Bùi Farm: thảnh thơi dưới gốc cây gia đình.

Vào một ngày đẹp trời tháng 5, mình nhận được lời “đề nghị” của Xanhshop về việc kể lại câu chuyện “quay về” với quê hương của mình, và quay về nương tựa tự nhiên của cả gia đình, bởi biết đâu câu chuyện nhà mình có thể tiếp thêm động lực cho ai đó ở ngoài kia. Câu chuyện xin được bắt đầu như sau:

1. Người ở vườn:

Gia đình chúng mình, cụ thể là Ba Mẹ mình di cư vào vùng đất Lâm Đồng từ thập niên 80. Ba mình khi đó là thợ xây của một hợp tác xã xây dựng, Mẹ mình là viên chức ở huyện. Cuộc sống của gia đình tạm gọi là ổn định với sự quán xuyến, xoay sở của Ba Mẹ. Thu nhập từ lương của Ba Mẹ thời đó không đảm bảo cho việc ăn học của cả ba anh em, nên cũng như nhiều gia đình khác ở vùng đất Đức Trọng, gia đình có một mảnh vườn để tăng gia sản xuất. Từ đó tình yêu với tự nhiên, cây cối được vun đắp qua những lần vào vườn nhổ cỏ bắp, tỉa lá su su hay cùng nhau đốt cỏ chuẩn bị cho một mùa gieo tỉa mới. Nhưng rồi, mình cũng như nhiều bạn trẻ, rời quê hương ra thành phố lớn để học tập và tìm kiếm một cuộc sống khác.

Năm 2014, mình quyết định nghỉ việc ở thành phố để về quê, bởi khi đó Ba Mẹ mình đã gần 60 mà con cái thì ở xa, thêm vào khối lượng công việc ở vườn đã trở nên quá sức với Ba Mẹ. Con đường quay về của cả gia đình chính thức bắt đầu với “tầm nhìn” sẽ trở thành vườn rừng với đa dạng các loại cây rừng và các loại cây lương thực ngắn, dài ngày. Tùy theo nhu cầu của khách hàng mà vườn sẽ đồng hành cùng nông dân vườn rừng trong khu vực để kết hợp bán nông sản theo nhóm (ví dụ Nhóm Đức Trọng).

Bây giờ Ba mình chủ yếu lo cho mấy con bò, sáng hoặc chiều, một ngày  ít nhất một buổi sẽ đi chăn bò trên những ngọn đồi gần nhà. Mẹ mình mặc dù không còn tha thiết nhiều với việc nấu nướng, cũng gắng lo cho cả nhà những bữa cơm tươm tất. Thời gian còn lại Mẹ thích chăm hoa, đi nhặt trứng gà, kiểm đếm số lượng gà vịt và nếu Mẹ khoẻ thì xuống vườn rau làm cỏ, thu hoạch rau. Những việc ấy khiến Mẹ loay hoay cả ngày. Em gái mình thi thoảng phụ làm vườn, khi có khách hàng đặt chuối sấy, mít sấy hay làm bánh thì em mình đi ra vô giữa vườn và nhà ngoài thị trấn. Mình là lao động lực điền chính nhưng cũng “thợ đụng” nhất, vườn thiếu gì thì mình lao vào làm thôi – Mình là Bùi Anh Tuấn. Có thể nói gia đình mình đang là một đội thống nhất, dù thi thoảng vẫn có tranh luận về đường hướng phát triển vườn 🙂 .

Người mẹ quê với niềm vui hiển hiện.

2. Đôi nét về khu vườn và quá trình canh tác:

Khu vườn hiện tại được gia đình mình mua vào năm 2000, diện tích tầm khoảng 2.7heta. Ngày đó đoạn đường từ quốc lộ 20 xã Đà Loan mùa nắng thì bụi mù, mùa mưa lầy lội và trơn trượt. Có bận hai mẹ con mình bị xìa trôi cả người và xe xuống cống. Mình còn nhớ khi đó khu vườn là một đồi cỏ tranh tít tắp, có một cây dẻ ở giữa đồi, nơi quý giá mà mỗi buổi trưa Ba hay mấy anh em đến phụ làm sẽ ngồi dưới gốc cây ăn cơm, uống nước trà. Mấy năm đầu gia đình mình có trồng lúa rẫy, bắp và đậu phộng. Đến tầm năm 2005 mới bắt đầu trồng cà phê. Toàn bộ diện tích 2,7 héc ta chỉ có cà phê và mấy bụi chuối. Do chăm chỉ làm lụng nên dù giá cà phê có thấp mỗi năm chúng mình cũng dư được năm mươi hay bảy mươi triệu.

Cho đến năm 2014, khi anh em mình từ phố về quê thì bắt đầu có sự thay đổi. Trước tiên mình ngồi tính nếu một năm dư có năm mươi triệu, rồi chia cho 4 người, mỗi người mười hai triệu, chia tiếp cho mười hai tháng, mỗi tháng một triệu. Mà tháng nào cũng làm việc vất vả ít nhất hai mươi lăm ngày ngoài đồng. Vậy là vừa bận mà vừa nghèo tiền. Thậm chí, còn vay nợ, đặc biệt là vào mùa nắng để lo cho tưới tiêu, rồi phân thuốc. Phải thay đổi cách thức canh tác, cũng như cơ cấu mặt hàng nông sản thôi. Gia đình mình bắt đầu xác định sẽ giảm lượng phân bón và thuốc hóa học lên café từ từ mỗi năm.

Những thay đổi thật sự đến vào đầu mùa mưa năm 2017, khi đó mình bàn với gia đình ngưng hẳn việc dùng phân bón hoá học, chỉ dùng phân bò ủ của nhà. Quá trình dùng phân bón hoá học trong nhiều năm thực sự làm khổ Ba Mẹ, làm khổ luôn khu vườn. Bạn có thể hình dung trong những ngày nắng chói chang của tháng Hai, tháng Ba Tây Nguyên, cây cối yếu xìu vì thiếu nước mà chúng mình phải đi cào từng bồn cà phê, tiếng cào sồn sột vì đất cứng trơ, mồ hôi nhễ nhãi, hai cha con nhìn nhau chẳng buồn nói gì, thi thoảng còn cáu nhau. Nó thật sự là mệt mỏi về cả tinh thần và thể xác. Rồi mình đọc nhiều hơn, tìm hiểu nhiều hơn về những cách thức canh tác khác trên mạng, trên các diễn đàn, cũng sách báo, vườn bắt buộc phải thay đổi từ từ.

Cafe xanh tốt với lớp cỏ phủ kín đất

Chúng mình bắt đầu mua nhiều chuối về trồng, vườn cũng có thêm bơ, mắc ca, muồng đen. Đến mùa mưa này khi vườn đã có đủ bóng che, thì chúng mình trồng thêm vài trăm cây rừng các loại xen kẽ với các cây ăn trái khác. Để trồng cây rừng hay cây ăn trái ít tốn nguồn lực, tỉ lệ sống sót cao thì trước tiên mảnh đất phải đủ bóng mát, nên bạn muốn trồng cây lâu năm hãy nghĩ đến việc trồng chuối trồng các cây tiên phong tạo bóng ít nhất là trước 1 năm, những cây mà lớn nhanh dễ trồng ấy. Đồng thời mình cũng thuyết phục ba mẹ bỏ 3 sào café để trồng thêm hoa màu và cây ăn trái, làm thay đổi cơ cấu nông sản bán ra của vườn. Tôi muốn bán nông sản trực tiếp từ vườn đến tay người tiêu dùng, vậy nên vườn phải đa dạng thực phẩm, đảm bảo bữa ăn cho khách hàng. Và cứ thế đã có những đơn hàng bán rau, bán lương thực cho những khách hàng đầu tiên. Do trước đây mình có đi học và đi làm nhiều năm ở thành phố nên có nhiều kết nối, các kết nối này là bạn bè, đồng nghiệp sau cũng là khách hàng thân thiết. Nhờ có sự ủng hộ ban đầu này, mà vườn có được nguồn thu ổn định ban đầu và cả sau đó nữa.

Ba Mẹ dù có những lo lắng nhưng yêu thích sự đa dạng của việc trồng nhiều loại cây trong vườn nên quá trình thuyết phục chuyển hướng canh tác, lối sống không có nhiều xung đột, đó thật sự là một điều may mắn. Mình tin rằng sẽ có nhiều bạn gặp khó khăn, thậm chí là xung đột về cách nghĩ, cách làm nông với ba mẹ, nhưng lý do chính yếu của việc chuyển đổi không có nhiều xung đột là mình dành ít nhất 300 ngày/năm để làm việc ngoài vườn. Theo mình, để thuyết phục phụ huynh thành công, tốt nhất là bằng sự chú tâm, dành thời gian làm việc trên vườn. Nếu Ba Mẹ thấy sự yêu thích lớn thì sẽ xiêu lòng. Sau nữa khi thấy khu vườn trở nên hài hòa, tự nhiên thì tự các thành viên sẽ thấy yêu mến và chung tay nhiều hơn. Mình luôn dùng hành động thực tế.

Ngày hôm nay, nhìn khu vườn mình tin tưởng rằng: trong tương lai gần các cây thân gỗ sẽ lớn hơn, khu vườn sẽ trở thành vườn rừng với sự cân bằng giữa việc tạo ra thực phẩm và gìn giữ hệ sinh thái đa dạng, bền vững, gia đình mình rồi cũng là chỉ là những cá thể rất nhỏ nương tựa vào khu vườn ấy.

3. Chi phí vận hành vườn và cuộc sống:

Chúng mình đầu tư nhiều! Các khoản đầu tư lớn như nhà, máy móc làm cà phê, xưởng rang nhỏ, nhà kính, chuồng trại, cây giống. Tất cả phải hơn một tỷ đồng. Vốn đến từ hai nguồn: vay và tái đầu tư từ thu nhập ở vườn. May mắn là việc trả nợ cũng diễn ra suôn sẻ vì chúng mình bán được nông sản như cà phê, mật ong, chuối sấy, rau màu. Thi thoảng việc xoay tiền, lấy đầu này đắp đầu kia cũng có diễn ra, khi đó thì nhức đầu. Nếu không khéo thì làm không đủ trả lãi. Anh chị em về vườn cũng cần thận trọng với các khoản đầu tư. Do tính mình thích làm cho “bài bản” nên phải vất vả hơn từ việc làm vườn cho tới buôn bán. Tới giờ mình thấy đang có gì thì tối ưu lên thôi, chứ không tham thêm nữa. Nếu có tham thì chỉ là thấy chỗ nào trống rồi nhét cây vô đó.

Có một bài học đáng ghi nhớ: Năm ngưng dùng phân hoá học, mình mua mười mấy triệu tiền dung dịch EM nhập khẩu (effective microorganisms) về xịt cho vườn, xịt xong một chút thay đổi khả quan cũng không thấy. Sau này mới biết mình quá khờ, hệ sinh thái vườn khi đó đâu có nuôi được mấy con EM, mà nếu vườn có hệ sinh thái rồi thì chẳng cần mang tụi nó về chi nữa.

Ngoài ra thì Chi phí lớn nhất của vườn đang là lao động, các công việc khối lượng nhiều như cắt cỏ, tỉa cành, thu hái đa phần là công từ bên ngoài, cụ thể là các anh em trong xóm. Mình nhận thấy thời gian đầu, khi các diện tích đất chưa được che phủ nhiều thì cỏ mọc nhanh và dày, mỗi năm chúng mình tốn khoảng 30 ngày công cho việc cắt cỏ. Các khu vực có cây lớn thì cỏ thưa hơn, cắt cũng nhanh hơn. Mỗi năm, tính ra vườn đang dùng công từ bên ngoài khoảng 200 công. Còn công nhà chúng mình không tính vì xem đó là một lợi lạc. Mọi công việc thu vén, tỉ mỉ để vườn thành hình thành dạng, để việc kinh doanh có hồn cốt có ấn tượng với người mua, để cuộc sống gia đình đủ đầy, ấm cúng đều do chính những thành viên trong gia đình chung sức, và hình bóng người phụ nữ trong nhà là rất quan trọng.

Một mặt chúng mình muốn giảm công lao động, nhưng mặc khác vườn đang có nhiều nguồn thu từ nông sản hơn nên việc tăng công lao động cũng là lẽ bình thường. Điều này cũng giúp các anh chị em trong xóm có thêm việc làm, đặc biệt là trong thời buổi có nhiều biến động như dịch bệnh, thiên tai này.

4. Thu nhập của gia đình:

Hiện tại mỗi tháng vườn có thu nhập khoảng 40 đến 50 triệu:

Bùi Farm tại phiên chợ nông sản hữu cơ Đà Lạt

Đến từ vườn: cà phê rang xay, mật ong (mật ong thì 4 năm nay mình liên kết với một chủ bầy ong ở Đồng Nai, mỗi năm chú ấy mang bầy ong lên Đà Loan đặt thì mình mua và bán lại), chuối sấy dẻo, rau đậu..

Ngoài ra, lâu lâu chúng mình có cùng các trường tổ chức thăm quan vườn cho học sinh thành phố, các đợt retreat nương tựa vào tự nhiên. Gần nhất mình được mấy đơn vị mời chia sẻ về nông nghiệp sinh thái, họ cũng có trả một khoản phí. Thực ra những hoạt động này nó diễn ra tình cờ, và đủ cơ duyên, hoặc lúc thuận tiện, chứ mình cũng không chủ đích tập trung vào chúng.

Nói chung để trả lời câu hỏi: về vườn làm sao đủ sống? Tham cầu thì vô hạn, nhu cầu thì chừng mực. Nếu về vườn sống nương tựa vào tự nhiên thì không tốn kém nhiều, vì chi phí chính vẫn là thực phẩm, chỗ ở. Ở vườn chi phí cho hai thứ này có thể đưa dần về 0. Còn nếu bạn muốn làm kinh tế, muốn có nhiều sản phẩm bán ra bên ngoài, muốn ở quê với tiện nghi, muốn khi đau ốm được đưa đi bệnh viện lớn thì đó là một câu chuyện khác, một bài toán cần được học kỹ để khi thực hành ít gặp phải sai lầm, vì thị trường không bao dung như tự nhiên.

Gia đình mình có thể nói là nằm giữa hai cách thức đó, đến thời điểm hiện tại, thấy đủ sống, không quá bận rộn, đất đai ngày càng màu mỡ, kết nối cộng đồng thêm bền chặt, có được một lượng khách hàng yêu mến qua nhiều năm, có một khoản dự trữ nhỏ khi cần thiết.

5. Hòa nhập cộng đồng:

Mấy năm đầu về mình không đi đâu và không chơi với ai, mình thấy thanh niên trong xã thích nhậu hoặc nói những chuyện phiếm mà mình không quan tâm; hàng xóm thì tìm cách lấn đất hay trộm chuối, chính quyền địa phương thì không quan tâm (đến giờ mình cũng không hiểu sao khi đó lại cần được quan tâm). Lúc đó trong mắt anh thanh niên từ phố về quê chỉ thấy những trái khoáy, tiêu cực của vùng nông thôn nơi anh ấy ở.

Trò chuyện cùng bà con trong vùng về cách thức canh tác của gia đình mình

Và rồi cơ duyên cho mình gặp gỡ những người nông dân dễ mến, những người bạn nước ngoài sống ở Đà Lạt  xem nơi đây như quê hương thứ hai và muốn đóng góp cho quê hương này; cả những người bạn là bệ đỡ tinh thần cho cộng đồng, nhờ đó mình có nhiều đổi thay trong tâm thức. Chúng mình cùng nhau xây dựng cộng đồng tiếng Anh, phiên chợ nông sản hữu cơ Đà Lạt, vòng tròn hạnh phúc và những vòng tròn bạn hữu nông dân sinh thái biết tương trợ nhau.

Dần dần, một lúc nào không hay, mình và gia đình cũng có kết nối sâu hơn với cộng đồng địa phương, những người anh em đang giúp chúng mình làm vườn, những bà con người đồng bào Churu, Koho, Lạch, Chil. Thi thoảng chúng mình tổ chức đi thăm nhau hoặc vần công trồng cây.

Viết đến đây, mình bỗng nhớ rằng, Xanhshop có hỏi mình một câu: Về vườn vui vẻ với anh là gì ? Đó là:

  • Tự do hơn về ý chí
  • Tự tạo ra một mô hình nông nghiệp có tính tuần hoàn
  • Được ngồi thảnh thơi dưới gốc cây do mình trồng và ngắm nghía đất trời
  • Được kết nối với những người bạn lành
  • Được ăn thực phẩm do chính mình làm ra
  • Được sống cạnh Ba Mẹ
  • Được trả ơn cho Đất Mẹ
  • Được ôm ấp bởi tự nhiên
  • Được trở thành một bản thể hoàn thiện hơn.

Ngày hôm nay, mình đã quay về với gốc cây dẻ giữa đồi ngày nhỏ, với cái gốc trong tâm hồn mình – gia đình, vậy nên cũng chúc bạn Về vườn vui vẻ.

Bùi Anh Tuấn

Thông tin vườn:

Ý kiến của độc giả

  1. Võ Truong Khanh

    Bài viê’t hay quá. Râ’t biê’t ön anh Tuâ’n, cám ön anh đã chia sė 1 sů tråi nghiêm thůc tê’ tuyêt vōi. Mình hoc đuoc nhiê`u ý tuong mői qua bài viê’t cůa anh.

Ý kiến của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Scroll to Top