Mother & Daughter farm

Ngày nhận được thư ngỏ từ Xanhshop (chị Hằng Mai) mình rất vui và vinh hạnh nhưng lại khá dè dặt và đã chọn chậm lại trong việc chia sẻ. Bởi đây là nơi chia sẻ những trải nghiệm “thực chiến” của mọi người trên con đường về vườn, trong khi mình lại có không nhiều trải nghiệm, càng chưa là gì so với độ tuổi của khu vườn và kinh nghiệm, thời gian ông bà, ba mẹ đã gắn với nơi đây.

Gần đây được gắn bó hoàn toàn với quê nhà, ở vườn thường hơn, là dịp tìm về những ký ức vốn đã gắn bó suốt thời niên thiếu của mình. Vườn vẫn vậy, nhưng mình được học thêm điều mới mỗi ngày. Vì vẫn là đứa trẻ thơ trong khu vườn già, mình xin phép được đứng vai trò là đứa con trên hành trình “Tìm về Đất Mẹ”, đại diện chia sẻ lại trong sự giới hạn về trí nhớ của cả gia đình về câu chuyện ở vườn – Mother & Daughter Farm.

1. Người ở vườn:

Từ lúc làm vườn đến nay gia đình chỉ cất chòi để nghỉ trưa, nhiều năm trước có ngủ lại đêm, cả nhà vẫn ở một thị trấn nhỏ dưới chân núi (vườn ở trên núi).

Việc làm vườn hiện tại chủ yếu có 3 thành viên: Mẹ, Ba và đứa con gái là mình.

Điểm chung của ba mẹ đều là anh, chị 2 (con trưởng) trong gia đình thuần nông trước năm 75, nên từ nhỏ đã lao động sớm để phụ nuôi em út và cũng từ đó được thừa hưởng cách làm và chứng kiến sự thay đổi rõ rệt của 2 nền nông nghiệp truyền thống và hiện đại.

– Mẹ – “trái tim vườn”, là lao động chính ở vườn, có nhiều năm gần như chỉ mẹ làm là chủ yếu, kể cả việc bán buôn nông sản.

Vốn là con nhà nông, mẹ có nhiều kinh nghiệm cùng ông bà ngoại làm rẫy, đương (đan) điệm bàng, làm thuê, mua gánh bán bưng để nuôi em rồi sau này là nuôi con. Ngay cả khi ra riêng, ba cũng chủ yếu làm cho nội, phụ nuôi cô chú, rồi lấy gạo về ăn, thật sự thời điểm ấy là một thử thách rất lớn với mẹ. Đầu những năm 90s, trước cái thiếu thốn, áp lực kinh tế trên vai, mẹ phải suy tính và lựa chọn: kiên quyết lên núi làm vườn, nơi mà chỉ những người dân “cùng đường” ở đất bằng mới lên để kiếm sống.

Càng ở vườn, mẹ càng có trái tim bao la yêu thương muôn loài. Việc quan sát nhân sinh quan, lối sống, cách làm vườn của mẹ, cho mình nhiều bài học quý. Thật sự rằng, không có mẹ thì không có vườn và cũng chẳng giữ được đến tận hôm nay cho mình đứng giữa mảnh vườn rừng mà kể chuyện.

– Ba: Không có ba thì chắc không ra hình hài khu vườn ngày hôm nay.

Ba là một người đầy kỹ năng, đa năng nhất trong ký ức tuổi thơ của mình. Việc gì ba cũng làm được từ nông nghiệp, cơ khí, nấu ăn hay các công việc tưởng chừng là thế mạnh của phụ nữ nữa. Nhà nội bao đời chỉ làm ruộng, rẫy đồng bằng (chân núi), vậy nhưng ba dành ít thời gian hơn mà kỹ năng và độ “sành” về làm cũng như sống ở vườn trên núi đa phần vượt hẳn mẹ. Tuy nhiên, đối với ba xứ núi toàn đá khỉ ho cò gáy này từng là một ác mộng theo đúng nghĩa đen, chỉ vì thấy mẹ kiên quyết quá ba phải cùng lên nhưng đêm về nằm mơ mà hoảng sợ.

Trong khoảng 20 năm, ba thường đi vườn núi khi cần: dựng cất chòi, khai mở thêm đất, trồng cây, tạo nông cụ, leo hái thu hoạch nông sản và các việc khác mẹ không thể làm. Còn lại ba tiếp tục làm ruộng, hùn hạp làm rẫy ở đất bằng dù lỗ nhiều hơn lời… Ba cũng thuộc tuyp “bao đồng”, ngày trước hễ chú bác, họ hàng bạn bè nhờ là ba có mặt, không nhờ ba cũng chủ động giúp, tìm việc làm, nhưng phần vì ba vốn không thích làm vườn trên núi. Với ba khi ấy, bằng mọi giá phải xuống đất bằng làm, không thật sự xem đó là kinh tế chính của gia đình (dù thực tế là vậy), nên không muốn đầu tư nhiều cho vườn như hàng xóm. Và vô tình mảnh vườn cứ lớn lên một cách rất “tự nhiên”.

– Thành viên cuối cùng, mình là Thu Đông, người đang viết tiếp câu chuyện ở vườn của Ngoại và Mẹ với tên gọi Mother & Daughter Farm.

Lúc nhỏ mình còn ngu ngơ tự hỏi ba mẹ có phải Lạc Long Quân và Âu Cơ đâu mà người trên rừng người dưới sông vậy? Có những dịp hè mẹ dắt bầy con lên núi ngủ suốt, thỉnh thoảng ba lên thì vui hơn vì được ba làm và chỉ cho thêm nhiều thứ. Bởi theo mẹ lên núi hoài nên dù sinh ra ở miền Tây sông nước mình có nhiều đặc tính của “đứa con rừng rú” trội hẳn “sông nước phù sa”.

Là con nhà nông quen với việc làm vườn từ nhỏ, thật biết ơn vì những điều này đã vun bồi cho mình thêm nhiều phẩm chất. Tuy nhiên, hằng bao năm qua, thế hệ cha ông chúng ta đã không ngại vất vả để đưa con cái thoát gốc nông nghiệp được cho là cực thân quá nhiều, gia đình mình cũng không ngoại lệ. Có nằm mơ ngoại và ba mẹ cũng không nghĩ ra có ngày đứa con gái này muốn về vườn để sống kiếp nông dân ở núi rừng, nơi mà ngày xưa chỉ dành cho kẻ bước vào đường cùng.

Kho báu vốn đã ở nơi mình được sinh ra, đã đến lúc mình trở về!

 Mình được đi học ngành ngôn ngữ Anh, làm việc trong môi trường du lịch nội địa và quốc tế, với niềm mê thích tự nhiên, tâm niệm vùng vẫy đâu rồi cũng để trở về quê, quê nhà là cái neo giúp bản thân thêm vững bước. Nhưng mình chưa có “cố định” ở quê, mà luôn muốn ra ngoài kia xem mọi người đang làm gì, để chắc chắn lúc trở về có đủ hành trang, sự tự tin hay làm một cái gì đó “đúng đắn”, vì chưa biết đặt bản thân ở đâu tại quê hương nên là mon men bay vào thế giới để khám phá bằng cách:

  • Tổ chức các hoạt động dã ngoại trên chính quê hương An Giang, để mang nét đẹp văn hóa và tự nhiên ở nơi đây đến với mọi người, cũng như tạo thêm nhiều cơ hội mới cho bà con tại quê. Chẳng phủ nhận mình là “fan cuồng” quê hương An Giang.
  • Đi nhiều nơi trong, ngoài nước vì đam mê khám phá tuổi trẻ: du lịch, làm tình nguyện viên nông nghiệp, làm farmstay ở Tây Nguyên, kết nối được nhiều người bạn trong cộng đồng nông nghiệp nương tựa tự nhiên… Mỗi năm đến dịp sinh nhật mình lại sắp xếp lang thang đâu đó tầm 1 tháng.
Cứ thế đến một ngày mình nhận ra: đi khắp để biết thế giới đang làm gì, thế rồi bất ngờ và xúc động khi biết thế giới đang trở về làm như mẹ mình – nương tựa, khiêm nhường trước tự nhiên.

Kho báu vốn đã ở nơi mình được sinh ra, đã đến lúc mình trở về!

Ở vườn cũng giúp mình nhận ra: THIÊN NHIÊN KHÔNG CẦN ĐƯỢC BẢO VỆ, CHỈ CẦN CON NGƯỜI ĐỪNG PHÁ HỦY. ĐẤT KHÔNG CẦN ĐƯỢC CẢI TẠO, CON NGƯỜI MỚI CẦN.

Định vị/ định hướng:

Mother & Daughter Farm vốn dĩ là khu “rừng vườn” của Mẹ Thiên Nhiên và mãi là như vậy. (Vốn dĩ xuất phát điểm của vườn nhà mình đã là rừng.)

Mình quan niệm ở vườn thì nên có cái ăn bền vững từ vườn trước đã. Phải luôn đặt vườn làm trung tâm, những thứ còn lại, những hoạt động kèm theo chỉ là những xúc tua xung quanh dựa nên nội lực gốc từ vườn.

2. Khu vườn:

2.1 Sơ lược về vườn:

  • Địa điểm: Núi Dài (Ngọa Long Sơn, vùng Thất Sơn) thuộc thị trấn Ba Chúc và xã Lê Trì, Tri Tôn, An Giang (vườn thuộc địa phận Lê Trì)
  • Diện tích: 4,5ha (gồm 0,5 ha của cậu)
  • Đặc điểm: đất núi, nông – lâm kết hợp, canh tác dưới tán rừng. Đất núi ở đây hầu như là đất lâm nghiệp cho phép người dân kết hợp trồng cây nông nghiệp trong tỉ lệ diện tích cho phép, được quyền khái thác và có nhiệm vụ bảo tồn.

Tiểu sử khu vườn:

Vùng Thất Sơn (Bảy Núi, An Giang) những năm 70s vẫn còn là vùng núi hoang sơ, rừng xanh, người dân sống quanh chân núi.

10 năm không đụng đến đòn gánh, giờ gánh lại thách thức thật sự. Ở tuổi mình các dì, các cô ngày xưa gánh đầy 2 giỏ xuống tận chân núi đường dốc đá.

Năm 1980 cậu 3 và ông ngoại theo vài người khai hoang, vì đi sau nên đất khai hoang nằm cận đỉnh núi, rất khó khăn. Khai hoang không dọn sạch mà trồng cây ăn trái, hoa màu xen cây rừng.

Bảy năm sau, ngoại bán phần khai hoang trước và vẫn mua đất núi này nhưng chỗ thấp hơn.

Mother & Daughter Farm đã được canh tác khoảng 34 năm và trải qua ba đời: ngoại, mẹ và con gái. Hiện tại thuộc sở hữu của ba mẹ từ việc mua lại vườn của ngoại, cậu và chủ khác.

Lợi thế:

  • Đất núi đá, màu mỡ.
  • Chỉ cần dọn đất là trồng gì cũng tốt.
  • Là đất rừng trên núi, đã có cây rừng lớn, cây tiên phong, hệ động-thực vật vô cùng đa dạng

Vấn đề:

  • Vườn trên núi cao, nhiều đá lớn, nhỏ.
  • Từ nhà vào chân núi khoảng 3km, từ chân núi đến vườn mất 1,5 đến 2 tiếng đi bộ.
  • Thời gian dài phân, thuốc hóa học, thuốc cỏ du nhập nên đất ngày xấu đi.

Ghi chú: Những năm 80s đi bộ, gánh bộ từ nhà đến vườn và ngược lại. Từ những năm 90s đi xe đạp đến chân núi, sau đó đi bộ. Những năm 2000s có gắn máy đi đến chân núi. Từ những năm 2010s người dân góp sức làm đường chạy bằng xe máy lên núi.
Thời trước, trời lạnh, sương dày, dân trồng su nhiều, đến mùa là 3h sáng dân đi theo đoàn, đốt đuốc lên gánh về. Thời còn leo bộ, dù làm vườn nhà nhưng vào mùa đào (điều) mẹ vẫn thường đi từ 4h sáng. Xưa người tìm việc, giờ việc tìm người khó khăn vì hiện lao động tha phương nhiều.

2.2. Sơ lược Quá trình canh tác:

 Thập niên 80s (thời ông bà):

  • Khai hoang, hạ cây, đốt đất. Vốn có nhiều cây rừng cây lớn, giai đoạn này chủ yếu trồng cây ăn trái trung hạn, hoa màu: đậu xanh, đậu trắng, ớt, chuối, đu đủ, đậu bắp…
  • Mỗi năm một lần đốt, dọn đất theo ranh (cách 3m), mùa mưa đến thì gieo trồng vụ tiếp theo.
  • Không sử sụng bất kỳ loại phân thuốc nào, sản lượng và chất lượng nông sản đều rất tốt. Bà ngoại mình lại là người “có tay” gieo trồng nhất nhà, cứ để bà gieo là mặc sức có cả đống nông sản thu về.

Thâp niên 90s (ba mẹ bắt đầu lên núi làm vườn):

Ở vườn điều gì khó luôn có ba.
  • Đầu 90s không còn cho phép đốt rẫy mà buộc phải trồng bổ sung cây rừng. Thời điểm này người dân còn được cấp cây rừng giống miễn phí (đa số là Sao), nhưng việc gánh những bầu đất từ chân núi lên vô cùng nặng nề, vất vả. Trong 10 – 15 năm đầu những cây sao sinh trưởng rất tốt, phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng nhưng đổi lại cây của nông dân trồng xung quanh không thể phát triển thậm chí là chết hết. Nên trồng cây sao nhiều mà bà con phải chặt bỏ cũng nhiều. Chỉ khi Sao trưởng thành là những cây gỗ cao lớn vượt bậc thì cây bên dưới mới có thể sống tốt.
  • Phần đất mua thêm đã sẵn có chuối, vú sữa, dừa, cam sành, dâu da, nhà ngoại trồng thêm đào lộn hột, mít, đu đủ, lồng mứt (sapoche hay hồng xiêm), cả bông vải và vài loại khác.
  • Thời ba mẹ mới lên:  dọn giàn su cậu đã canh tác trước đó để tỉa đậu xanh, trồng chuối, mít, đào, ớt, đậu bắp… Giống địa phương mua lại của người dân giữ giống từ vụ trước, hoặc trao đổi, tặng, cho (dùng lon đong hạt giống, đơn vị tính là lít). Cứ mùa mưa đến, đất trống đâu trồng đó, có chi trồng nấy.
  • Canh tác tự nhiên, thu nhập đủ mua thêm mảnh vườn nhỏ lân cận để trồng thêm chuối, mít. Đất núi khi ấy rất rẻ vì làm vất vả, ai cũng mong sớm có tiền để xuống núi tìm việc nhẹ hơn.
  • 1997 giai đoạn bắt đầu sử dụng phân vô cơ, mùa đậu đang cho năng suất tốt thì do ảnh hưởng cơn bão Linda (bão số 5, cơn bão lớn lịch sử tại miền Tây từ trước đến nay) gây mất mùa. Từ đó chủ yếu trồng và thu hoạch cây ăn trái lâu năm, trồng thêm mãng cầu xiêm, mãng cầu ta (na)… so với mãng cầu ta gần như không có thu thì mãng cầu xiêm phù hợp hơn nhiều.

Thập niên 2000s (thời gian mình ở vườn nhiều nhất):

  • Là thời gian mở rộng diện tích, mẹ mua thêm đất ngoại. Bà ngoại dần giao lại các con (ông ngoại đã mất đầu năm 1994, mình được sinh vào cuối năm).
  • Trồng thêm cà tím, gừng nhưng rơi vào tình trang mất mùa được giá rồi đến được mùa mất giá.
  • Giai đoạn 2004, những vùng đất dân có cây tóc (gió bầu) được một số công ty mua giá cao để cấy trầm, thế là người ta đua nhau ươm giống, bán cây và dân gánh lên núi trồng rất nhiều. Từ đó đến 2019 mẹ cứ túc tắc mỗi năm trồng một ít và đã thu nhiều đợt. Hiện nay cây tái sinh nhiều vô số kể, trở thành những “rừng” gió bầu.
  • Mở rộng cây dược liệu, hương liệu dưới tán: thiền liền đen, nghệ, ngải bún… Chúng vừa cho thu nhập, nuôi dưỡng đất, giảm công làm cỏ.
  • Chuối vẫn là cây chủ lực, có quanh năm. Mùa vía Tổ (lễ hội vào tháng 10 âm lịch) ba hay nấu cho mẹ mang đi bán. Mùa khô thì ngủ lại, cứ 4h sáng mẹ dậy sớm ép mang phơi thành “chuối sấy” tại núi.
  • Mít ta (lúc này chưa có giống lai) cũng là loại nông sản cho sản lượng tốt, dễ bán. Trái nguyên vẹn có thương lái mua, còn lại chứ xẻ miếng hay lấy múi mẹ con mình có thể dễ dàng bán ở xóm.
Ở vườn cây xanh quanh năm, một số loại cây lớn, dược liệu mùa khô tàn rụi, mùa mưa lại xum xuê thú vị.

Suốt thập niên 2000 là thời chị em mình nói chung, bản thân mình nói riêng được cho ở vườn nhiều nhất, ngủ đêm lại vườn thường xuyên, được học nhiều kỹ năng, kiếm thêm thu nhập nhờ làm “lính” cho mẹ: làm cỏ, nhổ rau dại bán, hái ớt, lụm hột đào (nhặt hạt điều), chạy vặt, phụ mang giỏ khi ba mẹ hái bắp chuối (hoa chuối), vú sữa… Cũng đã biết gánh những sọt chuối nhỏ vừa sức để gom lại thành đống cho những cô chú gánh thuê xuống núi, (gánh thuê có thể là người chuyên làm thuê hoặc là những chủ vườn nhân tiện đi làm về rảnh tay chân thì gánh kiếm thêm thu nhập).

Đây cũng là giai đoạn mình chứng kiến phân thuốc hóa học trở nên phổ biến và gần như không thể thiếu (nhất là trong đồ hàng bông (cây hoa màu), cây ngắn ngày), đất cứ thế xấu đi nhiều.

Thập niên 2010s:

Giai đoạn chứng kiến xung quanh bắt đầu trồng nhiều cây ghép, giống lai tạo, giống truyền thống không còn được ưa chuộng vì thị hiếu người dùng, vì thời gian trồng lâu. Suốt 10 năm mẹ không thu hoạch mít, phần vì người dùng chuộng mít Thái, phần vì bị ruồi vàng chích hút nhiều. Lý do có thể do thời tiết, môi trường mất cân bằng khi xung quanh sử dụng nhiều phân thuốc hơn.

Nhiều cô bác vì thương, khuyên ba mẹ chuyển đổi nhưng bởi chủ yếu chỉ có mẹ làm vườn trên núi nên không thể theo trào lưu, tốn quá nhiều công chăm sóc, dùng phân thuốc phát sinh nhiều chi phí. Ba vẫn nói với mẹ, cứ làm vậy, trời cho bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Nhiều cây ăn trái cho năng suất thấp vẫn giữ vì có giá trị khai thác gỗ, đồ mộc là đam mê của ba.

Mỗi năm xịt cỏ nhẹ một lần ở một số nơi, còn chủ yếu vườn vẫn cần mẹ dọn bằng tay. Từ năm 2018 đến nay thì dừng hẳn việc dùng thuốc cỏ.

Đây cũng là giai đoạn mình học cấp 3, vào ĐH và đi làm xa nhà, dần không còn kết nối với vườn như trước. Mình làm du lịch, từng cùng khách đến thăm quan rất nhiều vườn, với mình lúc ấy là vô cùng xinh đẹp, thông thoáng. Mỗi khi về nhà mình thường khó chịu vì khu vườn của mẹ trông lộn xộn không tập trung, nề nếp.

2020 đến nay:

Khu vườn hiện tại đã tự vận hành nhiều năm.

Dựa trên những đặc điểm cốt lõi vườn đã có, cách làm đặc trưng của mẹ cùng định hướng mình thống nhất với gia đình, vườn hiện mang những đặc điểm sau:

  • Đa dạng cây trồng: cây rừng, cây ăn trái, dược liệu, rau, cỏ…
  • Hơn 95% cây được trồng từ hạt, cho cây trái vững hơn, bền hơn, chất hơn.
  • Trồng giống địa phương, không dùng các giống lai tạo, biến đổi gen.
  • Không phân thuốc hóa học tổng hợp, kể cả phân hữu cơ (vườn đã tự vận hành theo tự nhiên từ nhiều năm).
  • Vườn trên núi cao, xanh-lành, nhiều năng lượng, cây trái nhiều dinh dưỡng, dược tính cao.
  • Mùa nào thức nấy, năng suất tùy mùa. Tôn trọng, không tác động phi tự nhiên
  • Dành 10-100% (tùy mùa/loại) để lại đất mẹ, tự nhiên, muông loài.
  • Luôn có ưu đãi với thực khách là người địa phương.

 Nhân lực:

Ngoài 3 nhân lực chính trong gia đình thì tùy năm, tùy mùa ba mẹ sẽ thuê 1, 2 người phụ ruồng dọn vườn, thu hoạch. Tổng thời gian thường diễn ra vài tuần.

Dù qua bao nhiêu năm, đòn gánh vẫn chắc chắn trên vai mẹ.

3. Chi phí đầu tư:

Ba vẫn thường “phân bì” với mẹ: “Bà vậy mà sướng hơn tui, không bỏ tiền đầu tư, không lo lời lỗ, tối ngủ khỏe thân”. Tại ba làm ruộng, làm rẫy mà, đầu tư nhiều chi phí lắm.

Mảnh vườn gần như là công sức của ngoại, của mẹ, của ba, còn chi phí tính bằng tiền mặt thật sự không nhiều. Mảnh vườn, cả cuộc đời của mẹ.

Vì “nhát gan” nên ba mẹ lâu rồi không đầu tư gì cho vườn nữa, ngay cả cái chòi cũ đã sập nhiều năm cũng mới chỉ được dựng lại vài tháng nay, và bởi thấy chưa cần thiết để dựng liền. Thời gian dài, ba mẹ khó có thể nhớ hết chi phí đầu tư trồng hoa màu ở những thập niên cũ. Mẹ chỉ có thể nhớ khá rõ đã chi 1,5-2 triệu để mua cây tóc (gió bầu) giống để trồng hơn 10 năm trước :D. Và lần đầu tư khủng là 5 triệu tiền mua giống cam quýt, theo mẹ thì đây mức chi khủng thuộc hàng “top đầu” chi phí mà bà đã đầu tư từ khi về vườn đến giờ ?.

Riêng 2021 gia đình có chi phí sau:

  • Cất lại chòi 5 triệu, nhờ vào việc tận dụng vây gỗ, tầm vông tại vườn, sử dụng lao động trong gia đình là ba và các chú bác. (Chưa bao gồm vài trăm chi phí tiệc “tân gia” ngày hoàn thành :D)
  • 1,8 triệu tiền thuê 2 nhân công ruồng cỏ (bằng tay) cho phần đất của cậu. Vì đất gần đỉnh núi, nhiều đá, dốc cao, chỉ có cây rừng và chuối, thường để hoang, cấy cối um tùm nên cách năm vẫn phải thuê người có sức dọn, vừa tạo sinh khối vừa tiện thu hoạch chuối.

À một “trải nghiệm đau thương” nhưng có giá trị vô cùng: hồi đầu mới lên vườn, ba mẹ cũng “máu”, mua dây để kéo nước tưới ớt mùa khô, và kết quả là ớt thì chết, thu không được bao nhiêu, mất tiền mua dây không nói mà cái công tưới thì trần ai khoai củ ?. Mất cả chì lẫn chài. Có lẽ kể từ đó mẹ đã loại bỏ được nhiều sự cưỡng cầu, mong muốn của bản thân lúc làm vườn, bà cứ lựa lựa, nương nương theo vườn, theo thời tiết và sức mình thôi. Có lẽ sự “nhát gan” trong “đầu tư” bắt nguồn từ đây ?.

Mảnh vườn gần như là công sức của ngoại, của mẹ, của ba, còn chi phí tính bằng tiền mặt thật sự không nhiều.

4. Thu nhập:

Gia đình có 5 người, hiện chỉ em gái mình còn học ở trường. Việc sống và làm theo hệ “nửa mùa” – mùa nào thức nấy cũng giúp gia đình có đủ ăn quanh năm từ lúc mới làm vườn đến nay.

Cụ thể trong vài năm gần đây các nguồn thu của gia đình đến từ:

Ở vườn:

Nguồn thu chính và thường xuyên của vườn

Nông sản thay nhau cho thu hoạch quanh năm: cây gỗ, cây ăn trái, cây hương liệu, dược liệu, rau rừng… đa phần bán tại địa phương. Gần đây mình về thì bắt đầu bán lẻ đi xa hơn: có khách Sài Gòn, các tỉnh lân cận hay ngoài khu vực đối với nông sản khô.

Riêng chuối là cây chủ lực cho thu hoạch nhiều quanh năm, cũng có vài thương lái đến thu mua xuất sang Campuchia. Chuối miền Tây vốn ngon, giá cao hơn so với các vùng khác, đặc biệt chuối vùng Bảy Núi quê mình thiên nhiên ưu đãi cho chất lượng vượt trội nên từ xưa được nhiều nơi ưa chuộng, ngay cả Campuchia là nơi trồng không ít chuối.

Ngoài vườn:

Nhà mình có làm ruộng năm lời, năm huề vốn, năm lỗ :D.

Bình thường mình có công việc riêng: về du lịch (hướng dẫn viên, tổ chức, hỗ trợ quản lý farmstay…), về khảo sát, phiên dịch (phỏng vấn viên, điều tra viên cho các dự án thời vụ). Gần đây về quê mình nhận được lời mời đi dạy tiếng Anh cho trẻ ở một trung tâm khi tình hình dịch ổn hơn. Nói chung, không chỉ khi về vườn, mình vốn thuốc hệ “dân chơi nửa mùa” từ lâu, ở đâu cũng phải kiếm sống được. Và thực tế lần này ở vườn công việc mình còn có vẻ “chuyên môn” hơn trước.

Mình nhận được nhiều câu hỏi nghi ngờ về lợi ích kinh tế của cách làm vườn vốn không hề mới này, vì nghĩ rằng đây là mô hình dành cho người có đồng tiền nhàn rỗi, không áp lực kinh tế. Sự thật như bạn thấy đấy, khu vườn đã nuôi cả gia đình mình suốt bao năm qua, là cứu cánh khiến mẹ đủ tự tin để nuôi được con, vực dậy được gia đình. Vậy nên cũng phải xem lại, nếu một mô hình để đáp ứng tham cầu, thì không biết bao nhiêu là đủ.

5. Hòa nhập cộng đồng:

Với mình, sinh ra ở đâu thì sống và làm ở nơi đó cũng là một cách nương theo tự nhiên, nên không có gì quá khó khăn trong việc hòa nhập. Từ đầu, vườn và quê vốn là nơi mình thuộc về.

Mình từng bất ngờ (dù hiểu lý do) khi thấy nhiều nơi vườn được xây dựng, kéo lưới rào chắn lại từng khu. Đây là điều hoàn toàn chưa từng xảy ra ở quê mình. Đất núi non, dốc đá, ranh lồi lõm, lại chẳng có gì phải ôm giữ riêng thì việc rào chắn sẽ trở thành câu chuyện hài siêu to, siêu tốn kém. Không có ranh đất nào rẻ, hiệu quả hơn rừng của tự nhiên.

Cộng sinh:

Từ nhỏ, mình đã thấy được mối quan hệ cộng sinh trong cộng đồng “đồng nghiệp” của ba mẹ ở xứ này:

Thời ông bà, ba mẹ vốn đã hòa nhập rất tốt, cái tình rất thân, mình chỉ cần quan sát, linh hoạt kế thừa và dễ thương cái đã rồi tính tiếp 😀

  • Các giếng nước được sử dụng chung. Ở đây giếng không thể khoan, đất ai may mắn có mạch nước lớn giếng có nước quanh năm cũng sẵn sàng chia sẻ với người ở gần.
  • Bắp chuối (hoa chuối) nếu không thu hoạch, buồng chuối sẽ không phát triển tốt. Người có ít đất, lúc nông nhà sẽ thoải mái vào vườn mình để hành nghề thọc/xắn bắp chuối. Lợi cả đôi bên. Nhưng khi mất cân bằng, ví như vì tham lợi người thu bắp chuối xắn mất luôn phần nải còn non, chưa tách bẹ để có được bắp lớn hơn, gây mất mát hoặc hư hại, sẽ được chủ vườn góp ý, căn dặn. Trường hợp không vui, góp ý hoài không thay đổi, chủ vườn sẽ dạt hỏng luôn phần đuôi bắp chuối từ khi còn non, bạn mất quyền lợi.
  • Chủ vườn trồng hoa màu, thuê người làm cỏ, trong đó có rau càng cua, kim thất (tàu bay) sẽ được người làm cỏ giữ lại bán. Chủ vườn có thể cho luôn hoặc chia với nhân công đó. Tương tự khi dọn vườn mà vườn có nhiều ớt dại, trái này trái kia.
  • Ngoài ra ở đây còn có những người chuyên hái lá mối/lá sâm, săn bắt để bán hay ăn, nhổ thuốc nam cho hội từ thiện, họ có thể tự do đi khắp đất chủ vườn, miễn là họ thu thứ chủ vườn không thu và không làm tổn hại gì khác.

Lý giải những việc này ba mẹ mình nói: Con ơi, chim trời cá nước trời ban, mình hẹp lòng quá người ta ghét. Cứ rộng lòng thôi, rồi không nhờ họ cũng giúp, để ý, trông coi vườn thay vì người ta phá quấy.

“Bài văn” của ba mình ^^. Bà con cùng nhau làm đường, cùng xây dựng, thống nhất văn hóa đi đường.

Mong muốn:

Mình vẫn có những mong muốn để việc cộng sinh hiệu quả hơn mà trong tương lai sẽ tìm kiếm giải pháp để cùng bà con thực hiện:

  • Mẹ không nuôi con gì nhưng luôn chừa lại phần nông sản cho động vật ở vườn và bà thường cảm thấy tội, không thoải mái khi có người vào săn bắt. Đôi khi được hỏi vườn có nghe con này con kia kêu gáy không, mẹ phải nói dối là không nghe, chứ chẳng dám đề nghị họ dừng việc săn bắt.
  • Việc sử dụng nhiều phân thuốc hóa học, diệt cỏ, dùng nhiều quỹ đất để chuyên canh, ngoài ảnh hưởng không khí chung còn khiến sự dạng sinh học giảm. Hệ quả tất yếu: những người không hoặc ít đất đang mất nguồn thu từ các loại cây dại, cây thuốc nam (việc nhổ tận gốc các cây thuốc nam cũng không nên).
  • Rác nhựa thời hiện đại sẽ xuất hiện khi người lạ vào vườn.

Thời ông bà, ba mẹ vốn đã hòa nhập rất tốt, cái tình rất thân, mình chỉ cần quan sát, linh hoạt kế thừa và dễ thương trước cái đã rồi tính tiếp!

6. Chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần:

Vững vàng và hiền hòa như một cái cây

Dù có giảm nhiều so với trước nhưng ở vùng mình vẫn có nhiều thầy thuốc nam, nguồn thuốc nam từ hội từ thiện để chia sẻ khi cần.

Mẹ cũng còn lưu giữ nhiều bài thuốc trong sổ, cần là lật ra xem :D. Duy nhất mẹ vẫn đều đặn phải dùng thuốc Tây do có bệnh mãn tính.

Vừa rồi (giữa năm 2021), mình đã hỗ trợ gia đình thanh lọc cơ thể và trang bị thêm kiến thức về sức khỏe bên trong mỗi người. Vui nhất là ba bỏ hẳn được thuốc lá dù nhiều năm trước đã có 3 lần thất bại, điều này cũng có lợi cho môi trường đất của vườn đấy. Đó là thời gian vui vẻ, gần gũi nhất của gia đình mình. Mọi người thống nhất việc chọn thực phẩm, cách chế biến, ăn uống và thể dục cùng nhau. Cả nhà thường xuyên ăn chay cùng mẹ (mẹ mình chay trường hơn 10 năm).

Vài năm nay mình quan tâm nhiều hơn về sức khỏe, dinh dưỡng. Đầu vào chất lượng rồi thì ổn cả. Đó cũng là lý do khiến mình sớm có ý định tham gia vào làm vườn, mình muốn thông qua đây để can thiệp “đầu vào” của cả gia đình. Mình thấy rằng thức ăn vật chất và thức ăn tinh thần lành mạnh thì sức khỏe của cơ thể vật lý và tinh thần đều an ổn cả. Và chọn sống ở vườn, cũng hỗ trợ cho việc này rất rất nhiều.

7. Về vườn vui vẻ là:

 Về với “Mẹ” và sống tự nhiên trong lòng tự nhiên.

Những dòng này mình viết không chỉ dành cho bạn đọc mà còn cho chính mình, để có dịp chiêm nghiệm lại và định hình cho chặng đường sắp tới.
Thời gian qua, quan sát mẹ, mình thấy rằng dù không có nhiều kiến thức hay chẳng quan tâm đến các vấn đề to tát trên thế giới này, nhưng mẹ có một kim chỉ nam đắc lực để dẫn lối đó là TÌNH YÊU THƯƠNG.
ĐỂ CHO TÌNH YÊU THƯƠNG LÊN TIẾNG TRƯỚC, mẹ ắt biết nên làm gì.
Cái gì trên đời này ngoài kiểm soát, mẹ cũng nói: Ông Trời làm. Mẹ cũng tin rằng ông Trời nuôi muôn loài chứ có nuôi mỗi con người mình đâu mà phải giành lấy hết.
CỨ THƯƠNG LẤY NHAU, RỒI MÌNH CÙNG SỐNG!

Thương!

Đặng Thu Đông

Thông tin vườn:

Mother & Daughter farm
Tri Tôn, An Giang
An Giang Việt Nam
Scroll to Top
Scroll to Top