Thiên địch của loài rắn

Tất nhiên các loài thú nuôi cũng là loài đuổi rắn rất hiệu quả, điều mình ngại là rắn độc thì chẳng bao nhiêu mà những con vật nuôi này thường siêng năng thái quá. Chẳng hạn mình từng thấy một con mèo săn được: 1 con rắn, 1 con sóc, 1 con chim và 3 con nhông chỉ trong 3 ngày. Nhiều nơi cũng cảnh báo về ảnh hưởng của vật nuôi với sinh vật hoang dã rồi, nếu không muốn rơi vào trường hợp chủ trồng rừng tớ phá rừng, mình khuyên là số vật nuôi nên vừa phải thôi.

Mình thích các loài hoang dã hơn, vì nó không chỉ là thiên địch mà còn sự sống của vườn. Các loài hoang dã săn rắn khá nhiều: kỳ đà, chồn đèn, ưng, diều hâu, bìm bịp. Nhưng những loài kia chẳng mấy khi còn gặp nên ở đây mình chỉ nói bìm bịp.

Lý do nữa mình chọn bìm bịp vì đây là loài hoang dã kích thước lớn hiếm hoi vẫn sót lại vườn. Nếu cách đây khoảng 15 năm, nhiều vườn còn có thể thấy cả thỏ, chồn,… 10 năm trước gà rừng, đa đa còn rất nhiều. Thì hiện tại ngoài bìm bịp, hầu như rất ít loài lớn định cư trong vườn. Nhưng bìm bịp ở vườn không có nghĩa là chúng không ra đi. Có nhiều nguyên nhân, chẳng hạn: ánh sáng và âm thanh. Nhất là âm thanh, vì tác hại của ánh sáng với các loài hoang dã đã được nói nhiều rồi, để bài không quá dài mình xin bỏ qua.

Đối với muôn loài, mỗi âm thanh luôn có ý nghĩa nhất định: tiếng gọi bạn, khẳng định lãnh thổ, cảnh báo nguy hiểm,… Chúng ta hiểu và cũng từng sử dụng tiếng ồn trong quan hệ với các loài. Ví dụ một cách đuổi thú dữ phổ biến thời xưa là tạo ra những tiếng động lớn, như gõ xoong chảo ầm ĩ để cho thú hoảng sợ bỏ đi. Cách đây vài chục năm Trung Quốc suýt xóa sổ chim sẻ cũng chỉ bằng cách gõ nồi và vỗ tay.

Nếu tiếng ồn từ cái đít nồi từng đuổi cả hổ dữ, thì cũng chưa là gì cả so với tiếng ồn của các loại máy móc làm vườn hiện đại. Với mọi loài, tiếng ầm ĩ không dứt này chỉ có nghĩa duy nhất là: con người khẳng định lãnh thổ, và chúng buộc phải đi. Điều này đang xảy ra, chúng ta có thể nhận thấy dễ dàng, ví dụ các công trường xây dựng. Có thể ai đó nói rằng: chuyện này đã lâu rồi và động vật cũng thích nghi dần. Điều này đúng với một ít loài, nhất là những loài có xu hướng tìm thức ăn từ con người. Nhưng chúng ta không thể có chuỗi đa dạng sinh học chỉ từ vài loài phụ thuộc con người như thế, và không hề có chuyện mọi loài đều thích nghi được, vì thế số loài mất đi ngày càng nhiều.

Trong những cỗ máy làm vườn ồn ào đó, máy cày và máy phát cỏ còn thêm họa. Vì tác hại của cày xới cũng được nói nhiều rồi, mình lại bỏ qua, chỉ nói về máy phát cỏ. Nếu khi ai đó phát cỏ, chúng ta hãy đến khoảnh cỏ trước máy để thấy loài vật đang chạy hoảng. Với tốc độ của máy phát cỏ, việc thường xảy ra là nhiều loài bị chém chết, sau hoảng loạn, những loài thoát chết cũng chỉ còn cách bỏ đi hoặc chết đói mà thôi. Có phải chúng ta đã tự tay phá hủy quần xã sinh học mà mình đã mất công gây dựng nên.

Với những người sử dụng máy phát thành thạo, phát vài ha trong ngày chẳng khó lắm. Điều mà chúng ta không nghĩ đến là với loài vật đó cũng là trận tàn sát, vì diện tích này với nhiều loài là khoảng cách cả đời chúng cũng không thể đi hết được nếu muốn tìm nơi ở mới.

Nói vậy không phải mình không hiểu giá trị của máy móc với vườn. Chúng ta có thể tìm cách khác để dùng chúng, với mức độ hợp lý và tốc độ vừa phải hơn. Vả lại máy móc cũng chỉ là công cụ, chẳng lý gì buộc chúng ta phải lệ thuộc cả, xét thấy lợi nhỏ hơn hại chúng ta có quyền tìm cái thay thế. Cá nhân mình, nếu được lựa chọn, mình thích sử dụng lại cái cuốc cái liềm cổ lỗ hơn, dù sự chậm chạp của chúng có thể phát đằng trước đằng sau cỏ đã mọc đầy, nhưng nhờ vậy mình biết ít hại nhất. Làm bằng sức mình cũng giúp ta bớt hoang tưởng về sức mạnh con người, điều mà con người có thể làm được, làm vừa sức vừa phần mình hơn. Tuy nhiên đây là ý kiến riêng của mình thôi ? sẽ trở lại thiên địch của rắn ngay sau đây.

Ở Việt Nam có 2 loài bìm bịp, khác nhau chút đỉnh về màu lông và kích thước, nên gọi là bìm bịp lớn và bìm bịp nhỏ. Loài bìm bịp lớn hay gặp hơn.

Nguồn hình: internet.

Bìm bịp thuộc nhóm chim cu cu. Có thể thấy qua ngoại hình có nét gì đấy giống những loài trong nhóm như tu hú, phướn. Nhất là tiếng kêu luôn có âm “cu cu” lập lại.
Nhưng khác nhiều loài cu cu nổi tiếng đẻ nhờ, bìm bịp là những ông bố bà mẹ có trách nhiệm. Chỉ ở bìm bịp mới có câu chuyện bắt rắn về làm thức ăn dự trữ cho con, tìm lá thuốc cho con khi bị gãy chi.

Cũng như nhiều loài, bìm bịp biết lựa chọn thời điểm tốt nhất để sinh sản. Gần tháng nay (tháng 7 dương lịch) mình đã nghe bìm bịp kêu khá nhiều, vậy mùa sinh sản của chúng đã bắt đầu. Còn mùa nữa thường là gần Tết âm. Bìm bịp làm tổ trong những lùm cây, bụi rậm không quá xa mặt đất, như những bụi tre, gần bờ nước.

Nói chung, cuộc đời bìm bịp gắn bó nhiều với bụi cây, sinh ra ở bụi cây, mà trong suốt cuộc đời chúng vẫn chui rúc các bụi cây để tìm thức ăn. Trong việc này đôi chân bìm bịp giúp ích rất nhiều, nếu để ý chúng ta sẽ thấy chân gà và đa số loài chim khác gồm 3 ngón chĩa về phía trước, 1 ngón chĩa ra sau, nhưng chân bìm bịp lại gồm 2 ngón chĩa về trước, 2 ngón chĩa về sau. Chân gà chỉ có thể bươi đất, còn khi nhảy lên cây chỉ dám đậu yên một nơi, các loài chim sống trên cây khi xuống đất chỉ nhảy cò cò. Còn bìm bịp có thể di chuyển trên cây nhờ chân bám chắc, khi xuống đất, với ngón chân khỏe, tiếp đất rộng chúng đi lại được. Tất nhiên kiểu chân này cũng có nhược điểm khiến bìm bịp không thể đi nhanh được, lại thêm cái đuôi quá dài, cái đầu thường chúc xuống, nên trông bìm bịp hơi lù đù.

Bìm bịp là loài chim định cư, đôi cánh của chúng chỉ thích hợp cho kiểu bay chuyền quãng ngắn. Sở dĩ chúng còn sống được ở vườn là nhờ tính dễ ăn, từ hạt cây cỏ, khoai củ đến sâu bọ, ốc sên, giun rắn, trứng chúng đều xơi được. Do gắn bó với lùm bụi hoang dã, bìm bịp cũng gắn với những khoảnh tự nhiên cuối cùng còn lại ở vườn, nếu chúng ta xem cây sim mua như chỉ báo diễn thế sinh thái cuối cùng trong thực vật, thì cũng có thể tương tự với bìm bịp trong động vật. Vậy chẳng nên để bìm bịp cũng biến mất đũng không ?

Có vẻ mỗi loài thiên địch có cách riêng của chúng. Ưng, diều với móng vuốt và mỏ cực sắc có thể mổ chết rắn ngay, kỳ đà có thể kháng nọc rắn, chồn đèn là loài có chiến thuật nhất, nghe nói bên Ấn Độ còn để chồn đấu với rắn hổ mang như một trò giải trí. Nhưng kỳ đà hầu như không còn gặp ngoài tự nhiên nữa, ưng, diều, chồn mang tiếng xấu là bắt gà mà cũng đang bị săn bắt ở khắp nơi. Chỉ còn mỗi bìm bịp. Điều mà chúng ta cần quan tâm là bìm bịp bắt rắn thế nào, để chúng có thể làm đúng chức phận.

Lý do bìm bịp săn rắn vì môi trường kiếm ăn của chúng luôn gắn liền với lùm cây bụi rậm, cành khô củi mục, mà đây cũng là nơi ẩn náu của rắn. Để bắt rắn bìm bịp chẳng có mỏ vuốt sắc nhọn hay chiến thuật lợi hại gì, mà chỉ dựa vào tính táo bạo và sức khỏe, nhất là cú kẹp rất khỏe từ mỏ.

Có người bảo nên nuôi bìm bịp để phòng rắn đến nhà, điều này có thể đúng nhưng e rằng chẳng bõ công. Dễ thấy nhất, bìm bịp là loài hoạt động ban ngày, còn hầu hết rắn lại hoạt động về đêm. Khi rắn xuất hiện trong nhà, bìm bịp đã ngon giấc rồi, sức đâu phòng vệ cho chúng ta.

Khi nuôi bìm bịp, ta mong chúng săn rắn nhưng sẽ thất vọng ngay khi thấy những thứ chúng ăn chẳng liên quan gì đến rắn, trong đó lại gồm trứng gà và gà con: bìm bịp vốn ăn tạp. Ngoài tự nhiên bìm bịp săn rắn, vì nơi rắn ở cũng là nơi kiếm ăn của chúng, mà với tình trạng là một loài vật nuôi, bìm bịp không thể làm việc này.

Chúng ta có thể muốn bìm bịp sẽ tầm soát những lùm cây bụi rậm quanh nhà để đuổi rắn đi, nhưng thay vì vậy, sao chúng ta không làm việc đơn giản hơn là dọn sạch bụi rậm quá gần nhà (làm vườn rừng đâu nhất thiết phải sống trực tiếp dưới tán cây rừng mới đúng chuẩn, xem lại các buôn làng xưa ở Tây Nguyên thì thấy, dù sống giữa đại ngàn, quanh làng họ luôn trống trải, thoáng đãng. Nhờ vậy họ mới chống được thú dữ, muỗi mòng, bệnh sốt rét, và kẻ thù).

Có người nói phân bìm bịp có thể đuổi rắn, điều này cũng có thể đúng, nhưng chắc họ quên nhà mình rộng thế nào, và cần bao nhiêu phân để rải quanh nhà. Không xét đến chuyện vệ sinh, tác dụng lâu/mau của thứ “vũ khí hóa học” này, bìm bịp chỉ còn mỗi việc ăn-ị mới đủ đáp ứng nhu cầu hàng ngày.

Cũng cần lưu ý là có người lại bảo bìm bịp thường mang rắn về tổ, mà trong trường hợp này tổ của nó chính là nhà của chúng ta. Vậy những người muốn nuôi bìm bịp đuổi rắn sẽ nghĩ sao đây khi chính bìm bịp mang rắn về nhà.

Xem vậy việc nuôi bìm bịp đuổi rắn viễn vông thế nào. Mình tin chắc rằng để bìm bịp sống tự do và tự thực hiện chức phận của chúng mới thật lợi cho chúng ta, trước hết chúng ta chẳng phải vác lấy gánh nặng nuôi nấng chăm sóc bìm bịp, sau nữa chỉ ở môi trường hoang dã bìm bịp mới có cơ hội tìm rắn nhiều nhất.

Cũng nói thêm về rắn, ta đều biết rắn độc chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng số loài rắn, và nhiều người trong chúng ta có lẽ cả đời chưa hề gặp rắn độc. Dù vậy ai cũng đều có nỗi sợ bản năng nào đó với rắn, nên mới nghĩ ra những cách phòng xa xa lắc như trên.

Cá nhân mình cũng rất sợ rắn, nhưng mình kính sợ chúng. Sợ rắn để tránh xa rắn thì cũng ít nguy cơ đối đầu rắn. Kính rắn thì không muốn hại rắn, nhờ vậy rắn cũng ít hại mình.

Các biện pháp phòng rắn mọi người cũng nói nhiều rồi. Vả lại dù rắn mạnh mẽ và đáng sợ, nhưng chẳng phải là không đủ đất cho rắn và người cùng sống, cứ giữ câu ‘nước sông không phạm nước giếng’ là chúng ta có thể sống khỏe bên rắn. 

Tri Vô

Thông tin tác giả:

Họ tên: Vòng Chiến Phúc
Facbook liên hệ: https://www.facebook.com/thanhdat.huynh.146
Tính đến năm 2021, Anh đã về làm vườn cùng gia đình được 5 năm. Anh có sở thích quan sát, tìm hiểu về con vật đặc biệt là côn trùng, nên toàn bộ những điều chia sẻ trên đây là thông qua góc nhìn cũng như quan sát mang tính cá nhân, bạn hãy chỉ xem nó như một tài liệu tham khảo, không có tính đúng sai nhé.

Ý kiến của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Scroll to Top