Cây Knia

Trong khu vườn rừng của tôi nuôi dưỡng. Tuy tôi chưa thống kê, nhưng chủ quan nhận định, có thể có tới hơn trăm loài cây cỏ. Trong đó một trong những loài mà tôi quí là cây Knia.

Cây Knia tức là cây cốc (Quảng Nam), cây cầy (Bình Định). Là loài cây rừng bản địa mọc ở Tây Nguyên, được coi như một trong những biểu tượng của xứ sở này. Knia có thân cứng cáp, thẳng, rễ chắc. Rất hiếm thấy cây Knia cong queo, rất hiếm thấy nó bị trốc gốc, gãy đổ dù được đứng giữa rừng hoặc đơn độc một mình.

Thường thì nó giữ lá quanh năm nên là nơi nghỉ nắng lý tưởng. Điểm đặc biệt nhất là nó không dễ chặt hạ chút nào. Bởi gỗ của nó không có lõi nhưng đồng nhất trong ngoài, rất cứng chắc, trong thớ gỗ có những tinh thể như cát. Rìu rựa chặt vào mấy nhát sẽ bị cùn đơ ra, không còn sắc bén nữa, dùng cưa cũng vậy, nên rất khó cắt xẻ. Hầu như trước kia người dân ít dùng gỗ của nó làm nhà (thậm chí người Bình Định còn kiêng cữ), người Gia Rai bản địa dùng cây non chẻ ra làm chẽn rìu vì rất chắc dẻo. Có lẽ vì những đặc điểm như vậy nên người dân hay chừa cây Knia khi phát rẫy. Chỗ có tán cây Knia thường được chọn làm nơi nghỉ ngơi, làm chòi. Đáng tiếc là bây giờ, với các loại cưa máy có lưỡi hợp kim chống mài mòn tốt, với tình trạng khan hiếm gỗ, những cây Knia dù to lớn cứng cáp cũng bị triệt hạ.

Sau những trận cháy rừng, cháy rẫy thì lá Knia khô rụng rồi lại hồi sinh mạnh mẽ chứ cây không chết. Tôi đã từng chứng kiến một cây Knia bị đốt cháy nửa thân vẫn đứng hiên ngang vài năm sau xanh tốt trở lại.

Đặc biệt nhân trong trái Knia ăn rất ngon. Bây giờ nhiều người thu hoạch trái Knia tách nhân rồi đem bán ở các hội chợ, lễ hội trong vùng hoặc trên các trang mạng như một món đặc sản với giá khá cao. Cá nhân tôi khi ăn nhân trái Knia nhận thấy nó có hương vị giống như hạt mac ca nhưng ngon hơn.

Bởi những lẽ đã trình bày trên tôi thường suy nghĩ tại sao người ta không tích cực nghiên cứu và PR cho cây Knia – một thứ cây lâm nghiệp bản địa đa tác dụng, nhiều ý nghĩa, như đã từng làm với cây mac ca ngoại lai. Phần tôi trong khu vườn rừng của mình. Tôi đã đang nuôi dưỡng hàng trăm cây Knia. Tuy chưa cây nào cho trái nhưng tôi tin rằng sau ít lâu nữa tôi sẽ có những cây Knia tuyệt đẹp.

Lão Đồng

Xanhshop cũng xin đóng góp một vài thông tin về hạt Knia được chia sẻ trên internet:

1.Mùa thu hoạch:

Ở Đông Nam Bộ khoảng tầm tháng 9 là đến mùa Knia rụng hạt.

Ở Tây Nguyên, cứ hết mùa rẫy (tháng 12), là đến mùa hạt Knia rụng, bà con sẽ theo chân nhau đi vào rừng, đi theo những con suối, con sông để nhặt Knia.

Cây Kơ nia gắn bó mật thiết với người Tây Nguyên, là “cây che bóng mát, hạt nuôi đồng bào”. Dù không có một yếu tố nghi lễ, tín ngưỡng gì liên quan đến cây Kơ nia, nhưng xung quanh cây Kơ nia lại có nhiều câu chuyện truyền miệng thần kỳ. Già Ma Thông A ở buôn Trí A nói: “Có lẽ do dáng hình vạm vỡ, “cây cao bóng cả” của nó mà bà con dân tộc Tây Nguyên xem cây Kơ nia là nơi các thần linh trú ngụ và còn ban cho họ hạt Kơ nia – món ăn được dự trữ đến vài năm để bà con không bao giờ đói”. Với người dân đồng bào cây Knia là cây linh thiêng, họ không bao giờ động đến.

Sau khi nhặt hạt về, bà con sẽ đập lấy nhân thủ công hoàn toàn. Nguồn hình http://baodaklak.vn/

2. Ươm hạt, trồng cây:

Để trồng được cây này trong vườn bạn có 2 cách:

  • Gieo hạt vào đất, và có thể mất đến 2-3 năm hạt mới nảy mầm. Tại Vườn Mai thì 2 năm, còn nhiều vườn khác thì cây tự tái sinh, có thể tái sinh từ gốc cũ đã bị đốn bỏ, cũng có nhiều cây mọc lên không rõ hạt rụng xuống khi nào.
  • Ươm cây, việc để hạt Knia nhanh chóng nảy mầm cực kì khó, nên hiện không có đại lý cây giống nào công bố, nên bạn nào ươm thành công nhớ khoe anh em nhé.

Tuyệt đối đừng bứng cây Knia “hơi lớn” đã mọc từ đất về trồng, vì rễ cây thuộc loại rễ cọc đâm cực kì sâu, việc bứng sẽ làm đứt rễ, cây đa phần sẽ chết hoặc bộ rễ không còn khỏe mạnh, như thế mất đi tính đặc biệt của rễ của loại cây này.

Ý kiến của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Scroll to Top