Nuôi con ở vườn

Chào các bạn, lại là mình Vy Vịt đây, hôm nay mình muốn chia sẻ đôi điều nhỏ nhỏ về việc nuôi con ở vườn, con trai tên Rơm. Suốt hơn hai năm qua (năm nay là 2021), việc mình dành nhiều thời gian nhất là nuôi con. Và mình cũng đã học được nhiều, lớn lên nhiều từ đó.

Mình sinh con tại nhà và nuôi con sữa mẹ, việc này gây nhiều tranh cãi. Còn với mình, nó đơn giản chỉ là một lựa chọn tốt cho mình cho con, và phù hợp với cách sống cũng như niềm tin của bản thân. Mình đã chia sẻ về việc này tại đây.

Nhưng bạn ạ, xét về độ khó khăn phức tạp, so với việc nuôi dạy thì sinh con vẫn chưa là gì cả. Thật may gia đình đã sống ở vườn một thời gian trước đó, nên hơn 2 năm qua, mọi chuyện khá là suôn sẻ, và bạn Rơm thì đang lớn lên khỏe mạnh vui tươi mỗi ngày như mình luôn mong.

1.Có con – cần mua thêm nhiều thứ không?

Khi còn “độc thân” ở thành phố :D, mình thấy có con kéo theo việc mua sắm rất nhiều thứ: tã giấy, quần áo các kiểu, bình sữa, thìa bát chậu chăn theo kiểu dành riêng cho em bé, đồ để nấu ăn riêng cho con, nôi điện, xe đẩy,… Đến khi bản thân sắp làm mẹ, mình cứ có gì dùng nấy, miễn sao thấy phù hợp, thoải mái là được. Thật sự là từ lúc mang thai cho đến khi sinh Rơm và đến tận bây giờ tụi mình vẫn sống tối giản vậy, chứ không phải có em bé thì sẽ sống lối khác đi.

Rơm trên chiếc xe đẩy hiệu “con rùa” ?

Toàn bộ quần áo, đồ dùng của Rơm đều là đồ cũ còn dùng tốt, chất liệu dễ chịu. Mà cũng chỉ có vài bộ thôi là đủ, cứ mặc đi mặc lại đến lúc rách thì đem làm giẻ lau, quan trọng nhất là con được thỏa mái. Đến lúc tập ngồi, thì đã có cái thau to, Rơm cứ ở trong đấy thỏa thích tập tành mà rất an toàn. Cần xe đẩy đi chơi thì dùng xe rùa đẩy đi trong vườn là tiện nhất.

Có cái địu là thứ mình thấy thật cần nên mua đồ cũ để mang con đi ra ngoài cho tiện (mình không dùng khăn buộc như mọi người ở vùng cao được, vì Miền Nam xứ nóng, và sức cũng yếu hơn các bà các mẹ trên ấy).

2. Thời gian dành cho con:

Tụi mình đều làm vườn ở nhà, nên có điều kiện dành nhiều thời gian cho con. Ông bà nội ngoại ở xa, vậy là cũng chỉ có hai bố mẹ với một em bé bên nhau suốt ngày. Mình thì gần như 2 năm vừa qua là dành toàn thời gian cho việc nuôi con. Chồng thì túc trực chăm hai mẹ con trong 6 tháng đầu, rồi sau đó chia đôi thời gian giữa việc ở bên con cùng với các công việc vườn tược nhà cửa khác. Khi ấy, thật sự là nhiều lúc mọi thứ cũng cứ rối tung lên. Nhà cửa mới làm chưa đâu vào đâu, vườn mới trồng nên bộn bề công chuyện, cuộc sống mới ổn định nhiều thứ cần lo – nhưng tụi mình đều đặt ưu tiên cao nhất cho việc dành thời gian bên con. Có những lúc mình bị căng thẳng vì nhà cửa bừa bộn, việc nọ xọ việc kia, thì rồi lại tự nhủ, để như vậy một chút cũng có sao, miễn vui vẻ bên con là được, rồi từ từ con sẽ lớn, rồi mọi việc sẽ lại đâu vào đó cả thôi.

Tạm gác lại hết đi, bên con thì cứ vui với con thôi.

Tụi mình đều thấy rằng, việc dành thời gian với con trong những năm đầu đời là cực kỳ quan trọng, bởi đây là lúc mà con định hình nhân cách và những mối gắn kết với mọi người xung quanh. Ban đầu, gia đình cứ sợ rằng em bé suốt ngày ở với bố mẹ thế sẽ nhát người, sẽ bám mẹ. Nhưng hóa ra là không. Rơm tính tình hoạt bát sôi nổi, rất dạn dĩ, luôn sẵn sàng làm quen với người mới, nhưng cũng vô cùng cẩn trọng không dễ để người lạ gần gũi. Mình cho rằng, con như vậy là vì yên tâm bởi luôn cảm nhận được có bố mẹ ở bên, không việc gì phải sợ nữa cả. Đến nay hơn 2 tuổi, Rơm đã có thể tự chơi được khá lâu, chủ động xin đi chơi với người khác, cùng bố ra vườn làm việc, nên mẹ cũng có thêm thời gian để dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, trồng rau trồng hoa. Quả thực, con chỉ là con nít trong một thời gian ngắn thôi nếu so với một đời người. Vậy nên, cứ bình tĩnh cùng con lớn lên thôi.

3. Chuyện ăn uống:

Trong mấy năm đầu đời, đây có vẻ là việc làm đau đầu và mất nhiều thời gian của những người nuôi em bé. Còn đối với nhà mình, thì đây lại là “công chuyện” ít phải quan tâm nhất. Trong hơn 1 năm đầu, nguồn dinh dưỡng chính của Rơm là từ sữa mẹ. Từ khi mọc răng thì con bắt đầu tập ăn với các thứ hoa quả rau trái.

Rơm ngồi trên ghế bố đóng để tập ăn

Đến khi ăn dặm nhiều hơn thì con ăn cơm luôn, chứ không chịu ăn cháo ăn bột gì cả. Mình cũng từng đôi lần cố gắng chuẩn bị bữa ăn riêng cho Rơm nhưng sau đó thì bỏ luôn ý định theo đuổi việc này, vì con chẳng ăn mà mình cũng không có thời gian cho việc đó. Thế là cứ bố mẹ ăn gì thì Rơm sẽ thử ăn cái ấy, rồi thích gì thì ăn nấy thôi. Đến 2 tuổi, con bắt đầu tự xúc ăn.

Tụi mình không đặt ra mong đợi là con phải ăn được bao nhiêu mỗi bữa, phải ăn những gì, phải tăng bao nhiêu cân. Chỉ cần Rơm ăn ngon miệng, ăn vui, ăn no là được. Mình ít cho cu cậu ăn vặt, chủ yếu chỉ ăn khi đói chứ không phải cho vui miệng. Cứ đi chơi đi làm với bố, về rồi đến bữa thì ngồi tự xúc như một “người trưởng thành” :D, đến lúc nào không muốn nữa thì thôi. Các món trên bàn, muốn ăn gì thì ăn, không thích gì cả thì ăn cơm trắng, chứ không bao giờ có chuyện đòi hỏi và phải đáp ứng riêng thứ này thứ kia.

Ngô luộc là món ăn yêu thích của Rơm (và các bạn mèo)

Đồ ăn của nhà mình đơn giản, đa phần là những thứ tự trồng, được bạn bè cho hoặc mua ở chợ những món trồng tại địa phương và theo mùa. Có dầu phộng thì dùng, không thì dùng mỡ heo. Cực kỳ ít ăn đường. Rất hạn chế bánh kẹo công nghiệp và các thực phẩm chế biến sẵn. Thi thoảng vẫn đi ăn hàng cho vui nếu tìm được chỗ phù hợp. Mình cũng mày mò làm bánh này bánh kia cho thêm phong phú, nhưng Rơm vẫn thích nhất là trái cây, nên cứ tích cực trồng cây thôi.

4. Chuyện vệ sinh:

Mình mua khoảng 20 tấm vải xô cũ được dệt cho mục đích làm tã, và dùng từ lúc Rơm mới sinh cho tới khi gần 2 tuổi. Ở vườn nên nước giặt giũ và chỗ phơi thì không thiếu.

Thời gian con bắt đầu ngồi, bò và tập đi thì hay tè ra quần, ướt nhà. Được cái nhà ít đồ đạc, không dùng thảm, nệm hay ghế sô pha nên ướt thì lau một hồi là khô thôi. Khi biết đến khái niệm “giao tiếp loại trừ” (Elimination Communication), hiểu rằng ta có thể tập trung quan sát để học nhịp sinh hoạt và thói quen đi vệ sinh của con, thì mình chú ý hơn nhằm cho con đi tè đi ị khi bạn ấy ra dấu hiệu, chứ không bị phụ thuộc vào việc dùng tã hay để Rơm tè lung tung nữa. Nếu chủ động học hỏi sớm, thì bố mẹ có thể giúp con đi vệ sinh tự chủ, như vậy chỉ dùng rất ít tã ngay từ khi mới sinh. Đây thực ra là cách mà các thế hệ trước đây vẫn dùng ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Và may mắn, Rơm cũng biết tự ý thức, tự học hỏi và ghi nhớ dần. Đến 2 tuổi là con tự đi ị đi tè, ban đêm không cần dùng tã nữa, mà khi nào có nhu cầu thì hay uốn éo khóc, bố mẹ bế cho đi “xử lý” rồi vào ngủ tiếp ngon lành.

Tã của Rơm, giờ không dùng nữa thì mẹ lại dùng tiếp

5. Tự làm, rồi cùng làm:

Rơm có ý thức “tự làm” từ sớm. Một trong những câu đầu tiên bé nói là “kệ con”. Tụi mình cũng luôn ý thức để con tự làm nhiều nhất có thể, vừa vui, vừa tự rèn luyện kỹ năng, vừa có tinh thần trách nhiệm. Khi đã tự làm được, thì để con tự làm từ đó về sau, không tranh giành việc với con nữa.

Đến nay, ngoài những “thao tác” cơ bản như: ăn uống, đi vệ sinh, rửa tay trước khi ăn, lấy nón lấy áo đi dép, xin phép khi đi chơi, chào khi về nhà, dọn dẹp đồ sau khi dùng, thì Rơm còn biết diềm màn trước khi đi ngủ, “phụ việc” cho bố khi làm vườn và làm mộc, cất đồ chơi giày dép khi trời mưa… Trong cuộc sống hằng ngày, tụi mình luôn để Rơm cùng tham gia làm mọi việc có thể. Làm chút chút cũng được. Làm xong có khi bố mẹ còn phải dọn, nhưng quan trọng là con có ý thức giúp đỡ người khác và biết tham gia, hiện diện vào công việc chung, vào nếp sinh hoạt của gia đình.

Rơm phát triển rất nhanh về nhận thức, và đó cũng là điều luôn khiến mình ngạc nhiên. Bởi lẽ, trước đây, thấy cách nhiều người chăm các em bé ở thành phố, thì rõ ràng mình thấy chúng cứ là con nít mãi, có khi đến tận mười mấy tuổi vẫn phải chăm bẵm những việc cơ bản. Còn Rơm, thì có cô bạn bảo “Thằng Rơm nó 20 tuổi rồi chứ không phải 2 tuổi nữa”, rồi các cô bàn luận với nhau rằng: “có khi cứ để tự nhiên thì trẻ con nó sẽ phát triển như vậy ấy nhỉ. Chỉ do thấy nhiều em bé được chăm bẵm kỹ quá rồi chẳng biết gì, nên mới thấy như thế này là lạ thôi.”

6. Chuyện chơi-học:

Ở vườn nên chuyện chơi và học gắn liền với nhau. Con ra vườn chơi với cây cỏ thì học về cây cỏ, chơi với giun dế thì học về giun dế, xem cá cua thì học về cá cua. Con xem mẹ nấu bếp thì học về nấu bếp, xem bố làm mộc thì học về làm mộc, phụ bố làm vườn thì học về làm vườn.

Con biết phân biệt cua cái và cua đực. Con nhận biết và gọi tên được hầu hết các loại rau, quả, cây, hoa có trong vườn. Có một lần, bạn mình đến chơi và nghe Rơm giới thiệu “cây bo bo”, thì cười ngặt nghẽo, bảo “cô 30 tuổi còn chưa biết cây bo bo là gì mà Rơm đã biết rồi hả”. Con biết hoa thì để ngắm, ngửi và khi hái rồi thì biết lấy một cái lọ nhỏ để cắm, đổ nước vào rồi bày lên bàn. Con biết mấy loại quả chín mẹ để làm giống thì không được chơi, và còn chủ động hái về cho mẹ cất đi nữa. Con biết cây mọc giữa đường thì nên bứng đi trồng, và biết nhổ cỏ ra khỏi luống rau. Con biết ra vườn gặp gai xấu hổ thì dẫm dép lên mà đi thôi. Con biết rằng không nên đụng vào bọ cạp, cóc kêu thì trời mưa, con bê là con của con bò, và tiếng của bìm bịp thì như thế nào. Tụi mình chủ động chia sẻ mọi điều với Rơm, không phải để bạn ấy trở thành một đứa trẻ biết tuốt, mà chỉ đơn giản là để con hiểu biết những thứ xung quanh, gần gũi, thiết thực với cuộc sống của con thôi.

Mình không mua đồ chơi cho Rơm, và hoàn toàn không cho con dùng các thiết bị điện tử. Con có một ít đồ chơi cũ được mọi người cho, còn thì tự làm đồ chơi từ những gì con thích. Một sợi dây buộc vào cái que, thế là có cái cần câu cá chơi suốt mấy tuần rồi chưa chán. Một cái lọ nhựa mỗi lần ra vườn lại đem theo để đựng sâu đất. Mấy quả rau ngót rừng thì như báu vật, đếm đi đếm lại. Một đống đất là thành núi. Một vũng nước là thành ao. Trẻ con thật sự rất giàu trí tưởng tượng, rất sáng tạo, rất dễ tự làm cho chúng vui. Và mình mong rằng, con sẽ mãi nuôi dưỡng được đứa trẻ bên trong, kể cả khi con đã thành người lớn.

7. Chuyện sức khỏe:

Nhờ thói quen ăn uống sinh hoạt như đã kể trên, nên trộm vía Rơm cũng ít ốm vặt. Từ lúc sinh ra đến giờ, con sốt siêu vi 1 lần, không uống thuốc gì kể cả nước lá, mà chỉ bú mẹ rồi tự khỏi. Có một lần trời trở lạnh đột ngột thì cả nhà cùng bị cảm lạnh. Có đôi lần mọc răng hàm thì hơi sốt nhẹ chút rồi thôi. Đường tiêu hóa cũng chưa từng gặp vấn đề gì lạ. Mình tin rằng, việc nuôi dưỡng và để hệ miễn dịch tự nhiên phát triển sẽ giúp bảo vệ cho con tốt nhất. Mình không giữ con quá kỹ. Trời lạnh mặc đủ ấm, không cần mặc như em bé bằng bông. Mưa nhỏ thì cứ đi nhanh hơn chút vào nhà. Trời nắng thì nhớ đội mũ khi ra vườn là được. Để con được tự trải qua đôi lần ốm nhẹ cũng giúp cơ thể được rèn luyện. Theo mình, con sẽ có sức khỏe tốt khi ăn uống phù hợp, vận động ngoài trời thường xuyên, tinh thần thoải mái. 

8. Về vai trò của bố:

Khi Rơm còn nhỏ, cần ở bên mẹ nhiều thì bố là người lo hết công việc gia đình để mẹ toàn tâm chăm con. Khi Rơm biết chơi thì bố dành nửa thời gian để chơi với con, đưa con đi thăm vườn thăm ruộng. Ban đêm, mẹ cho bú còn bố thì lo thay tã, cho con đi vệ sinh. Lớn lên, con theo bố đi làm, học hỏi từ việc quan sát và những điều bố dạy cho. Giờ thì bố hát ru cho ngủ buổi trưa, vệ sinh răng miệng, tắm rửa cho Rơm mỗi ngày. Mình rất biết ơn người bạn đồng hành vì đã cùng chia sẻ mọi việc liên quan đến con cái, nhà cửa, chứ không bao giờ có ý coi đó là việc của riêng phụ nữ.

9. Về bản thân mình:

Mình không phải kiểu đam mê làm mẹ, trước đây còn có ý định sẽ không sinh con. Vậy nên khi có Rơm, mình cũng gặp nhiều rắc rối “tinh thần” trong thời gian hơn 1 năm đầu, nhất là mâu thuẫn giữa ý muốn tự do, dành thời gian cho bản thân với trách nhiệm và cũng là mong muốn dành thời gian bên con.

Đúng là có những ngày dài đằng đẵng…

Mình bị trầm cảm trước và sau sinh. Trong gia đình có người thân cũng bị trầm cảm, nên nhiều khả năng mình có mầm mống sẵn rồi. Nhưng một phần nữa vì em bé ra đời trong thời đại biến đổi khí hậu, nên thường nghĩ rằng mình có lỗi với con khi mà tương lai của bé mịt mờ như vậy; những bất đồng với gia đình về lựa chọn sống thì chưa được giải quyết nên cũng thiếu sự đồng hành động viên của người thân trong thời gian đầu; cuộc sống thì nhiều khó khăn mà khi chỉ hai vợ chồng thôi thì không sao chứ thêm một em bé vào lại cảm thấy hoang mang; việc làm mẹ quả là chiếm nhiều phần thời gian và tâm trí hơn mình tưởng, đến nỗi nhiều khi thấy bản thân như tan biến luôn mất rồi.

Có nhiều lúc mình thấy thiếu niềm tin vào bản thân (không thể chịu được cơn đau đẻ nữa, không đủ sữa cho con bú, không thể vui vẻ bên con được), nhưng chồng thì chưa bao giờ nghi ngờ cả. Anh luôn là chỗ dựa, là người ở bên vợ trong những thời khắc khó khăn nhất. Thời gian qua đi, mình cũng cảm thấy mối gắn kết với con lớn dần, biết lắng nghe bản thân và nhìn vào bé để nhận ra mẹ nên làm gì. Thêm vào đó, tiếp cận được với một số kiến thức về tâm lý trẻ em cũng như cách chăm sóc bản thân sau sinh, gia đình nội ngoại khi thấy Rơm khỏe mạnh vui vẻ như vậy cũng đã tin tưởng vào hai vợ chồng hơn, và cuộc sống thì cũng dần ổn định, nên mình đã đi qua được giai đoạn trầm cảm đó. Bản thân cũng thôi không còn cảm thấy có lỗi khi sinh Rơm ra nữa, mà tập trung vào việc làm sao để con có được những tháng ngày ở đây bây giờ thật hạnh phúc, chuẩn bị cho con về sức khỏe và kỹ năng để bé sống vững vàng sau này, cũng như trồng cây trồng rau để khu vườn ấy sẽ là nơi an trú vững chãi cho con.

Kết lại

Mọi người thấy một em bé như Rơm, không cần sữa bột, không cần cháo dinh dưỡng, cứ chắc lẳn như cục đất mà lớn lên mỗi ngày, thì bảo số bố mẹ nó may, được trời cho một đứa như thế. Ừ thì cũng thấy thật may, nhưng mà là may mắn khi vợ chồng đều đã lựa chọn cách sống như bây giờ, đều đồng lòng trong quan điểm nuôi dạy con. Được đi cùng Rơm từ lúc mới sinh đến giờ, chứng kiến Rơm lớn lên mỗi ngày là được thấy niềm tin của mình hiển hiện trước mắt.

Dù vậy, mình thấy rằng, không phải ai cũng muốn có con, không phải lúc nào cũng là lúc phù hợp để sinh con. Sinh con và nuôi con cũng không phải là việc tự nhiên mà làm tốt. Nói là “thuận tự nhiên”, nhưng không phải cứ kệ vậy, như thế là bỏ mặc, hoặc nhiều khi tưởng việc ta làm là đúng nhưng hóa ra đừng làm còn hơn. Mình tin rằng, trong thời đại mà mọi thứ thật giả lẫn lộn, thông tin và lựa chọn ngập tràn, thì tình yêu thương vô điều kiện, lý trí sáng suốt và chính đứa con sẽ dẫn đường cho bố mẹ trong hành trình này.

Vườn nhà Vịt

Thông tin vườn:

Ý kiến của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Scroll to Top