Tái sinh

Chúng tôi hay nói đùa câu “ngồi yên công đức vô lượng” trong những bối cảnh các bạn mới về vườn chưa hiểu rõ bản thân lẫn khu vườn, đã lo lắng cho việc nên trồng cây gì, trồng ra sao, hay thậm chí tiêu tốn kha khá tài chính để thả đồng loạt nhiều loại giống cây trong mơ hồ. Chúng tôi tin vào sức mạnh của đất, nơi ẩn chứa hạt giống nhiều nhất, an toàn nhất, và chỉ cần đủ điều kiện hạt ấy sẽ nảy mầm, rừng cây sẽ trở về, chỉ là chúng ta có chịu “ngồi yên” để đất làm việc của mình hay không thôi.

Thiết kế chính mình phù hợp với mảnh vườn

Author Name

Ngay khi biết Anh Đường (Mạnh Đường Farm) mới có một mảnh đồi tầm 4ha, qua một mùa mưa thì cây tái sinh nhiều ngoài sức tưởng tượng, thì Xanh muốn viết lại đôi dòng về thực trạng khu vườn tự tái sinh này, để chúng ta tin rằng: việc trồng cây hãy để thiên nhiên làm, việc của chúng ta là quan sát bản thân, quan sát khu vườn để thiết kế chính mình sao cho phù hợp, tương hỗ với sự hồi phục của mảnh vườn. Mảnh vườn là chủ thể, con người là khách thể, cư xử sao cho thỏa đáng.

1. Hiện trạng mảnh đồi lúc tiếp nhận:

Đỉnh đồi rợp bóng cây
  • Khu 1: Đỉnh đồi là một “khu rừng tạp” gồm nhiều cây tái sinh tầm 2-3 năm tuổi, hoặc hơn một xíu. Gọi là rừng vì sự phong phú đa dạng thực vật lẫn trạng thái “bỏ hoang” thôi, chứ cây còn nhỏ.
  • Khu 2: Lưng chừng đồi là khu vực người ta trồng cây điều nhưng nói chung cũng bỏ hoang tầm 4-6 tháng, trước đó vì mục đích sản xuất thì họ thường xuyên cắt cỏ chặt cây, chỉ giữ lại điều.
  • Khu 3: Chân đồi là trồng cà phê, khu vực này tầm 7 sào, cà phê còn nhỏ.

Một cách vô tình, kết cấu khu đồi này khá lý tưởng cho việc sản xuất lẫn mặt sinh thái:

  • Khu vực cao nhất nên là “rừng thiêng” tức vùng rừng con người không xâm phạm, đấy là cái kho giữ nước, giữ chất dinh dương giữ mọi thứ cho vùng thấp hơn.
  • Lưng chừng đồi có thể là rừng nhưng có chèn cây sản xuất dưới tán nếu muốn.
  • Chân đồi, nơi địa thế thấp, dễ dàng đi lại có thể để canh tác kiếm thêm thu nhập.

Nếu như khu 1, khu 2 phát triển tốt thì chắc chắn khu 3 sẽ vô cùng trù phú. Chúng ta đều biết khu vực cao là kho dự trữ (nước, chất dinh dưỡng, độ ẩm….) thì nguồn lợi này từ cao sẽ đổ dần xuống thấp, nuôi dưỡng vùng thấp. Không phải tự nhiên vùng thung lũng luôn có đất đai màu mỡ, cây cối tươi tốt, nguồn nước dồi dào, bởi vì phía trên thung lũng là rừng phủ kín núi đồi. Đến như vùng cao nhất còn bị trọc thì thung lũng sẽ mất dần sự màu mỡ ấy, những cơn mưa sẽ xói mòn rửa trôi tất cả.

2. Thực tế khu vườn sau gần 6 tháng “ngồi yên”:

Khu 1: trên đỉnh đồi mảnh rừng nhỏ vẫn cứ thế xanh tươi, anh Đường hoàn toàn không tác động.

Khu 2: Khu vực này hiện tại quá trình cây tái sinh đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ, khắp mọi nơi đều thấy xuất hiện các loại cây thân gỗ đâm chồi từ gốc cây cũ trước đó đã bị chặt, và cả những hạt mầm từ đất.

Lúc mới nhận vườn, anh Đường dự định sẽ xuống giống các loại cây rừng nhưng vì mùa mưa quá bận rộn cho việc thu hoạch một vài loại nông sản nên bỏ quên mảnh vườn mới, đến khi quay trở lại thì ngạc nhiên vô cùng vì quá trình tài sinh như “vũ bão” này, còn có rất rất nhiều giống gỗ “quý” bắt đầu lộ diện.

Mảnh đất có 3 lợi thế để khiến quá trình tự tái sinh diễn ra nhanh chóng:

  • Vì có khu 1 che phủ, nên ở đây không chỉ là kho dự trữ nước chất dinh dưỡng mà còn là kho hạt giống. Hạt giống từ Khu 1 bay xuống khu 2 khiến cho nơi đây vô tình được rải hạt tự nhiên. Và thêm một điều nữa, cách đây tầm chưa đến 20 năm các vùng đất quanh đây là “rừng” cây tạp nhỏ, hoàn toàn được để hoang, không có quá trình canh tác nông nghiệp, nên ta có quyền hi vọng vào sự tái sinh sẽ diễn ra dễ dàng hơn.

Chỉ 6 tháng ngồi yên, mà đất mẹ đã vẽ nên kết cấu mảnh rừng thật rõ nét.

  • Chủ cũ liên tục cắt cỏ, cắt cây dại nhưng chưa hề đào gốc, vậy nên những gốc cây rừng, cây gỗ lâu năm vẫn còn nguyên, chúng cứ gặp mưa là lại đâm chồi.
  • Một may mắn lớn nữa cho nơi đây là đất chưa bị thâm canh nông nghiệp, chưa bị đào xới nên hạt gống, gốc cũ vẫn còn nhiều trong đất.

Ngồi yên công đức vô lượng mà đặc biệt ngồi yên nơi có cơ sở cây rừng thì quá trình tái sinh diễn ra cực kì nhanh chóng, kết quả thấy ngay.

Bên cạnh đó anh Đường cũng trồng thêm các loại cây ăn trái dễ mọc, nhanh ăn như: chuối, đu đủ … để tạo nguồn thức ăn cho các loài chim thú nhỏ, muốn có sinh vật đa dạng thì nền tảng đầu tiên là phải nuôi dưỡng được nhiều loài, phải có thức ăn thì muôn loài mới về.

Khu 3: Anh Đường dự định đây là nơi tạo ra tài chính, anh sẽ giữ lại cây cà phê để thu hoạch, bên cạnh đó trồng xen thêm các loại cây ăn trái để che bóng cho café, hay phục vụ nhu cầu thực phẩm của gia đình.

Bao quanh khu trồng cà và cả khu vườn là hàng rào cây lớn sum suê

Chỉ tầm 6 tháng khu “vườn rừng” của anh Đường đã dần dần rõ nét, thử hỏi con người nào trồng được giỏi đến vậy, phong phú đến vậy? Nhưng mỗi chúng ta liệu ai có đủ kiên nhẫn chờ cây tái sinh hoặc để yên cho chúng, mà thay vào đó ta thường không công nhận những loài cây mình chẳng biết tên, ta thường muốn khu vườn chỉ gói gọn những loại cây ta muốn thôi, đúng không ạ?

Có thể mảnh vườn của chúng ta không có nhiều ưu điểm như mảnh đất trên, nên quá trình tái sinh của cây diễn ra khá chậm rãi, nhưng Xanh luôn tin thiên nhiên tài tình lắm và duy nhất người mới có thể trồng rừng phù hợp với quy luật của đất trời.

Chúng ta – con người, làm tốt việc của mình đó là: một sinh vật sống nương tựa tự nhiên, nếu còn sức thì chung tay giữ “xanh” mặt đất (trồng cây tiên phong nhanh mọc, dễ sống, ít công duy trì) để người có đủ điều kiện làm việc cần làm.

Anh Đường và mảnh vườn nhìn thân rất thân 🙂

PS: Thực ra động lực để anh Đường mua thêm mảnh đất mới là vì một loài vật. Vùng đất ấy để hoang nhiều năm nhưng cứ mỗi năm người ta sản xuất mỗi nhiều hơn, nên diện tích sống của loài này bị thu hẹp. Anh Đường lo sợ đến một ngày không còn nhà ai để hoang đất thì loài vật ấy rồi sẽ mất. Vậy nên anh “liều” mua một mảnh đất để giữ lại một chút “rừng” nhỏ thôi, cho chúng có nơi sinh sống. Xanh rất nể hành động này ạ, ta lo lắng điều gì thì hãy hành động vừa sức và thực tế, bởi vì “than vãn không làm ta vô can”.

Vậy nên, chúc bạn về vườn với một niềm tin mãnh liệt nhưng cũng thực tế vào tự nhiên nhé. Để vườn làm bao giờ cũng lợi lạc mọi đàng hơn mình tự làm vườn 😀

Mong bạn sống vui, sống khỏe, sống đủ đầy cùng mảnh vườn.

Ý kiến của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Scroll to Top