Chút chuyện về con muỗi

Người ta xếp muỗi trong nhóm côn trùng 2 cánh, nên bà con gần gũi nhất của muỗi là con ruồi. Dù 2 thằng gầy béo khác nhau, nhưng nhiều loài ruồi rất giống muỗi.

Sách bảo có trên 3000 loài muỗi, nhưng có lẽ với chúng ta loài thường gặp nhất vẫn là muỗi vằn.

Muỗi thực ra rất công bằng, bên cạnh việc hút máu người, muỗi chẳng tha cho loài nào. Muỗi cũng có đàn, nhưng bầy đàn với muỗi chỉ là đám đông vô danh mà thôi (muỗi còn kém lắm). Có lẽ chúng tập trung thành đàn để tiện tiến công con mồi, và làm rối mắt kẻ thù. Muỗi là chuyên gia về chiến tranh du kích, chiến thuật cơ bản của chúng là bám thắt lưng địch mà đốt. Do vậy những cách phòng chống muỗi thường ít hiệu quả, vì hễ chúng ta hành động thì muỗi ‘dông’, chúng ta bất động muỗi mới lộng hành. Có một nghịch lý trong cách chúng ta đối xử với ấu trùng muỗi, con bọ gậy: khi thấy bọ gậy trong chậu nước, chúng ta sẽ đổ đi vì nghĩ nước nhiễm bẩn. Nhưng thật ra bọ gậy ở đấy là để làm sạch nước, vì chúng ăn cặn bẩn trong nước. Muỗi đực sống bằng mật hoa, chỉ muỗi cái mới hút máu người. Nhưng không hiểu sao khi hút, chúng lại quên phân biệt người đực người cái?

Muỗi “đáng ghét” vậy, nhưng may thay muỗi cũng có rất nhiều kẻ thù.

1.Thiên địch của muỗi:

Con gọng vó chứ không phải muỗi hé mọi người ?

Muỗi chuyên sống bặm trợn bằng cách xin tí huyết kẻ khác, thế nên thân phận con muỗi thường “chẳng ra gì”. Dạo một vòng quanh vườn chúng ta dễ thấy chẳng thiếu kẻ đang muốn đòi nợ máu với muỗi.

Con bọ gậy thường bị cá, ếch nhái săn, nhưng mình tin chúng còn bị nhiều loài khác săn nữa, chẳng hạn như nòng nọc, con gọng vó, ấu trùng chuồn chuồn.
Chẳng mấy khi quan sát được điều này, nhưng gần nhà mình có cái ao đào, vì là ao nhân tạo nên động vật nơi này chỉ gồm nòng nọc và vài loài bọ nước.
Lẽ ra đây là nơi lý tưởng cho bọ gậy sinh sống, nhưng quan sát đã vài năm mình rất ít gặp chúng. Rõ ràng, gọng vó và ấu trùng chuồn chuồn là loài săn mồi, nòng nọc thích ăn lá mục hơn, nhưng vì cha mẹ chúng đều xem muỗi như bữa chính, có lẽ thỉnh thoảng chúng cũng tìm một ít cải thiện cũng nên.

Muỗi trưởng thành luôn trong thế thập diện mai phục: vừa chân ướt chân ráo ra khỏi đồng nước quê hương, muỗi đã được săn đón bởi ếch nhái, thằn lằn.
Trên cao có chuồn chuồn, ruồi sát thủ. Cao xa hơn nữa, chim đớp ruồi, chèo bẻo, én và nhiều loài chim săn mồi trên không trung khác luôn rình rập.
Tránh nạn này, muỗi có thể chuyển sang đi đêm để an toàn hơn, nhưng vẫn còn dơi, cú muỗi đón đường.
Ngay nơi an toàn nhất với muỗi -tức là nhà chúng ta, vì vừa là kho chứa thực phẩm tươi sống của muỗi, vừa ít loài săn muỗi dám bén mảng. Ngay tại đây muỗi cũng đầy nguy hiểm: trên tường thằn lằn, xà nhà mạng nhện, gậm giường cóc.

Xem vậy, chúng ta cũng được an ủi là để xin đểu được ít máu ta, muỗi cũng mất nhiều máu lắm. ?
Tiện thể chúng ta cũng nên xét lại cách đối xử với muỗi: đắng lòng vì tên khát máu, hay động lòng vì muỗi đã hy sinh thân mình cứu bao kẻ thoát khỏi cơn đói ngặt nghèo. ?

2. Tại sao nhiều muỗi thế?

Đã có nhiều loài thiên địch như vậy, tại sao vẫn có nhiều muỗi thế? . Mình nghĩ điều này thuộc về đặc tính của côn trùng:

  • Tất cả côn trùng đều sinh sản rất nhiều, nên dễ dàng bù lại số lượng đã mất.
  • Nhiều loài côn trùng lớn rất nhanh, nên nhanh chóng tạo ra thế hệ mới.
  • Còn một đặc tính nữa, mà mình không rõ người ta gọi là gì, nhưng đại khái thế này:

Có lẽ chúng ta đều đã từng thấy bọ gậy trong vũng nước đọng, và nghĩ rằng những con vật này sẽ chết ngay khi nước cạn? Nhưng không phải thế, bọ gậy có đặc tính là: khi đã đến một tuổi nào đó, nếu môi trường sống thay đổi, thức ăn cạn kiệt, chúng sẽ tự biến thành nhộng để tránh họa, rồi chuyển sang trưởng thành khi phù hợp. Những con muỗi lớn lên trong hoàn cảnh này thường gầy gò hơn đồng loại, nhưng lại có vòng đời ngắn hơn nên tái sinh sản nhanh hơn nhiều. Vì lý do này, nhiều khi chúng ta phá hủy môi trường sống của muỗi, nghĩ rằng sẽ giảm bớt muỗi, kết quả lại thường tạo ra một lứa muỗi mới lớn nhanh hơn mà thôi. 

Một bạn muỗi mình hạc xương mai

3. Muỗi trong chuỗi thức ăn:

Thật ra ngẫm cho kỹ, chúng ta phải chấp nhận cho muỗi đốt thôi, vì chúng ta đang chiếm hữu đất của muỗi. Nơi ta đang ở vốn thuộc về muỗi, và chúng có chủ quyền trước ta cả trăm triệu năm rồi. Sau khi chiếm lĩnh nhà của muỗi, chúng ta lại có xu hướng diệt sạch những sinh vật đang hiện diện, khiến cho muỗi mất nguồn thức ăn tự nhiên. Kết cục muỗi phải chuyển sang hút máu người là hậu quả tất yếu.

Mình nghĩ ngoại trừ một số phiền phức và khó chịu, ít ai thật sự sợ bị muỗi đốt, mà chúng ta sợ nhiễm những căn bệnh chúng truyền. Nhưng thực tế là ta có hàng vạn năm sống bên cạnh muỗi rồi, tổng thể vẫn ổn mà đúng không. Nói vậy không phải biện hộ cho muỗi, vì suy cho cùng muỗi là vấn đề trong vườn, cái gì phát triển thái quá cũng không ổn.

Thật sự thì muỗi cũng là một phần của vườn. Điều mà chúng ta có thể mong đợi là khi vườn cân bằng hơn sẽ có lúc ít muỗi, lúc nhiều muỗi, vì đó là sự cân bằng động, lúc tiến lúc lùi. Là một con mồi trong chuỗi thức ăn, nếu lúc nào đó muỗi biến mất khỏi vườn mới là đại họa, vì nghĩa là chuỗi thức ăn trong vườn đã bị đứt gãy, sẽ có nhiều loài phải ra đi, hoặc thay vì muỗi, chúng ta sẽ bị tấn công bởi loài khác (chẳng hạn là rận hút máu đến từ các loài chim ăn muỗi như đã thật xảy ra).

Muỗi cũng đâu quá tệ nhỉ :v  . Nếu không quá định kiến, chúng ta có thể xem bọ gậy như một dấu hiệu chỉ báo chất lượng nước cũng nên. 

Tri Vô

Thông tin tác giả:

Họ tên: Vòng Chiến Phúc. 
Facbook liên hệ: https://www.facebook.com/thanhdat.huynh.146
Tính đến năm 2021, Anh đã về làm vườn cùng gia đình được 5 năm. Anh có sở thích quan sát, tìm hiểu về côn trùng, nên toàn bộ những điều chia sẻ trên đây là thông qua góc nhìn cũng như quan sát mang tính cá nhân, bạn hãy chỉ xem nó như một tài liệu tham khảo, không có tính đúng sai nhé. 

Ý kiến của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Scroll to Top