Một trong những nhu cầu thiết yếu của các bạn từ phố về quê là dựng nhà. Sau đây mình đúc kết trải nghiệm của gia đình mình và 1 số bạn bè.
1. Vật liệu làm nhà:
Gỗ hay tre, đất hay xi măng … Mình nghĩ chất liệu gì có sẵn tại chỗ và có thợ tại chỗ thì là chất liệu phù hợp.
Nhà đất mà phải chở đất từ nơi xa về thì nhọc . Nhà tre mà chở tre từ Bắc vô Nam thì cực . Có vật tư tại chỗ mà nhân công không có sẵn tại chỗ thì mệt. Nhiều bạn thích căn nhà ve chai như của nhà mình nhưng giá đồ ve chai chỗ bạn quá mắc, khí hậu lại lạnh và còn có bão theo mùa thì đó không phải là giải pháp cho bạn mà lại thành vấn đề mất rồi.
Gỗ, cánh cửa, tôn …., mình đã đi gom khoảng 6 tháng trước khi làm nhà. Rất cực công chứ không hề đơn giản. Ngày ấy (2017-2018) thì các vật liệu này còn nhiều, mình dễ dàng tìm kiếm và mua rẻ được ở tiệm bán đồ cũ, còn bây giờ có muốn mua cũng không có (rác xây dựng bây giờ chủ yếu là nhôm sắt) đồng thời giá đã rất mắc.
2. Lối sống:
Chất liệu làm nhà là gì còn tùy vào lối sống.
Ví dụ: nhà tranh vách đất thì
Nhất thiết phải có hơi người. Thiếu hơi người thì xuống cấp rất nhanh, vì vậy sẽ không phù hợp làm nhà nghỉ cuối tuần hay vài tháng mới về ở 1 lần.
Cần hơi khói thì mái lá mới bền. Nên là cần bếp củi nổi lửa thường xuyên.
Vách đất chịu mưa trực tiếp rất kém nên vách càng lớn thì rủi ro càng lớn.
Tốn nhân công. Nên nếu thuê thợ thì chuẩn bị nhiều xiền còn huy động bạn bè thì cũng cần có người biết kỹ thuật và biết quản lý để sử dụng nhân công hiệu quả.
3. Tầm thước kiến trúc:
Người dạy mình triết lý căn bản về kiến trúc là Trí Em. Rằng ở vườn người ta sống ngoài vườn nhiều hơn ở trong nhà nên không cần làm nhà to. “Mỗi người trung bình chỉ cần 10m2: tầm 4m2 cho không gian riêng tư gồm những thứ như chiếc giường nhỏ, bàn nhỏ, loa mini… còn lại 6m2 để đi lại, chia sẻ không gian chung. Biến thiên có thể trong 20% mà thôi, tức tối đa là 12m2 cho mỗi người (cái này các sách vở kinh điển về kiến trúc đã nói).
Gia đình có hai nếp nhà nhỏ dưới tán cây. Toàn bộ công trình phụ như: sàn rửa, nhà tắm, nhà vệ sinh, nhà kho, … đều nằm rải rác xung quanh nhà, vừa tận dụng nguồn nước thải cho vườn, vừa có cơ hội đi ra đi vào “tập thể dục” 😀 .
Thu nhỏ mình có nhiều cái hay:
Thứ nhất là mình biết đủ phần mình, chừa chỗ lại cho cái không-phải-mình như thiên nhiên cây cối. Để chúng ôm ấp căn nhà và cho ta bóng mát, niềm vui, cái đẹp.
Thứ hai là mình bắt buộc phải sáng tạo, phải hiệu quả cho lối sống tối giản hoá của bản thân. Xây một căn nhà rộng hoành tráng thì không khó, nhưng khiêm tốn giản dị và biết kìm chế lòng tham của bản thân lại khó.
Sau khi “thầy đã dạy”, thì việc làm nhà nhỏ theo mình có những lợi lạc sau:
Là người nội trợ, mình thấy nhà to thì chỉ thêm việc cho mình: dọn dẹp, lau chùi …
Nhà to, cao duy tu bảo dưỡng cũng mệt hơn nhà nhỏ. Ví dụ phải bắc giàn giáo thay vì 1 cái thang.
Chưa kể nhà vừa to vừa cao trong khi xung quanh trống lốc không có hàng rào cây phòng hộ thì mưa to gió lớn mới thấy cảnh. Sống ở vườn mới thấy 1 ngôi nhà nhỏ xinh, nép dưới tán cây nó lợi lạc ra sao. Mưa được bao bọc, nắng được chở che.
4. Cụm kiến trúc:
Điều này cũng Trí Em dạy: làm 1 cụm kiến trúc chứ đừng làm 1 khối kiến trúc. Nôm na là làm vài căn nhà nhỏ thay vì một căn nhà đồ sộ. May là đã nghe theo và càng lúc càng thấy đúng. Nếu nhà hay có khách, nên làm một căn riêng cho khách, không cần lớn, 9-12m2 cũng được. Sao cho tối đến khách về nhà cho khách, mình về nhà mình. Cho nhau không gian để tiếp nhau được lâu mà không chán. Nhìn nhau 24/7 chắc chỉ tiếp nhau được vài ngày. Các cụ bảo “1 ngày là vàng, 2 ngày là bạc, 3 ngày là rác ngoài sân, 4 ngày là phân ngoài đồng”
5. Đừng vội:
Mình đã gặp nhiều người từ phố về quê , trước khi chuyển về ở là sẽ làm một căn nhà hoành tráng, đa số đều hối hận vì nhiều lẽ. Mà lẽ chính là ta lúc ở phố và ta lúc ở quê khác nhau nhiều lắm. Nếu bạn tính về quê, cứ cho bản thân thời gian. Khi chúng ta thành một phần của khu vườn, khu vườn thành một phần của cộng đồng, khi nỗi sợ của ta ít đi, ta sẽ nghĩ khác đi, sống khác đi và sẽ làm nhà khác đi.
Nhà của Vũ “như một cây nấm mọc lên sau mưa” – ngôi nhà hiếm hoi của người từ phố về quê mà không chặt cây bạt đồi. Ảnh của Nguyễn Trung Dũng