

Lấy chồng từ thuở hai mươi và chị luôn cảm ơn cuộc đời vì đã gắn bó với một người chăm chỉ, có chí, chịu làm lụng. Dù còn trẻ (1982) nhưng đã có 2-3 miếng rẫy cà, có nhà riêng ngoài phố, cuộc sống có thể gọi là có của ăn của để. Nhưng như một phản xạ của lớp người hay lo xa, cứ muốn làm nhiều hơn nữa, muốn tích cóp được nhiều hơn nữa để mai này có chuyện gì hoặc lo cho con cái, vậy là cứ thế suốt ngày đi làm, đến ăn bữa sáng còn vội để đi rẫy, ăn bữa tối thật nhanh để kịp ngủ lấy lại sức, thời gian để trò chuyện cùng nhau hay quan tâm con cái là chuyện gì đó rất muốn nhưng chưa bao giờ là ưu tiên.
Rồi nhận thấy miếng rẫy gần nhà đất đai ngày càng xấu đi, năng suất cho trái thấp, thế là vợ chồng quyết định sẽ bán miếng rẫy cũ đồng thời đi tìm một mảnh rẫy mới tốt tươi hơn, cho nhiều nông sản nhiều nguồn thu hơn. Đã xem qua cả chục miếng đất, có mảnh ưng ý lắm nhưng giật mình nhìn lại, chất đất thì đẹp thật đấy mà muốn làm vườn sẽ lại cần đào giếng, đào ao, trồng cây lại ngay từ đầu, nghĩ đến đoạn đó thấy nản quá. Nhìn vào mảnh vườn mình đang có, vườn đâu còn thiếu gì mới hỏi bản thân “tại sao không ở yên đây, đất xấu thì mình cần chăm tấp tủ nhiều hơn, bỏ nhiều cây xanh xuống đất hơn. Bà con làng xóm ở đây mình đã sống bao nhiêu năm còn đi đâu tìm kiếm”. Thế là anh chị quyết định ở lại.
Chị nhận ra: cuộc đời này vốn sức khỏe là quan trọng nhất.
Thấy các bạn trẻ thành phố về mua đất làm vườn khắp xóm quanh nhà, chị thắc mắc: ủa sao có nghề có nghiệp, có ăn có học mà tự nhiên muốn làm nông như mình. Tại sao vậy? Chị băn khoăn dữ lắm. Chị lân la hỏi chuyện hết người này đến người khác, từ ngày này qua ngày khác cộng thêm việc quan sát nhìn ngó nếp sống của các bạn, rồi chị nhận ra: tất cả là vì sức khỏe thôi, làm cho nhiều mà không có sức khỏe thì cũng chẳng để làm gì cả. Chẳng phải ngay như gia đình chị có tiền, có đất đai, có vợ chồng con cái, nhưng chưa ngày nào nghỉ ngơi, chưa khi nào cả nhà ngồi quây quần bên nhau nói chuyện tình cảm, hỏi han, chưa bao giờ quan tâm đến việc “ăn cái này vào rồi liệu có khỏe không?” Thế là chị hỏi các bạn thành phố: cho chị làm chung với. Đó là bước đầu tiên trên con đường chị cùng gia đình dần dần thay đổi lối canh tác cũng như lối sống. Chị chủ động để nghị tham gia vào lối sống vì sức khỏe ấy.
Lúc đầu chồng chị không ưng đâu, ảnh vẫn hừng hực kiếm tiền mà. Chị cứ thủ thỉ từ từ. Sáng nào uống café với anh chị cũng hỏi: anh thấy vầy thích không, vợ chồng dậy sớm thay vì tất bận lo làm thì mình ngồi uống café với nhau trong sân nhà, nhìn vườn tược, nhìn gà vịt, nhìn con cái.
Anh bảo: ừ cuộc sống chỉ cần có vậy.


Thế là anh chị cùng đồng hành với nhau trên con đường này. Cứ mỗi ngày nhận ra nhiều điều hơn, cam kết hơn. Bắt đầu là thay đổi nếp nghĩ, rồi sau đó hiện thực hóa nó bằng lối canh tác thân thiện với sức khỏe, tiếp đó là thay đổi thói quen ăn uống, thói quen tiêu dùng, chị khoe rằng: đã từ lâu lắm rồi đi chợ với chị bằng đi rẫy, vì vào rẫy là chị có đủ mọi thực phẩm từ gà, vịt, cá, rau đậu hoa màu, rất đủ đầy. Và câu chuyện không chỉ dừng ở đây, anh chị là những người nông dân chăm chỉ nhưng cũng rất nhanh nhạy, biết làm ăn, ngày thay đổi lối canh tác là chị cũng dự định trong đầu những nguồn thu:


- Làm cafe theo hướng xanh, sạch và bán được một mức giá tốt hơn. Hiện tại, có rất nhiều nhà buôn muốn mua hạt cafe canh tác tốt, hái lựa trái trái chín, phơi phóng cẩn thận. Vậy nên dù năng suất thấp hơn, làm nhiều công đoạn hơn nhưng thu nhập không hề thay đổi và chỉ cực thân thôi còn không phải ngửi bất kì hóa chất nông nghiệp nào, và việc cực thân ấy lại rất vui.
- Nhà còn có vài cây điều, mỗi năm cũng gọi là có thu, đủ nhà ăn, đủ cho tặng, đủ bán buôn đôi chút.
- Chị còn trồng các loại hoa màu, đủ các thể loại đậu hạt mỗi năm hai vụ vào mùa mưa, rồi chủ động rao bán, hoặc tham gia vào nhóm bán chung của các bạn thành phố, phải nói thật là các bạn thành phố có tư tưởng, mang về cho chị một tư tưởng mới để học hỏi, còn kĩ năng làm nông, kĩ năng tính toán cân đong đo đếm như một nữ nhân thu vén thì phải học chị, phải nhìn chị, xuất sắc lắm.
- Trái cây trong vườn toàn cây cổ thụ, mỗi năm một mùa là lại có thu.
- Hay các phản phẩm từ vườn như cá, gà …. ăn không hết thì lâu lâu cũng có thể bán tại chợ địa phương, không cần đi đâu xa.
Xanh từng hỏi: điều gì khiến chị vui nhất kể từ khi thay đổi canh tác? Đó là:


- Vợ chồng có thời gian để nói chuyện để hiểu người kia hơn, chưa khi nào anh chị cảm thấy thân thiết nhau, hiểu nhau đến vậy, nhiều lúc nghe anh kể chuyện chị cứ vỡ òa: ồ thì ra anh là như thế. Sống với nhau mấy chục năm, đến bây giờ tụi chị mới bắt đầu hiểu nhau.
- Con cái ngoan ngoãn, thương và biết lo cho cha mẹ, nên chị hi vọng rằng khi anh chị thay đổi lối sống chúng cũng cảm nhận được, để rồi có một tâm hồn giàu có, vui vẻ và tích cực. Thấy chị làm gì mấy đứa con cũng làm theo nên mong rằng chị kịp làm gương cho chúng.
Các bạn ạ, về vườn với nhiều người có thể là để có nông sản sạch, là để có không khí trong lành, là để sống chậm, là được thỏa chí trồng cây, nhưng cũng có những anh chị là: con đường xây đắp tình yêu gia đình, con đường hiểu và trân trọng nhau hơn nữa.
Hai anh chị ấy làm nông từ khi nhỏ, đến tận bây giờ và họ luôn nói: anh chị ăn học ít không biết gì.
Nhưng chúng ta thấy đấy, cả cuộc đời này ta cố gắng học, cố gắng phấn đấu để đạt được điều gì?
Và câu chuyện của anh chị còn cho Xanhshop cảm nhận được: chúng ta đã ngã ở đâu, đã làm đau ở đâu thì phải xây dựng, phải đứng lên ở đấy. Đừng để lại cho người khác một “bãi rác”, còn bản thân thì đi kiếm “bãi tài sản mới”, rồi cứ thế lấy hết phần tốt đẹp cho mình. Sống, làm việc, canh tác cho mình, cho con cái, cho nhiều thế hệ.
Thay đổi lối sống cũng là con đường tình xây đắp tình yêu gia đình, con đường để hiểu và trân trọng nhau hơn nữa.
Chân thành cảm ơn sự tài trợ hình ảnh của các bạn ở vườn hàng xóm, Xanhshop chỉ cần lên tiếng đã có các bạn lăn xả 😀 .