Tản mạn chuyện cây tre

30 năm trước hắn 10 tuổi, cái tuổi mà cánh diều là điều ao ước lắm. Hắn thèm nhỏ dãi lúc nhìn các anh lớn hơn đi thả diều và phấn khích đến ngây dại khi lần đầu được một anh cho cầm dây diều. Thế là chạy qua ông ngoại, năn nỉ ông làm cho một con diều.

Ông ngoại chiều ý nhưng kèm điều kiện là: ông làm một cái diều sáo lớn, cháu phải nhìn theo và tự làm một cái diều nhỏ. Tất nhiên là hắn đồng ý và vô cùng phấn khích. Ghi nhớ tỉ mỉ từng công đoạn để làm một cái diều, từ chặt tre, chẻ tre, vót tre, rồi làm khung, buộc dây, căng bạt, khâu mép, đục sáo … Tự tin có thể tự làm được một cái diều nhỏ, thế là vác dao ra bụi tre và hì hục cả tiếng đồng hồ mới cắt được một cây. Hắn cũng đục đẽo, có vẻ người hơi nhỏ để có thể bổ đôi được cây tre, ông ngoại chỉ hắn cách để tre tì vào chân cối đá, đặt dao và lấy khúc gỗ đập. Hắn làm được, hí hoáy vót vót rồi buộc rồi khâu, sau mấy ngày cũng làm xong.

Tính mang đi thả thử thì ông ngoại kêu lại nói theo ông ra bụi tre. Hắn đi theo mà không hiểu ông kêu ra làm gì. Ông ngoại vốn vậy, ít nói mà đã nói là nghiêm túc. Ông nói là: hôm nay ông chỉ 5 điều về cây tre, và rằng phải nhớ kỹ để “sau này không ai nói ông không biết dạy cháu”. Nói thực là lúc đó còn nhỏ lắm, tâm trí đặt hết vào cánh diều, nên những gì ông ngoại dặn thì cứ vâng dạ, nhưng không có gì nằm trong đầu cả. Chỉ chờ ông nói xong, hắn dạ xong, là cắm đầu cắm cổ chạy đi thả diều.

Sau đó, những con chữ và cuộc đời lôi hắn đi rất xa khỏi bụi tre, giấu hắn vào trong những thành phố lớn. Và tất nhiên 5 điều về cây tre ngoại dặn càng trôi tuột đi. Cho đến cái ngày…

Đứng trên mảnh đất vườn đầu tiên, đi xuống cuối vườn, có một bụi tre và lặng người, hắn nhớ ông ngoại. Ký ức cánh diều và 5 điều về cây tre lờ mờ xuất hiện, nhưng không thể nào nhớ được 5 điều đó là gì. Chỉ nhớ “sau này không ai nói ông không biết dạy cháu”. Cảm giác lúc đó giống như một cậu học sinh bị gọi lên bảng mà không thuộc bài. Hắn chỉ nhớ đó là kinh nghiệm của ông ngoại và thế hệ trước, trong việc sử dụng bụi tre để nó phù hợp nhất. Hắn thấy có lỗi với ngoại.

Hôm sau hắn làm cái giàn mướp và cần tre, vậy là vác dao xuống cuối vườn. Định vung dao chặt thì tự dưng trong đầu đặt câu hỏi: Chặt cây nào nhỉ? Chặt thế nào … Tự nhiên cái ký ức gần 30 năm trước hiện về, hắn thấy mình nhỏ xíu đang đứng cùng ngoại. Và cũng rất tự nhiên 5 điều về cây tre tưởng chừng đã quên ấy bỗng rõ ràng đến lạ. Hắn áp dụng và biết ơn ông lắm.

Sống ở làng quê thì bui tre nhà mình chắc chắn chia cho cả làng xài chung 😀 . Lâu lâu hàng xóm sang chặt và hắn nhận ra: chắc không phải ai cũng may mắn có ông ngoại tỉ mỉ, nên họ chặt bụi tre tanh bành hết cả. Hắn cũng nhớ là khi đi thăm nhiều vườn bạn bè, thì thấy rất nhiều bụi tre nhìn um tùm đấy, nhưng không kiếm ra cây nào dùng được. Hắn mong là bụi tre của những người anh em đồng chí hướng sẽ vừa đủ đẹp cho các nhu cầu. Vì thế, hôm nay, hắn muốn chia sẻ một đôi điều về tre. Với các bạn ở nông thôn những thông tin này có thể dư thừa, nhưng có lẽ với bạn ở thành phố mới về vườn, thì hắn nghĩ là rất cần thiết.

1. Chọn cây:

Một cách tự nhiên chúng ta sẽ chặt những cây thẳng nhất. Nhưng ngoại tôi dặn là phải cố gắng chặt những cây cong và già trước nếu nó có thể sử dụng được. Đơn giản là nếu chặt cây thẳng thì bụi tre dần dần còn nhiều cây cong, lúc này tre nhỏ khi mọc lên sẽ dễ bị cản và phải cong theo cây lớn. Vì vậy nếu chặt cây cong trước thì bụi tre sẽ đẹp hơn.

2. Vị trí chặt:

Để lại gốc tre quá cao, thì những nhánh tre con sẽ mọc ra xiên xẹo

Ngày đó bụi tre của ông ngoại dày lắm. Tôi muốn 1 cây và rồi chặt ở chỗ ngang với tầm tay cho tiện. Thành ra sau khi chặt xong thì còn lại một gốc tre cao khoảng 80cm so với mặt đất. Ông bảo làm vậy là không hay. Muốn bụi tre đẹp và có đủ tre để làm nhiều công việc khác, thì nên chặt sát gốc, đồng thời nên băm gốc này vài nhát để cái đầu toét ra. Tại vì:

  • Dù đã bị chặt ngang thì cây tre vẫn sống, rồi đâm ra các chồi cành nhỏ. Cành này khiến bụi tre nhìn thì um tùm đấy nhưng nhỏ, cong, xiên đâu có dùng được nhiều việc. Thêm vào đó, có nhiều cành nhỏ mọc ngang ôm quanh bụi tre khiến chúng ta khó khăn tiến sát gốc tre ta cần.
  • Cành nhỏ không mọc thẳng mà mọc đâm nghiêng và tiếp tục đẻ nhánh nghiêng. Khi cây tre nhỏ mọc từ măng lớn dần lên, sẽ gặp cành này và buộc phải cong theo, chẳng đủ không gian mà vươn thẳng lên trời. Như vậy bụi tre từ từ sẽ bị thoái. Vậy là chúng ta dần dần có một bụi tre toàn cảnh nhỏ um tùm, cùng những cây tre cong queo.

Hãy chặt tre sát gốc và đảm bảo phần gốc không đâm ra nhánh mới (băm toét phần gốc còn lại), rồi ta sẽ có một bụi tre gọn, đẹp, và những cây tre thẳng. Đây cũng là cách ép và “có sức” cho tre sinh ra măng non.

3. Thời điểm chặt:

Ngoại nói là nếu dùng tre vào những việc quan trọng như dựng nhà, làm đồ nội thất, làm sáo diều… thì nên chặt tre sau rằm (Sau ngày 15 âm lịch). Thực sự tôi không nhớ hết lời giải thích của ngoại, lúc đó ngoại giải thích nhiều thật nhiều mà quên mất rồi. Chỉ còn nhớ là sau rằm thì mặt trời chiếu cả hai bên, nên cây tre khô đều. Trước rằm thì không đều, nên thường có một bên ẩm, một bên khô hơn, dẫn tới tre dễ gãy nứt. Bạn nào biết rõ về điều này thì chỉ cho tôi với nhé.

4. Lấy măng:

Có bụi tre là có măng để ăn. Ngoại nói không bao giờ được ăn hết măng nếu muốn còn tre mà dùng. Đồng thời nên ưu tiên giữ lại những măng mọc thẳng và độc lập. Nên chọn những măng mọc cong và phụ thuộc vào gốc chết để ăn trước.

5. Thu dọn “tàn cuộc”:

Khi chặt tre làm diều, tôi chỉ lấy phần thân chính của cây, phần ngọn mềm và nhiều cành lá cứ thế chém mạnh một cái và bỏ lại. Ngoại chỉ rằng đó là điều tối kỵ. Phần ngọn tre, cành nhỏ rất tốn không gian và cản trở đường đi của người khác. Vì thế không nên để lại một “bãi chiến trường” sau khi xong việc của bản thân. Ta cần phải dùng dao chặt rời từng cành nhỏ ra rồi phủ xuống đất. Khi đó phần ngọn tre sẽ không chiếm không gian của vườn và nhanh chóng phân hủy.

Chúc các bạn có những gốc tre đẹp, gọn gàng, và luôn đủ tre để dùng cũng như cho cả làng nhé.

Hoàng Đạt

Ý kiến của độc giả

Ý kiến của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Scroll to Top