Đôi dòng tâm sự từ một người đã RỜI PHỐ – VỀ VƯỜN, và hiện tại đang thực hiện giấc mơ biến VƯỜN trở thành “RỪNG” !
Thân chào tất cả các bạn, những người đã, đang và sẽ cùng nhau gieo những mầm xanh, sống đúng như chúng ta là một phần nhỏ bé của tự nhiên hòa hợp.
Mình tên là Công, năm nay mình đã 28 mùa Đom đóm. Trước đây mình cũng đã từng khăn gói lên vài thành phố như Hồ Chí Minh, Nha Trang, Buôn Ma Thuột và làm khá nhiều công việc khác nhau. Tuy nhiên, hiện tại mình đã tiếp quản khu vườn của đình từ tay Mẹ, và nghiễm nhiên trở thành anh nông dân. Mẹ đã thay ba, thay những đứa con trai săn sóc vườn nhiều năm qua, để cả gia đình cơm no, áo ấm và tụi mình có một tuổi trẻ vẫy vùng, chính vì thế khu vườn tên: Vườn của mẹ.
Hiện trong khu vườn mình gồm 3 thành viên chính:


- Mình là nhân lực chính cho lối làm vườn nương tựa tự nhiên.
- Mẹ cũng là nhân lực chính nhưng mẹ vẫn có những lo toan như các bà các cụ xưa nay, nên làm gì cũng để ý đến năng suất và lợi nhuận, vậy nên bà luôn cố gắng trồng những loại cây mà cho rằng sẽ mang lại giá trị kinh tế cao. Nhưng dù trồng cây gì đi chăng nữa vẫn là lối canh tác nói không với hóa chất tổng hợp.
- Vợ của mình đang trong quá trình làm quen với khu vườn, nên cô ấy chịu trách nhiệm chính cho việc thu hái, chế biến nông sản đủ nhu cầu gia đình.
- Và sắp tới một thành viên nữa đang chuẩn bị về vườn là anh trai của mình, đó là một tin rất vui. Tụi mình đã lớn lên dựa vào mảnh vườn, thế rồi lại rời mẹ rời vườn đi tìm khung trời khác, cuối cùng nhận ra không đâu gắn kết thương yêu như mảnh vườn ấy, đến một ngày tụi mình đã đủ dũng khí để quầy tụ lại đây – nơi mảnh vườn của mẹ.
1. Giới thiệu vườn:
Khu vườn nằm ở cổng chào thôn Cao Bằng, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lăk, với diện tích hơn 2ha.
Từ rất lâu rồi, ba mẹ mình đã canh tác theo lối phân bón, hóa chất nông nghiệp, ruộng đồng sạch cỏ. Những năm đầu mình tiếp nhận cũng làm theo lối này, thậm chí tuổi trẻ háo thắng muốn chứng minh bản thân nên mình còn phun xịt đầu tư nhiều hơn. Nên có thể nói khu vườn bị “nhiễm độc”, nhưng bản chất đất tốt sẵn của vùng Tây Nguyên nên là trồng cây gì cũng có ăn.
Khu vườn có vài yếu điểm:
- Đất dốc mà mặt đất thì cạo sạch cây cỏ nên thường xuyên bị xói mòn, rửa trôi vào mùa mưa.
- Nằm trên khu vực có lượng mưa thất thường và không dàn trải đều theo mùa, cùng với đó lượng nước tưới lại không nhiều, phần lớn phải khoan giếng rất sâu.
- Vườn nằm ngay vùng chuyên canh sầu riêng lớn nhất Đăk Lăk, vô hình gây áp lực lên giá trị sản phẩm hiện hữu mà khu vườn có thể tạo ra – một thử thách rất lớn cho những người chưa đủ kiên định và rõ ràng về lập trường nếu muốn làm điều gì đó khác biệt.
2. Câu chuyện về vườn:
Ngay từ khi còn rất nhỏ, mình đã theo ba mẹ đi làm vườn, có thể nói rằng bản thân đã lớn lên và trưởng thành trong lòng của khu vườn ấy. Mình gần như nhớ hết và quen thuộc mọi thứ, đến mức đứng ở đâu trong mảnh vườn mình cũng thấy giống một cuốn phim quay chậm những diễn tiến mà vườn đã từng đi qua. Vườn và mình có một gắn kết vô hình, bền chặt nhưng mãi sau này mới nhận ra.
Vì không chịu nổi sự bó buộc, nên mình quay về làm nông với tinh thần “nhà có vườn về mà làm chủ chứ tội gì đi làm thuê cho người ta”. Cứ thế mình bắt đầu là vì tiền, vì danh.
Năm 2014, học xong Cao Đẳng, bôn ba một thời gian rồi mình về làm vườn, khi đó mọi hình dung về nông nghiệp vẫn theo những gì đã được tiếp nhận từ lúc nhỏ – là phân bón, thuốc trừ sâu, là phải loại bỏ tất cả các loài mang tiếng xấu cạnh tranh dinh dưỡng, tập trung trồng những loại cây được cho là mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nên những cơn sốt như: Tiêu, Bơ Booth, Sầu Riêng… . Làm nông với phương châm: tạo ra sản lượng cùng mẫu mã đẹp – TẤT CẢ VÌ TIỀN, chẳng mảy may gì tới những tác động hay hệ lụy của nó, và thật sự cũng chẳng ai bàn hay nói cho tụi mình biết cái hệ lụy ấy.
Tương lai vật chất hào nhoáng, cái tôi chất ngất cứ ngày lớn lên. Và rồi chuyện gì đến cũng đến, cuộc đời đã tát mình một cú đau đớn cho sự ngạo mạn, trong khi bản thân thì kiến thức hạn hẹp mà lòng tham thì cao vợi:
- Sức khỏe của mình ngày càng tồi tệ, việc phải mang vác và làm nhiều công việc quá nặng dẫn đến bị gai cột sống từ năm 24 tuổi,
- Việc tiếp xúc chất hóa học độc hại với tần suất liên tục khiến cơ thể trở nên mệt mỏi và tình trạng rối loạn tiền đình xuất hiện ngày càng nặng,
- Tinh thần cũng luôn trong trạng thái chịu áp lực vì những mục tiêu, những mong cầu đặt lên khu vườn.
Cơ thể này đã không còn chịu nối lối canh tác, lối sống ấy. Mình dừng lại và suy xét về nó một cách nghiêm túc. Mất một thời gian loay hoay với hàng sa số câu hỏi của chính bản thân, cho tới khi vô tình tìm thấy những cuốn sách như “Cuộc cách mạng một cọng rơm” và “Quả táo thần kỳ của Kimura”.


Điều đầu tiên cảm nhận được đó là: thật may mắn vì tuổi thơ đã được trải nghiệm những sự việc mà trong sách đã nhắc tới, cũng chính vì thế mình tin và thật sự hiểu những gì sách nói. Ở ngay trên quê hương lúc mình còn nhỏ , hay trong cả những câu chuyện mà ông bà kể lại, thì mọi người đã từng sống nương tựa vào thiên nhiên. Cuộc sống tuy không xa hoa nhưng thật vui vẻ dễ dàng. Nhu cầu của con người thời đó rất đơn giản mà tự nhiên thì hào phóng chu cấp cho tất cả, chúng ta đã từng có cái nhìn khác vào tự nhiên chứ không chỉ là: tiền.
Gấp trang sách lại, đối chiếu với những việc đã làm và những thứ đang có, mình biết rằng bản thân đã đi ngược lại với cách vận hành của tự nhiên – nhất là trong nông nghiệp nói chung và với cây cối nói riêng. Vậy là quyết định phải thay đổi. Đầu tiên là bản thân này cần thay đổi, cần nhìn lại vị trí của con người trong khu vườn.
Khi đã biết sai ở đâu, mình bắt đầu mày mò thêm nhiều tài liệu hướng dẫn về làm vườn ở trên mạng, và bắt đầu công cuộc thay đổi:
- Đầu tiên là tạo sinh khối tại chỗ + che phủ đất: để cỏ dại mọc tự do, trồng thêm các loại cây dễ sống sinh trưởng nhanh như cỏ vetiver, cúc quỳ, muồng hoa vàng, chuối, keo, thêm một ít các loại cây gỗ lâu năm.
- Ngưng hoàn toàn sử dụng đến phân thuốc hóa học.
- Tâm lý cũng rõ ràng: muốn vườn sinh trưởng tốt, đa dạng và phong phú chứ không muốn kiếm nhiều tiền từ vườn, nên sẵn sàng đón nhận mọi kết quả khi thay đổi. Mình sống ở vườn từ bé, nên chắc chắn không thể chết đói được, nên càng yên tâm để vườn tự diễn biến.
Để rồi mình quan sát được:
- Đất đã không còn tình trạng xói mòn vào mùa mưa, cải thiện độ ẩm vào mùa khô,
- Những loại cây trong vườn ban đầu chết cũng có nhưng đa số là xấu đi trông thấy, rồi sau đó cũng dần quen với điều kiện phải tự sinh tự diệt, nên đã có thể tự vượt qua được hầu hết các vấn đề gặp phải như nấm bệnh.
- Các loại sinh vật trong vườn từ trên tán đến dưới đất đều sinh sôi trở lại và xuất hiện thêm một số loại đã vắng bóng từ lâu.
- Tuy vậy hiện tại (sau 3 năm) cán cân trong vườn vẫn đang trong quá trình thiết lập lại, vậy nên sâu bệnh còn “hoành hành” khá mạnh. Và tới bây giờ mình vẫn đang tiếp tục trong quá trình quan sát để học và hiểu hơn về khu vườn, đồng hành với việc phục hồi ấy và cũng cố gắng lan rộng tinh thần yêu cây thương đất.
Cũng vì vừa làm vừa quan sát và học theo quan điểm của cụ Fukuoka “ thử không làm việc này việc kia thì sao”, ưu tiên cách vận hành của tự nhiên để bớt tác động vào khu vườn, nên đã bỏ được rất nhiều công việc không cần thiết. Chỉ trừ khi có việc nặng, hay một số công việc phải làm gấp rút trong thời gian ngắn, nhưng cũng không đáng kể, còn lại gia đình tự túc nhân công hoàn toàn. Từ khi thay đổi cách làm, mình đã có thêm rất nhiều thời gian để dành cho mục đích SỐNG. Mình không phải chạy rầm rầm theo cuộc sống nữa, mỗi ngày từ từ bước đi theo nhịp độ của chính bản thân.
3. Đôi câu chuyện về thu chi và tiền bạc:
Ngày trước, khi còn là NÔNG DÂN DẦU MỎ, việc cân đối chi phí đầu tư là vấn đề nan giải:
- Vay nợ từ đại lý phân thuốc để bón chúng vào vườn.
- Sau khi thu hoạch xong, sẽ gom tất cả tiền để trả khoản nợ trên. Nông sản được giá thì hết nợ đồng thời lời một khoản, nông sản trượt giá thì có thể chẳng còn gì, thậm chí còn chút nợ. Xong mỗi mùa vụ như đánh một canh bạc, hao tổn không biết bao nhiêu là nơ ron thần kinh 😀 .
- Trồng cây theo phong trào, nên mình cũng trồng chặt vài lần, tiền lời từ mùa vụ đã ít mà còn thâm dần vào sự đầu tư ăn theo này nữa, nên có những lúc nợ nần chất đống. Vậy nên cái áp lực nông sản bắt buộc phải bội thu, phải được giá nó lớn lắm.
Nhưng từ khi mình chuyển qua làm NÔNG DÂN MẶT TRỜI, mọi thứ đã dễ thở hơn rất nhiều:


- Dựa vào năng lượng mặt trời để tạo ra sinh khối tại chỗ và miễn phí: trồng cây che phủ như ở trên mình đã nói.
- Sử dụng giống địa phương và trồng cây từ hạt, không chạy đua theo phong trào trồng các loại cây đang “hot”. Vậy là chi phí của mình bỏ vào khu vườn chỉ dừng lại ở việc dựng rào bảo vệ (gia súc, gia cầm hay lang thang vào “ăn ké”), mua sắm và sửa chữa nông cụ, chi phí tưới tiêu và một phần nhỏ chi phí sưu tầm các loại hạt- giống cây mà mình yêu thích.
- Mình chủ động với cuộc sống cắt giảm chi tiêu và nhu cầu, “ có sao sống vậy” , ưu tiên duy nhất của mình là tạo điều kiện để khu vườn có thể phục hồi, tái sinh.
- Chi phí sinh hoạt cũng giảm đáng kể, thay vì đi chợ gia đình mình ưu tiên ăn mọi thứ có sẵn tại vườn, ăn uống theo vườn, chăn nuôi thêm để phong phú bữa ăn. Các nhu cầu mua sắm vật chất thì gần như không có.
Thu nhập về tiền mặt, hiện gia đình kiếm được từ những nguồn:
- Thu hoạch các loại các loại cây ngắn ngày như chuối, trái cây hàng năm như cà phê, tiêu, bơ và sầu riêng, mãng cầu xiêm… tuy sản lượng không lớn và mẫu mã cũng không được bắt mắt, nhưng bù lại luôn ổn định và tất cả đều là lãi vì không phải trừ đi phần đầu tư ban đầu. Mình chủ yếu bán cho thương lái địa phương, giá địa phương luôn.
- Thu nhập đến từ việc nuôi bò, nó giống như một khoản tiết kiệm sinh lời bằng cách cung cấp thêm phân bón cho khu vườn, và sau khoảng 2 năm sẽ đem lại một số tiền lớn để thực hiện các mục đích như sửa sang nhà cửa và mua phương tiện. Việc nuôi một vài con bằng thức ăn lấy từ trong vườn cũng không mất quá nhiều thời gian và công sức.
- Ngoài ra vườn còn nhận được một khoản đầu tư “thiên thần”, đến từ anh trai mình, nhưng nó cũng chuẩn bị kết thúc vì anh sắp quay về và đóng góp vào khu vườn bằng sức cơm. Kể cả như vậy thì mình thấy nó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến bản thân hay khu vườn, ngoài một niềm vui lớn là gia đình sắp được quây quần, anh rồi sẽ cảm nhận được SỐNG. Với lối sống chúng mình chọn, thì khu vườn luôn nuôi đủ nuôi cả gia đình.
Chữ ĐỦ đến hôm nay mình vẫn đang học, nhưng mình ý thức được rằng chỉ cần tự bản thân thấy đủ thì sẽ không có ý muốn mưu cầu thêm nữa. Nếu còn cảm thấy cần thêm, còn cảm thấy phân vân, băn khoăn, cân đo đong đếm một chút lợi ích, thì khó đi được đến cái đích mang tên là ĐỦ. Tới bây giờ, mình cảm thấy có rất nhiều nhu cầu trước đây luôn mong ước đạt được, nhưng thật ra nó lại chẳng thực sự mang lại giá trị SỐNG. Ngược lại khi đặt chúng xuống được, cuộc sống của mình trở nên mới mẻ và cảm nhận được nhiều thứ HẠNH PHÚC hơn, những thứ đã bị mình bỏ qua lúc mải chạy theo những nhu cầu.
4. Thuộc về cộng đồng:


Có lẽ may mắn gần như lớn nhất cho công cuộc “về vườn” của mình đó là: được trở về với cộng đồng đã nuôi dưỡng bản thân từ tấm bé, mà cộng đồng ấy lại còn giữ được gần như toàn bộ những nếp sống, văn hóa truyền thống từ xưa nay, cái nếp mà mình rất ngưỡng mộ. Mình chỉ đơn giản là trở về NHÀ, rất thân thuộc, rất bảo bọc và đầy tình người.
Như đã kể ở trên, vườn vẫn phải dựng rào, nhưng mục đích chủ yếu là bảo vệ cho đàn gà khỏi những con chó hoang, hoặc tránh việc những con bò đi lang thang khi mà bọn nhỏ mải chơi quên trông chừng. Mình luôn nghĩ, thay vì dựng rào bảo vệ khu vườn khỏi những người xung quanh, thì tốt hơn hết là chúng ta nên biến họ trở thành đồng minh và bảo vệ lẫn nhau khỏi những người khách không mời.
Và thêm nữa, ta không thể sống một mình, ai cũng muốn là một phần của cộng đồng “tương quan với giá trị sống ta chọn”, vậy nên thương được cứ thương, cho được cứ cho, bản thân là một con men “lối sống” đủ mạnh để lây men đi khắp nơi vào một ngày nào đó.
Mình cũng hoàn toàn ngưỡng mộ những tri thức, giá trị truyền thống của các cô, các chú ở quê. Có thể mọi người canh tác khác, lối nghĩ khác, nhưng không có nghĩa mình đúng, mọi người sai, hay bản thân mình cao hơn ai cả. Ngôi làng này còn cả một nguồn tri thức để mình học, để nương tựa. Cộng đồng được xây dựng bằng tình người nên cứ cho đi cái tình, chuyện gì sau đó cũng có thể từ từ bàn luận, trò chuyện.
5. Một vài điều nhận ra:
Sức khỏe là lý do lớn nhất để mình thực hành vườn rừng. Kết quả thu được:
Đầu tiên là bản thân này cần thay đổi, cần nhìn lại vị trí của con người trong khu vườn.
- Bản thân mình sau 3 nay thay đổi, cơ thể luôn thoải mái, đầu óc cũng nhẹ nhàng, ngồi ngẫm nghĩ được nhiều thứ hay ho thú vị hơn, biết “SỐNG” hơn.
- Còn mẹ đã có nhiều thời gian để nghỉ ngơi sau mấy chục năm vật lộn với việc làm NÔNG DÂN DẦU MỎ.
- Việc làm không quá bận rộn, có thêm thời gian quan tâm đến nhau, nói những lời thương mà đã từng quên, không khí gia đình thoải mái, cởi mở.
- À và may mắn thay, con mình sắp chào đời, đứa trẻ từ khi trong bụng mẹ đã được sống trong một môi trường an lành.
Một khung trời để học: ngày xưa khi còn tới trường, thầy cô giáo nói với học sinh rằng “ học ngu mai mốt về làm nông dân”. Đến bây giờ mình có thể khẳng định một điều rằng :
- Về vườn làm nông dân bắt buộc phải học nhiều thứ và học mãi. Một người nông dân là phải biết nhiều kĩ năng khác nhau trong cuộc sống và sẽ nổi trội ở một vài lĩnh vực, từ đó hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng, để trở thành một cộng đồng mạnh, tự cấp tự túc mọi nguồn lực.
- Càng biết nhiều kỹ năng thì số vốn hay tổn thất mà chúng ta phải trả sẽ càng ít lại.
- Học lý thuyết là chưa đủ mà còn phải học cách thực hành, cùng với đó là kỹ năng quan sát và cả cảm nhận nữa. Vậy nên với mình, ngoài việc tìm hiểu các tài liệu, đọc sách thì việc trao đổi và học hỏi những người xung quanh rất quan trọng.
- Có một cách học mà mình rất thích nữa, đó chính là học từ “tự nhiên”, bằng cách quan sát mọi thứ vận hành trong khu vườn, mình cũng ngộ ra rất nhiều điều trong việc định hình tư tưởng sống.
- Sắp tới vườn sẽ có thêm thành viên nhỏ, và mình cũng đang háo hức chờ đợi để cùng bạn ấy học thêm nhiều điều mới, có thể sẽ có những điều chưa bao giờ nghĩ tới hay gặp phải – sẽ là một người bạn và là một người thầy mới.


Mình thấy rằng: về vườn là lựa chọn một lối sống khác chứ không chỉ là một hướng đi trong sự nghiệp. Và để thực hành một phương thức canh tác nào đó thì nhất định phương thức ấy phải khớp với giá trị sống của bản thân, bởi lẽ nếu như ý niệm và cách làm không đồng nhất thì sẽ khiến mỗi ngày là một mớ rắc rối chất chồng. Vậy nên Hành trình về vườn vui vẻ là: vui vẻ với những gì ta làm, vui vẻ với những gì ta có và vui vẻ với những mục tiêu khiến ta cảm thấy bản thân ngày càng có ích hơn.
Cảm ơn các bạn đã dõi theo câu chuyện, mọi thứ vẫn còn rất dài và nhiều điều thú vị đang chờ đón mình ở phía trước. Người nông dân hứa sẽ luôn cố gắng trồng thêm những cái cây KHỎE MẠNH. Xin chúc các bạn sẽ trồng được thật nhiều CÁI CÂY của cuộc đời mình, để thật lâu sau đó đem lại TRÁI NGỌT cho thế giới này.
Nông Văn Công
Thông tin vườn:
- Chủ vườn: Gia đình Công & Nhi.
- Địa điểm: thôn Cao Bằng, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lăk.
- Fanpage: https://www.facebook.com/profile.php?id=100040749854748
- Facebook của Công: https://www.facebook.com/profile.php?id=100014124365077
Dak Lak Vietnam