Chị có một câu chuyện về vườn rất dài, khó có thể nói trong vài câu, bởi cái nghề này như cái nghiệp đã chọn gia đình chị từ lâu lắm rồi, cuộc đời ba chìm bảy nổi cố gắng tìm lối thoát ra, nhưng kiểu gì cũng đánh chị bật ngược lại với con đường làm nông dân.
Hai anh chị là bạn cùng trường cao đẳng, tốt nghiệp rồi kết hôn và lập nghiệp ở Đà Nẵng. Năm 2012, chị sinh bé đầu, lúc mang thai cũng khá ốm yếu và bé hơi khó tính nên thức đêm thức hôm, ẵm bồng trên tay cả ngày vậy. Chưa kịp lại sức, 1 năm sau lại có bé thứ hai ngoài dự tính. Một đứa thì ẵm ngửa, một đứa bò lổm ngổm, mẹ mệt, ba cũng đuối vì chỉ có một mình anh đi làm lo chi tiêu cả gia đình, mà cũng mới ra trường chứ đâu có phải dư giả gì, cả gia đình cứ như tơ vò vậy.
Mình là sao chổi của chồng con ư?
Cuộc đời bước vào ngõ cụt khi ta nghi ngờ chính mình.
Sau đó 1 năm chị được chuẩn đoán bị ung thư, và 1 năm tiếp theo chữa trị căn bệnh này, cuối cùng kết luận là u lành tính. Gia đình thiếu hụt thu chi, nên khi bệnh tình dần ổn chị bắt đầu xin đi làm, nhưng bằng một sức cản nào đó phỏng vấn ở đâu cũng rớt. Ngày mới ra trường ăn nói hoạt bát, nhanh nhẹn, nhưng ngây ngô ít kinh nghiệm thì xin việc thuận lợi nên phần nào đó có sự tự tin, vậy mà không hiểu sao bây giờ động vào đâu là rớt ở đấy, tìm mọi cách cũng không ra việc. Cứ thế chị nghi ngờ khả năng của chính bản thân mình, đâm ra đổ lỗi, coi mình giống sao chổi của chồng con.
Từ khi bắt đầu bị bệnh, chị để ý hơn về chuyện ăn uống, tìm kiếm thực phẩm tốt cho gia đình, tất nhiên là trong khả năng của mình thôi. Rồi một lần tình cờ đọc sách Cuộc cách mạng một cọng rơm, đọc xong với sẵn việc thất nghiệp, chị nghĩ: đi làm cho nhiều cũng chỉ mong có thực phẩm tốt, vậy tại sao mình không về quê làm nông dân, bây giờ việc thì kiếm không ra, tiền chẳng đủ để mua thực phẩm chất lượng, vậy thì mình sẽ tự làm ra. Thêm vào đó, trong suốt quá trình chữa bệnh chị luôn trăn trở “vì sao con người ta lại bệnh?”. Rồi khi ở hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, thấy tình hình quá tải ở đây, chị luôn tự hỏi: liệu cho đến tận cùng điều gì mới thật sự có ý nghĩa trong cuộc đời mỗi con người?, nhiều vật chất nhưng bệnh tật thì liệu có còn ý nghĩa?. Chị thật sự không muốn con cái mình sống một cuộc đời có viễn cảnh tương tự, chị mong chúng mang một ký ức tuổi thơ gần với thiên nhiên đất trời như cha mẹ nó đã từng. Chị bàn với chồng quyết định về quê. Thật sự bệnh tật là cú hích để chị quay về với mẹ đất.
Năm 2016 từ Đà Nẵng về nhà chồng ở Phú Yên, lúc này:
- Ôm con về nửa năm thì anh mới chuyển công tác về cùng. Hai con 4 và 3 tuổi. Một thân một mình ở nhà chồng phải nói thật cũng khá áp lực, vì lúc này không chỉ cần hòa hợp nhiều con người nhiều tính cách trong một mái nhà, mà quan trọng nhất nằm ở lối sống trái ngược nhau.
- Khi anh về, ông bà nội giao toàn bộ đất đai nhà cửa và chuyện thu chi đại gia đình. Áp lực bắt đầu ngày càng rõ ràng hơn, không chỉ về mặt tinh thần, bây giờ còn thêm cả tài chính.


- Làm vườn thì cực đoan cứng nhắc theo đúng quyển cọng rơm. Lúc ấy trong sách nói gì là bê vào vườn y chang, bất chấp có điều kiện hay không, từ rải rơm, hạt giống, đến cách thức trồng cây, đến các loại cỏ phủ đất ….Hai vợ chồng đổ tiền bạc và cả rất nhiều sức lực vào, kiểu bất chấp nắng mưa cứ lao ra vườn làm cho bằng được hình mẫu từ quyển sách. Giờ nghĩ lại mới thấy lúc ấy cái khao khát chứng minh bản thân đúng với cha mẹ với mọi người xung quanh quá lớn. Vì khi 2 vợ chồng rời bỏ thành phố đã bị phản đối, bị nói ra nói vào rất nhiều, rồi quá trình sống chung cũng xảy ra sự xung đột về lối sống (phần do tụi chị cực đoan, hay lên án cách sống thế này thế kia nữa). Vậy nên cứ nhanh chóng muốn chứng tỏ cách làm vườn như Cọng rơm là đúng là thành công là có tiền và có nhiều thứ khác. Càng muốn chứng tỏ thì càng nóng vội, càng bỏ sức lực. Chồng ra vườn làm một, vợ cũng bươn bả theo cho bằng được, chao ôi sức đâu mà nhiều thế, thậm chí hai vợ chồng còn tự tay đào cái ao nữa kia.
Và tất nhiên với cách làm cố chấp, tự cho rằng mình đúng, chứ không phải dựa trên việc quan sát hay thấu hiểu cho khu vườn nên không có ra tiền nhiều, chẳng đủ chi phí cho đại gia đình. Ban đầu thì tiêu dần vào tiền tiết kiệm, tiền hết thì chồng phải đi làm thuê cho bà con hàng xóm. Đã cãi lời tất cả mọi người về quê, nên lúc ấy phải đi làm thuê thật sự không thoải mái gì, tự mang tâm lý của người thất bại.
Đến giữa năm 2017, thật sự cả hai vợ chồng đều kiệt quệ về thể xác lẫn tinh thần. Thể xác do lao động quá độ, còn tinh thần như đã nói ở trên, lúc này mất đi ít nhiều sự tự tin vào lẽ sống mình chọn, rồi băn khoăn mãi trong đầu: vợ chồng đã làm tất cả những gì sách nói vậy nhưng sao không thể thành công, đã sai ở đâu, sai như thế nào mà bây giờ tay trắng thế này.
Đến cuối 2017 có một người bạn rủ ra Quy Nhơn làm du lịch – đúng chuyên ngành mà hai vợ chồng đã học, thêm nữa người bạn này cũng từng rất thành công, nên anh chị gom hết vốn liếng có thể, để tháo chạy khỏi quê hương, muốn bắt đầu lại cuộc đời.


Với tâm thế “chắc chắn phải thành công” ở lựa chọn này, tụi chị lao vào làm việc mặc kệ bản thân đã rã rời lắm rồi, nhưng công việc không trôi chảy, một lần nữa sự túng quẫn lại diễn ra. Có lẽ đây là thời điểm khó khăn nhất với gia đình chị. Chị lần nữa nghi ngờ bản thân, tự trách chính mình, cả gia đình như bây giờ đều bắt nguồn từ những ý tưởng nơi chị.
Trong những ngày ấy chị cứ thầm mong: liệu có cái vườn canh tác tử tế nào mà có thể cho mình ở lại, làm lụng, rồi chỉ cần trả 2 triệu/tháng thôi cũng được, chỉ cần thế thôi. Và rồi khu vườn ấy xuất hiện thật, cả gia đình như là con cá trở về với nước. Ở đây, đã trả lại cho tụi chị niềm tin vào lựa chọn lối sống, lối canh tác, giúp tụi chị nhận ra bản thân sai ở đâu khi cố chấp về vườn lần trước, tụi chị được chuẩn bị rất nhiều vốn kĩ năng cho bước đường tiếp theo, và cho tụi chị một nguồn tài chính dự trữ nhất định nữa. Nhưng điều quan trọng nhất đây là nơi đã cứu tụi chị, một cái phao cứu sinh đúng nghĩa. Và khi ở đây tụi chị biết chắc chắn rằng: làm nông dân là lựa chọn duy nhất mình muốn, dù cuộc đời có rẽ hướng nào thì cuối cùng vẫn hướng về nghề nông.
Khi đã sống ổn, tụi chị cũng chưa dự định sẽ an cư ở đâu, chỉ là thấy nơi nào có cộng đồng nơi ấy mình nương náu, nhưng rồi nhiều biến cố xảy đến khiến anh chị quyết định quay về Phú Yên một lần nữa, tuy nhiên sẽ bắt đầu trên mảnh đất của mình, nơi có thể tự chủ làm được mọi thứ trong tư tưởng.
Tháng 8/2020, gia đình chị đặt chân lên mảnh đất thuộc về mình. Mà mảnh đất này cũng đến như một định mệnh vậy: đây là miếng đất ven hồ tụi chị đã xem 2-3 năm trước rồi nhưng lúc đó người ta chưa chịu bán. Cái hôm hai anh chị đi coi miếng rẫy khác, định bụng sẽ thuê lại, thì chiều ấy nhận được cuộc điện thoại của chủ nhân miếng đất ven hồ: chú muốn bán đất cho tụi bay. Và rồi anh chị quyết định mua trong đêm luôn. Tiền mua đất là do một sự may mắn, ngày xưa ở Đà Nẵng đã bắt đầu trả góp miếng thổ cư nhỏ, nay bán đi đủ tiền có mảnh vườn. Tất thảy như được sắp đặt.


Năm 2020, 2021 được dành ra để tập trung dựng nhà, các công trình phụ, chuồng trại, nói chung mọi cơ sở vật chất cần thiết nhằm ổn định cuộc sống:
- Tận dụng căn nhà rẫy cũ của người ta, chỉnh sửa đôi chút trở thành gian nhà chính.
- Xây mới một căn bếp, vì đây là vùng có khả năng xảy ra bão mỗi năm nên chị xác định: phải có một công trình kiên cố, chịu được sức bão, lỡ may bão lớn thì cả nhà rút vào đấy “ẩn nấp”, và căn bếp được chọn làm công trình này. Anh Chị đã lên mạng tham khảo các kết cấu nhà chịu được bão, nghiên cứu kĩ lưỡng rồi mới tiến hành xây dựng. Vì trước đó, tụi chị đã đi làm khá chuyên tâm và đủ lâu ở 1-2 vườn, nên hiểu rõ việc phải lựa chọn vật liệu xây dựng phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu, lẫn sự sẵn có của địa phương và năng lực bản thân, nên không dính mắc phải làm căn nhà theo tiêu chuẩn thân thiện môi trường hay bất cứ điều gì. Cảm thấy rất may mắn vì tháo gỡ được dính mắc này. Chứ cứ tưởng tượng miền Trung mùa bão, mùa đông giá rét mà núp trong mái nhà tranh ven hồ chắc sống cũng khó chứ đừng nghĩ đến làm gì.
- Vì địa thế ven hồ mà, nên tạo một cái chòi nhỏ coi như để ngắm cảnh, để tiếp khách hay soạn mâm cơm. Làm như phòng khách ngoài trời vậy 🙂
- Một chiếc nhà tắm hình xoắn ốc, nhà vệ sinh khô, kèm một nhà kho đựng nông cụ. Mỗi một “công trình” đều tách biệt nhau thành từng cụm nho nhỏ thôi.
- Và cuối cùng làm một khu chuồng trại để chăn nuôi ít gia súc gia cầm, phục vụ nhu cầu thực phẩm của gia đình. Một vài cái ao nhỏ quanh nhà để trồng hoa tạo quang cảnh, thả thêm chút cá, chút ốc nếu cần.
Và may mắn thay toàn bộ việc xây dựng này anh chồng chị đều tự làm, việc nặng quá thì có người này người kia phụ nhưng đa số là một mình anh cứ túc tắc. Không ép mình chạy theo thời gian nào cả, cứ vừa sống vừa quan sát nhu cầu, thiếu đến đâu anh tự làm cho gia đình đến đấy. Có vốn kĩ năng, có khả năng tự thân vân động là một điều quan trọng cho việc sống được thoải mái ở vườn.
Bên cạnh chuyện nhà cửa thì anh chị cũng làm vườn, tuy nhiên anh chị đã chưa đánh giá đúng thực lực của khu đất cũng như thực lực của chính mình. Anh chị vẽ ra trong đầu một vườn cây ăn trái đa tầng tán xen lẫn những loài hoa và tất cả được bao bọc bởi vành đai rừng, rồi khi khu vườn trưởng thành thì sẽ có thêm 3 căn nhà lá phía trước để đón khách. Đây là lần thứ 2 tụi chị về quê mà vẫn chọn nghề nông, nên lần trước bị nói một thì lần này người ta để ý tới hai, ba. Một vài người tỏ thái độ mình còn chống chịu được, nhưng nhiều người quá đâm ra có áp lực phải nhanh chóng thành công, nhanh chóng chứng tỏ lựa chọn của mình đúng. Lại là loại áp lực này và tụi chị vẫn tiếp tục “dính bẫy”: anh chị đã “ép” vườn tiếp nhận nhiều cây ăn trái, nhiều cây tạo thu nhập, khi mà đất đai chưa cho chúng đủ điều kiện để sinh trưởng nên èo uột mãi, nói chung thử sai cũng nhiều, cứ mỗi ngày mỗi học từng chút một, bây giờ vẫn học, vườn vẫn ngổn ngang chưa đâu vào đâu, nhưng tụi chị nhận ra: bản thân đã lo lắng vấn đề tài chính quá nhiều, giống như sống trong nỗi sợ vô hình ấy.
Ta không thiếu vật chất, chỉ là luôn có nỗi sợ thiếu thốn, nên sẽ quyết định nhiều thứ trượt theo nỗi sợ ấy.
Giờ đây, khi đã phần nào hiểu đất, hiểu người thì tụi chị quyết định tém tém bớt lại. Không còn muốn tập trung vào việc mau chóng cho khu vườn thành hình để đón khách nữa, mà ưu tiên hàng đầu là tự cung tự cấp. Và trên cơ sở đó, nếu dư thực phẩm thì “rủ rê” gia đình khác ăn chung. Nhưng khi Xanh đến đã giúp anh chị thêm một lựa chọn nữa: tự cung tự cấp ổn thì có thể chia sẻ với cư dân địa phương. Mất cũng có mà được thì rất nhiều, nên giờ đây anh chị đang thấy nhẹ nhàng, không áp lực như thời gian đầu 2020- 2021, giờ chỉ lo làm sao tự chủ được thực phẩm:
- Chú trọng quy hoạch khu vườn rau, trồng hoa màu. Nguồn nước dư dả nên trồng cây ngắn ngày khá ổn.
- Vì nhà gần hồ, có thể tận dụng dẫn nước vào thêm ao thả cá. Hai con đang tuổi ăn tuổi lớn nên chú trọng thực phẩm phong phú một chút.
- Mượn đất để trồng lúa, năm 2022 là lần đầu tiên trồng và lượng lúa dự đủ ăn 1 năm.
- Tìm hiểu rị mọ nuôi thêm một vài thùng ong, có mật cho mấy đứa nhỏ làm bánh làm trái.
- Trồng mía lau để vợ ép nước nấu mật….
- Nếu thiếu chi phí thì anh sẽ đi làm thêm công nhật bên ngoài, nhưng ngay khi gia đình cơ bản tự chủ được thực phẩm, chị sẽ xem xét lại “làm thế nào để đủ thu nhập với vườn”, sẽ phát triển một vài sản phẩm nào đó phù hợp với mảnh vườn cũng như kĩ năng của gia đình, nhất định sẽ tìm ra câu trả lời này.
Bây giờ ngồi ngẫm lại, chị thấy cái nghề cái nghiệp này chọn gia đình chị, nên gần như mọi ngã rẽ khác đều bị bít kín, dù cố gắng thế nào thì cũng bị đá văng lại con đường làm nông, chỉ làm nông mới được yên, như là định mệnh vậy. Và cũng thật may gia đình chị thích định mệnh này, những trầy trật nhào ra nhào vô chỉ là vì chưa nhận ra nhau mà thôi.
Khoảng thời gian mấy năm làm nông cho chị những được mất gì đáng nhớ?
Rong ruổi mấy năm để rồi hôm nay nhìn lại chị nhận ra bản thân đã: trưởng thành hơn, vững vàng hơn, tự tin hơn, tin vào bản thân mình. Có niềm tin vào chính mình – quan trọng lắm. Chị thấy ta không thiếu vật chất, chỉ là ta luôn có nỗi sợ thiếu thốn, nên sẽ quyết định nhiều thứ trượt theo nỗi sợ ấy. Thực tế có tiền không quan trọng bằng việc biết chi tiêu. Hiện tại một thành công của vợ chồng là không bị mắc nợ, chưa từng mất nhiều tiền “ngu” chỉ mất một chút thôi, chủ yếu mất cái công của mình à, thật sự rất nhiều công sức – vốn tự có bao nhiêu làm bấy nhiêu không vay mượn.
Sức khỏe tinh thần thường bị lãng quên: ta cố lờ đi những tổn thương, để rồi chúng tích tụ đâu đó bên trong chực chờ nhuốm đen tâm trạng lúc nào không hay.
À trong hơn 2 năm ở trên mảnh đất này, chị đã phát hiện ra chắc mình bị trầm cảm. Khoảng giữa năm 2021 thấy không ổn, chị nói chuyện với chồng và 2 con, mong mọi người hiểu cho giai đoạn này của mình, cho chị được sống trong thế giới riêng. Và đây không phải lần đầu tiên chị rơi vào cảm xúc này, đã rất nhiều lần trong quá khứ bị như thế. Nhưng áp lực cơm áo gạo tiền buộc chị phải lờ chúng đi mà tiếp tục sống đúng nhịp độ với tất cả mọi người. Lần này có lẽ phần vì đã ở trên mảnh đất “thuộc” về gia đình, nên có sự nghỉ ngơi nhất định, những câu chuyện quá khứ thi nhau kéo về, phần vì sức khỏe tinh thần đã đến ngưỡng nên giờ chúng bung ra chăng. Phải mất hơn nửa năm để chị nhận rõ ra được những khúc mắc, những cảm xúc chất chứa trong lòng và rồi chấp nhận chúng.
Không biết bây giờ tâm hồn ổn thật sự chưa, nhưng chị đã dám đối diện với mọi điều trong quá khứ, an ổn khi những nỗi đau đâu đó ùa về, chị cũng tha thứ được cho mình cho người và cho nhiều khoảnh khắc. Chị thích mình của hiện tại, đã cười đã khóc đã biết ôm lấy thân này. Trải qua đợt ấy, chị mới thấm thía rằng: chữa lành đất đai cũng chính là chữa lành tâm hồn con người. Chị may mắn được sống gần với tự nhiên để có cơ hội nhận ra mình. Quả thật chúng ta thường lãng quên cảm xúc, tâm trạng, cứ lấp liếm cho qua những nỗi buồn những tổn thương, mà đâu ngờ chúng tích tụ lại đâu đó bên trong chực chờ nhuốm đen tâm trạng lúc nào không hay. Chăm sóc nội tâm chưa bao giờ là quá muộn.


Ngoài ra, Xanh còn quan sát thấy một thành công lớn khác mà anh chị thực hiện được, đó là hai bé con tự lập, có khả năng thích nghi thích ứng cao với nhiều điều kiện sống, và chúng có lòng thương gia đình rất lớn:
- Một bé gái 10 tuổi đã tiết kiệm được tiền để mua lò nướng, tự học làm bánh trên mạng, làm món nào em trai thích ngất món ấy. Hay đã phụ mẹ cũng như tự mình nấu cơm bếp củi cho gia đình.
- Một bé trai gần 9 tuổi làm gì hay đi đâu cũng nhớ đến mẹ, muốn kiếm tiền phụ mẹ, muốn giúp mẹ mọi việc để người đỡ vất cả. Cậu bé có nhiều sở thích, nhưng mỗi khi thích cái gì là cực kì chuyên chú cho nó, đầu tư thời gian và vô cùng nghiêm túc tìm tòi tài liệu, kinh nghiệm khắp nơi cậu có thể. Ngày Xanh gặp, cậu đang nuôi cá lia thia, ổng ngồi chém gió về thức ăn về tập tính của cá, về chủng loại y như một nhà sinh vật học. Ông ấy còn bảo sẽ nuôi thật nhiều thành một trại giống rồi bán cá cho mẹ tiền.
Cả hai em đã có một tuổi thơ “lang bạt” khắp nơi cùng cha mẹ, nhưng trong ánh mắt chúng đầy sự tự tin, đầy niềm vui, và sự hào sảng. Có thể nhiều người nhìn vào thấy chúng “khổ” hoặc thiếu thốn đủ thứ, nhưng làm gì có nhiều đứa trẻ lành mạnh về tinh thần về cảm xúc như chúng. Ở lứa tuổi này các em giữ được sự trong trẻo, sự hồn nhiên giữa đất trời và có sự điềm tĩnh lẫn lòng thương đáng ngưỡng mộ.
Ngày Xanh rời đi chị hỏi: em thấy gia đình cùng mảnh vườn của anh chị ra sao, em đi nhiều rồi có góp ý gì không?
Xanh rất yêu mến gia đình này mà đúng ra cứ là nông dân vườn rừng thì trong Xanh cảm mến vô cùng, nhưng anh chị có thể nói là một “hình mẫu” hiếm hoi Xanh gặp được:


- Sự đồng thuận trở về của cả gia đình, vợ chồng con cái luôn đồng hành cùng nhau. Rất hiếm gia đình dám về đồng loạt như vậy, có rất nhiều nỗi sợ bao quanh: sợ việc học của con, sợ con không thích nghi được, sợ ốm đau …. Nhưng gia đình này “phiêu bạt” cùng nhau, lớn lên cùng nhau, và lũ trẻ sống nhân văn lắm.
- Anh chị trở về với nguồn tài chính hạn hẹp, thậm chí có thể nói từ hai bàn tay gần trắng, thậm chí làm nông là lựa chọn sống còn về mặt tiền, chẳng có lựa chọn nào khác. Vấn đề tài chính là nỗi lo của đại đa số mọi người khi về vườn (đồn đại rằng phải giàu tiền bạc mới về làm vườn rừng), nhưng nhìn gia đình Xanh đang kể chuyện đây, họ trở về cùng với sự giàu có của vốn kĩ năng đấy chứ. Chúng ta trở về phải cần nhiều tiền mới yên tâm, bởi vì ta không có đủ kĩ năng sống ở vườn, sống tự cấp tự túc. Ta đã sống tách biệt với tự nhiên quá lâu, và được giáo dưỡng để sống tốt ở thành phố.
- Và phải nói thật, lâu lắm rồi Xanh mới nhìn thấy sự đồng điệu của căn bếp, mái nhà và khu vườn. Đứng ở đây cảm nhận rõ ràng hình ảnh vườn nuôi, mâm cơm gia đình là gom hết từ vườn vào, và mọi thứ từ gia đình cũng đi ra nuôi vườn. Nhịp tồn tại của căn nhà và của khu vườn hòa vào nhau.
Chị có một vài nhắn nhủ với bạn đọc chứ?
Gia đình chị có một hành trình trở về khá dài nếu xét về trải nghiệm, vô số biến cố…. Nhưng bây giờ cả nhà đã quây quần trên mảnh đất thuộc về nhau, nên chị thấy mãn nguyện rồi, thấy sẵn sàng chấp nhận mọi điều xảy đến, sợ hãi trong lòng dường như biến mất chỉ còn lại một vài lo lắng, nhưng đầy niềm tin vào mảnh vườn rừng nương náu. Đã về với vườn, an lòng an dạ, cuộc sống đủ đầy, tương lai đáng sống, mọi thứ sẽ ổn cả thôi.
Chị muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ đang nhen nhóm ý định quay về là: hãy mạnh dạn nghe theo tiếng nói bên trong mình và mạnh mẽ dấn thân. Thành công hay thất bại không quan trọng vì cái cuối cùng là những trải nghiệm thật tuyệt vời, với hành trình mình đi qua, nhưng hãy thận trọng trong việc dùng tiền đừng để nợ nần. Và hãy tin vào sự trù phú của hành tinh, khi biết lấy đủ thứ ta cần thì một cách vi diệu mọi thứ đến với ta luôn đủ đầy.
Đây là câu chuyện trở về của gia đình Anh Dũng Chị Thanh ở Phú Yên, mà Xanh góp nhặt được trong chuyến đi Miền Trung năm 2022. Chúc cả nhà đọc câu chuyện này có thêm động lực để bắt đầu thực hiện dự định của mình nhé.
Phú Yên mùa bão, tháng 11/2022.