hạt, tách cây con có sẵn và xin chuối không phát sinh phí trồng cây nhiều nữa.

Mình làm hướng vườn lười, ít dùng tiền nhất có thể, cơ sở vật chất, đồ dùng nhà ở, bếp 90% tận dụng những gì có sẵn, lượm nhặt hoặc tiện xin được từ những nơi đi qua (gỗ, tre, ngói, đá, gốc cây, bồn ngồi wc, chiếu, giường, nệm, tủ, mùng, quạt… là 0đ), chỉ mua vài thứ xin không có. 

Vườn không cày xới, không máy cắt cỏ, không mua phân đất rơm… 90% gieo hạt trực tiếp, chỉ ươm vài loại khó tìm giống. Mua 1% cây và hạt, còn lại tự tìm hái trên đường, trong rừng, bạn bè cho, người lạ cho, hoặc trao đổi hạt/cây, ăn gì thì để hạt/gốc lại đất. Đa phần là cây cỏ “mọc dại”, chịu hạn, mình tìm đa dạng loài. Làm vườn chậm và quan sát đất nên cây chết chỉ có vài cây yếu.

Căn nhà ve chai mộng mơ của hai vợ chồng.

Phương châm: Tăng xin giảm mua xài đồ cũ, giúp mình giảm chi rất nhiều.

4. Thu nhập:

Vườn mới bắt đầu nên hiện chưa có thu nhập, khi nào cây cỏ nhiều hơn mình sẽ tự cấp phần nào cho việc ăn, tắm giặt rửa từ cây nhà lá vườn. Dư ra có thể bán cho chợ trong thôn, dư nhiều thì bán sỉ ra Sài Gòn như: chuối, xoài, mít, dừa, đu đủ, chanh, ổi, bụt giấm, bồ kết, các thức uống tốt cho sức khoẻ,… tuỳ từng thời điểm phát triển của vườn sẽ có nguồn thu thêm, mình luôn đa dạng cây mỗi loại vài cây.

Hiện tại thu nhập gia đình từ đầu tư, không cố định, thu nhập giảm so với đi làm công ty, tuy nhiên có phần để dành.

Không gian ở đơn giản, ấm cúng vầy thôi 🙂 .

4 năm nay mình chỉ mặc quần áo, giày dép đi xin và được cho tặng. Không mua trang sức, xin điện thoại cũ, dùng lại đồ gia đình không xài. Giảm mong cầu tối đa trong sung sướng. Chi phí chủ yếu là ăn uống và di chuyển xăng xe, thi thoảng đi xa ăn ở đơn giản, mình ăn đa phần rau củ quả hạt, ít ăn vặt. Không tốn kém tiền thuốc, chữa bệnh hay chữa lành…, tiền điện không đáng kể, điện thoại 4G trọn gói miễn phí. Mình dùng bếp gas, sau này dùng bếp củi lại giảm thêm 1 khoản nữa 😀 .

Như vậy khi về vườn sống bớt bớt lại nhiều hơn, tận dụng nhiều hơn thì đủ sống, với mình là dư vì còn cả một khu vườn, vài năm nữa cho mình rất nhiều thứ tự cung tự cấp, mà chi phí vận hành vườn không có bao nhiêu như kể trên. Mỗi người có một mức “biết đủ” khác nhau, về vườn muốn đủ sống thì điều chỉnh lối sống của mình và mở rộng kỹ năng “lượm rác”, năng lực của bản thân, gói ghém và cân đối phù hợp với khả năng, giảm thu, tăng cường giảm chi, mình thấy cuộc sống ở vườn rất thoải mái, nhẹ nhàng.

5. Hòa nhập cộng đồng:

Khi đến vùng đất xa lạ chỉ có 4 nhà hàng xóm, chồng mình giỏi “ngoại giao”, trò chuyện, thăm hỏi mọi người thường xuyên, có gì hay hay thì biếu tặng, cần gì thì giúp đỡ qua lại việc lặt vặt. Bà con xa không bằng láng giềng gần. May mắn được hàng xóm chỉ dẫn thợ thầy, chỗ mua vật tư rẻ, đường xá lối đi, thời tiết, những phát sinh linh tinh khác… 

Đến nay hàng xóm chưa ai hiểu mình đang làm gì, ban đầu họ thấy lạ và cười khó hiểu. Mình chỉ nói sơ sơ là không dùng hoá chất có hại cho sức khoẻ, để cỏ trả lại đất làm phân, cây cỏ tự phát triển, làm vườn không tốn nhiều chi phí, thích dùng đồ cũ. Và biết là hàng xóm chưa hình dung cụ thể nên khi nào họ hỏi sẽ trả lời vắn tắt, mình sẽ chứng minh bằng thời gian. Dần dần thân quen hàng xóm cũng bớt thắc mắc, quen dần cách mình làm. Mình không góp ý gì về cách làm vườn hiện tại của mọi người, cô bác sống lâu năm kiếm sống như vậy rồi, mình làm phần mình, từ từ có kết quả sẽ tính tiếp.

Mình cũng thích lâu lâu lang thang trò chuyện với người dân địa phương thường gặp ở thôn, ra xã, đến thị trấn, lắng nghe nhiều hơn để hiểu khu mình sống.

6. Sức khỏe/Y tế:

Cứ gieo hạt thật tâm thôi, chuyện gì đến sẽ đến.

Về vườn hay ở phố việc giữ sức khoẻ, nâng cao đề kháng luôn là điều ưu tiên của 2 vợ chồng. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, vợ chồng mình đã nhiều năm không dùng thuốc tây, mỗi năm không bệnh hoặc cảm vặt vài lần, tự chữa các bệnh vặt bằng thức ăn, thở, thiền, matxa, vận động, thể dục, yoga hoặc nhịn ăn. Chữa bệnh chưa sinh nhẹ hơn chữa bệnh nặng, mình thường tìm hiểu cách thanh lọc đơn giản, cách chữa bệnh từ những thức ăn uống, cây cỏ có sẵn và học hiểu những loại cỏ cây mới mọc ở vườn.  Những chấn thương nhỏ, chảy máu, côn trùng cắn, bệnh ngoài da, bệnh vặt… dễ dàng chữa được từ cỏ cây ở vườn.

Về già như thế nào do hiện tại quyết định nên mình không lo nghĩ nhiều cho lúc về già, sống như ngày mai mình sẽ ra đi, hiện tại giữ sức khoẻ tốt nhất có thể theo khả năng. Nếu già yếu không tự sinh hoạt được thì vào viện dưỡng lão hoặc tuỳ tình hình lúc đó sẽ có phương án thích hợp.

Đâu đó có khi gặp những chấn thương, tai nạn, bệnh lạ cần cấp cứu thì lúc này tình hàng xóm chở đi viện là điều trân quý nhất. Đây là tình huống hy hữu, cho nên để giảm rủi ro mình cố gắng giữ sự tỉnh táo, thận trọng, chú tâm, quan sát như một thói quen. 

7. Học tập/Giáo dục:

2 vợ chồng quyết định ở vậy không sinh con nên bớt được một khoản 😀 . Nếu lỡ có con thì học trường ở thôn, sống đơn giản khoẻ mạnh thì mình thấy cũng không vất vả, ví dụ dùng tả vải, sữa mẹ, ăn đơn giản, đồ chơi sẵn có ở vườn, tự dạy con mở rộng kỹ năng, kiến thức hoặc học online thì không phải chi nhiều.

Vườn mình bắt được 4G, ở yên vẫn có thể học tập, mở mang kiến thức online thoải mái. Học từ cộng đồng, những kinh nghiệm thực tế của người từng trải, chọn lọc các mối quan hệ, các kênh thông tin hữu ích. Với mình học ngay tại vườn khá nhiều, có những cái chưa biết quan sát diễn biến tự nhiên, không biết thì hỏi thêm. Mình ít đọc sách nên chọn lọc sách kỹ mới đọc, chủ yếu hiện thực hoá lý thuyết, thực hành và nhìn lại bản thân.

8. Về vườn vui vẻ với anh chị là gì?

Điều đầu tiên là bầu không khí thanh nhẹ, bình an, khoẻ khoắn:

Tâm hồn vui, xinh, như cái bầu ươm không rác này 😀 .
  • Ở vườn mỗi ngày đều có điều thú vị từ cỏ cây, hoa lá, đất, nắng, gió, mây, mưa, động vật… mọi thứ luôn biến đổi không ngừng khiến cuộc sống xung quanh mình luôn sống động tươi mới, một thế giới tự nhiên luôn rất thật, nhìn không thấy chán dù ở một mình.
  • Chỉ có lâu lâu lười chảy thây thì cứ lười, cây cỏ vẫn ở đó phát triển, hoặc chết đi rồi lại nảy mầm cây mới, tự do thoải mái, ngẫm lại thấy vui vì trước đây cuộc sống đầy ràng buộc.
  • Có những lúc kiến cắn, ong đốt, rắn hù, chuột quậy, côn trùng chiếm cả nhà ở… khiến mình có cái để thấy, đổi trạng thái, giật mình, khó chịu cũng là 1 niềm vui. Vì sau đó lại thấy sướng và quen dần.
  • Sống đơn giản, vật chất vừa đủ, làm chủ thời gian, không sử dụng tivi, laptop… mình thấy rất bình an. Và khu vườn là nơi nuôi dưỡng cả thân và tâm nên mình rất yên tâm khi đang nuôi dưỡng một khu vườn.

Một niềm vui nữa là mình đối mặt với chính mình và thích nghi với những điều chưa bao giờ tiếp xúc như: côn trùng động vật có độc, ở 1 mình nơi hoang vắng, ở dơ,… 

Cuối cùng, rất vui vì vợ chồng mình góp được một số cây, trả lại một mảnh đất tự nhiên, cỏ cây được tự do, người mình cũng bình an hơn.

Đây là đôi dòng giới thiệu về khu vườn của gia đình mình vào tháng 05/2021. Khu vườn hiện vẫn đang thay đổi “chóng mặt” mỗi ngày.

Hoàng Yến

Thông tin vườn:

  • Chủ vườn: gia đình chị Yến anh Thọ.
  • Địa điểm: Thôn Ku Kê, Xã Thuận Minh, Huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận
  • Facebook chị Yến: https://www.facebook.com/tranhoangyen
Mái ấm hoang dã
Thôn Ku Kê, Xã Thuận Minh, Huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận
Bình Thuận Vietnam
Scroll to Top
Scroll to Top