

Chào các bạn, mình là Nhật – sinh năm 1991. Mình sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông cận nghèo, theo đạo Phật, trên vùng đất phù sa Gò Nổi, khi xưa hằng năm đều có lụt lội. Tốt nghiệp kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật năng lượng và môi trường, mình đi làm hai năm theo đúng chuyên ngành đã được đào tạo, nhưng vẫn cảm thấy cuộc sống không có ý nghĩa. Mình nghỉ việc để dành thời gian nhìn lại chính mình.
Trong khoảng thời gian đó, mình đã tự hỏi: “Sao không tự làm ra nông sản cho mình dùng mà phải đi kiếm tiền rồi lại phải mua chúng, trong khi nhà mình cũng có đất sản xuất và nhu cầu của mình không quá nhiều?”. Kể từ đó, mình tìm tòi học hỏi khắp nơi để học cách làm nông hiệu quả. Và rồi bắt gặp cuốn Cuộc cách mạng một cọng rơm. Sau khi đọc một lèo xong cuốn sách. Mình chỉ cảm nhận là sau khi đọc xong cuốn sách mình đã có con đường cho mình. Con đường ấy cho đến bây giờ mình vẫn đang đi, đang học và thực hành đó là con đường phụng sự cho Tự nhiên.
Hành trình về vườn của mình về phần cá nhân thì không có chi là đáng ngại cả, mình chưa có gia đình và có đầy đủ sức khỏe, cả tinh thần minh mẫn nữa. Chỉ có ngại nhất là làm sao cho Ba Má, người thân của mình hiểu được, thông cảm và đón nhận cách sống của mình thôi.
Nhật không vội nói với ba mẹ quyết định về vườn, mà chứng minh năng lực trước. Vấn đề kinh tế là nỗi lo của các cụ, nên giải quyết được câu chuyện ấy trong mức vừa đủ thì chuyện gì cũng dễ giãi bày hơn.
Biết chắc gia đình sẽ phản đối việc làm nông, nên mình xin bố mẹ ở nhà làm vườn vài tháng để học tiếng Anh, rồi sau này tiếp tục đi làm. Một thời gian sau, khi thấy có cơ hội bán được rau mình trồng, mình mới nói với gia đình về quyết định làm nông của mình. Khó có cha mẹ nào đón nhận việc con mình đi học hết cơm hết gạo rồi tay trắng về làm nông cuốc đất. Mình đã nhiều lần tranh luận với bố mẹ về việc này. Có lần còn nổi nóng về vấn đề thực phẩm bẩn “con người tha hóa đạo đức rành rành thế thì mình lao đầu vào đấy làm chi?”. Thấy mình quyết liệt, một mực làm nông không hóa chất, bố mẹ cũng chịu một phen “để nó làm xem sao”.
Bắt đầu với việc làm vườn, việc đầu tiên mà mình nghĩ tới đó là Hạt giống. Trong sách cụ cũng có nói về hạt giống và mình đã thấy được tầm quan trọng của nó. Mình đã chạy quanh khắp xóm, làng để đi xin. Kinh nghiệm là nhà các cụ già là dễ cho lắm. Sau này mình cũng mua, xin và trao đổi với bạn bè trên nhóm cọng Rơm nữa. Cho đến bây giờ thì mình đã sở hữu kho hạt giống trên 50 loại như là các loài họ đậu, ngô, lúa, mè, hạt hoa, rau, bí, bầu, cà chua, dưa leo, mướp…


Sự nghiệp bán rau của mình bắt đầu vào tháng 7-2017. Những khách hàng đầu tiên của mình là bạn bè thời đại học và các bạn ăn thuần thực vật giống mình. Dần dà đến nay, mình có nhóm khách hàng thân thiết tầm 60 anh chị em. Mỗi tuần mình thu hái, gói rau bằng lá chuối rồi chở xe máy giao đến tận nhà cho khách trong bán kính 4-40km từ nhà mình. Vừa được trồng trọt, vừa có thực phẩm tươi ngon, lại bán được giá, mọi người nhận rau ai cũng vui. Ngoài cung cấp rau củ quả các loại ra, mình chia sẻ với mọi người ngũ cốc và trái cây theo mùa nhà trồng, cả các món chế biến nhà làm như chuối mít phơi khô, dầu phộng.


Những mùa đầu tiên năng suất hoa màu nhà mình chỉ hơn một nửa so với người khác. Mình cũng đã cẩn thận ghi chép nhật ký lao động để biết chi phí và công lao động của cả nhà để sau này tính được giá nông sản hợp lý. Từ lúc đó nhà mình có nhiều sản phẩm nông sản tốt hơn và được mọi người chia sẻ ủng hộ nhiều hơn và thu nhập của gia đình dần được cải thiện. Nhà mình đã xây thêm được một nhà bếp và một nhà kho để lúa và dụng cụ lao động cho gọn gàng.
Gia đình mình gồm bốn người với 5.000m2 đất canh tác, bao gồm cả đất nhà và đất thuê. Cả gia đình dư ăn quanh năm. Lúa, rau, đậu, ngô, khoai, sắn, cà, bí… nhà trồng dư ăn. Đồ nhà trồng hương vị thơm ngon và đậm vị hơn hẳn, các món rau củ muối chua, lên men trong nhà lúc nào cũng có. Nay nhà mình chỉ phải mua muối, đường, tương hạt, đồ khô các loại. Dùng nhiều tiền nhất là các dịp cúng giỗ, đám tiệc – điều mà mình mong muốn sẽ giảm từ từ. Mỗi tháng, cá nhân mình chỉ phải chi tiêu 200.000-500.000 đồng tiền xăng nên ít chịu áp lực tiền bạc. Mình tâm đắc và thực hành lối sống “thiểu dục tri túc”, nghĩa là ít ham muốn cho bản thân và biết đủ, biết ơn mọi thứ trên đời! Mình ngày càng vui hơn, được mọi người yêu thương hơn và mình biết yêu thương hơn.
Tuy có được kinh tế tốt hơn nhưng mình vẫn chưa thấy thỏa trong lòng. Làm vườn theo lối canh tác hữu cơ vẫn chưa phải là cách làm tốt cho Tự nhiên. Vừa làm vừa học hỏi, mình theo dõi các bạn làm nông tự nhiên khác, nhận ra là làm vườn rừng đa loài và đa tầng tán mới thực sự bền vững. Từ giữa năm 2018, mình dành thời gian đến thăm vườn của các bạn. Mình đã hoàn toàn bị thuyết phục và hứng thú với con đường này.
Cứ làm vườn và hoàn thiện bản thân, để trở thành một con người biết sống có trật tự với tự nhiên.
Đầu năm 2019, mình bắt đầu thực hành làm vườn rừng: về xin ngay Ba má một mảnh đất nhỏ để thực nghiệm. Ba má cũng đành cho chứ cũng không có yên tâm lắm. Lúc được làm mình thấy rất vui. Mặc dù biết là làm vườn như vầy thì lâu lắm mới có thu nhập. Nhưng mình đã quen với cuộc sống ít nhu cầu rồi nên mình cũng không quá lo lắng. Kiểu của mình là lúc ấy chỉ muốn làm mà thôi, mình làm vườn rừng nhỏ tầm 300 m2 để vừa dễ chăm sóc và vừa với sự chấp nhận của Ba má.


Tháng 5-2019, mình tạm thời ngưng việc bán rau sau gần hai năm “hành nghề” để phân bổ lại thời gian sống cho chính mình và tìm hướng đi mới. Mình dành nhiều thời gian cho khu vườn rừng và đầu tư cho vườn rau bền vững hơn. Mình hướng đến việc cắt khoảng cách giữa vườn và người mua rau ngắn lại, càng gần vườn càng tốt, bán rau cho khách dạng “thuê bao”, theo mùa. Và mỗi năm, mùa đông, mình sẽ nghỉ tiết nông nhàn 2 tháng. Nhưng mình đã gặp khó khăn một chút khi những cơn lụt cuối năm 2020 đã làm chết rất nhiều cây con lâu năm mình mới trồng. Bài học đó đã giúp mình nhận ra cây gì có khả năng thích nghi hơn, dễ sống sót hơn ở vùng mùa lụt nước ngập, mùa nắng khô khốc chỗ mình. Thế là mình ưu tiên trồng chúng. Mục tiêu phủ xanh trên những mảnh đất trống này là chính yếu đối với mình.
Cho đến nay thì những khu vườn rừng của mình, (nay đã được 1000 m2) đã tương đối khỏe mạnh để tự vận hành. Ba má mình đảm nhận việc trồng hoa màu, lúa và rau trong vườn chừng hơn 4000 m2. Mình thì phụ làm hầu hết những việc nặng và lo bán nông sản của nhà. Nhà mình nay đã có vừa đủ khách hàng tiêu dùng hết nông sản của nhà nữa. Lúc này mình đang ấp ủ sẽ mở rộng quy mô làm vườn rừng hơn chút nữa, ước mơ sẽ mở một xưởng thủ công nho nhỏ để làm việc lúc nông nhàn và hoàn thiện kĩ năng của một người đàn ông hơn.
Ông bà ta có câu, ” Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Mình đã khá thuận lợi khi sinh ra ở đồng bằng ven sông và có đầy đủ mọi thứ để làm vườn tự cung cấp. Nhưng thực tế hiện nay việc canh tác càng ngày càng khó hơn, mực nước ngầm ngày càng hạ thấp, mùa khô ngày càng khô hơn, mưa bão ngày càng khốc liệt, và gần đây là dịch bệnh phát tán…Vầy thì ta sẽ làm gì đây? Quay đầu lại sẽ rất khó, nhưng ta có thể sửa đổi được. Mình tán thành với giải pháp giữ Rừng, giữ và nuôi dưỡng bất cứ cây gì có thể, trồng cây theo hướng vườn rừng sinh thái, đa dạng sinh vật, đa tầng tán, thích hợp với địa phương, học hỏi nâng cao tri thức sống nương tựa vào Tự nhiên và tiêu thụ vừa đủ mức nhu cầu cơ bản là sẽ ổn. “Mong một ngày nào đó khu vườn Địa đàng sẽ quay trở lại”!
Đăng Nhật (Bài viết có tham khảo thông tin theo báo cuoituan.tuoitre.vn)
“Xanhshop: Nhiều bạn đọc thấy mức tiêu dùng của Nhật chỉ loanh quanh 200-500k/tháng thì chắc cảm thấy “khó tin”, nhưng chuyện gì cũng có lý do của nó, Nhật chi tiêu con số ấy phần vì gia đình có truyền thống sống cần kiệm, phần vì mọi thức nhu yêu phẩm lẫn vật dụng công cụ cho gia đình đều đến từ vườn hoặc tự làm thủ công như đan lát, đóng bàn ghế…., phần nữa là vùng miền Trung hay lụt lội nên nếp nhà càng đơn giản càng nhanh gọn chạy lụt. Một gia đình tự cấp tự túc gần như hoàn toàn, nên lúc này tiêu bao nhiêu tiền không quan trọng nữa, mà cảm thấy mọi thức đều đã đủ rồi. Và biết đâu một ngày nào đó, chúng ta sẽ tạo ra một trào lưu thi đua mới: nhà ai tiêu tiền ít nhất. Số tiền bạn tiêu tỉ lệ nghịch với kĩ năng sống ở vườn.” |
Thông tin vườn:
- Chủ vườn: Gia đình bạn Nguyễn Đăng Nhật
- Địa điểm: Điện Bàn, Quảng Nam.
- Fanpage vườn: https://www.facebook.com/Gopmotvungxanh
- Facebook Nhật: https://www.facebook.com/nhat.nguyendang.98
Quảng Nam Vietnam